Cảm hứng đạo đức và những vấn đề đời tư

Một phần của tài liệu Văn xuôi việt nam thời kỳ hậu chiến (1975 1985) (Trang 118 - 131)

Khai thác con người ở góc độ đời tư, văn xuôi hậu chiến dùng thước đo đạo đức để khám phá quá trình hoàn thiện nhân cách của con người. Cảm hứng đạo đức gắn liền với cảm hứng nghiên cứu thực tại, nghiên cứu con người, gắn liền với những vấn đề đạo đức, nhân cách, với các phạm trù gia đình, tình yêu, hạnh phúc - những vấn đề trước đây trong hoàn cảnh chiến tranh văn học chưa có điều kiện đề cập đến. Phản ánh cuộc đấu tranh trong chính bản thân mỗi con người, phát hiện vẻ đẹp trong chiều sâu nhân cách và hướng con người tới những giá trị tốt đẹp, bền vững, văn xuôi hậu chiến đã đánh dấu bước phát triển mới trong sự thay đổi quan niệm nghệ thuật về con người: lấy con người làm trung tâm, làm điểm quy chiếu cho mọi giá trị trong cuộc sống.

3.1.2.1. Sự soi chiếu vào đạo đức, nhân cách con người

Khám phá những tình cảm thầm kín, riêng tư của con người, khám phá đời sống muôn vẻ trong các quan hệ thế sự và đời tư bằng những câu chuyện hàng ngày, những quan hệ nhân sinh, những giá trị đạo đức truyền thống, nhà văn soi chiếu vào nhân cách, vào quá trình hoàn thiện của con người (Hai người trở lại trung đoàn - Thái Bá Lợi, Bức tranh, Đứa ăn cắp, Sắm vai, Hạng, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành - Nguyễn Minh Châu, Thời gian của người - Nguyễn Khải, Mùa lá rụng trong vườn, Đợi chờ, Quê nội, Mất điện, Kiểm - chú bé - con người… - Ma Văn Kháng…).

Sự thay đổi quan niệm về hiện thực đã dẫn tới sự thay đổi quan niệm nghệ thuật về con người. Biến cố lịch sử không còn là trung tâm để khai thác mà con người đã trở thành tâm điểm quy chiếu trong văn học. “Con người đạo đức thế sự là đặc điểm chủ yếu nhất của sự đổi mới tư duy nghệ thuật” trong văn học 1975- 1985 (Trần Đình Sử). “Chưa bao giờ, con người với tất cả quan hệ xa hội của nó, thân phận và cuộc đời của nó được phản ánh một cách sinh động và phong phú như trong giai đoạn hiện nay” (Bích Thu). Con người được phản ánh trong văn học với cái nhìn đa diện, đa chiều.

Hai người trở lại trung đoàn của Thái Bá Lợi là một trong những tác phẩm sớm nhất đã chạm đến sự vận động đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người thông qua thế giới nhân vật. Khước từ cái nhìn một chiều về người anh hùng (quan niệm phổ biến trong văn học 1945-1975), nhà văn đã nhìn thấy trong xã hội, có “những người tốt và những người chưa tốt, kẻ phản bội và người trung thành, trong con người khi hèn nhát và lúc dũng cảm, người sống hời hợt và người có tình yêu say đắm…” [23,328]. Bằng những suy ngẫm đầy tính dự báo ấy, Thái Bá Lợi đã khắc họa chân thực những diễn biến tâm lý bình thường của con người trong chiến tranh. Nhà văn đã phát hiện cả những mặt đối lập ngay trong mỗi con người: Trí - người năng động, xốc vác trong chiến đấu lại chính là một kẻ trí trá, xảo quyệt, cơ hội trong tình yêu. Trí đã biện minh cho những bội bạc của mình bằng những lý lẽ đáng buồn:“trước kia trong chiến trường gian khổ ác liệt khác, bây giờ ra đây mọi thứ đều có hoàn cảnh của nó, tình cảm của con người cũng phải khác đi chứ!” [22,56].

