CHƯƠNG I : TỔNG QUAN CHUNG VỀ VTĐPT
3.4 Các giải pháp nhằm phát triển VTĐPT ở Việt Nam
3.4.1 Các giải pháp vĩ mô
Phát triển kết cấu hạ tầng đầy đủ
Kết cấu hạ tầng đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển VTĐPT, không có cơ sở vật chất đồng bộ thì khó mà tiến hành VTĐPT quốc tế. Nghị quyết Đại hội Đảng 9 đã đề ra nhiệm vụ:”xây dựng đồng bộ và từng
bước hiện đại hoá hệ thống kết cấu hạ tầng: giao thông, điện lực, thông tin...”. Nhìn lại thị trường trên thế giới, có thể nói, rào cản chính của VTĐPT ở các nước trong khu vực cũng như ở nước ta là thiếu và không đồng bộ về kết cấu hạ tầng do hạn chế về vốn đầu tư. Trong thời gian qua, chính phủ đã tập trung ưu tiên cho việc phát triển kết cấu hạ tầng GTVT. Do đó, các kết cấu hạ tầng phục vụ cho vận tải đã thay đổi nhiều so với các năm trước đây. Kết cấu hạ tầng GTVT phục vụ cho VTĐPT bao gồm hệ thống đường bộ, đường sông, hàng không và đường biển. Trong đó, quan tâm hàng đầu là hệ thống đường xá và cầu, đường bộ, đường sắt, các nhà ga, cảng biển, cảng sông, cảng hàng không và các trang thiết bị xếp dỡ hàng hoá ở các ga, cảng. Đi đôi với xây dựng mới là việc nâng cấp các kết cấu hạ tầng GTVT hiện có. Hiện nay, Bộ GTVT đã có kế hoạch xây dựng và nâng cấp 8 tuyến đường bộ tham gia mạng đường bộ ASEAN và các cảng biển gắn với các tuyến đường đường bộ đó. Việc tham gia tích cực của Việt Nam vào phát triển tuyến đường đường sắt Singapore – Côn Minh sẽ phục vụ đắc lực cho nghiệp vụ phát triển VTĐPT trong tương lai.
Việc xây dựng các cảng ICD sẽ tạo điều kiện cho VTĐPT phát triển. Hiện nay, ở phía Bắc, lượng hàng được chuyên chở bằng VTĐPT chủ yếu qua cảng Hải Phòng. Do diện tích của cảng còn bị hạn chế nên đã ra đời ICD Hà Nội để hỗ trợ cho hàng Container thông qua cảng Hải Phòng. Khu vực phía Nam, hàng chuyên chở bằng VTĐPT đến vùng này chủ yếu qua cảng Sài Gòn, ICD Thủ Đức đã hỗ trợ cho hàng Container qua Tân Cảng, Bến Nghé, Tân Thuận trong những thời kì căng thẳng. Như vậy, chúng ta có 4 cảng ICD ở khu vực phía Bắc và phía Nam nhưng quy mô còn nhỏ, chưa đáp
ứng được nhu cầu vận chuyển, xếp dỡ hàng Container. Ngoài đầu tư phát triển cảng biển, cần đầu tư phát triển thêm cảng ICD bởi những ưu điểm của nó (được người viết đề cập trong chương I). Chính phủ đã có quyết định giao cho Tổng công ty Hàng hải Việt Nam nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển ở khu vực Vũng Tàu. Đây là những chuyển biến tích cực và chủ động nhằm phục vụ cho việc phát triển vận tải nói chung và VTĐPT nói riêng.
Trong việc phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ trực tiếp cho VTĐPT cần phải xúc tiến nhanh việc thiết lập hệ thống trao đổi dữ liệu (EDI). Công nghệ thông tin đang được ngành GTVT, nhất là vận tải biển áp dụng trong kinh doanh khai thác. Cần thiết lập mạng EDI giữa các cảng biển của Việt Nam với cơ quan hải quan và thiết lập giữa các cảng biển chính của Việt Nam với các cảng chính trong khu vực, giữa các cảng biển với các chủ tàu và công ty kinh doanh giao nhận vận tải lớn của ta. Việc thiết lập mạng EDI sẽ giúp cho các bên có liên quan nắm được thông tin nhanh chóng về hàng hoá xuất nhập khẩu, hàng hoá xếp trên tàu hoặc dỡ xuống cảng, qua đó thúc đẩy nhanh việc làm thủ tục, nhất là các thủ tục thông quan, việc nộp thuế hải quan và giải phóng nhanh hàng hoá để được đưa đến người sử dụng.
Việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trên đây sẽ làm cho VTĐPT thực hiện được việc chuyên chở hàng hoá từ cửa đến cửa với giá thành vận tải thấp hơn và giúp tăng năng lực cạnh tranh của người kinh doanh VTĐPT của Việt Nam.
