Trong bài nghiên cứu này, chúng tôi lấy mốc nghiên cứu từ đầu thế kỉ XXI, khi đất nước bắt đầu hội nhập sâu sắc vào nền kinh tế thế giới, những thành tựu đổi mới rõ ràng, ổn định và tác động lớn đến đời sống xã hội. Những tác động này theo thời gian càng mạnh mẽ, sâu sắc. Hôn nhân – gia đình của người Việt là một lĩnh vực thuộc tầng sâu của quan niệm xã hội, bảo lưu hiệu quả những quan niệm và chuẩn mực. Để những tác động của sự thay đổi trong xã hội chạm đến lĩnh vực này cần một thời gian nhất định, và đầu thế kỉ XXI mới là thời điểm những thay đổi này định hình.
Năm 1986, Đại hội Đảng lần VI đã chấp thuận chính sách đổi mới, chuyển đổi nền kinh tế theo hướng kinh tế thị trường định hướng chủ nghĩa xã hội. Bắt đầu từ sự đổi mới đó, nước ta dần dần từng bước hội nhập với thế giới với những sự kiện dồn dập. Năm 1995, nước ta gia nhập khối ASEAN, sau khi bình thường hóa quan hệ với Mỹ một năm trước đó. Năm 1996, nước ta gia nhập ASEM, hai năm sau gia nhập APEC.. Ngày 11 tháng 1 năm 2007, nước chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế
giới (WTO) sau 11 năm đàm phán, đánh dấu quá trình hội nhập sâu sắc và toàn diện vào nền kinh tế thế giới. Vào ngày 16 tháng 10 năm 2007, Việt Nam đã được bầu làm một trong các thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cho nhiệm kỳ 2008-2009. Sự kiện này đã chứng tỏ Việt Nam hội nhập sâu sắc với thế giới và được thế giới đón nhận.
Những sự kiện dồn dập tham gia vào các tổ chức thể giới chứng tỏ Việt nam đang hội nhập một cách sâu sắc và mạnh mẽ với thế giới. Quá trình này đã hệ quả theo cả hai chiều hướng tích cực và tiêu cực.
Đầu tiên, các thành tựu, xu hướng mới về văn hóa, xã hội trên thế giới nhanh chóng được cập nhật trong nước, quá trình giao lưu giữa nước ta với các nền văn hóa trên thế giới diễn ra một cách thoải mái, rộng rãi và tự do, nối gần khoảng cách giữa nước ta với thế giới. Đặc biệt, những xu hướng trong lối sống nhanh chóng được tiếp nhận, nhất trong giới trẻ. Như đã phân tích, xu thế bà mẹ đơn thân bắt đầu phát triển mạnh trên thế giới từ những năm 1960 và ngày càng có mở rộng hơn. Giới trẻ Việt Nam, những người thuộc thế hệ 8X, 9X, chính là những người tiếp xúc và tiếp nhận xu hướng này đầu tiên.
Thứ hai, những quan điểm về hôn nhân - xã hội của người Việt có những thay đổi tạo điều kiện cho sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng bà mẹ đơn thân. Tình trạng quan hệ tình dục trước hôn nhân ngày càng phổ biến và được giới trẻ chấp nhận như một điều tất yếu. Tình yêu được xem là nền tảng của hôn nhân, giới trẻ được quyền tự do chọn lựa, yêu đương và kết hôn. Vị trí và quan niệm về tầm quan trọng của bền vững gia đình đã có sự thay đổi nhất định, thời gian và tâm trí của mỗi thành viên giành cho gia đình đã giảm đi nhiều. Trong gia đình, sự tham gia dạy dỗ và quyết định của cha mẹ với con cái đã giảm đi, chính vì thế, tình trạng li hôn và rũ bỏ trách nhiệm ngày càng nhiều.
Thứ ba, dư luận xã hội – một trong những yếu tố có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với việc điều chỉnh hành vi và lối sống của người Việt đã có những thay
đổi nhất định. Dư luận xã hội không còn vai trò thống trị như trước khi giới trẻ đề cao tự do cá nhân và bắt đầu thờ ơ với dư luận xã hội.
Ba yếu tố trên chính là ba yếu tố chính, có tác động mạnh mẽ nhất đến xã hội Việt và dẫn đến nhiều thay đổi mang tính chất đột phá trong lối sống của người dân mà đặc biệt là giới trẻ. Những người này bắt đầu quá trình nhận thức và nhìn nhận xã hội từ khi đất nước bắt đầu mở cửa hội nhập giao lưu. Bản thân họ là những người hoàn toàn lớn lên trong không khí hội nhập, không bị gò bó bởi những luồng tư tưởng cũ nên lối sống, cách sống và cách nghĩ đã hoàn toàn khác so với thế hệ trước. Những sự đổi thay của xã hội tác động mạnh mẽ nhất và thể hiện rõ nét nhất trong giới trẻ. Đó là lối sống phóng khoáng, tự do, dường như vượt ra mọi quan niệm về luân thường, chuẩn mực trước đó. Chính vì thế, hầu hết những bà mẹ đơn thân thuộc đối tượng nghiên cứu của đề tài là những người thuộc thế hệ trẻ, 7X, 8X và 9X, trong đó phần lớn là 8X.