Các truyện ngắn khác của Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Lê Minh Khuê… đều hướng về những vấn đề đạo đức, nhân cách của con người trong cuộc sống mới, trong những dao động lớn nhất của tình cảm. Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã tâm sự: “tôi quyết định xông vào cái mặt trận đạo đức này…Tôi muốn dùng ngòi bút tham gia trợ lực vào cuộc giao tranh giữa cái tốt và cái xấu bên trong mỗi người, một cuộc giao tranh không có gì ồn ào nhưng xẩy ra từng giờ từng ngày và khắp mọi lĩnh vực đời sống” [123,320]. Truyện ngắn của ông thường là những cuộc đối chứng trong tư tưởng, để vượt lên những nhận thức sai

lầm, máy móc, giản đơn về con người và xã hội “cuộc đối chứng giữa thiện và ác, giữa ly trí, trí tuệ và bản năng mù quáng (cũng là cuộc đối chứng giữa hai mặt nhân cách và phi nhân cách, giữa cái hoàn thiện và chưa hoàn thiện, giữa ánh sáng và những khoảng bóng tối vẫn còn rơi rớt bên trong tâm hồn của mỗi con người - miếng đất nương náu và gieo mầm của lỗi lầm và tội ác” (Một lần đối chứng). Con người là tổng hòa các mối quan hệ xa hội, bởi vậy, trong mỗi con người là những giằng xé phức tạp bởi tác động của hiện thực khách quan. Trong tác phẩm của Nguyễn Minh Châu, con người đã đấu tranh gay gắt với bản thân mình, đã tự phê phán nghiêm khắc và tự thú dưới ánh sáng lương tâm (Bức tranh, Hạng, Sắm vai). Nhân vật của Nguyễn Minh Châu thường là nhân vật tự ý thức, với những tấn kịch nhận thức day dứt, căng thẳng (Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Bức tranh, Dấu vết nghề nghiệp). Với Mẹ con chị Hằng, Đứa ăn cắp, Lũ trẻ ở day K ... nhà văn đã nhìn thẳng vào thực trạng lối sống, nhân cách của con người, dự báo, cảnh tỉnh trước những tai họa của lối sống tưởng hồn nhiên, vô tư nhưng gần như vô ý thức của họ. Không nhìn con người bằng cái nhìn một chiều giản đơn như trước 1975, không “tắm rửa nhân vật của mình trong một bầu không khí vô trùng”, Nguyễn Minh Châu đã nhiều chiêm nghiệm hơn, điềm tĩnh hơn khi đặt nhân vật trong những nghịch lý cuộc đời (Bến quê, Chiếc thuyền ngoài xa) để nhìn con người toàn vẹn hơn trong mơ ước (Nhĩ), nghị lực (người đàn bà hàng chài) ...

Đi tìm những hạt ngọc đạo đức ẩn sâu trong tâm hồn con người, Nguyễn Minh Châu nhìn thấy mỗi con người là một phức thể phong phú, bí ẩn và phức tạp, ẩn chứa “rồng phượng và rắn rết, thiên thần và ác quỷ”. Quan tâm đến vấn đề đạo đức, nhân cách, nhà văn phản ánh những cái xấu, cái ác, phê phán nó, hướng nó tới cái tốt đẹp hơn với khát vọng bảo vệ cái đẹp, cái thiện và niềm tin về vẻ đẹp tâm hồn con người. Đó là tư tưởng thống nhất với tư tưởng của Nguyễn Minh Châu từ trước 1975, nhưng ở giai đoạn này, cái nhìn của nhà văn đã khách quan, đa chiều hơn. Trong mỗi truyện ngắn của mình, Nguyễn Minh Châu đều có những phát hiện, khám phá về nghịch lý trong đời sống: Hạng trong chiến tranh là chính trị viên, trở về đời thường lại là kẻ bàng quan, vô trách nhiệm, thu mình trong vỏ ốc cá nhân,

