Ngôn ngữ văn xuôi 1945-1975 thường mang không khí, sắc thái cao cả của sử thi với ngôn từ hào hùng, thi vị và lãng mạn. Trong văn xuôi hậu chiến, ngôn ngữ đã bộc lộ rõ hơn suy nghĩ, quan niệm cá nhân, đã chạm đến vấn đề con người đa diện, phức tạp; từ ngôn ngữ hào hùng tráng lệ đã chuyển sang ngôn ngữ suồng sã, đời thường.
Sau 1975, từ rất sớm, lối nói thông tục với ngôn từ mang tính khẩu ngữ trong văn xuôi đã mang đến cho người đọc một ngôn ngữ mới lạ, khác với ngôn ngữ diễm lệ, hùng tráng trước đó. Đó là lối nói suồng sã, tếu táo, thân mật đậm chất lính:
- “Đánh rắm nó cũng nghe tiếng, nhưng bố bảo! Một thằng vừa mon men định giở trò đặc công bọn này, lính dù… Tôi tỉa cho một phát, còn nằm “lạy cụ” kia kìa… [12,512]).
- Đi gì ngu ngơ như ngỗng đeo đài thế? [21,87]
- Tiên sư mày! Có thấy con c… tao đây này! [31,51]
- Chỉ cần một mình thủ trưởng Sự đứng ra giữa đường mà hét cũng đủ để bọn lính quân đoàn 2 ngụy sợ vai đái ra quần” [31,198].
…..
Trước 1975, ngôn ngữ văn xuôi thường lãng mạn, thi vị. Sau 1975, văn học có những chuyển biến gần gũi hơn với đời thường, việc sử dụng ngôn từ suồng sã, thoải mái không làm mất đi cái trong sáng của lời văn, không thô tục, bừa bãi mà thể hiện chân thực hơn hình ảnh con người trong cuộc sống. Độc giả gần gũi hơn với những con người phi thường nhưng cũng rất đỗi bình dị - bởi họ là những con người bình thường trong cộng đồng xã hội, là người lính trong chiến tranh. Những khẩu ngữ, những câu chửi thề, chửi tục… được sử dụng với mật độ khá lớn, tái hiện cuộc sống hàng ngày của người lính: suồng sã, thoải mái, lạc quan. Trong cuộc sống hàng ngày, họ tếu táo để có thể sống và chiến đấu, biến hoàn cảnh bất thường của chiến tranh thành hoàn cảnh bình thường. Suồng sã nhưng không buông tuồng dễ dãi, lúc ra trận, họ chiến đấu quả cảm, lúc trang nghiêm họ là những người lính tuyệt đối trung thành.
Không chỉ ngôn ngữ nhân vật mang chất hiện thực đời thường, ngôn ngữ người trần thuật cũng thân mật, thoải mái:
“Họ cứ ồn ào tranh cai như vậy cho đến khi trung đội trưởng Mánh đi hội y về, hét um lên:
- Trời ơi, vón cục cả lại với nhau thế này à? Chiều nay nó đa gõ vào đầu rồi đấy các bố ạ. Nó mà cho một quả xuống đây rồi lại khiêng nhau không kịp.
Lính tráng im bặt, ngơ ngác nhìn nhau rồi vội va tìm đường lỉnh ngay. Anh trung đội trưởng “lắm điều” đứng nhìn các chiến sĩ của mình rồi lắc đầu ca cẩm…” [31,65].
Anh trung đội trưởng “lắm điều” ấy được tái hiện trong một đoạn văn khác cũng hết sức bình dị, thoải mái với ngôn ngữ trần thuật hóm hỉnh, suồng sã. Ổn vốn là một chiến sĩ thuộc trung đội gió lốc của Mánh, gan dạ, láu lỉnh và nghịch ngợm. Trong một lần tới thị xã mới được giải phóng, Ổn nghịch ngợm gọi điện thoại giả giọng tỉnh trưởng, rồi táy máy nghịch cái còng số tám khiến chiếc còng khóa luôn tay Ổn. Trung đội trưởng Mánh đã phê bình Ổn trước trung đội:
“- Tôi thay mặt trung đội, phê bình đồng chí Lê Thanh Ổn… Đồng chí Ổn có y kiến gì không?
Ổn đứng như trời trồng, mặt đỏ như mào gà, miệng ấp úng: - Tôi… xin… nhận khuyết điểm và… hứa … hứa sửa chữa.
- Được! Nếu đồng chí còn tái phạm, kỷ luật sẽ nặng hơn. Chúng ta đi đánh giặc chứ không phải đi chơi, đi đùa giỡn. Đồng chí trở về hàng.
