CHƯƠNG HAI: HIỆN TRẠNG BÀ MẸ ĐƠN THÂN
2.2.2 Tình cảm trong gia đình
Tình cảm và sự yêu thương, chăm sóc lẫn nhau giữa những thành viên trong gia đình là một giá trị lớn của gia đình người Việt. Tình cảm gia đình có rất nhiều cấp bậc, có tình cảm theo quan hệ ngang và tình cảm theo quan hệ dọc. Trong mô hình gia đình bình thường, những mối quan hệ trong gia đình rất đa dạng, ngoài quan hệ trong nội bố gia đình còn có quan hệ với hai bên gia đình nội ngoại. Những mối quan hệ đa chiều, chằng chịt này khiến tình cảm gia đình trở nên đa dạng. Nếu một mối quan hệ nào đó có trục trặc, những thành viên có thể tìm được sự bù đắp ở những mối quan hệ khác.
Trong mô hình bà mẹ đơn thân, những mối quan hệ tình cảm trong gia đình bị thu hẹp đi rất nhiều. Mối quan hệ đầu tiên và quan trọng nhất là quan hệ cha – con bị mất đi hoặc thay đổi. Nhiều trường hợp cha mẹ sau li hôn có thể đối xử với nhau bình thường, cùng nhau nuôi dạy con. Người cha cũng đóng góp một phần để giúp đỡ người mẹ nuôi con. Họ thỏa thuận với nhau một tuần bố sang đón bé mấy lần, một tháng cả nhà cùng đi chơi mấy lần... Trường hợp của chị Trần Thu Hương, sau khi li hôn chị nuôi cả hai bé. Cuối tuần, anh lại sang đón bé về nhà anh. Mỗi lần giỗ, Tết bé đều về nhà nội với
bố, tất nhiên có sự thông báo và được sự đồng ý của chị từ trước. Nếu con nhớ bố, chị cũng có thể gọi cho anh để anh qua đón, nếu anh không qua đón được chị sẽ đưa con sang. Trước mặt con, anh chị giữ thái độ bình thường với nhau như những người bạn. Cách ứng xử hợp tình, hợp lí của anh chị khiến các con không cảm thấy chênh vênh và mất mát quá nhiều. Dù vai trò của người cha đối với con đã bị giảm đi phần nào và có những sự quan tâm, chăm sóc ấy cũng khiến trẻ được xoa dịu về mặt tinh thần, giữ được tình cảm cha – con cho bé.
Tuy nhiên, những trường hợp cha mẹ sau li hôn có thể thỏa thuận được với nhau như thế không nhiều. Sự rạn nứt tình cảm giữa cha và mẹ không được họ xử lí khéo léo dẫn đến sự rạn nứt tình cảm giữa cha và con. Có những bà mẹ vì sự hằn thù với người cha nên cấm đoán sự liên hệ giữa cha và con, khiến đứa trẻ mất bố hoàn toàn. Nhiều trường hợp li hôn người cha phó mặc con cho người mẹ, không quan tâm, chăm sóc và làm trọn bổn phận của người cha đối với con.
Nỗi lo lớn nhất của những bà mẹ đơn thân là đối diện với câu hỏi của con về người cha: “Bố con là ai?”, “Tại sao con không có bố?”….Với những bà mẹ đơn thân con còn nhỏ, chưa biết hỏi những câu hỏi như thế, gánh nặng được bớt đi một phần. Với những bà mẹ con bắt đầu biết hỏi về bố, tình huống ấy thực sự đặt ra nhiều vấn đề phức tạp.