quên đi tình cảm, trách nhiệm với đồng đội bởi một triết lý sống kỳ quái: “xa hội loài người cũng giống như xa hội loài nhím, nếu sống kề sát bên nhau quá thì lông con này sẽ đâm vào da con kia. Cho nên người ta sống kề nhau cần phải để một khoảng cách” (Hạng). Người họa sĩ tài năng, danh tiếng lại trở thành “bề dưới”, thành kẻ “chịu ơn” trước một anh thợ cắt tóc bình thường (Bức tranh), thái độ thờ ơ, phàm tục đối với những người xung quanh không phải lúc nào cũng vô hại, bởi

“đôi lúc con người ta trở nên tàn ác một cách rất hồn nhiên” (Đứa ăn cắp). Vẻ đẹp tuyệt bích của chiếc thuyền trong sương sớm lại đối nghịch hoàn toàn với hiện thực đời sống trong chiếc thuyền ấy, nỗi đau câm lặng bị đánh đập, hành hạ của người đàn bà hàng chài lại không phải là nguyên cớ để chị có thể ly dị chồng, những người muốn ra tay cứu giúp chị (Phùng và Đẩu) cuối cùng lại được chính chị “khai hóa”… (Chiếc thuyền ngoài xa). Thông qua những nghịch lý ấy, nhà văn muốn khẳng định: “nhận thức hoàn cảnh, nhận thức các tình thế đời sống, nhận thức cái lẽ đời cay cực” [48] phải có cái nhìn đa diện, đa chiều, mới có thể hiểu được cái bản chất trong cái hiện tượng, thấy được chiều sâu cuộc sống. Đó chính là sự đổi mới nhận thức được phản ánh trong văn xuôi hậu chiến.

Trăn trở trước những tha hóa trong nhân cách con người, Ma Văn Kháng thể hiện cảm hứng đạo đức khá rõ khi nhà văn hướng về những chuẩn mực đạo đức tốt đẹp cần được giữ gìn trong xã hội, trong gia đình… đang bị xa rời, đang mất mát, nhạt nhòa trong con người, đó là những truyền thống gia đình có nguy cơ bị phá vỡ bởi tác động của hoàn cảnh (Mùa lá rụng trong vườn), là tình cảm quê hương gốc gác bị chối bỏ, đồng nghĩa với những tình cảm ruột thịt (bà cháu, cha con) trở thành xa lạ (Quê nội), là tình phụ tử bao la bị ghẻ lạnh bởi sự bạc bẽo, vô ơn của đứa con lớn lên từ chính sự trìu mến vô bờ ấy (Đợi chờ)... Nhà văn nhìn thấy những đối nghịch trong cuộc sống hàng ngày: tinh thần, trách nhiệm và sự trốn tránh, thoái thác, ích kỉ (Mất điện), cái thiện và cái xấu, cái ác (Kiểm - chú bé - con người)…

Từ góc độ đời tư, văn xuôi hậu chiến khám phá con người ở mọi quan hệ, mọi phẩm chất. Nhìn một cách nào đó, Trí (Hai người trở lại trung đoàn), Phú (Quê nội), Huyền (Đợi chờ), Hạng (Hạng), Cừ (Mùa lá rụng trong vườn), người chồng (Chiếc thuyền ngoài xa)... đều là những biến đổi đáng sợ về phẩm chất dưới

tác động của hoàn cảnh. Có người vì những toan tính không có hình thù... mà trở nên nhỏ nhen, giả dối, vụ lợi; có người vì ích kỉ cá nhân mà quên đi tình nghĩa, trở thành kẻ bàng quan, vô trách nhiệm; có người từ bản tính hiền lành, chất phác vì nhọc nhằn, khổ cực của cuộc sống mưu sinh mà trở nên vũ phu, tàn ác.... Phê phán, cảnh báo những biểu hiện xuống cấp về đạo đức của con người, nhà văn hướng về khát khao bảo vệ cái đẹp, cái thiện, về niềm tin vào phẩm chất tốt đẹp của con người.

