Những vấn đề về giới tính

Một phần của tài liệu Bước đầu tìm hiểu về hiện tượng bà mẹ đơn thân ở Hà Nội hiệnnay (Trang 69 - 72)

CHƯƠNG BA: XU HƯỚNG BÀ MẸ ĐƠN THÂN ẢNH HƯỞNG VÀ KIẾN NGHỊ

1.3.4 Những vấn đề về giới tính

Mô hình bà mẹ đơn thân đặt ra nhiều câu hỏi và tranh luận xung quanh vấn đề giới tính khi trong gia đình thiếu vắng người cha. Những đứa trẻ nữ trong mô hình này sẽ thiếu hiểu biết về giới tính nam, về những khác biệt giữa nam và nữ và từ đó, khó định hình được ranh giới, cách giao tiếp, ứng xử với

những người thuộc giới tính bên kia. Sự thiếu hụt này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến lối sống và cách lựa chọn đối tượng kết hôn của những đứa trẻ ấy sau này.

Những đứa trẻ nam trong mô hình bà mẹ đơn thân đặt ra những vấn đề về giới tính nghiêm trọng hơn. Chúng không có người đàn ông để làm mẫu cho những hành động, tính cách, lối sống…thuộc về giới tính này, thay vào đó, bắt chước người mẹ. Chính từ đó, suy nghĩ và hành động của những đứa trẻ này thiên về tính nữ nhiều hơn. Một bà mẹ đơn thân đã tâm sự trên diễn đàn về trường hợp cậu con trai 6 tuổi của mình khiến nhiều người thực sự giật mình. Một lần trong khi đi làm về, bà bước vào phòng thì thấy cậu con trai đang lấy son của mẹ để thoa môi, dùng đồ trang điểm và trang sức của mẹ… Sau lần ấy, bà để ý kĩ thì thấy cậu con trai thường thích mặc những bộ đồ khá nữ tính, thích chơi với búp bê và gấu bông, nói năng nhẹ nhàng và rất nhạy cảm, sợ tổn thương…Chính vì thế, bà mẹ này sau đấy đã phải nhờ đến một người bạn là nam giới thường xuyên tiếp xúc với con trai mình để có thể định hướng cho nó những tính cách và cách hành xử của người đàn ông. Tuy nhiên, những bà mẹ đơn thân nhận ra điều này sớm không nhiều và dù có dùng những biện pháp gì đi nữa thì tính nữ trong đứa trẻ vẫn đậm hơn những đứa trẻ bình thường khác vì không được tiếp xúc, định hướng thường xuyên từ một người đàn ông khác. Chính vì tính nữ đậm ấy, những đứa trẻ này có khả năng cao ngộ nhận về giới tính, rơi vào trường hợp giới tính thứ ba hoặc khó khăn khi lựa chọn đối tượng kết hôn sau này.

Như vậy, có thể thấy, những đứa trẻ sinh ra và lớn lên trong mô hình bà mẹ đơn thân có thể gặp những vấn đề nghiêm trọng về giới tính. Hậu quả của những vấn đề này là cả những đứa trẻ nam và đứa trẻ nữ sẽ gặp khó khăn trong việc lựa chọn đối tượng kết hôn và ứng xử với giới tính kia sau này. Nếu mô hình này càng mở rộng thì những vấn đề về li hôn, độc thân trong xã hội tương lai sẽ ngày càng gia tăng, gây rối loạn giới tính trong xã hội.

Tâm lí là một vấn đề rất quan trọng trong cuộc sống của mỗi cá nhân. Đối với những bà mẹ đơn thân, vấn đề tâm lí lại càng trở thành một vấn đề cấp thiết.

