Tổng quan về chương trình Ngữ văn THPT

Một phần của tài liệu Dạy đọc hiểu thơ trữ tình hiện đại trong chương trình ngữ văn trung học phổ thông theo hướng tích cực hóa hoạt động của học sinh luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 29 - 31)

7. Cấu trúc của luận văn

1.2.1.Tổng quan về chương trình Ngữ văn THPT

Tương ứng với những thay đổi trong quan niệm về môn văn, chương trình và SGK Ngữ văn cũng có những đổi mới tích cực. Trong chương trình cũ (Chỉnh lí hợp nhất 2000), môn văn gồm ba phân môn tồn tại độc lập là Văn học, Tiếng Việt và Làm văn. Tương ứng với mỗi phân môn là một cuốn SGK riêng. Nay theo chương trình mới, ba phân môn độc lập là Văn học (bao gồm bộ phận đọc – hiểu văn bản, lí luận văn học và văn học sử); Tiếng Việt và Làm văn được tích hợp lại trong một môn học thống nhất mang tên Ngữ văn. SGK cũng chỉ còn một cuốn chung là SGK Ngữ văn. Sự thay đổi này thể hiện quan điểm giảm tải, tăng tính thực hành, ích dụng, tích hợp và tích cực của các nhà biên soạn. Nó cũng là sự tiếp nối chương trình Ngữ văn THCS trong tính liên thông, đồng bộ, nhất quán. Nếu trong chương trình cũ, ba phân môn được xây dựng tách rời, độc lập, thì chương trình mới được xây dựng theo nguyên tắc tích hợp và tích cực. Tích hợp ở đây được hiểu là sự gắn kết, phối hợp các lĩnh vực tri thức gần nhau của phân môn Văn, tiếng Việt, Làm văn nhằm hình thành và rèn luyện tốt các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết cho HS. Theo tinh thần này, khi dạy đọc hiểu văn bản cho HS, nhà trường THPT phải hình thành cho các em năng lực vận dụng một cách tổng hợp các tri thức và kĩ năng không chỉ của riêng môn văn (bao gồm các tri thức như kiến thức lịch sử văn học, Lí luận văn học....) mà còn phải huy động các kiến thức và kĩ năng khác (bao gồm các kiến thức liên ngành như Tiếng Việt, làm văn và các kiến thức văn hoá, xã hội...). Điều này sẽ góp phần phát huy tính tích cực, chủ động của HS trong việc tiếp nhận các tri thức văn chương.

Đọc – hiểu là một bộ phận tri thức nằm trong phần Văn học của chương trình Ngữ văn. Khái niệm đọc – hiểu (comprehension reading) có nội hàm khoa học phong phú, nhiều cấp độ và không những gắn liền với lý luận dạy học văn, mà còn với lý thuyết tiếp nhận, tâm lý học nghệ thuật, lý thuyết giao tiếp, thi pháp học, và văn bản học… Cách đọc này được SGV Ngữ văn

lớp 6, tập I, giải thích như sau: “Khả năng đọc – hiểu một tác phẩm văn chương lệ thuộc không ít vào việc có thể trả lời được hay không những câu hỏi đặt ra ở những cấp độ khác nhau. Mức thấp nhất là chỉ cần sử dụng ngay các thông tin đó có trong văn bản. Đó là trường hợp câu trả lời đó có sẵn trong bài, là trình độ chỉ biết đọc trên dòng. Mức cao hơn là buộc phải suy nghĩ và sử dụng những thông tin trong văn bản, là trình độ đó biết đọc giữa các dòng. Cao hơn nữa là yêu cầu khái quát, liên hệ giữa cái mà học sinh đó đọc với thế giới bên ngoài bài học, đó là trình độ biết vượt ra khỏi dòng để đọc văn bản. Khám phá theo hướng này thì học sinh không chỉ hứng thú, hiểu sâu văn bản mà còn liên hệ được một cách sinh động tự nhiên việc học văn với những vấn đề của cuộc sống”.

Như thế, bản chất của hoạt động đọc – hiểu văn bản trong các giờ học Ngữ văn chính là sự tìm tòi, khám phá để cảm và hiểu văn bản cụ thể của môn Ngữ văn hiện hành. Đó chính là phương pháp tiếp nhận nghệ thuật ngôn từ bằng sự cảm thụ trực tiếp là sự thấu hiểu ngôn ngữ và là sự phân tích, phát hiện ý nghĩa sâu xa trong văn bản. Đọc chính là con đường duy nhất để học sinh tự mình cảm nhận cái hay, cái đẹp của hình thức tồn tại của văn bản nghệ thuật tiến tới hiểu nội dung tư tưởng khái quát về nhân tâm, thế sự trong đó. Đọc – hiểu sẽ là con đường dẫn dắt học sinh chiếm lĩnh toàn bộ tri thức về văn bản, tác phẩm văn chương.

Một phần của tài liệu Dạy đọc hiểu thơ trữ tình hiện đại trong chương trình ngữ văn trung học phổ thông theo hướng tích cực hóa hoạt động của học sinh luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 29 - 31)