Đơn giản hoá các thủ tục hải quan
Trong VTĐPT, chứng từ và thủ tục khá phức tạp. Yêu cầu về chứng từ đòi hỏi độ chính xác cao. Hiện nay, các thủ tục, giấy tờ liên quan tới việc xuất nhập khẩu hàng hoá của chúng ta còn rất phức tạp và có chỗ còn chưa nhất quán. Do đó, việc gây tốn kém thời gian và chậm trễ trong quá trình vận tải và giao nhận là điều khó tránh khỏi. Vì vậy, đơn giản hoá và hài hoà các chứng từ và thủ tục có liên quan tới vận tải, giao nhận và hàng hoá xuất nhập khẩu là một việc làm vô cùng cần thiết hiện nay.
Trong việc đơn giản hoá các chứng từ và thủ tục, ngoài các chứng từ và thủ tục về xuất nhập khẩu hàng hoá, thì trọng tâm là đơn giản hoá và hài hoà các chứng từ và thủ tục hải quan.
Thực tế hải quan nước ta cũng như hải quan bất cứ nước nào có hàng
đi qua lãnh thổ nước mình đều áp dụng những biện pháp chặt chẽ để không
cho những hàng hoá này tiêu thụ bất hợp pháp ở thị trường nước mình. Tuy nhiên, đối với hải quan, việc phân biệt hàng đa phương thức hay đơn phương thức là không cần thiết. Bên cạnh đó, hải quan nước ta cũng như nước khác đều yêu cầu đại lý hoặc người kinh doanh VTĐPT phải bảo đảm hàng nguyên đai nguyên kiện, phải xuất trình đầy đủ chứng từ ở điểm hàng vào cũng như ở điểm hàng ra. Hải quan sẽ phạt nặng nếu như người vận tải vi phạm những quy định này.
Trong thực tế vừa qua, khi chuyên chở hàng hoá bằng VTĐPT các tổ chức vận tải của Việt Nam đều phải làm một số thủ tục khá phiền toái, có những điểm rất khó thực hiện như phải khai trị gía hàng, tên người bán, người mua, số hợp đồng mua bán… là những chi tiết mà người vận tải ít có điều kiện nắm được. Mặt khác, hải quan nước ta vẫn chưa có mẫu biểu quá cảnh. Điều đó khiến cho mục đích của VTĐPT không những không đạt được mà còn kìm hãm sự phát triển của vận tải và buôn bán quốc tế.
Do vậy về cơ chế Nhà nước, đặc biệt là Bộ thương mại và Tổng cục Hải quan cần sớm bổ sung và hoàn chỉnh các thủ tục Hải quan và giấy phép nhập khẩu đối với hàng VTĐPT và hàng quá cảnh. Cách quản lý hiện nay tuy vẫn làm được nhưng mất khá nhiều thời gian, thủ tục lại phiền hà, tạo nhiều chỗ hở để tệ tham nhũng cửa quyền và buôn lậu hoành hành. Vì vậy, ngành hải quan nước ta cần nghiên cứu kĩ một số Công ước hải quan quốc tế có liên quan và cân nhắc khả năng để xin phép Nhà nước cho gia nhập, phê chuẩn. Các mẫu biểu, giấy tờ cũng cần nghiên cứu sao cho phù hợp, thống nhất với các tập quán quốc tế. Ngoài ra, trong thủ tục hải quan cần phân biệt rõ thế nào là tạm nhập tái xuất, thế nào là quá cảnh và thế nào là mượn đường, thế nào
là đa phương thức, thế nào là đơn phương thức. Bên cạnh đó, chúng ta cần nâng cao nghiệp vụ, trình độ hiểu biết trong đội ngũ hải quan về hàng hoá VTĐPT nói chung và hàng hoá quá cảnh nói riêng, tạo điều kiện cho VTĐPT phát huy vai trò của nó trong buôn bán quốc tế.
Phối hợp chặt chẽ giữa các phương thức vận tải:
VTĐPT là sự phối hợp nhịp nhàng giữa các phương thức vận tải khác nhau trong một dây chuyền dịch vụ chung. Hiện nay, ở nước ta chưa có sự kết dính và hợp tác chặt chẽ giữa các phương thức vận tải đường biển, đường thuỷ nội địa, đường sắt, đường bộ và hàng không. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các phương thức là yếu tố quyết định thành công của VTĐPT.
Trên cơ sở kết cấu hạ tầng hiện có, các phương thức phải có sự kết hợp về chính sách giá cước, chất lượng phục vụ và nhất là thông tin kịp thời. Mỗi phương thức có chất lượng phục vụ cao sẽ làm cho cả dây chuyền có chất lượng phục vụ tốt. Việc phối hợp này phải đứng trên quyền lợi quốc gia. Để có sự chặt chẽ giữa các phương thức vận tải và giữa các vận tải với thương mại, tài chính, bảo hiểm, hải quan... cần có một tổ chức chỉ đạo, phối hợp trong thể chế chung.
