VIẾT VỀ ĐỀ TÀI CHIẾN TRANH SAU CHIẾN TRANH
Đề tài là “khái niệm chỉ loại các hiện tượng đời sống được miêu tả, phản ánh trực tiếp trong sáng tác văn học” [124,96], là phạm vi miêu tả trực tiếp của tác phẩm, là sự khái quát về phạm vi xã hội, lịch sử của đời sống được phản ánh trong tác phẩm.
Văn học 1945-1975 diễn ra trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh. Cuộc đấu tranh cách mạng của dân tộc và người lính trở thành đề tài lớn bao trùm văn học. Hầu hết các tác phẩm ra đời trong giai đoạn này đều viết về những người con ưu tú của đất nước, về cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Dường như, ít có tác phẩm đi chệch đường ray đó. Sau năm 1975, đề tài về cuộc kháng chiến không còn là đề tài duy nhất chi phối mạnh mẽ văn học. Đề tài trở lại đúng khái niệm của nó: có bao nhiêu hiện tượng đời sống, có bấy nhiêu đề tài được phản ánh. Vì vậy, văn học sau 1975 phản ánh nhiều đề tài: đề tài chiến tranh, thế sự - đời tư, xây dựng, sản xuất, sinh hoạt, phong tục, lịch sử... Trong cái nhìn phong phú, đa dạng, phức tạp ấy, ngoài đề tài chiến tranh, luận án sẽ tìm hiểu về đề tài thế sự - đời tư ở chương 3. Thông qua hai mảng đề tài này, nghiên cứu của luận án hướng tới sự chuyển biến của văn xuôi thời kỳ hậu chiến theo quy luật kế thừa và phát triển của văn học.
Nghiên cứu văn xuôi viết về đề tài chiến tranh sau chiến tranh, chúng tôi muốn tìm hiểu và trình bày nó ở góc độ những cảm hứng mới, những vận động đổi mới về nghệ thuật… trong tương quan so sánh với văn xuôi ba mươi năm chiến tranh - giai đoạn các tác giả nhìn nhận chiến tranh ngay trong lòng chiến tranh.