Vấn đề đạo đức nhân cách trong văn xuôi hậu chiến được mổ xẻ dưới nhiều góc độ, trong đó có những biểu hiện nhân cách được soi chiếu từ những người lính: những người anh hùng trở về sau chiến tranh. Trong guồng quay của chiến tranh, họ là những người chiến thắng, tư thế ấy có còn vững vàng trong guồng quay của cuộc sống thời hậu chiến? Sài (Thời xa vắng) là một người lính anh dũng trên chiến trường nhưng trong cuộc sống riêng tư, anh lại là kẻ thất bại cay đắng. Hai cuộc hôn nhân tan vỡ là bằng chứng cho hai sai lầm lớn nhất đời anh: sống hộ y muốn

sống theo y thích của người khác. Đông (Mùa lá rụng trong vườn) - một trung tá đã qua hai mùa kháng chiến, trở về cuộc sống thường ngày lại trở nên“chậm chạp, thản nhiên, ụ ị, mù mờ, dường như khách quan với tất cả mọi sự kiện, kể cả việc quan thiết đến mình” [19,29], chỉ biết một việc duy nhất: tổ tôm. Đông cho rằng mình xứng đáng được nghỉ ngơi, được đền bù vì những tháng ngày vất vả, khổ sở. Anh bàng quan với mọi việc xung quanh, với mọi biến cố xảy ra trong gia đình. Đông đã mất vợ, mất chính bản thân mình vì sự vô tâm ấy. Biểu hiện của tư tưởng công thần trong nhân vật Đông sau này được khai thác mạnh hơn, sâu sắc hơn ở nhân vật ông Trần trong tác phẩm Miền hoang tưởng của Nguyễn Xuân Khánh (Đào Nguyễn). Ông Trần (anh rể của Tư) vốn là thần tượng, là người hướng đạo cho lý tưởng của Tư (bởi những năm tháng ông đã sống hào hùng, kiên cường trong chiến tranh) giờ đây lại là con người ích kỉ. Ông luôn cho rằng, với những gì mình đã cống hiến, mình được ưu tiên là hiển nhiên, con mình được ưu đãi là hoàn toàn chính đáng. Bởi những gian khổ, hy sinh ông đã vượt qua trong chiến tranh, ông đòi hỏi những đặc quyền, đặc lợi giành cho ông và gia đình. Con người thật của ông Trần đã làm Tư choáng váng và thất vọng. “Hóa ra anh cũng là một con

người quá ư phàm tục. Xưa kia anh nói đến sự công bằng hấp dẫn biết bao. Bây giờ, anh lại chỉ muốn thành quả của sự đấu tranh vì công bằng ấy là thuộc về anh. Chẳng lẽ những mơ tưởng đẹp mà anh đa tô vẽ cho bộ óc ngây thơ của tôi ngày xưa, bây giờ chỉ là hoang tưởng” [136,125]. Và trong tiếng đàn đầy suy tư, khắc khoải, Tư đã kể lại những sự thật trớ trêu: người đàn bà năm xưa - đã chết vì cứu sự sống của vợ con ông Trần - năm đứa con của bà, có người vẫn đang chiến đấu, có người đã hy sinh, người đang vất vả với cuộc sống thường nhật; người liên lạc năm xưa đã lấy thân mình che chở cho sự sống của ông Trần nay là một thương binh cụt tay, năm người con của ông, hai người là liệt sĩ, một đứa đi cải tạo… Trong khi con cái ông Trần đều được ra nước ngoài du học, thì con cái của những người từng cứu sống ông lại đang sống khổ cực và tiếp tục cống hiến, hy sinh vì đất nước. Họ có đòi hỏi đặc quyền, đặc lợi như ông? Khi đạo đức, nhân cách con người không còn gắn bó với cộng đồng, dân tộc, với lợi ích tập thể mà chỉ chăm chút, vun vén cho lợi ích cá nhân, đạo đức ấy, nhân cách ấy chắc chắn sẽ bị tha hóa. Đằng sau những tiếng đàn, những suy tư miên man của nhân vật là những tầng sâu ý nghĩa đáng phải suy ngẫm về vấn đề đạo đức, nhân cách con người.

