TỔ CHỨC QUẢN LÍ VÀ SỬ DỤNG CON DẤU

Một phần của tài liệu Tài liệu VP VT LT coquan NN docx (Trang 28 - 29)

Tổ chức quản lí và sử dụng con dấu là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác văn thư, bởi lẽ con dấu khẳng định giá trị pháp lí của các văn bản, thủ tục hành chính trong các quan hệ quản lí hành chính Nhà nước. Công tác này phải được thực hiện theo các quy định của các văn bản sau đây:

- Nghị định của Chính phủ số 62/CP ngày 22-9-1993 quy định việc quản lí và sử dụng con dấu;

- Thông tư liên tịch Bộ Nội vụ – Ban Tổ chức-cán bộ Chính phủ số 32/TT- LB ngày 30-12-1993 hướng dẫn thi hành nghị định của Chính phủ số 62/CP ngày 22-9- 1993 quy định việc quản lí và sử dụnh con dấu;

- Các văn bản khác có liên quan.

Các quy định đó có nội dung chính như sau:

1. Sử dụng con dấu theo đúng chức năng luật định:

+ Dấu quốc huy thuộc quyền sử dụng của các cơ quan, tổ chức được quy định tại điều 2 Nghị định 62/CP và được đóng vào những văn bản do thủ trưởng cơ quan và phó thủ trưởng cơ quan kí thay, cấp dưới kí các văn bản thừa lệnh.

+ Dấu không có hình quốc huy thuộc quyền sử dụng của các cơ quan, tổ chức được quy định tại điều 3 nghị định 62/CP, trong đó : dấu văn phòng dùng trong các trường hợp văn phòng ban hành văn bản để giải quyết các công văn theo thẩm quyền, dấu riêng đóng vào những văn bản do các phòng, ban chuyên môn phát hành; dấu chỉ mức độ mật, mức độ khẩn đóng vào văn bản sau khi kí chính thức, do người kí văn bản quy định.

+ Mỗi cơ quan, tổ chức chỉ được dùng một con dấu theo mẫu quy định. Trường hợp cần có thêm con dấu cùng loại mẫu như con dấu thứ nhất (giống nhau về hình thể, kích thước và nội dung) thì phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép (cấp thẩm quyền đã cho phép dùng con dấu khi thành lập) nhưng phải có kí hiệu riêng để phân biệt với con dấu thứ nhất. Ký hiệu riêng phải được sự đồng ý của cơ quan công an cấp phép khắc dấu. Các cơ quan, tổ chức có thể được khắc thêm con dấu chìm, dấu nổi, dấu thu nhỏ, nội dung con dấu phải giống như con dấu đang sử dụng, để phục vụ cho công tác, nghiệp vụ riêng nhưng phải được cấp có thẩm quyền cho phép.

2. Khi đóng dấu vào văn bản phải đảm bảo các quy định sau:

+ Con dấu chỉ được đóng lên các văn bản, giấy tờ sau khi đã có chữ ký của cấp có thẩm quyền (cấp trưởng, cấp phó hoặc cấp dưới trực tiếp được uỷ quyền của

+ Không được đóng dấu vào các văn bản không hợp lệ, không được đóng dấu khống chỉ (văn bản chưa có chữ ký của cấp thẩm quyền) hoặc văn bản chưa có nội dung;

+ Dấu được đóng rõ nét lên các văn bản và trùm lên 1/3 chữ ký về bên trái; + Mực dấu thống nhất dùng màu đỏ (đỏ cờ) do Bộ Nội vụ (Nay là Bộ Công an) hướng dẫn;

+ Trường hợp có các bản phụ lục hay văn bản dự thảo thì đóng dấu treo. + Dấu đóng mờ phải được đóng lại;

3. Thực hiện các chế độ quản lý con dấu:

+ Con dấu khắc xong phải đăng ký lưu chuyển mẫu tại cơ quan công an cấp giấy phép khắc dấu, chỉ sau khi được cấp giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu dấu, cơ quan, tổ chức mới được thông báo sử dụng con dấu mới. Khi bắt đầu sử dụng dấu mới phải nộp lại con dấu cũ cho cơ quan công an;

+ Con dấu phải do thủ trưởng cơ quan hoặc chánh văn phòng giao cho một người giữ. Người được giao giữ, bảo quản con dấu của cơ quan, tổ chức phải là người có trách nhiệm, đủ tin cậy, có trình độ chuyên môn về văn thư và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc giữ và đóng dấu;

+ Con dấu phải để tại cơ quan, đơn vị và phải được quản lý chặt chẽ. Không đem con dấu về nhà hoặc đi công tác. Trong trường hợp thật cần thiết để giải quyết công việc cơ quan, đơn vị, thủ trưởng của cơ quan, tổ chức có thể mang con dấu đi theo, nhưng phải bảo quản cẩn thận và phải chịu trách nhiệm về mang con dấu ra khỏi cơ quan, đơn vị;

+ Không được làm biến dạng con dấu. Nếu để mất con dấu, đóng dấu không đúng quy định, lợi dụng việc bảo quản, sử dụng con dấu để hoạt động phạm pháp sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy tố trước pháp luật; khi mất con dấu phải báo cáo ngay cho cơ quan công an cấp giấy phép khắc dấu biết để phối hợp truy tìm và thông báo huỷ bỏ con dấu đó. Con dấu đang sử dụng bị mòn, hỏng hoặc mẫu dấu không đúng với quy định phải xin phép khắc lại con dấu mới, nộp lại con dấu cũ;

+ Nghiêm cấm dùng con dấu giả, sử dụng con dấu không đúng quy định.

Một phần của tài liệu Tài liệu VP VT LT coquan NN docx (Trang 28 - 29)