Chị Phương Anh và chồng sống li thân từ lúc chị còn mang bầu, sau đó chị chuyển về sống cùng cha mẹ đẻ. Cho đến khi bé ba tuổi, chị và chồng không hề có liên hệ gì với nhau, chồng chị cũng không hề quan tâm đến con. Khi bé đi học mẫu giáo được học về gia đình, biết trong gia đình có bố và mẹ, thấy các bạn khác có bố đến đón, bé về hỏi mẹ về bố. Chị giật mình quay sang hỏi con sao con hỏi thế, bé trả lời là bố Tuấn Minh (một người bạn của bé) thường đến đón Tuấn Minh đi chơi, sao bố không bao giờ qua đón con? Chị bảo với bé là bố đi làm ăn xa, sắp về rồi liên hệ với chồng để anh qua gặp con, để bé tin là nó có bố. Sau rất nhiều lần năn nỉ, xuống nước, chồng chị mới sang gặp con được một lần, đưa bé đi công viên chơi và mua một con
siêu nhân. Trước mặt con, anh chị phải giả vờ yêu thương nhau để con không nghi ngờ gì. Sau đó, chị lại phải ngọt nhạt anh mới sang gặp con thêm vài lần nữa nhưng không hề yêu thương, quan tâm. Bản thân chị mệt mỏi vì phải năn nỉ anh, cộng với thái độ không yêu thương gì của anh, chị nghĩ bé không cần một người cha như thế nên không liên lạc với anh nữa, anh cũng hoàn toàn mặc kệ. Sau đấy, bé hỏi chị sao bố không đến, chị hỏi con có bố để làm gì? Bé bảo có bố để mua siêu nhân cho con. Dù chưa hiểu rõ có bố để làm gì nhưng trong tiềm thức bé vẫn cần có bố và trân trọng bố. Chị mua cho bé rất nhiều đồ chơi nhưng bé chỉ quý nhất con siêu nhân – món quà duy nhất bố tặng và lúc nào cũng nhắc. Với bố của những người bạn của bé, bé không gọi là bác ơi mà gọi là bố Tuấn Minh ơi hay bố bạn gì ơi….Mỗi lần như thế, chị thương con đến bật khóc nhưng không làm gì được. Dần dần bé cảm nhận được bố không cần bé và mẹ không muốn bố đến nên không hỏi nữa, chỉ thỉnh thoảng nhắc đến bố mà thôi.
Trường hợp của những bà mẹ đơn thân khác, nếu đứa trẻ nhạy cảm thì tình huống đặt ra lại khó khăn hơn nhiều. Bé nhà chị Phạm Phương Thảo “ý thức rất rõ việc cha mẹ không còn sống chung với nhau nữa”. Chồng chị còn quan tâm đến bé nhưng vì chị cấm đoán nên chỉ lén lút gặp bé mà thôi. Chị thường nhờ anh trai đón bé từ trường về nhà nên anh thường qua nhà bác để gặp lén bé. Bé mới ba tuổi nhưng biết rõ mẹ không thích thế nên khi bố đến nhà bác thăm bé mà khi về nhà mẹ hỏi thì bé lại giấu nhẹm, chỉ sang hôm sau chị hỏi bác mình mới biết. Sự rạn nứt và cách xử lí không khéo léo đã khiến những đứa trẻ trở nên nhạy cảm và già trước tuổi, mới ba tuổi đã phải biết cách dung hòa quan hệ cha mẹ một cách đáng thương.
Sau nhiều lần chứng kiến thiệt thòi và những tổn thương tâm lí của con khi không có bố, có những bà mẹ gạt bỏ cái tôi cá nhân của mình để con được có bố. Nick name bautroibaola trên diễn đàn webtretho đã kể câu chuyện của con gái chị khi không còn được bố quan tâm khiến nhiều người cảm động: “1 hôm trong 1 lần đón con ,cô giáo bé lớn gọi mình ra hỏi về hc (hoàn cảnh)
của mình ,mình chột dạ hỏi sao cô có vấn đề gì ko (không)? Cô nói vì con mình viết văn về người thân mà em yêu nhất, nó đã viết, nó yêu bố mẹ nó nhất, mẹ là người như thế nào ,và bố là người như thế nào, nó nói mẹ là người chăm sóc cho chị em nó, và bố là 1 ks (kĩ sư) xây lên những căn nhà lớn, bố là người thỉnh thoảng chở nó đi chơi ...Nhưng bây giờ bố ko (không) còn yêu chị em nó nữa ,nó rất buồn ,nó cũng ko(không) muốn mẹ buồn .. nó chỉ ước bố về bên nó ,chở nó đi chơi,...” Chính vì thế, chị “suy nghĩ rất nhiều, nhận ra dù mình có hận bố nó đến mấy, dù mình có cho con cuộc sống tốt đến mấy con mình vẫn thấy thiếu thốn vì cảm thấy bị bố bỏ rơi, ko (không) ai có thể cho con mình tình cha được, chỉ có bố nó mà thôi, cho dù chỉ là những cuộc dt (điện thoại),hay những hành động cho dù nhỏ nhất của bố nó thì nó cũng cảm thấy hp (hạnh phúc)”. [http://www.webtretho.com/forum/f126/cach-nuoi-day-con-cua-cha-me-don-than-
1146806/index6.html ].Từ đó, chị gặp anh, nói chuyện và thỏa thuận để anh có thể đảm nhận phần nào vai trò của người cha, duy trì tình cảm cha – con với con. Như vậy, có thể thấy, hiện nay nhiều người cha trở nên vô tâm với con cái mình, để con cái có thể có được tình cảm cha – con, nhiều người mẹ phải đi cầu xin tình cảm ấy cho con.
