A.- KHÁI NIỆM.
80*.- Tổng công ty Nhà nước là loại hình đặt biệt của Doanh nghiệp Nhà nước.
Tổ chức Tổng công ty được quy định từ điều 43 đến điều 48 Luật DNNN. - Tổng công ty Nhà nước được thành lập và hoạt động trên cơ sở liên kết của nhiều doanh nghiệp thành viên có mối liên hệ gắn bó nhau về lợi ích kinh tế, công nghệ, cung ứng, tiêu thụ, dịch vụ, thông tin, đào tạo, nghiên cứu tiếp thị, hoạt động trong một hoặc một số chuyên ngành kinh tế, kỹ thuật chính nhằm tăng cường khả năng kinh doanh của các đơn vị thành viên và thực hiện nhiệm vụ của chiến lược phát triển kinh tế –x ã hội trong từng thời kỳ.
- Tổng công ty Nhà nước là tổ chức kinh doanh có tư cách pháp nhân, có con dấu, có tài sản cùng các quỹ tập trung theo quy định của Chính phủ và chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ trong phạm vi số vốn do Tổng công ty quản lý. Tổng công ty Nhà nước được Nhà nước giao quản lý vốn, tài nguyên, đất đai và các nguồn lực khác, có trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực được giao, thực hiện quyền và nghĩa vụ của Doanh nghiệp Nhà nước. Tùy theo quy mô và vị trí quan trọng mà Tổng công ty Nhà nước có hoặc không có công ty tài chính và doanh nghiệp thành viên.
Các thành viên của Tổng công ty gồm: - Đơn vị hạch toán độc lập với Tổng công ty. - Đơn vị hạch toán phụ thuộc Tổng công ty.
- Đơn vị sự nghiệp (không thực hiện chức năng kinh doanh)
80*.- Để sắp xếp và đổi mới những DNNN quy mô nhỏ thua lỗ kéo dài hoặc không cần duy trì sở hữu nhà nước, Chính phủ đã ký Nghị Định số 103/1999/NĐ-CP ngày 10.9.1999 về giao, bán, khoán kinh doanh, cho thuê doanh nghiệp nhà nước.
Mục tiêu của chủ trương này trước tiên là tạo điều kiện cơ cấu lại DNNN, nâng cao hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh của khu vực kinh tế nhà nước. Điều này làm giảm bớt chi phí điều hành kinh doanh của nhà nước, đảm bảo lợi ích chung của nhà nước và người lao động. Kế đến, việc giao, bán, khoán kinh doanh, cho thuê doanh nghiệp nhà nước còn nhằm bảo đảm công việc làm cho người lao động, phát huy quyền làm chủ của người lao động, thay đổi phương thức quản lý doanh nghiệp, sử dụng có hiệu quả hơn số tài sản đã đầu tư, khai thác mọi tiềm năng trong mọi thành phần kinh tế. Nghị định 103 chỉ áp dụng đối với các loại DNNN sau:
a) - Các DNNN độc lập và các DNNN thành viên của Tổng công ty có vốn nhà nước trên sổ sách kế toán dưới 1 tỷ đồng kinh doanh thua lỗ kéo dài, hoặc nhà nước không cần nắm giữ cổ phần. (ngoại trừ các nông trường, lâm trường quốc doanh, các DNNN tư vấn, thiết kế, giám định);
b)- Các doanh nghiệp nhà nước độc lập và doanh nghiệp thành viên của Tổng công ty có vốn từ 1 tỷ đồng đến dưới 5 tỷ đồng, bị thua lỗ kéo dài nhưng chưa lâm vào tình trạng phá sản (dù đã thực hiện các biện pháp cần thiết nhưng không khắc phục được) tùy trường hợp do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Trong khi cơ cấu lại DNNN bằng việc bán, khoán kinh doanh, cho thuê, nhà nước quy định những phương cách bảo vệ công việc làm của người lao động như sẽ ưu tiên được bán, khoán kinh doanh, cho thuê doanh nghiệp nhà nước đối với người nào cam kết sử dụng nhiều nhất số lao động trong
doanh nghiệp để tiếp tục kinh doanh, hoặc giảm giá bán doanh nghiệp. Người nhận giao, người mua doanh nghiệp không được bán lại doanh nghiệp trong thời gian quy định của hợp đồng.
Việc giao, bán, khóan kinh doanh, cho thuê doanh nghiệp đều phải được thực hiện bằng hợp đồng (hợp đồng giao nhận doanh nghiệp, hợp đồng mua doanh nghiệp, hợp đồng khoán kinh doanh, hợp đồng thuê doanh nghiệp).
