Cách thức giáo dục trong gia đình

Một phần của tài liệu Bước đầu tìm hiểu về hiện tượng bà mẹ đơn thân ở Hà Nội hiệnnay (Trang 52 - 57)

CHƯƠNG HAI: HIỆN TRẠNG BÀ MẸ ĐƠN THÂN

2.2.3 Cách thức giáo dục trong gia đình

Trong quan niệm truyền thống của người Việt, giáo dục gia đình có vai trò rất quan trọng. Người đóng vai trò chủ đạo trong mô hình giáo dục ấy là người phụ nữ bởi lẽ “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Tuy nhiên, vai trò giáo dục của người đàn ông đối với người con cũng không kém phần quan trọng. Trong gia đình, sự tồn tại của người đàn ông với sự cương quyết, mạnh mẽ thường khiến những người con trong nhà có sự nể sợ và kính trọng. Một gia đình dù tồn tại một người đàn ông nhu nhược, không có vai trò lớn trong gia đình thì sự tồn tại của người đàn ông ấy vẫn khiến gia đình ổn định hơn. Người Việt thường ví người đàn ông là trụ cột trong gia đình không chỉ vì vai trò kinh tế mà còn vì uy danh của người đàn ông trong gia đình, ảnh hưởng và sự chi phối của người đàn ông ấy với người con trong gia đình.

Trong mô hình bà mẹ đơn thân, sự thiếu vắng của người đàn ông để lại một khoảng trống lớn mà dù người phụ nữ có làm thế nào cũng không thể bù đắp được. Trong gia đình, người mẹ với bản tính của phụ nữ, luôn mềm mỏng, dịu dàng để dạy dỗ, uốn nắn con cái. Còn người cha, với sự mạnh mẽ và cương quyết thường dạy con theo hướng nghiêm khắc. Chính vì thế, những việc mà người mẹ chỉ bảo con không nghe thì người cha sẽ lấy cái uy của mình ra để răn đe con cái. Như vậy, trong gia đình, thường người mẹ sẽ đóng vai hiền, người cha sẽ đóng vai ác để dạy dỗ con cái. Sự kết hợp linh hoạt của cha và mẹ trong việc dạy dỗ con cái sẽ mang lại hiệu quả tốt nhất trong giáo dục gia đình.

Trong mô hình bà mẹ đơn thân, sự thiếu vắng của người cha sẽ khiến người mẹ phải gồng mình lên để đảm nhận việc dạy dỗ con được đầy đủ. Họ sẽ phải vừa đóng vai hiền, vừa đóng vai ác, khi thì dùng sự dịu dàng của mẹ, khi thì dùng sự mạnh mẽ của người cha. Dù việc giáo dục con cái chủ yếu là do người mẹ đảm nhận nhưng họ cũng không thể bù đắp nổi những thiếu hụt ấy. Chị Phương Anh đã chia sẻ: “mình có đánh nó đau đến mấy thì nó cũng

không sợ bằng một cái trừng mắt của em trai mình. Cái gì mà không nói được con thì mình phải đưa cậu ra để dọa hoặc nhờ cậu dạy nó”. Như vậy, có thể thấy, cái uy của người đàn ông trong nhà để khiến con cái nể sợ người mẹ không thể nào thay thế được. Chính vì thế, những bà mẹ đơn thân thường phải nhờ một người đàn ông khác để đảm nhận cái uy danh ấy. Người đàn ông này thường là mẹ hoặc anh em trai của họ nếu họ sống cùng gia đình hoặc một người đàn ông hàng xóm hoặc một người bạn trai nào đó của họ nếu sống độc lập. Tuy nhiên, những người đàn ông ấy chỉ giúp họ đảm nhận cái uy trong gia đình một phần nào đấy chứ không thể thay thế người cha. Có những khi không thể dạy được con họ đành phải chấp nhận bỏ qua vấn đề ấy, gây nên những lỗ hổng trong giáo dục gia đình.

