Các hình thức, phương pháp vận dụng ngoài giờ đọc – hiểu

Một phần của tài liệu Dạy đọc hiểu thơ trữ tình hiện đại trong chương trình ngữ văn trung học phổ thông theo hướng tích cực hóa hoạt động của học sinh luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 80 - 92)

7. Cấu trúc của luận văn

2.2.2.Các hình thức, phương pháp vận dụng ngoài giờ đọc – hiểu

Hoạt động ngoài giờ bao gồm bước HS tự chuẩn bị bài ở nhà dưới sự tổ chức, hướng dẫn của GV và các hình thức hoạt động ngoại khóa văn học, cùng sự đa dạng hóa các hình thức kiểm tra, đánh giá là những giải pháp quan trọng và thiết thực nhằm nâng cao tính chủ động sáng tạo của học sinh trong các giờ học văn nói chung và giờ đọc – hiểu thơ trữ tình hiện đại nói riêng.

2.2.2.1. Hướng dẫn học sinh tìm hiểu văn bản trước khi lên lớp

Học tập thực chất là một quá trình nhận thức và tự nhận thức của con người. Muốn đi đến nhận thức, tất yếu phải chú ý khâu tổ chức nhận thức một cách cụ thể và khoa học. Trong hoạt động dạy học, khâu chuẩn bị bài là một trong những khâu quan trọng, có vai trò không nhỏ đối với hiệu quả dạy học.

Chuẩn bị bài ở nhà là bước tập dượt cho sự cảm thụ trên lớp được sâu sắc. Bằng kinh nghiệm sống và kinh nghiệm văn học của bản thân, HS trực tiếp đi vào thế giới tác phẩm. Trên cơ sở cảm thụ trực tiếp đó của HS, GV sẽ khơi sâu, phát triển những ấn tượng đúng đắn, và loại trừ những cảm xúc hay suy nghĩ ban đầu còn lệch lạc, chủ quan về tác phẩm, tác giả hay một nhân vật, chi tiết nào đó…

Nội dung công việc chuẩn bị bài ở nhà của HS bao gồm nhiều mặt và đa dạng. Có thể đó là tập đọc, tìm hiểu điển cố, từ ngữ khó, hay suy nghĩ về một chi tiết nghệ thuật, một kiến thức cụ thể cần thiết có liên quan đến việc tiếp nhận tác phẩm... Nhưng một nội dung chủ yếu vẫn là nhằm khơi dậy hứng thú của học sinh đối với tác phẩm và định hứng HS vào những vấn đề then chốt của tác phẩm mà GV sẽ hướng dẫn học sinh đi sâu phát hiện ở trên lớp. Câu hỏi chuẩn bị tuyệt đối không được tùy tiện. Mỗi câu hỏi cho HS vừa có tác dụng khêu gợi hứng thú, vừa hướng dẫn đi vào thế giới trung tâm cảm hứng của tác giả, vừa có tác dụng chuẩn bị cho hoạt động khám phá của GV và HS ở trên lớp.

Khi đến lớp, GV phải kiểm tra công việc chuẩn bị của HS ở nhà. Đây không chỉ là một công việc thường lệ của người dạy trước khi bắt tay vào giảng dạy một tài liệu mới, mà còn là bước cần thiết để dẫn dắt HS đi vào thế giới nghệ thuật của bài văn. Việc hướng dẫn HS khám phá bài văn chỉ có thực hiện được một khi GV nắm chắc được tâm trạng HS khi bước vào học bài văn. Tạo được một tâm thế thâm nhập tác phẩm là tạo được tiền đề tâm lý cần có cho quá trình thâm nhập và khám phá bài văn.

Với thơ trữ tình hiện đại, do đặc trưng thể loại quy định hướng đi riêng trong cảm thụ và truyền thụ, ngoài những công việc chuẩn bị như tất cả các bài học khác như: Đọc diễn cảm văn bản nhiều lần, tìm hiểu phần Tiểu dẫn và trả lời các câu hỏi trong SGK, thì việc chuẩn bị bài ở nhà cho các tiết đọc – hiểu thơ trữ tình hiện đại cũng có những nét riêng, những vất vả riêng của thầy và trò.

Việc đọc diễn cảm cần phải yêu cầu đọc nhiều lần hơn, diễn cảm hơn, vì thế thơ trữ tình hiện đại càng “tự do” trong kết cấu và câu chữ (chẳng hạn bài Đàn ghita của Lorca hay trường ca Đất Nước) càng không dễ bắt được mạch cảm xúc, dễ cảm nhận như thơ dân gian hay thơ trung đại.

Việc học thơ trữ tình hiện đại thường được sắp xếp sau thơ trữ tình dân gian và thơ trữ tình trung đại nên đòi hỏi sự tích hợp tri thức phải ở một bước cao hơn. Ví dụ học thơ Hồ Chí Minh trong Nhật ký trong tù phải liên hệ với thơ Đường, thơ trung đại Việt Nam, học thơ trữ tình cách mạng phải so sánh với thơ trữ tình lãng mạn… Vì vậy, HS phải xem lại nhiều kiến thức cũ trên tinh thần “ôn cố tri tân”.

Việc chuẩn bị học thơ trữ tình hiện đại còn đòi hỏi HS phải quan tâm nhiều hơn đên hoàn cảnh lịch sử xã hội thời hiện đại đầy biến động là bối cảnh hiện thực cho nhiều bài thơ trữ tình hiện đại ra đời. Số lượng tác phẩm của các tác giả trong chương trình thơ trữ tình hiện đại cũng thường nhiều về số lượng hơn so với các tác giả trung đại, nên việc kiếm tìm tư liệu đọc thêm

vừa là một điều thú vị, vừa là một thách thức với người học. Chẳng hạn, để học một bài thơ của Xuân Diệu trong chương trình, HS phải được học tác giả Xuân Diệu với vai trò tác gia văn học trong phần văn học sử với những tập thơ, văn xuôi, phê bình văn học, dịch thuật; một Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Đình Thi với bao nhiêu tập thơ và các công trình sáng tạo nghệ thuật khác.

