Cách thức thực hiện các vai trò của gia đình

Một phần của tài liệu Bước đầu tìm hiểu về hiện tượng bà mẹ đơn thân ở Hà Nội hiệnnay (Trang 57 - 62)

3.1 Vai trò sinh sản và tái sản xuất ra con người và xã hôi

Trong mô hình bà mẹ đơn thân, vai trò tái sản xuất ra con người vẫn được duy trì nhưng ở mức độ thấp hơn những gia đình bình thường. Những bà mẹ đơn thân thường thực hiện vai trò này trước khi làm mẹ đơn thân và phần lớn trong số họ chỉ có một người con. Gánh nặng về kinh tế và áp lực nuôi dạy con khiến nhiều bà mẹ đơn thân không dám nuôi hai con, trừ khi họ li hôn và không thể giao việc nuôi con cho chồng.

Rất hiếm có bà mẹ đơn thân quyết định có thêm con khi họ đang làm mẹ đơn thân. Một phần vì họ gặp khó khăn để có thể tìm một người cha cho đứa bé nhưng phần lớn là họ không thể đảm nhận tốt việc nuôi nhiều con. Có những trường hợp như của chị Đỗ Thanh Tú, chị li hôn khi đã có một bé bốn tuổi và đang mang bầu bé thứ hai. Chị thỏa thuận với nhà chồng chị đẻ bé thứ hai sau đó họ sẽ nuôi bé nhưng gia đình nhà chồng không chấp nhận. Không thể đảm bảo cuộc sống cho cả hai con, chị quyết định bỏ đứa con thứ hai. Nguyên nhân không chỉ những vấn đề về kinh tế mà cả tâm lí, sức khỏe…và tương lai của đứa bé. Họ thường chỉ thực hiện chức năng này khi còn làm mẹ

đơn thân khi ở tình huống bất đắc dĩ. Như vậy, có thể thấy, trong mô hình bà mẹ đơn thân, vai trò tái sản xuất ra gia đình và xã hội bị giới hạn khá nhiều.

3.2 Vai trò kinh tế

Trong xã hội Việt Nam trước đây, vai trò kinh tế của gia đình thể hiện rất rõ nét. Hiện nay, vai trò này chỉ thể hiện ở hoạt động kinh tế của gia đình và những mô hình kinh doanh gia đình.

Trong mô hình bà mẹ đơn thân, vì không thể dựa vào chồng, ít những sự trợ giúp nên hầu hết bà mẹ đơn thân phải tham gia hoạt động kinh tế, tự mình kiếm sống. Không những thế, họ còn phải hoạt động kinh tế nhiều hơn những người phụ nữ bình thường rất nhiều vì một mình nuôi con. Những bà mẹ đơn thân phải tìm mọi cách để trang trải cuộc sống, làm nhiều ngành, nhiều việc, tận dụng tối đa khả năng và thời gian. Chính vì thế, họ đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế và nâng cao vai trò kinh tế của người phụ nữ trong xã hội.

Những bà mẹ đơn thân có khả năng cao để lập nên những mô hình kinh tế gia đình. Xuất phát từ tâm lí mất mát và đổ vỡ, họ chỉ đặt niềm tin và giúp đỡ những người thân của mình mà thôi.Nếu họ có khả năng kinh tế vững chắc, họ sẽ lập thành mô hình kinh tế gia đình chỉ bên nhà ngoại.

Như vậy, có thể thấy mô hình bà mẹ đơn thân có những đóng góp nhất định và khác biệt cho nền kinh tế. Vai trò kinh tế của mô hình bà mẹ đơn thân có những biến đổi nhất định so với vai trò kinh tế của gia đình.

3.3 Vai trò xã hội hóa con người

Vai trò xã hội hóa con người chính là vai trò của giáo dục gia đình. Trong mô hình bà mẹ đơn thân, việc xã hội hóa con người hầu hết do người mẹ đảm nhận. Vai trò này của người mẹ tuyệt đối hơn so với người mẹ trong gia đình đơn thân, tự họ phải đảm nhận mọi công việc dạy dỗ trẻ, không nhận được sự hỗ trợ từ phía khác hoặc sự hỗ trợ ấy không có nhiều tác dụng. Chính vì thế, áp lực xã hội hóa của người mẹ đơn thân rất lớn.

Người mẹ đơn thân đảm nhận toàn bộ việc xã hội hóa, giáo dục con cả những điều thuộc trách nhiệm của người cha. Người mẹ thay thế cả trách nhiệm của người cha trong việc dạy dỗ con cái. Hầu hết mọi điều đứa trẻ học được từ gia đình chỉ từ mẹ, mẹ là người duy nhất gần gũi và giáo dục trẻ.

Những bà mẹ đơn thân thường có xu hướng bất an khi mình gặp bất trắc hay ốm đau thì không ai chăm sóc con nên họ dạy cho con những kĩ năng để có thể tự chăm sóc cho bản thân và tự sống một mình từ khá sớm. Đây là một ưu điểm nổi bật trong việc giáo dục con cái của những bà mẹ đơn thân.