Gia đình không chỉ đảm nhận việc giáo dục của riêng mình mà còn kết hợp, hỗ trợ với nhà trường trong việc giáo dục trẻ. Người cha hoặc người mẹ sẽ là người thay phiên nhau kèm đứa trẻ học hàng ngày, giải thích những chỗ đứa trẻ chưa hiểu, theo dõi quá trình học tập để đưa ra phương pháp và hỗ trợ trẻ học tập. Trong mô hình bà mẹ đơn thân, việc kiếm tiền, nuôi dạy con đã chiếm quá nhiều thời gian của họ, khiến họ trở nên mệt mỏi. Không những thế, một mình người mẹ phải kết hợp với nhà trường giáo dục trẻ nên hoạt động này phần nào bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, đối với những bà mẹ đơn thân, đứa trẻ là toàn bộ tài sản mà họ có, họ cố gắng để đem đến cho đứa trẻ những điều tốt đẹp nhất, sự quan tâm giành cho đứa trẻ nhiều hơn. Chính vì thế, họ có thể không quan tâm đến việc học hành của con là do không đủ thời gian nhưng họ vẫn quan tâm và cố gắng để ý đến vấn đề này. Hầu hết những bà mẹ đơn thân đều có sự tương tác rất tốt với nhà trường và giáo viên của trẻ. Hơn nữa, trường hợp của họ tương đối đặc biệt, những giáo viên vì thế cũng cố gắng quan tâm đến những thay đổi về tâm sinh lí và học hành của trẻ hơn.

Hoạt động giáo dục con cái là một việc đòi hỏi nhiều thời gian và tâm sức, là một quá trình lâu dài và khó khăn, phức tạp. Chính vì thế, trong quá trình ấy, sự hỗ trợ giữa người cha và người mẹ không chỉ để giáo dục con cái

tốt hơn mà còn để sẻ chia những khó khăn, mệt mỏi. Đối với những bà mẹ đơn thân, một mình họ phải đảm nhận tất cả công việc giáo dục con cái, áp lực từ những lần không đạt hiệu quả trong việc giáo dục con họ phải gánh chịu một mình. Không những thế, những bà mẹ đơn thân lại còn chịu cái nhìn khắt khe của dư luận, sự đánh giá khắt khe về việc nuôi dạy con một mình, về những đứa trẻ không có cha. Chính vì thế, áp lực và những mệt mỏi trong việc giáo dục con cái mà bà mẹ đơn thân phải gánh chịu nhiều hơn những bà mẹ bình thường rất nhiều.

Khó khăn lớn nhất của bà mẹ đơn thân trong việc dạy dỗ con cái chính là giáo dục về giới tính. Trong gia đình, người cha và người mẹ đại diện của giới nam và nữ trong xã hội. Bản thân người cha và người mẹ với những cách đi lại, nói chuyện, giao tiếp…của họ đã trực tiếp là hình mẫu về sự khác biệt giữa giới tính nam và nữ để con cái học tập và noi theo. Trẻ em mới sinh ra chưa được đình hình về giới tính và sự khác biệt giữa hai giới, thường thiên về tính nữ nhiều hơn. Tuy nhiên, trong quá trình trường thành, sự nhận thức về giới này sẽ ngày càng rõ nét và bản thân đứa trẻ sẽ lựa chọn hành vi, cách ứng xử….dựa trên sự bắt chước người cha, người mẹ là chủ yếu để định hình giới tính cho mình.

