(DNNN)
58*.- Điều 1 Luật doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) qui định:
“Doanh nghiệp Nhà nước là tổ chức kinh tế do Nhà nước đầu tư vốn, thành lập và tổ chức quản lý, hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động công ích nhằm thực hiện mục tiêu xã hội do Nhà nước giao.
Doanh nghiệp Nhà nước có tư cách pháp nhân, có các quyền và nghĩa vụ dân sự, tự chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động kinh doanh trong phạm vi số vốn do doanh nghiệp quản lý.
Doanh nghiệp Nhà nước có tên gọi, có con dấu riêng và có trụ sở chính trên lãnh thổ Việt Nam.”
Phân tích điều 1 luật DNNN ta thấy những đặc điểm cơ bản của Doanh nghiệp Nhà nước là:
A. DNNN LÀ MỘT TỔ CHỨC KINH TẾ CÓ TƯ CÁCH PHÁP NHÂN DO NHÀ NƯỚC ĐẦU TƯ VỐN VÀ TỔ CHỨC QUẢN LÝ.
59*.- DNNN là một tổ chức kinh tế do Nhà nước thành lập, có tư cách pháp nhânvì có đủ điều kiện qui định tại điều 94 Bộ luật Dân sự là:
- DNNN được thành lập hợp pháp vì doanh nghiệp ra đời do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ra Quyết định thành lập và phải làm thủ tục đăng ký kinh doanh ;
- DNNN có cơ cấu tổ chức chặt chẽ: Doanh nghiệp Nhà nước có Giám đốc và bộ máy giúp việc. Đối với Doanh nghiệp Nhà nước qui mô hơn thì có
Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Tổng Giám đốc và bộ máy giúp việc. - DNNN có tài sản độc lập và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó: tài sản này gồm vốn thành lập do nhà nước giao và vốn tự tạo. DNNN phải sử dụng tài sản đúng với mục đích của doanh nghiệp khi thành lập, đem tài sản doanh nghiệp bảo đảm cho hoạt động của mình.
- DNNN có quyền tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập: các quan hệ pháp luật của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động (như ký kết hợp đồng…) phải do doanh nghiệp quyết định. DNNN có quyền tham gia tố tụng với tư cách nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi – nghĩa vụ liên quan.
60*.-DNNN do Nhà nước đầu tư vốn và tổ chức quản lý.
a) Với tư cách là chủ sở hữu đối với các doanh nghiệp của mình, Nhà nước thực hiện quyền của chủ sở hữu bằng cách :
- Quyết định thành lập, sát nhập, chia tách, giải thể, chuyển đổi DNNN
- Quyết định mục tiêu, nhiệm vụ, chiến lược phát triển và định hướng chiến lược phát triển kinh doanh của DNNN;
- Ban hành điều lệ mẫu, phê chuẩn điều lệ của Tổng công ty và DNNN quan trọng;
- Cấp vốn đầu tư ban đầu và đầu tư bổ sung, giao vốn, kiểm tra giám sát việc bảo toàn và phát triễn vốn. Vốn Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý và sử dụng gồm: vốn ngân sách cấp, vốn có nguồn gốc ngân sách và vốn của doanh nghiệp tự tích lũy. Pháp luật thống nhất tổ chức thực hiện nhiệm vụ quyền hạn của chủ sỡ hữu (Nhà nước) đối với phần vốn đầu tư của Nhà nước vào các DNNN bằng cách giao cho Tổng cục quản lý vốn và tài sản nhà nước thay mặt. (Tổng cục quản lý vốn được thành lập do Nghị định 34-CP ngày 27-5-1995).
- Quy định chế độ khấu hao, tỷ lệ phân chia lợi nhuận vào các quỹ sau khi nộp thuế.
- Bổ nhiệm – nhiễm nhiệm – khen thưởng – kỷ luật đối với các chức danh chủ chốt của doanh nghiệp.