Ổn quay gót trở lại hàng quân, mặt vẫn đỏ bừng. Cả trung đội nhìn nhau, đôi ba người cố nín cười rồi lấm lét nhìn trung đội trưởng. Nhưng rồi, chính trung đội trưởng Mánh lại là người phá lên cười trước tiên:
- Cái thằng… ngốc hết sức! Cái còng số tám, lạ quái gì mà lại dại dột đút tay vào. Làm trò cười cho cả trung đoàn rồi đấy, khỉ ạ. Thôi, bây giờ giải tán, về làm công tác chuẩn bị. Tuyệt đối không thằng nào được đi đâu. Có lệnh là lên xe ngay.” [31,351-352].
Đoạn văn ẩn chứa giọng điệu hóm hỉnh trước hành động, lời nói của nhân vật Mánh. Rõ ràng, miêu tả nhân vật Mánh, người trần thuật không xem anh như đối tượng để kính cẩn chiêm ngưỡng mà coi anh như một người bình thường, gần gũi, vừa nghiêm trang trong tư thế chỉ huy, vừa hài hước, tếu táo trong tính cách của người lính. Mánh phê bình Ổn một cách nghiêm túc nhưng sau đó anh lại hóm hỉnh trêu đùa, nhắc nhở Ổn với tư cách của một người đồng đội, một người bạn (bởi khuyết điểm của Ổn đáng cười hơn đáng trách) với ngôn ngữ suồng sã hơn (cái thằng, khỉ ạ, không thằng nào được đi đâu). Sự linh hoạt trong ngôn ngữ khiến nhân vật hiện lên không khô cứng mà sống động, tự nhiên.
Trong văn xuôi hậu chiến, bên cạnh cách xưng hô trang trọng của sử thi như: đồng chí, thủ trưởng, anh, chị, gọi tên riêng... các nhân vật cũng dùng cách xưng hô thân mật: mày, tao, thằng, hắn, nó... Ngôn ngữ đời thường còn thể hiện trong cách nhân vật dùng ngôn ngữ để làm động lực sống, chiến đấu. Đoàn thủy thủ lạc trong rừng sau khi hủy tàu (Biển gọi) có lẽ sẽ khó vượt qua những ngày khủng khiếp nếu thiếu những chuyện tiếu lâm của Đĩnh voi, với món chả chó được làm từ “chó già, lông mày cụp xuống, râu vểnh thật hách”, với món Vitamin C từ ổ kiến vàng… Những chiến sĩ nghe Đĩnh voi kể về món chả chó thơm lừng và bao nhiêu món ăn ngon khác để “vừa cười vừa nhấm lá thiên tuế, nhai lá đậu ma và nuốt những con
ốc sên tanh mửa” [28,197]. Ở đây, ngôn ngữ đã góp phần thể hiện sự lạc quan và ý chí kiên cường của người lính.
Trong văn xuôi trước 1975, ở một không gian lịch sử rộng lớn của mặt trận, chiến dịch… với các sinh hoạt cộng đồng, ngôn ngữ tác phẩm thường mang không khí, sắc thái cao cả của sử thi (ngôn ngữ tráng lệ, thi vị trong Sống mai với thủ đô -
Nguyễn Huy Tưởng, ngôn ngữ lãng mạn, hào hùng trong Dấu chân người lính - Nguyễn Minh Châu, ngôn ngữ cổ kính, trang nghiêm, huyền thoại trong Rừng xà nu - Nguyễn Trung Thành…). Văn xuôi hậu chiến đã sử dụng ngôn ngữ đậm chất hiện thực đời thường, không làm mất đi vẻ đẹp cao cả của người lính mà đưa vẻ đẹp của họ bình dị hơn, gần gũi hơn. Ngôn ngữ ấy chứng minh: họ là những con người bình thường mà phi thường chứ họ không phải là thánh nhân.
Trong văn xuôi sau đổi mới, con người đã nói bằng ngôn ngữ khác, những suy nghĩ sâu thẳm trong tâm hồn, những điều trước đây bị cấm kị đã được bóc trần:
“- Tôi không sợ chết, nhưng cứ bắn mai giết mai thế này thì chết hoại tình người… Tôi thường tự hỏi … Mình vào đây làm gì khi để mẹ già ở nhà cơ cực không nơi nương tựa, ngày đêm than khóc nhớ con… Bao thằng khốn nạn ung dung hưởng lộc chiến tranh, chỉ con cái nông dân là phải dứt lòng ra đi, bỏ lại đằng sau cảnh mẹ già màn trời chiếu đất… [129,22-23].
