Đời sống vật chất 1 Thu nhập

Một phần của tài liệu Bước đầu tìm hiểu về hiện tượng bà mẹ đơn thân ở Hà Nội hiệnnay (Trang 37 - 40)

CHƯƠNG HAI: HIỆN TRẠNG BÀ MẸ ĐƠN THÂN

2.1 Đời sống vật chất 1 Thu nhập

2.1.1 Thu nhập

Trong quan niệm truyền thống của người Việt, “đàn ông xây nhà”, việc kiếm tiền trong gia đình thường là do người đàn ông đảm nhận. Trong tiềm thức của người Việt, người đàn ông mà không thể kiếm được tiền để nuôi sống gia đình hay kiếm ít tiền hơn vợ là kém cỏi. Người phụ nữ Việt thường chỉ là người kiếm nguồn thu nhập phụ hoặc đơn thuần là nội trợ, chăm lo gia đình, không kiếm tiền.

Trong mô hình bà mẹ đơn thân, người mẹ đảm nhận vai trò của cả bố và mẹ. Không có người đàn ông làm trụ cột, công việc kiếm tiền người phụ nữ trong mô hình bà mẹ đơn thân phải đảm nhận, thậm chí đảm nhận với gánh

nặng gấp nhiều lần người phụ nữ trong những gia đình bình thường. Họ phải lăn lộn kiếm đủ tiền để có thể trang trải cuộc sống cho cả gia đình.

Thế kỉ XXI là thế kỉ của phụ nữ, người phụ nữ có khả năng có được những công việc ổn định và mang lại nguồn thu nhập không kém gì đàn ông. Có những người phụ nữ làm mẹ đơn thân có thể kiếm được một nguồn thu nhập khá, đảm bảo một cuộc sống dư giả cho cả mẹ và con. Như trường hợp chị Phạm Thị Thanh Nhàn, thu nhập hàng tháng của chị là mười lăm triệu đồng, đảm bảo nuôi sống bản thân, con gái, mẹ và em gái của chị. Tuy nhiên, trường hợp những người phụ nữ có thể có nguồn thu nhập tương đối và ổn định cuộc sống như thế không nhiều.

Hầu hết những bà mẹ đơn thân đều gặp nỗi lo lớn nhất chính là thu nhập. Bản thân họ kiếm tiền phải đảm bảo đủ nuôi sống bản thân và con cái họ. Hầu hết những trường hợp bà mẹ đơn thân người nghiên cứu tiếp xúc đều nuôi con nhỏ, yêu cầu về thu nhập lại cao hơn bởi “một trẻ con bằng hai người lớn”. Thu nhập của những bà mẹ đơn thân này đều rơi vào khoảng từ năm đến mười triệu, một khoản thu nhập không phải thấp ở thủ đô nhưng để đảm bảo cuộc sống của bà mẹ đơn thân thì khoản tiền ấy chưa đủ.

Với số tiền thu nhập hàng tháng như thế, các bà mẹ đơn thân chia sẻ họ chỉ đủ ăn và tiêu, số tiền tích lũy không nhiều. Đối với những bà mẹ đơn thân không phải người Hà Nội, không có nhà Hà Nội thì số tiền thuê nhà mỗi tháng cũng chiếm một khoản không nhỏ trong thu nhập của họ. Chính vì thế, mỗi lần con ốm hay có công việc là một lần họ phải lao đao vì tiền.

Đối với những bà mẹ đơn thân, ngoài thu nhập của bản thân, có những trường hợp may mắn được gia đình hỗ trợ hay trợ cấp nuôi con từ phía người chồng, giúp đỡ của bên nội. Tiêu biểu như trường hợp của chị Đỗ Thanh Tú, mỗi tháng mẹ chị cho chị một triệu đồng từ tiền lương hưu của bà để giúp chị nuôi con. Trường hợp của chị Nguyễn Thị Phương Anh, sống cùng với bố mẹ đẻ nên chị được hỗ trợ phần nào về tiền ăn. Bố mẹ chị cũng đảm nhận việc nộp tiền học phí và thỉnh thoảng mua đồ cho con chị. Có những trường hợp như chị Hoàng Bích Ngọc khi khó khăn có thể thỏa thuận với chồng cũ để