Có chính sách khuyến khích đối với VTĐPT:
Để phát triển VTĐPT, tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực và quốc tế, trong giai đoạn trước mắt, chính phủ cần có các chính sách khuyến khích phát triển VTĐPT. Trong đó có:
- Đầu tư vốn phát triển kết cấu hạ tầng GTVT và phương tiện vận tải, tạo điều kiện cơ sở vật chất cho VTĐPT.
- Thuế: có cơ sở hạ tầng khuyến khích về thuế đối với dịch vụ VTĐPT và người kinh doanh VTĐPT, tránh đánh thuế trùng.
- Ưu đãi dành cho các chủ hàng Việt Nam thuê dịch vụ VTĐPT của những người kinh doanh VTĐPT Việt Nam như giảm thuế thu nhập công ty hoặc thuế xuất nhập khẩu hoặc miễn kiểm tra Hải quan.
- Cho phép các nhà kinh doanh VTĐPT của Việt Nam liên doanh với các nhà kinh doanh VTĐPT có tiềm năng của nước ngoài để tìm thị trường cho dịch vụ VTĐPT ở nước ta. Liên doanh được thực hiện cả ở Việt Nam và ở nước ngoài.
Tăng cường thể chế quản lý VTĐPT
Bộ GTVT cần thành lập một Uỷ ban hoặc giao nhiệm vụ cho một Vụ hoặc Cục quản lý VTĐPT. Cơ quan này chịu trách nhiệm:
- Hoạch định chính sách và đề xuất các biện pháp phát triển VTĐPT của Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.
- Đề xuất việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cho VTĐPT.
- Nghiên cứu và đề xuất các luật lệ, chính sách điều chỉnh VTĐPT cũng như các chứng từ VTĐPT .
- Nghiên cứu các ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ truyền dữ liệu EDI áp dụng trong VTĐPT.
- Phối hợp chặt chẽ giữa các phương thức vận tải. - Đăng ký và cấp phép cho người kinh doanh VTĐPT.
- Giúp đỡ việc thành lập và phát triển các nhà kinh doanh VTĐPT quốc gia.
- Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức khu vực và quốc tế trong việc phát triển VTĐPT.
Kinh nghiệm của các nước cho thấy việc tăng cường quản lý VTĐPT của Nhà nước là hết sức cần thiết, góp phần phát triển VTĐPT hiện nay. Thái Lan đã thành lập Uỷ ban quốc gia về VTĐPT do một Phó Thủ tướng làm Chủ tịch với 4 tiểu Uỷ ban giúp việc. Singapore thông qua Hiệp hội giao nhận vận tải để quản lý và nâng cao chất lượng VTĐPT. Malaysia quản lý chặt chẽ việc kinh doanh VTĐPT thông qua việc đăng ký kinh doanh với 4 điều kiện cụ thể. Đó là những kinh nghiệm mà chúng ta có thể tham khảo tốt. Vì không có sự hỗ trợ của Nhà nước thì VTĐPT khó có thể phát triển và bắt kịp với tốc độ phát triển của ngành vận tải trên thế giới.
Phát huy vai trò của các Hiệp hội có liên quan.
Hiện nay, chúng ta đã thành lập các Hiệp hội ngành nghề có liên quan, như: Hiệp hội chủ tàu Việt Nam, Hiệp hội giao nhận kho vận Việt Nam, Hiệp hội cảng biển Việt Nam, Hiệp hội đại lý môi giới Việt Nam, Hiệp hội vận tải ô tô. Trong đó, ba Hiệp hội đầu tiên đã trở thành thành viên tích cực của các Hiệp hội ngành nghề tương ứng ở ASEAN. Đó là một thuận lợi lớn đối với việc phát triển VTĐPT ở Việt Nam.
Thành viên của các Hiệp hội trên đây là những người tham gia chủ yếu vào các hoạt động VTĐPT ở nước ta. Vì vậy, các Hiệp hội đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển VTĐPT Việt Nam. Để phát huy vai trò đó của Hiệp hội, việc chú ý tới những khía cạnh sau là rất cần thiết:
- Thiết lập các thủ tục và các tiêu chuẩn kinh doanh cho các hội viên. Trên cơ sở đó đảm bảo chất lượng của người kinh doanh VTĐPT.
- Bảo vệ quyền lợi của các hội viên trong quan hệ với nước ngoài, thông qua công tác tư vấn và thông tin nội bộ.
- Bồi dưỡng đào tạo các hội viên. việc đào tạo ngành nghề đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc phát triển chuyên môn. đây là sự hỗ trợ hết sức đắc lực cho các cơ quan Nhà nước trong việc đào tạo phát triển chuyên ngành về VTĐPT cũng như các luật lệ, quy định có liên quan tới VTĐPT.
- Tư vấn cho các cơ quan Nhà nước về biện pháp và chính sách quản lý phát triển VTĐPT.