Thay đổi quan niệm về gia đình của người Việt

Một phần của tài liệu Bước đầu tìm hiểu về hiện tượng bà mẹ đơn thân ở Hà Nội hiệnnay (Trang 65 - 66)

CHƯƠNG BA: XU HƯỚNG BÀ MẸ ĐƠN THÂN ẢNH HƯỞNG VÀ KIẾN NGHỊ

1.3.1Thay đổi quan niệm về gia đình của người Việt

Người Việt quan niệm gia đình phải dựa trên quan hệ kết hôn và quan hệ huyết thống, một gia đình theo đúng nghĩa phải là có đủ bố và mẹ. Những trường hợp góa phụ có thể tạm chấp nhận là một gia đình khuyết thiếu, không đầy đủ nhưng không phải là gia đình theo đúng nghĩa của nó. Trường hợp những phụ nữ không kết hôn hay li hôn nuôi con một mình không được người Việt, nhất là những người ở thế hệ trước chấp nhận là một gia đình. Họ cho rằng những mô hình như thế gây nên những thiệt thòi cho bản thân đứa trẻ, không đảm nhận được những vai trò, chức năng của gia đình nên không thể là

một gia đình. Nếu nhìn nhận theo quan điểm của người Việt về gia đình và vai trò của gia đình trong văn hóa, xã hội Việt, quan điểm trên không phải không có những điểm hợp lí.

Tuy nhiên, xu hướng bà mẹ đơn thân ngày càng phổ biến trong xã hội, cách nhìn nhận và đánh giá của giới trẻ với những vấn đề xã hội ngày càng cởi mở. Một bộ phận giới trẻ bắt đầu chấp nhận hiện tượng những người phụ nữ nuôi con một mình là một hiện tượng xã hội bình thường, thậm chí xem đó là một quyết định đúng đắn, biết sống cho hạnh phúc cá nhân của mình của phụ nữ trong những trường hợp nhất định. Chính vì thế, họ chấp nhận gọi những mô hình bà mẹ đơn thân là gia đình.

Xét về mặt pháp lí, theo quy định của luật hôn nhân và gia đình, gia đình là tập hợp những người gắn kết với nhau theo quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng. Trong mô hình bà mẹ đơn thân, sự gắn kết giữa người mẹ và người con có thể là quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng. Như vậy, mô hình bà mẹ đơn thân có thể được xem là một gia đình về mặt pháp lí.

Sự chấp nhận của luật pháp và sự cởi mở, sự phát triển của xu hướng bà mẹ đơn thân, sự thay đổi trong quan niệm của giới trẻ ngày càng mạnh mẽ khiến xu hướng chấp nhận mô hình bà mẹ đơn thân như là một gia đình ngày càng nhiều trong xã hội. Xét một cách khách quan, những mô hình bà mẹ đơn thân đã đảm nhận vai trò của gia đình một cách tương đối toàn diện, có những thay đổi cho phù hợp với đặc trưng của mô hình này. Xã hội luôn luôn biến động, văn hóa gia đình cũng không ngừng thay đổi, việc xuất hiện mô hình bà mẹ đơn thân có thể xem là một hình thái gia đình mới, đặc biệt trong xã hội. Nếu mô hình bà mẹ đơn thân vẫn tiếp tục phát triển như hiện nay thì việc thay đổi quan niệm về gia đình của người Việt trong xã hội có thể sẽ thay đổi theo hướng gia đình không nhất thiết phải có đủ bố và mẹ, phải có quan hệ hôn thú.

Một phần của tài liệu Bước đầu tìm hiểu về hiện tượng bà mẹ đơn thân ở Hà Nội hiệnnay (Trang 65 - 66)