Những bà mẹ đơn thân phải chịu sức ép về tâm lí nhiều hơn những bà mẹ bình thường. Sức ép về kinh tế, về việc đảm nhận mọi vai trò trong gia đình, về việc nuôi dạy con một mình…Những sức ép ấy khiến họ phải cố gắng, nỗ lực làm việc gấp nhiều lần những người bình thường. Bên cạnh đó, một sức ép lớn mà họ phải chịu đựng chính là sự nhìn nhận và đánh giá của dư luận xã hội. Một phần lớn dư luận xã hội không đồng tình và cảm thông với lối sống làm mẹ đơn thân, nhất là trường hợp không kết hôn nên họ có những cách ứng xử không thiện cảm, thậm chí là khinh thường những bà mẹ đơn thân. Những áp lực ấy khiến nhiều bà mẹ đơn thân lo sợ và họ phải nỗ lực nhiều hơn để chứng tỏ con đường họ chọn là đúng đắn, họ hoàn toàn có thể nuôi con một mình và đứa trẻ ấy vẫn thành người. Tuy nhiên, không phải bà mẹ đơn thân nào cũng đủ mạnh mẽ đến thế, có những người vì không chịu nổi sức ép từ dư luận mà bỏ cuộc, mặc kệ hoặc tìm một cuộc sống khác bình yên cho mình. Những bà mẹ đơn thân có thể vượt qua được dư luận xã hội để sống thì vẫn có những lúc chạnh lòng, tủi thân và đau đớn. Tâm lí của họ trở nên bất ổn, nhạy cảm và có xu thế cực đoan để bảo vệ bản thân và con cái mình.

Những người phụ nữ làm mẹ đơn thân thường khá đơn độc. Họ luôn lo sợ nếu có vấn đề bất trắc xảy ra với mình thì con cái họ sẽ mồ côi, không ai chăm sóc. Không những thế, để đảm bảo sự bình yên cho con cái họ có thể phát triển bình thường, họ không được phép thể hiện sự bất lực, lo lắng và bất an trước mặt con. Những vấn đề tâm lí họ khó có người để chia sẻ. Thông thường, họ chỉ nhận được sự cảm thông từ mẹ đẻ mình và những người bạn thân thiết. Họ có thể chia sẻ cuộc sống của mình với họ. Ngoài ra, một số may mắn có thể nhận được sự cảm thông của cả gia đình. Chính vì đơn độc, lại phải đảm bảo sự bình yên cho con cái nên những sức ép tâm lí phải gánh chịu

họ không biết chia sẻ cùng ai, từ đó càng dồn nén và trở nên nghiêm trọng hơn. Họ dễ gặp phải những vấn đề về tâm lí hơn những người phụ nữ bình thường.

Không chỉ những người mẹ đơn thân phải chịu sức ép tâm lí nặng nề mà con cái họ cũng gặp phải những vấn đề nghiêm trọng về tâm lí. Cuộc sống đô thị tương đối khác với làng của người Việt, những người hàng xóm không còn quan tâm nhiều đến cuộc sống của những người xung quanh. Chính vì thế, những đứa trẻ ấy cũng không chịu nhiều sự dè bỉu về việc không có bố từ những người hàng xóm. Tuy nhiên, khi nhìn vào những gia đình có đầy đủ cả cha lẫn mẹ của bạn bè, hàng xóm, chúng vẫn chạnh lòng và có sự so sánh. Nhiều đứa trẻ lớn lên trong hoàn cảnh đơn thân mặc cảm về trường hợp của mình đã khép mình lại, không dám giao lưu, tiếp xúc nhiều với thế giới bên ngoài.

Bên cạnh đó, những đứa trẻ ấy đã mất bố, chỉ còn mẹ là người thân duy nhất nên luôn sống trong nỗi sợ hãi sẽ mất mẹ. Nỗi sợ hãi ấy trở thành một ám ảnh tâm lí khiến những đứa trẻ bám lấy mẹ, luôn trong tình trạng lo sợ. Sự thiếu thốn tình cảm gia đình từ những mối quan hệ gia đình khác cũng khiến tâm lí đứa trẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khoa học đã chứng minh những đứa trẻ lớn lên trong sự thiếu thốn tình cảm gia đình sẽ có nhiều bất ổn về tâm lí, luôn trong trạng thái bất an, nghi ngờ và lo sợ.

Một phần của tài liệu Bước đầu tìm hiểu về hiện tượng bà mẹ đơn thân ở Hà Nội hiệnnay (Trang 69 - 72)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(82 trang)
w