Bên cạnh sự quan tâm, chăm sóc và mối liên hệ giữa cha và con, hình ảnh về người cha trong lòng trẻ cũng có ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần và tâm hồn của trẻ. Nhiều trường hợp người mẹ vì sự hằn thù với người cha mà bôi nhọ, nói những điều không tốt về cha với con hoặc để con nghe thấy khiến đứa trẻ bị tổn thương và suy nghĩ lệch lạc về hình ảnh, vai trò của người cha. Khi đối diện với những đứa trẻ khác, trẻ sẽ bị mặc cảm về cha của mình, từ đó khép mình lại hoặc hành động theo hướng cực đoan. Có những trường hợp người mẹ không trực tiếp nói với con nhưng trẻ nghe những người khác nói thì cũng bị ảnh hưởng. Trong trường hợp này, nếu người mẹ không khéo léo xử lí thì sự tổn thương trẻ phải nhận cũng không giảm nhẹ hơn so với trường hợp trên. Nhiều người mẹ đã chọn cách bảo vệ hình ảnh bố trong lòng con
“không cho ai nói xấu bố nó, nó có nhìn thấy xấu thì tìm cách giải thích cho con xóa đi mọi ý nghĩ không tốt về bố, tạo cho nó hình ảnh người bố tốt… đừng vì chuyện người lớn mà tổn thương tới trẻ con” . Với cách hành xử này, dù đứa trẻ không nhận được sự quan tâm của bố thì hình ảnh về bố trong lòng nó vẫn đẹp, không bị ám ảnh về việc không có bố hoặc có một người bố không ra gì, được an ủi về mặt tinh thần và có thể mạnh mẽ khi đối diện với những đứa trẻ khác. Sự tổn thương về mặt tinh thần mà trẻ phải nhận đã giảm đi rất nhiều.
Đối với trường hợp những bà mẹ đơn thân không kết hôn, những người cha còn giữ liên lạc với trẻ và có chu cấp cho trẻ là rất ít, những trường hợp vẫn duy trì tình cảm cha – con với trẻ thì cực hiếm hoi. Như của chị Trần Bảo Hiểm và chị Phan Thị Thanh Nhàn, họ là những bà mẹ đơn thân từ đầu, người cha của trẻ không hề có tư cách pháp lí là cha của bé, thậm chí họ còn không biết đến sự tồn tại của bé. Những trường hợp này, đứa trẻ hoàn toàn không nhận được một chút tình cảm cha con nào, mối liên hệ cha - con bị đứt gãy nghiêm trọng. Trong trường hợp ấy, những bà mẹ đơn thân thường phải nói dối là bố đi làm ăn xa hoặc đã qua đời, không dám nói thẳng là con không có cha. Nhiều người nhờ những người đàn ông khác đóng giả là bố bé trong một thời gian để bé ổn định về tâm lí. Dù cách hành xử nào thì cũng không thể mang đến cho bé tình cảm cha – con một cách đúng nghĩa, sự thiếu hụt về tinh thần mà trẻ phải gánh chịu rất nặng nề. Khoa học đã chứng minh những đứa bé không được sống cùng bố thường có xu hướng nhạy cảm và yếu đuối về tâm lí. Với những đứa trẻ không hề được bố quan tâm thì sự tổn thương càng nặng nề và có xu hướng cô độc hoặc cực đoan. Nhìn chung, tùy vào sự xử lí của người mẹ, hậu quả tâm lí mà trẻ phải nhận nặng nề hay nhẹ nhàng nhưng vẫn có những di chấn nhất định.
Cùng với mối quan hệ cha – con rạn nứt, trong những mô hình bà mẹ đơn thân, mối quan hệ vợ - chồng hoàn toàn tan vỡ hoặc không hề xuất hiện, tồn tại. Khi quyết định không chung sống với nhau như một gia đình, mối
quan hệ vợ - chồng giữa họ hoàn toàn tan vỡ, có thể chuyển hóa sang tình bạn nhưng chỉ ở những mức độ nhất định. Hầu hết những trường hợp li hôn vợ chồng chỉ còn giữ liên hệ với nhau vì đứa con, nếu không họ coi nhau như kẻ thù. Những trường hợp không kết hôn, mối liên hệ vợ chồng không hình thành.