- Quy định các tiêu chuẩn về chế độ tiền lương, tiền thưởng, phụ cấp cho những người phục vụ trong doanh nghiệp.
b) Với tư cách là người quản lý Nhà nước, chính phủ thực hiện các quyền hạn sau:
- Ban hành các chính sách, cơ chế quản lý đối với từng loại doanh nghiệp, chính sách trợ giá, chính sách ưu tiên đối với các sản phẩm và dịch vụ công ích.
- Đào tạo cán bộ, tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chủ trương chính sách, chế độ Nhà nước tại Doanh nghiệp Nhà nước
B. DNNN LÀ MỘT TỔ CHỨC KINH TẾ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH hoặc HOẠT ĐỘNG CÔNG ÍCH DOANH hoặc HOẠT ĐỘNG CÔNG ÍCH
61*.- Đối với Doanh nghiệp Nhà nước hoạt động kinh doanh:
- Trong nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nuớc, DNNN bình đẳng với các tổ chức kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế về nghĩa vụ và về thẩm quyền kinh tế. Các DNNN phải tự bù đắp những chi phí, làm tròn nghĩa vụ với Nhà nước cũng như các doanh nghiệp ngoài quốc doanh đã thực hiện. Các DNNN có quyền tự chủ trong kinh doanh, trong ký kết và thực hiện Hợp đồng, trong định giá sản phẩm – dịch vụ sản xuất, và trong liên doanh liên kết với các doanh nghiệp khác.
- Doanh nghiệp Nhà nước có chức năng kinh doanh là một chủ thể độc lập trong kinh doanh. Doanh nghiệp phải xử dụng hạch toán kinh tế để xác định hiệu quả kinh doanh lỗ lãi. Doanh nghiệp sẽ tiếp tục kinh doanh nếu hoạt động có lãi, và có thể phá sản hoặc giải thể nếu liên tục thua lỗ. Mục tiêu của loại doanh nghiệp này là lợi nhuận.
62*.- Doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích: là những doanh nghiệp chuyên hoạt động sản xuất, cung ứng dịch vụ công cộng theo chính sách của Nhà nước hoặc thực hiện nhiệm vụ an ninh quốc phòng. Đối với loại doanh nghiệp này, mục tiêu không phải là lợi nhuận mà là thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ do Nhà nước giao. Vì vậy doanh nghiệp phải cung cấp các sản phẩm – dịch vụ theo giá Nhà nước ấn định. Giá này có thể thấp hơn giá thành sản xuất nên doanh nghiệp thường được Nhà nước bù lỗ bằng hỗ trợ ngân sách, cung ứng các nguyên vật liệu với giá đặc biệt.
Theo Nghị Định 56 CP ngày 2-10-1996 (Công báo 1996, trang 1015) thì các DNNN hoạt động công ích bao gồm:
1. Doanh nghiệp sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị chuyên dùng cho quốc phòng, an ninh và các doanh nghiệp tại các địa bàn chiến lược quan trọng kết hợp kinh tế với quốc phòng.
2. Các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ công cộng khác có ít nhất 70% doanh thu từ các hoạt động trong các lãnh vực như:
+ Giao thông, công chính đô thị.
+ Quản lý, khai thác, duy tu, bảo dưỡng hệ thống cơ sở hạ tầng, hệ thống đường sắt quốc gia, đường bộ, đường thủy, sân bay, điều hành bay, bảo đảm hàng hải, dẫn dắt tàu ra vào cảng biển,… kiểm tra, kiểm soát và phân phối tầng số vô tuyến điện;
+ Khai thác, bảo vệ các công trình thủy lợi; + Sản xuất giống gốc cây trồng, vật nuôi;
+ Sản xuất và phát hành sách giáo khoa, sách báo chánh trị. Sản xuất và phát hành phim thời sự, tài liệu, phim cho thiếu nhi, chiếu bóng phục vụ vùng cao, biên giới, hải đảo…