Những dấu hiệu phá vỡ phong cách sử th

Một phần của tài liệu Văn xuôi việt nam thời kỳ hậu chiến (1975 1985) (Trang 86 - 88)

Chiến tranh là một đề tài lớn có sức hấp dẫn và chi phối tiến trình lịch sử văn học hiện đại. Nhưng không phải trong hoàn cảnh nào, thời điểm nào, viết về chiến tranh cũng giống nhau. Quá trình sáng tác ấy chịu sự tác động có tính quy luật của hoàn cảnh lịch sử, của thực tại. Đề tài không thay đổi nhưng cảm hứng, nhu cầu nhận thức và hoàn cảnh lịch sử thay đổi... sẽ tạo ra các tiền đề khách quan và chủ quan để nhà văn tiếp cận tới đối tượng một cách toàn diện, sâu sắc hơn. Nếu văn xuôi viết về chiến tranh thời kỳ 1945 - 1975 mang đậm cảm hứng lãng mạn sử thi thì văn xuôi viết về chiến tranh thời kỳ hậu chiến là sự kết hợp giữa phong cách sử thi hoành tráng và hiện thực trần trụi, giữa lãng mạn bi tráng với thế sự đời thường, giữa cộng đồng và cá nhân... Nhiều tác phẩm viết về chiến tranh ra đời sau đổi mới không còn âm hưởng sử thi mà thay vào đó là cảm hứng bi kịch sâu sắc với hiện

thực trần trụi, bi thảm được nhấn mạnh, tô đậm. Nước mắt đỏ, Tiễn biệt những ngày buồn, Vòng tròn bội bạc, Nỗi buồn chiến tranh, Phố, Ăn mày dĩ vang, Cỏ lau, 49 cây cơm nguội, Người sót lại của rừng cười... không còn là những trang viết hào sảng về cuộc kháng chiến của dân tộc mà là âm hưởng lặng lẽ, khắc khoải của nỗi buồn chiến tranh mênh mang... Như vậy, có thể thấy, đặc trưng của văn xuôi hậu chiến là sự chuyển biến, nối tiếp giữa hai giai đoạn văn xuôi viết về chiến tranh với những khuynh hướng và cảm hứng khác nhau. Điều đó chứng tỏ sự vận động của tư duy văn học trên con đường đổi mới.

Sử thi vốn là một thể tài tự sự, đã trở thành tính chất, đặc điểm của văn học 1945-1975, chi phối hệ thống hình tượng và các phương thức biểu hiện nghệ thuật, tạo nên một phong cách riêng của văn học thời kỳ này. Phong cách “khái niệm chỉ những nét chung, tương đối bền vững của hệ thống hình tượng, của các phương thức biểu hiện nghệ thuật, tiêu biểu cho bản sắc sáng tạo của một nhà văn, một tác phẩm, một khuynh hướng văn học, một nền văn học dân tộc” [127,1411]. Văn học 1945-1975 là thời kỳ văn học mang đậm phong cách sử thi với những đặc trưng tiêu biểu. Hướng vào những sự kiện trọng đại với cái nhìn lịch sử và quan điểm cộng đồng, hình tượng nhân vật, ngôn ngữ, giọng điệu… của văn học ba mươi năm chiến tranh đều mang màu sắc sử thi rất rõ. Văn xuôi hậu chiến với sự chuyển đổi từ cảm hứng sử thi sang cảm hứng thế sự đời tư đã dần hình thành những đặc trưng khác về hình tượng và các phương thức biểu hiện nghệ thuật. Đã có những biểu hiện đi chệch đường ray sử thi, có những dấu hiệu phá vỡ một phong cách đã ổn định… Sự kết hợp giữa một phong cách sử thi đã có nhiều biến đổi và một phong cách mới đang ở giai đoạn hình thành, sự dung hòa giữa chất sử thi và chất tiểu thuyết chính là diện mạo rất riêng, phân biệt văn xuôi 1975-1985 với hai giai đoạn văn xuôi trước và sau nó.

Như vậy, phong cách văn học là khái niệm chỉ tính độc đáo có ý nghĩa thẩm mỹ của một hiện tượng văn học (nền văn học của một dân tộc, một thời đại, một trào lưu, toàn bộ sáng tác của một nhà văn hoặc một tác phẩm riêng lẻ…). Biểu hiện của phong cách là cách nhìn, cách cảm thụ giàu tính khám phá với cuộc đời; giọng điệu riêng gắn liền với cảm hứng sáng tác; nét riêng trong sự lựa chọn, xử lý

đề tài, xác định đối tượng miêu tả…; tính thống nhất, ổn định trong cách sử dụng các phương thức và phương tiện nghệ thuật. Trong văn xuôi hậu chiến, những biểu hiện trên đã có những dấu hiệu khác biệt với những biểu hiện của văn học sử thi. Trong phạm vi luận án, chúng tôi xin đề cập đến những vận động đổi mới ở các phương diện nghệ thuật: điểm nhìn, giọng điệu và ngôn ngữ để thấy những rạn nứt đầu tiên của phong cách sử thi - tiền đề cho những chuyển biến về nghệ thuật trong văn xuôi đầu thập kỉ tám mươi.

Một phần của tài liệu Văn xuôi việt nam thời kỳ hậu chiến (1975 1985) (Trang 86 - 88)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(166 trang)
w