Bên cạnh sự tổn thương và rạn nứt tình cảm cha – con, tình cảm của đứa trẻ với họ hàng bên nội cũng bị ảnh hưởng. Có những bà mẹ cấm đoán con quan hệ với nhà nội, đặc biệt là ông bà nội. Có những nhà nội bàng quan, thờ ơ không thèm để ý đến cháu dù mẹ có cố gắng tạo cơ hội cho trẻ tiếp xúc với nhà nội. Tuy nhiên, nhà nội là những người không thường xuyên tiếp xúc với trẻ, sự rạn nứt trong mối quan hệ này chỉ phần nào khiến trẻ bị mất mát, không ảnh hưởng nặng nề đến tâm lí của trẻ.
Cùng với mối quan hệ của bé và nhà nội bị rạn nứt, mối liên hệ giữa nhà chồng và nàng dâu cũng hoàn toàn đứt gãy. Điều đáng lưu tâm nhất khi mối quan hệ này rạn nứt chính là sự loại bỏ lẫn nhau của các mối quan hệ. Nhiều bà mẹ nói xấu nhà nội trước mặt bé, nhiều nhà nội nói xấu mẹ đứa trẻ trước mặt trẻ, chia rẽ tình cảm mẹ con. Trong nhiều trường hợp, sự loại bỏ này diễn ra cả hai chiều theo kiểu ăn thua. Ông bà nội và mẹ là hai đối tượng có tầm ảnh hưởng và quan trọng tương đối với trẻ, sự loại bỏ lẫn nhau của hai mối quan hệ này khiến trẻ bị hoang mang giữa hai mối quan hệ dẫn đến sự hoài nghi, khép mình và không tin tưởng vào ai nữa.
Trong nhiều trường hợp, tình cảm giữa đứa trẻ, người mẹ và gia đình bên ngoại cũng bị ảnh hưởng. Chị Phạm Thị Thanh Nhàn quyết định làm mẹ đơn thân không kết hôn khiến bố chị phẫn nộ và không nhìn nhận đứa con của chị. Khi chị đưa con về quê ăn tết, bố chị không thèm đoái hoài gì đến con chị, bảo nó không có cha, không phải là cháu của ông, chỉ quan tâm đến những đứa cháu khác. Con gái chị còn nhỏ nên chưa cảm nhận rõ sự lạnh lùng của ông nội với bé nhưng chị cũng lo ngại khi bé lớn lên, nếu ông không thay đổi cách nhìn nhận về bé thì chị không dám đưa con về quê thăm ông bà ngoại nữa. Trong nhiều gia đình khác, quyết định làm mẹ đơn thân của người mẹ
không được gia đình bên ngoại ủng hộ dẫn đến sự lạnh lùng trong tình cảm của nhà ngoại với trẻ.
Ông bà nội ngoại là những người có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tâm hồn của trẻ. Trong gia đình, ông bà là những người quan trọng nhất với bé sau bố mẹ. Nhiều sự thiếu sót của bố mẹ được ông bà bù đắp, góp phần nuôi dưỡng tâm hồn trẻ. Chính vì thế, sự rạn nứt mối quan hệ này khiến trẻ phần nào bị thiếu thốn tình cảm, ảnh hưởng đến tâm sinh lí. Cùng với đó, người Việt cũng đề cao họ hàng “sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú dì”. Dù họ hàng không sống và tiếp xúc thường xuyên với bé nhưng vẫn là người thân của bé, “một giọt máu đào hơn áo nước lã”. Những mối quan hệ này thiếu đi cũng khiến bé bị tổn thương về tinh thần.
Như vậy, có thể thấy, quyết định làm mẹ đơn thân của những bà mẹ đơn thân dẫn đến nhiều hệ lụy, sự rạn nứt trong tình cảm gia đình gây hậu quả lớn đối với tâm sinh lí của trẻ. Ngoài ra, mối quan hệ nhà chồng – nàng dâu cũng bị đứt gãy, nhiều khi dẫn đến sự thù hằn nhau. Mối quan hệ của bà mẹ đơn thân với gia đình mình cũng có thể bị ảnh hưởng vì lối sống đơn thân vẫn chưa được nhiều người, nhất là những người ở thế hệ trên chấp nhận. Trong mô hình bà mẹ đơn thân, những mối quan hệ gia đình bị đứt gãy nhiều, gây ra sự thiếu thốn tình cảm đối với cả người mẹ và bản thân đứa trẻ.
Từ những sự đứt gãy tình cảm đó, mối quan hệ mẹ - con và tình cảm mẹ con càng khăng khít hơn, bù đắp những thiếu hụt khác. Trong mô hình bà mẹ đơn thân, tình cảm mẹ con khác với gia đình bình thường khác về mặt tính chất. Đối với người mẹ, đứa con là tài sản duy nhất mà họ có, là tất cả sự yêu