Trong những hộ bà mẹ đơn thân, nếu người mẹ sống cùng gia đình bên ngoại thì người thân của họ cũng góp sức vào việc xã hội hóa đứa trẻ, hỗ trợ người mẹ khá nhiều. Tuy nhiên, người mẹ vẫn đóng vai trò quyết định, họ có thể điều chỉnh quá trình xã hội hóa của những thành viên khác theo ý mình, hoàn toàn được toàn quyền quyết định với cuộc đời của con mình.

Hầu hết những bà mẹ đơn thân đều không có mối liên hệ mât thiết với nhà chồng, những đứa trẻ nhận được sự giáo dục từ những thành viên bên nhà nội khá hiếm hoi. Nếu có, quá trình này cũng không có nhiều ảnh hưởng quan trong đến trẻ.

Như đã đề cập ở phần 2.2.2, những sự rạn nứt trong tình cảm gia đình có thể dẫn đến sự loại bỏ lẫn nhau của những mối quan hệ trong gia đình, họ hàng. Những người lớn trong gia đình có thể có những mâu thuẫn trong việc dạy dỗ đứa trẻ, nói xấu nhau với trẻ khiến trẻ bị tổn thương và có những vấn đề về tâm lí, tình cảm. Đây cũng là một hạn chế lớn trong xã hội hóa gia đình trong mô hình bà mẹ đơn thân.

3.4 Vai trò tình cảm

Tình cảm là một vai trò quan trọng trong gia đình, giúp gia đình làm chức năng tổ ấm, che chở và là chỗ dựa tinh thần cho các thành viên. Trong mô hình bà mẹ đơn thân, cả người mẹ và người con đều bị thiếu thốn tình cảm gia đình nghiêm trọng. Họ thiếu đi tình cảm từ người chồng, người cha, từ hai bên gia đình nội ngoại. Nhưng không vì thế mà vai trò tình cảm biến mất. Ngược lại, vai trò tình cảm trong mô hình bà mẹ đơn thân dường như được thể hiện mạnh mẽ hơn. Xuất phát từ tâm lí bù đắp và xem đứa con là tài sản lớn nhất của mình, người mẹ luôn giành hết tình cảm và những điều tốt đẹp nhất cho con. Ngược lại, người con cũng hiểu được những thiệt thòi của mẹ nên cố gắng để làm người mẹ vui lòng. Vì ít thành viên và ít những mối

quan hệ chằng chéo nên mâu thuẫn trong mô hình bà mẹ đơn thân cũng ít hơn và họ thường có xu hướng bỏ qua những mâu thuẫn ấy. Sự bù đắp xuất phát từ cả hai phía trong ngôi nhà ít thành viên khiến tình cảm gia đình trở nên mạnh mẽ hơn. Trong mô hình này, ngôi nhà đóng vai trò là một tổ ấm trọn vẹn, là nơi mà cả người mẹ và người con đều muốn trở về, xoa dịu tinh thần cho nhau.

3.5 Vai trò tín ngưỡng

Một vai trò rất quan trọng, là đặc trưng của gia đình Việt chính là sản sinh, duy trì, phát triển tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Trước đây, những người con gái đã đi lấy chồng thì phải lo thờ cúng tổ tiên nhà chồng, trở thành “nữ nhân ngoại tộc”, hầu như không có vai trò gì trong việc thờ cúng tổ tiên nhà mình. Với những bà mẹ đơn thân, không có gia đình nhà chồng nên họ có thể tham gia nhiều hơn vào việc thờ cúng tổ tiên bên nhà mình, góp phần duy trì và ổn định tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên.

Trong ngôi nhà của những bà mẹ đơn thân phần lớn không có bàn thờ tổ tiên, bản thân họ cũng không có quyền thờ cúng tổ tiên vì đây là đặc quyền của người con trai. Chính vì thế, sự phát triển của mô hình bà mẹ đơn thân đồng nghĩa với vắng mặt của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong nhiều ngôi nhà. Nếu xu hướng bà mẹ đơn thân trở thành xu hướng phổ biến và là mô hình chủ yếu trong xã hội, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên sẽ mất đi hoặc phải thay đổi cơ bản về tính chất, thờ cúng tổ tiên theo tính chất mẫu hệ.

Tiểu kết

Nội dung của chương hai chủ yếu là nghiên cứu theo xu hướng xã hội học, mô tả về cách thức tổ chức đời sống của những bà mẹ đơn thân. Những nét khái quát về một số khía cạnh tổ chức đời sống của bà mẹ đơn thân trên cơ sở sự so sánh với gia đình truyền thống của người Việt và những biến động trong gia đình Việt hiện nay có thể cho một cái nhìn khái quát và tương đối sâu về cuộc sống của những bà mẹ đơn thân.

Trên cơ sở mô tả về cuộc sống của bà mẹ đơn thân, phần hai của chương đã phân tích về sự thay đổi những vai trò của gia đình trong mô hình bà mẹ đơn thân. Những phân tích ấy là cơ sở để đánh giá những ảnh hưởng của xu hướng này đến kinh tế, văn hóa, xã hội trong chương ba và đưa ra những kiến nghị.

Một phần của tài liệu Bước đầu tìm hiểu về hiện tượng bà mẹ đơn thân ở Hà Nội hiệnnay (Trang 57 - 62)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(82 trang)
w