Sự tồn tại của người cha trong gia đình là hình mẫu về người đàn ông cho con cái học tập. Sự thiếu vắng người cha trong gia đình dẫn đến sự thiếu hụt về hình mẫu người đàn ông cho con cái, chính vì thế, tính nữ trong những đứa trẻ này thường lớn hơn những đứa trẻ bình thường. Trong mô hình bà mẹ đơn thân, những đứa trẻ là nam, người mẹ dù mạnh mẽ và cố gắng đến đâu cũng không thể là hình mẫu về hành động, cách ứng xử…của người đàn ông cho con. Chính vì thế, đứa trẻ sẽ không biết phải bắt chước những hành động từ cha, chúng phải tìm đến những người đàn ông khác để học hỏi. Tuy nhiên, những người đàn ông khác không thể thường xuyên gần gũi với đứa trẻ, chính vì thế, sự thiếu hụt một phần những phẩm chất, hành động của người đàn ông. Đối với những đứa trẻ là nữ trong mô hình bà mẹ đơn thân, sự thiếu hụt người cha làm đứa trẻ khó hình dung được về giới tính nam. Thông thường,

con gái có xu hướng tìm hiểu về đàn ông qua người cha của mình, lấy người cha làm hình mẫu cho người chồng tương lai của mình. Sự thiếu vắng người cha khiến người con gái thiếu sự hiểu biết về phái nam, dẫn đến những sai lầm một cách cơ bản khi tiếp xúc với nam giới sau này. Không những thế, sự thiếu hiểu biết ấy còn có thể dẫn đến những tiêu cực khi tiếp xúc với nam giới và đối diện với người chồng trong gia đình sau này của mình.

Trước đây, giáo dục về giới tính, sức khỏe sinh sản là việc cấm kị trong gia đình và xã hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội phức tạp, vấn đề về giới tính và sức khỏe sinh sản trở thành vấn đề nóng trong xã hội như hiện nay thì việc giáo dục giới tính trong gia đình trở nên đặc biệt quan trọng. Những nhà nghiên cứu đã khẳng định, nếu cha mẹ không biết cách giải thích và giáo dục giới tính cho con cái đúng cách, cấm đoán hay lẩn tránh những vấn đề giới tính sẽ tạo nên sự tò mò hoặc sự lệch lạc trong hiểu biết giới tính của trẻ. Chính vì không hiểu biết cho nên những đứa trẻ ấy có cách nhìn nhận về giới tính một cách cực đoan hoặc vì tò mò nên thử một cách bừa bãi, không biết cách bảo vệ và phòng ngừa cho mình. Trong những gia đình bình thường, cha mẹ đã lúng túng khi giải thích cho con những vấn đề về giới tính thì trong mô hình bà mẹ đơn thân, vấn đề này càng nan giải hơn. Người mẹ khó giải thích cho con về giới tính nam, về những vấn đề về tình dục và sức khỏe sinh sản. Chính vì thế, vấn đề giáo dục là nỗi băn khoăn lớn của những bà mẹ đơn thân khi giáo dục con cái.

Một vấn đề nghiêm trọng nữa trong giáo dục gia đình trong mô hình bà mẹ đơn thân chính là quan niệm về tình yêu, hạnh phúc và gia đình trong lòng những đứa trẻ sẽ có những điểm khác biệt. Hầu hết bà mẹ đơn thân đều lựa chọn con đường này vì mất niềm tin vào tình yêu, người đàn ông và hôn nhân. Những suy nghĩ tiêu cực ấy của họ có thể ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến con cái họ. Có những bà mẹ đơn thân thể hiện sự mất niềm tin ấy cho con và khuyên răn con không nên tin vào những thứ ấy. Có những bà mẹ chỉ xem cuộc đời mình là không may mắn và vẫn dạy con tin vào tình yêu và hôn

nhân. Nhưng những đứa trẻ tự chứng kiến cuộc đời mẹ sẽ có những sự lo lắng và mất niềm tin nhất định. Chúng lo sợ cuộc đời chúng sẽ lặp lại như cuộc đời của người mẹ mình. Nhiều bà mẹ đơn thân nghe con tâm sự về vấn đề này đã không thể làm cách nào cho con hiểu. Một bà mẹ đơn thân đã tâm sự trên diễn đàn webtretho, lúc nghe con gái của mình nói “con không tin vào tình yêu, sau này con sẽ sống như mẹ” đã phải ân hận vì quyết định của cuộc đời mình có thể làm hỏng cả cuộc đời con mình sau này. Con gái của bà mới 15 tuổi, lứa tuổi đẹp nhất dành cho những rung động đầu đời nhưng đã sớm khép trái tim mình lại, không có niềm tin vào tình yêu. Những đứa trẻ sớm phải chịu thiệt thòi, bất hạnh sẽ bất an, lo lắng và mất niềm tin vào cuộc sống nhiều hơn những đứa trẻ khác.