giúp đỡ trang trải một phần chi phí, thường là tiền học phí của con. Tuy nhiên những trường hợp như trên không nhiều. Thứ nhất, người Việt vốn trọng nam khinh nữ, cha mẹ chủ yếu lo cho con trai, con gái khi đã lấy chồng rồi coi như con người ta, đứt gánh giữa đường cũng khó được bố mẹ giúp đỡ. Với những trường hợp không lấy chồng, bố mẹ khó lòng chấp nhận vì thế khó có thể hỗ trợ cho con. Thứ hai, nhìn vào hiện trạng li hôn ở Việt Nam hiện nay, số trường hợp người chồng chấp nhận gửi trợ cấp nuôi con đầy đủ hàng tháng cho vợ là không nhiều, xuất phát từ sự lỏng lẻo của luật pháp. Sự rạn nứt trong hôn nhân thường dẫn đến sự rạn nứt trong quan hệ của nàng dâu và họ hàng nhà chồng, số trường hợp bên nội trợ cấp cho bà mẹ đơn thân cũng không nhiều. Nhìn chung, số lượng bà mẹ đơn thân có nguồn thu nhập thêm từ trợ cấp các nguồn khác là không nhiều và không đáng kể.

Chính vì gánh nặng thu nhập, những bà mẹ đơn thân phải làm việc với tần suất nặng hơn những bà mẹ bình thường rất nhiều. Chia sẻ về khó khăn tài chính là chủ đề thường thấy trong câu lạc bộ Cha mẹ đơn thân trên các website. Có những bà mẹ đơn thân phải lao vào kiếm tiền bất chấp tình trạng sức khỏe để cuối cùng phải nhập viện, mất một khoản tiền lớn hơn số tiền mình đã kiếm được trong thời kì lao lực ấy. Có những bà mẹ đơn thân không dám nghỉ phép kể cả ốm, không dám vào viện sinh con mà chỉ sinh ở nhà hộ sinh vì không có tiền, không thể cho con đi học thêm…Gánh nặng tài chính là gánh nặng lớn nhất mà hầu hết các bà mẹ đơn thân phải chịu.

2.1.2 Nhà ở

Với đặc trưng là một môi trường đô thị, Hà Nội thu hút về rất nhiều lao động từ mọi vùng miền khác nhau. Những người lao động này phần lớn đều thuê phòng trọ hay nhà để ở vì giá cả đất đai, nhà cửa ở Hà Nội cực kì đắt đỏ. Những bà mẹ đơn thân cũng không nằm ngoài xu thế đó.

Một bộ phận nhỏ bà mẹ đơn thân có thể có được nhà ở Hà Nội là kết quả của cuộc hôn nhân đã tan vỡ để lại hoặc bản thân họ có khả năng tự mua nhà cho mình. Tuy nhiên, những trường hợp như trên không nhiều. Một số những bà mẹ đơn thân khác, nếu là người Hà Nội thì thường sống cùng với cha mẹ

đẻ trong ngôi nhà của cả gia đình. Người mẹ và con sẽ được ở một phòng trong nhà như khi người mẹ chưa làm mẹ đơn thân. Những trường hợp này có thể thấy các thế hệ trong gia đình sống tập trung trong cùng một nhà nhưng tính chất đã khác so với những gia đình truyền thống trước đây.

Phần lớn những bà mẹ đơn thân ở Hà Nội đều sống trong những ngôi nhà hoặc căn phòng thuê. Địa điểm họ ở là không cố định, có thể di dời vì nhiều lí do khác nhau. Ngôi nhà, căn phòng không phải là tài sản của họ nên không thể tự do bài trí, sắp xếp. Nhìn chung, thông thường những bà mẹ đơn thân có con nhỏ thường thuê những ngôi nhà cấp bốn độc lập hoặc những căn phòng ở tầng dưới để đảm bảo an toàn cho con. Mẹ và con sống chung một phòng. Căn phòng thường bài trí đơn giản, chỉ có những vật dụng cần thiết nhất là một chiếc giường, tủ quần áo, bàn ghế và vật dụng nấu ăn. Những yếu tố về phong thủy, bố trí sắp đặt, chức năng kinh tế… của ngôi nhà không còn được quan tâm nhiều nữa.

Như vậy, có thể thấy nhà ở của bà mẹ đơn thân đã có nhiều biến đổi to lớn, không còn chút dấu vết nào của nhà ở truyền thống của người Việt. Tuy nhiên, trong nhà ở của bà mẹ đơn thân, người mẹ và con hầu như chung nhau toàn bộ không gian sống, tần suất gặp mặt trong nhà của họ liên tục, người mẹ có thể kiểm soát, quan tâm tốt đến con mình. Điều này có vẻ như ưu việt hơn trong mô hình gia đình hạt nhân hiện nay khi mỗi người có một không gian sống riêng, không gian chung hầu như không có khiến bố mẹ gần như không kiểm soát được con cái, tình cảm gia đình cũng trở nên phai nhạt hơn.

Một phần của tài liệu Bước đầu tìm hiểu về hiện tượng bà mẹ đơn thân ở Hà Nội hiệnnay (Trang 37 - 40)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(82 trang)
w