Trước 1975, lý tưởng sử thi đã chi phối thời đại, chi phối suy nghĩ và hành động của con người, mỗi cá nhân đều hành động giống như người anh hùng. Sau 1975, cũng vẫn là khát vọng chiến đấu cho dân tộc, nhưng quan niệm về con người đã thay đổi, đa diện, phức tạp hơn. Con người vừa có thể là anh hùng trong chiến đấu lại vừa có thể là kẻ tầm thường, cơ hội… Một chiến sĩ đã từng vào sinh ra tử không hề kém cạnh ai đã trở thành kẻ đào ngũ bởi không chịu nổi guồng máy ác liệt của chiến tranh… Nếu trước 1975, chiến tranh là môi trường lý tưởng thử thách ý chí, lòng quả cảm, là nơi để người anh hùng xả thân và lập chiến công, sẵn sàng hy sinh dù đó là cái chết vô danh thì sau 1975, chiến tranh là lò lửa phân biệt vàng thau, thậm chí là môi trường phi nhân tính “đầy ải tàn nhẫn làm con người suy sụp sâu sắc về cả thể xác lẫn tinh thần” (Nỗi buồn chiến tranh).
Trong văn xuôi hậu chiến, ngôn ngữ suồng sã đậm chất hiện thực đời thường còn được thể hiện ở lối nói giản dị, chân thật, bày tỏ cảm xúc một cách tự nhiên của nhân vật.
Trong Đất trắng, Nguyễn Trọng Oánh miêu tả nhân vật Ba Kiên - trung đoàn trưởng trung đoàn 16 là người sống cởi mở, yêu ghét rõ ràng, nghĩ sao nói vậy… Khi còn là cán bộ trung đội, được bình bầu đi dự đại hội chiến sĩ thi đua toàn quân, kể thành tích với phóng viên, ông hồn nhiên nói: “sau trận ấy nghĩ gì à? Còn gì nữa mà nghĩ? Sợ bỏ mẹ! đêm về nằm nghĩ rùng mình..” [26,232]. Ông đã bày tỏ cảm xúc của mình một cách tự nhiên, chân thật, không hề giấu giếm, không thêm bớt để làm nổi bật chiến công của mình. Cũng vì thế, vẻ đẹp nhân vật hiện lên thật hơn, người hơn. Là chỉ huy nhưng ông Ba Kiên rất gần gũi với anh em chiến sĩ, tác phong sâu sát, lối sống bình dị, hòa đồng, bình tĩnh, quyết đoán, dũng cảm, xông xáo, thương yêu chiến sĩ. Ông đã nhiều lần xuống đơn vị, nhịn đói, nhịn khát với chiến sĩ, chia sẻ mọi khó khăn, thử thách với anh em, đồng đội… Ông là linh hồn của trung đoàn 16, là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho cán bộ và chiến sĩ trung đoàn.
Ngôn ngữ đời thường đã thể hiện tâm tư, tình cảm, suy nghĩ của người chiến sĩ một cách tự nhiên, chân thật:
“- Chúng nó bảo lúc máy bay bắn cối, anh sợ quá chúi xuống khe suối nằm đúng không?
- Nói láo! Thằng này coi mấy cái chuồn chuồn ấy ra cái gì. - Không nhảy xuống khe sao thấy anh ướt như chuột thế?
- Hà hà… tại cái túi nước. Mẹ khỉ, mình vác nước trên vai, lúc chạy máy bay quên khuấy, buông tay ra. Thế là nó đổ òa, tưới ra từ đầu tới chân.
- Thế là anh cũng có hoảng?
- Thì… đa sao? Tránh voi chẳng xấu mặt nào!” [31,61]
Đoạn đối thoại thể hiện lối nói chân thật, thẳng thắn của người lính. Họ dám thể hiện suy nghĩ của mình, những tâm lý có thật trong những hoàn cảnh nhất định nhưng điều quan trọng hơn, họ dám xông pha trên chiến trường, chiến đấu anh dũng và sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng. Điều đó đáng quý biết bao so với những kẻ
đớn hèn, luôn giấu giếm những toan tính, dục vọng để rồi trở thành kẻ chiêu hồi, phản bội. Với ngôn ngữ suồng sã, đời thường, văn xuôi hậu chiến đã thể hiện vẻ đẹp bình thường, giản dị của người lính, góp phần xóa bỏ tính trang trọng trong phong cách sử thi, đưa hình tượng văn học gần gũi hơn với cuộc sống, với độc giả.