Giá trị của doanh nghiệp được tính theo giá thực tế trên thị trường.
Đối với DNNN giao cho tập thể người lao động phải đăng ký kinh doanh theo loại hình hợp tác xã hoặc công ty cổ phần.
Đối với người mua DNNN phải thanh toán tiền mua doanh nghiệp theo thời hạn cam kết trong hợp đồng, nhưng tối đa không quá 3 năm; phải đăng ký kinh doanh theo một trong các loại hình của Luật doanh nghiệp, hoặc đăng ký bổ sung nếu đã có Giấy phép kinh doanh;
B. MỘT SỐ TỔNG CÔNG TY
81*.- Đối với các Tổng công ty hoạt động kinh doanh được áp dụng Điều lệ mẫu về Tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Nhà nước được ban hành theo Nghị Định 39 CP ngày 27-6-1995.
Cho đến nay, một số Tổng công ty đã được thành lập như:
- Tổng công ty Bưu Chính Viễn Thông (QĐ 249 của Thủ tướng Chính phủ ngày 29-4-1995)
- Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam (QĐ 250 của Thủ tướng Chính phủ ngày 29-4-1995
- Tổng công ty Café Việt Nam (QĐ 251 của Thủ tướng Chính phủ ngày 29-4-1995)
- Tổng công ty Cao Su Việt Nam (QĐ 252 của Thủ tướng Chính phủ ngày 29-4-1995
- Tổng công ty Dệt May Việt Nam (QĐ 253 của Thủ tướng Chính phủ ngày 29-4-1995)
- Tổng công ty Thuốc Lá Việt Nam (QĐ 254 của Thủ tướng Chính phủ ngày 29-4-1995)
- Tổng công ty Thép Việt Nam (QĐ 255 của Thủ tướng Chính phủ ngày 29-4-1995)
- Tổng công ty Giấy Việt Nam (QĐ 256 của Thủ tướng Chính phủ ngày 29-4-1995.
-Tổng công ty Lương Thực Miền Bắc (QĐ 312 của Thủ tướng Chính phủ ngày 24-5-1995).
- Tổng công ty Lương Thực Miền Nam (QĐ 314 của Thủ tướng Chính phủ ngày 24-5-1995)
- Tổng công ty Hàng Không Việt Nam (QĐ 328 của Thủ tướng Chính phủ ngày 24-5-1995)
- Tổng công ty Dầu Khí Việt Nam (QĐ 330 của Thủ tướng Chính phủ ngày 29-5-1995).
CHƯƠNG IV. DOANH NGHIỆP CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
82*.- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được quy định trong luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Ngày 29-12-1987 luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (gọi tắt là luật ĐTNN) được Quốc Hội thông qua, sau đó luật được sửa đổi vào các năm 1990, 1992. Trong giao đoạn này, Luật ĐTNN được ban hành trong thời kỳ Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm về hợp tác đầu tư với nước ngoài, nhưng bước đầu luật cũng thực hiện được chính sách mở cửa về kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu và thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước nhằm tận dụng lợi thế về lao động rẻ, tài nguyên phong phú… tạo điều kiện cho nền kinh tế Việt Nam hòa nhập vào nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện luật ĐTNN, chúng ta đã thấy rõ cần chấn chỉnh lại một số khuyết điểm để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà ĐTNN bỏ vốn kinh doanh, đồng thời bảo vệ quyền lợi của đất nước khỏi bị xâm phạm.
Ngày 12-11-1996 Quốc Hội đã thông qua luật ĐTNN tại Việt Nam với một số sửa đổi và quy định mới phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của các ngành luật khác ban hành trước đó. Chẳng hạn do cần phải khuyến khích chuyển giao nhanh công nghệ, luật ĐTNN chấp nhận việc “góp vốn bằng giá trị công nghệ hoặc mua công nghệ trên cơ sở hợp đồng phù hợp với pháp luật về chuyển giao công nghệ”.
(Vấn đề chuyển giao công nghệ được quy định tại Điều 810 bộ luật Dân sự 1995 như sau:
1. Hợp đồng chuyển giao công nghệ có thời hạn không quá 7 năm, kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có thể cho phép kéo dài thời hạn hợp đồng nhưng không quá 10 năm.
2. Thời hạn chuyển giao công nghệ theo các dự án Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam được tính theo thời hạn đầu tư ).