Lặng lẽ và khiêm nhường, đi sâu vào hiện thực tâm trạng, truyện ngắn Bùi Hiển nhấn mạnh đến lẽ sống, cách ứng xử trong đời thường và quá trình hoàn thiện nhân cách của con người. Cảm hứng đạo đức thể hiện khá rõ khi ông viết về quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng (Cái bóng - cọc), về bản lĩnh sống của cá nhân trước những hiện tượng tiêu cực trong xã hội (Anh bạn Kỉnh của tôi), về mâu thuẫn giữa lòng hào hiệp, vị tha, sự chân thành và sự toan tính, vị kỉ trong tình yêu, hạnh phúc (Hào hiệp), về những nhận thức đầy ý nghĩa nhân sinh trong cuộc đời mỗi người (Tâm tưởng)… Khai thác thế giới bên trong của nhân vật, nhà văn thể hiện những suy tư sâu sắc về cuộc sống, con người. Tính tư duy, chiêm nghiệm, triết lý biểu hiện khá đậm nét trong truyện ngắn Bùi Hiển là vì vậy.

Bằng giọng văn trầm tĩnh, dung dị và kín đáo, nhà văn Ngô Thị Kim Cúc mang lại cho người đọc rất nhiều suy ngẫm về cái thiện và cái đẹp. Hạnh phúc nhỏ bé mà quý giá của Lam (Vị ngọt hòa bình), niềm vui giản dị của cô mậu dịch viên (Cửa hàng của chúng tôi: số 47), những khổ đau và hạnh phúc trong cuộc đời chị

Thương (Ngọn đèn nhỏ trên sân khấu tí hon), bản chất tốt đẹp và bản lĩnh sống của Chi, Thúy An (Chuyện kể trên đồi thơm), sự hướng thiện mạnh mẽ của Xuân (Xuân Phú Ninh)… đều là những bài học nhân sinh nhuần nhị, đánh thức những khoảng sáng trong tâm hồn con người.

Cảm hứng đạo đức được thể hiện rõ trong văn xuôi hậu chiến qua những cuộc đấu tranh nội tâm của nhân cách: đó là những đối thoại trong tâm tưởng nhân vật, những cuộc độc thoại nội tâm có phân vai. Phương thức trần thuật này có tác dụng đặc biệt trong việc thể hiện chiều sâu tâm hồn con người. Trong mỗi con người, luôn luôn có những cuộc đấu tranh quyết liệt đến mức đã phân thân thành những tiếng nói, những tư cách khác nhau để lý lẽ, tranh biện. Những đối thoại nội tâm thể hiện nhu cầu, khát khao tự hoàn thiện nhân cách của con người. Nhân vật tự thú, nhân vật sám hối, nhân vật tự nhận thức xuất hiện nhiều trong văn xuôi giai đoạn này là vì thế .

Trong Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, cuộc đối thoại trong tâm tưởng Quỳ là lời sám hối:

“- Em sẽ không còn đòi hỏi ở anh một con người tuyệt đối hoàn mỹ... Anh hay cứ mừng vui hí hửng khi được thăng cấp. Hay sống tự nhiên, anh hay cứ yêu người này, ghét bỏ người kia, anh hay cứ mặc bộ quần áo, đội chiếc mũ em không thích. Em càng yêu anh gấp ngàn vạn lần đôi bàn tay luôn luôn dấm dáp mồ hôi của anh!..” [56,143].

Quỳ đã từng kết tội người đàn ông mình yêu, chính những thói xấu thường tình và tật ra mồ hôi tay của anh đã khiến chị rời bỏ anh. Và sau những nhận thức,

Một phần của tài liệu Văn xuôi việt nam thời kỳ hậu chiến (1975 1985) (Trang 118 - 131)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(166 trang)
w