Người đảm nhận vai trò chính và chủ yếu trong giáo dục gia đình là cha và mẹ của đứa trẻ. Tuy nhiên, sự hỗ trợ giáo dục từ những thành viên khác như ông bà nội ngoại, cô dì, chú bác…cũng đóng vai trò khá quan trọng. Trong mô hình bà mẹ đơn thân, những đứa trẻ không chỉ thiếu sự giáo dục từ người cha mà còn thiếu cả sự giáo dục từ hai bên nội ngoại xuất phát từ sự rạn nứt trong những mối quan hệ như đã phân tích trong mục 2.2.2. Lỗ hổng trong giáo dục gia đình vì thế càng rộng và khó kiểm soát hơn.

Như vậy, có thể thấy, việc thiếu hụt người đàn ông trong gia đình gây ra rất nhiều khó khăn trong việc giáo dục gia đình. Người phải gánh chịu những khó khăn ấy là những đứa trẻ khi không được giáo dục một cách toàn diện và đầy đủ. Sự thiếu vắng người cha vào giai đoạn đứa trẻ còn nhỏ và bắt đầu vào tuổi dậy thì là hai giai đoạn gây ra những hậu quả nghiêm trọng nhất trong giáo dục. Giai đoạn thiếu vắng càng dài thì hậu quả càng nghiêm trọng.

Những kết quả khảo sát của những nhà nghiên cứu xã hội học đã khẳng định những đứa trẻ sinh ra, lớn lên trong mô hình bà mẹ đơn thân không thể nhận được sự giáo dục gia đình đầy đủ như những đứa trẻ trong gia đình bình thường. Hậu quả là những đứa trẻ này thường có những suy nghĩ lệch lạc, có xu hướng phạm tội nhiều hơn những đứa trẻ bình thường khác. Phần lớn những vụ án mà đối tượng gây án là trẻ vị thành niên thường xuất thân trong

những gia đình khiếm khuyết, cha mẹ li hôn hoặc không nhận được sự quan tâm từ cha mẹ. Nhân tố gia đình có ảnh hưởng lớn đến hành vi phạm tội của trẻ vị thành niên. Điển hình cho những đứa trẻ ấy là My sói trong vụ cầm đầu một băng nhóm con trai đi cưỡng hiếp tập thể. “Số liệu thống kê của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cho thấy 71% trẻ vị thành niên phạm pháp là do không được quan tâm chăm sóc đến nơi đến chốn. Một nghiên cứu mới đây của Bộ Công an cũng chỉ ra nguyên nhân phạm tội của trẻ vị thành niên xuất phát từ gia đình: 8% trẻ phạm tội có bố mẹ ly hôn, 28% phàn nàn bố mẹ không đáp ứng nhu cầu cơ bản của các em, 49% phàn nàn về cách đối xử của bố mẹ.” [http://www.tin247.com/tre_vi_thanh_nien_pham_toi_do_anh_huong_cua_gia_dinh-7- 64459.html]. Sự thiếu vắng của người cha trong gia đình có thể gây nên nhiều hệ lụy trong giáo dục gia đình, ảnh hưởng nghiêm trọng đến xã hội sau này.

Một phần của tài liệu Bước đầu tìm hiểu về hiện tượng bà mẹ đơn thân ở Hà Nội hiệnnay (Trang 52 - 57)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(82 trang)
w