Cái tôi trong thơ trữ tình hiện đại thường có nhiều gương mặt, nhiều sắc thái biểu cảm, mang nhiều tâm sự khác nhau nên trong sự chuẩn bị bài ở nhà đòi hỏi HS cũng phải có sự đồng cảm, không phải bằng sự trải nghiệm thực tế mà bằng sự suy tư, cảm nhận tinh tế từ câu chữ, văn bản. Vì vậy, việc chuẩn bị phải có thời gian và tâm thế, không thể vội vàng qua loa.

Việc chuẩn bị chu đáo cho một giờ đọc – hiểu thơ trữ tình hiện đại đòi hỏi sự lao động khoa học nghiêm túc, tự nguyện và đầy cảm hứng của cả thầy và trò, mới có thể là điều kiện tiên quyết để đảm bảo cho một giờ học thành công.

2.2.2.2. Tổ chức các hoạt động ngoại khóa về thơ trữ tình

Hoạt động ngoại khóa là thuật ngữ dùng để chỉ các hình thức hoạt động kết hợp dạy học với vui chơi ngoài lớp, nhằm mục đích gắn việc giảng dạy, học tập trong nhà trường với thực tế xã hội. Ngoại khóa là một hình thức hoạt động học tập ngoài giờ lên lớp có tổ chức, có kế hoạch, có phương hướng xác định, được HS tiến hành theo nguyên tắc tự nguyện ở ngoài giờ lên lớp chính khóa dưới sự điều khiển, hướng dẫn của GV nhằm bổ sung, củng cố, mở rộng và nâng cao những kiến thức và kỹ năng bộ môn (trong đó có môn Ngữ văn) đã được học trong chơng trình chính khóa, đồng thời góp phần giáo dục HS một cách toàn diện. Với cách hiểu như trên, ngoại khóa được xem là một hình thức dạy học quan trọng trong quá trình giáo dục, bổ trợ kiến thức, rèn luyện kỹ năng tự chủ, sáng tạo, năng động của HS, đem lại niềm vui và kích thích hứng thú học tập cho các em.

Cho đến nay, vấn đề ngoại khóa môn Ngữ văn đã được nghiên cứu trên cả bình diện lý thuyết và triển khai thực hành trong giảng dạy. Tuy nhiên, hầu hết các giáo trình PPDH Ngữ văn, SGK Ngữ văn vẫn chưa có sự đầu tư đúng mức cho chương “ngoại khóa” như các chương mục khác. Vì thế, chưa thể tháo gỡ hết được những khó khăn về ngoại khóa cho cả người dạy lẫn người học.

Hoạt động ngoại khóa môn Ngữ Văn được phân biệt với các hình thức tổ chức dạy học khác bởi những đặc điểm chủ yếu sau đây:

- Với nhiệm vụ là bổ sung kiến thức cho giờ học chính khóa, hoạt động ngoại khóa Ngữ Văn là hoạt động ngoài giờ lên lớp, không được quy định trong chương trình chính khóa.

- Hoạt động ngoại khóa Ngữ Văn là hoạt động tự nguyện của cá nhân hay của một nhóm HS có cùng sở thích, mối quan tâm về một vấn đề nào đó của nội dung học tập. Việc tổ chức hoạt động ngoại khóa dựa trên cơ sở yêu thích bộ môn và ham muốn tìm tòi, sáng tạo của HS. Số lượng HS tham gia là không hạn chế, có thể là cá nhân, theo nhóm, theo tập thể và trong điều kiện cho phép có thể huy động HS toàn trường tham gia, không phân biệt HS giỏi, kém tham gia mà chỉ chú ý đến hạt nhân nòng cốt của các buổi ngoại khóa.

- Trong việc tổ chức hoạt động ngoại khóa Ngữ Văn, GV có thể không trực tiếp tham gia hoạt động cùng HS, nhưng phải là người hướng dẫn, tổ chức, tư vấn, và trong trường hợp cần thiết còn là người chỉ đạo, điều khiển các hoạt động này của HS.

- Hình thức tổ chức các hoạt động ngoại khóa Ngữ Văn rất phong phú và đa dạng. Có thể tùy thuộc vào điều kiện thời gian, địa điểm và các điều kiện vật chất khác để lựa chọn một hình thức tổ chức phù hợp. Tuy nhiên, thời gian tiến hành ngoại khóa cần được ấn định cụ thể. Ngay từ khi vào năm học cần vạch ra kế hoạch toàn năm cho hoạt động ngoại khóa. Bản kế hoạch

đó gồm cả mục đích, nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức và lịch hoạt động cụ thể.

- Trong hoạt động ngoại khóa không có tổ chức kiểm tra đánh giá kết quả hoạt động Ngữ Văn như các hình thức tương tự như trên lớp học: kiểm tra bài cũ, cho điểm, lấy điểm số theo các cột quy định, mà chỉ chấm điểm để tính điểm cho các trò chơi, các hình thức thi đua…cho nên cần dựa vào các yếu tố sau: Sản phẩm của buổi ngoại khóa, tính tích cực và tự lực của HS. Kết quả của hoạt động ngoại khóa được đánh giá công khai qua cả GV và HS, phải có hình thức động viên, khen thưởng, khích lệ kịp thời như biểu dương, tặng phần thưởng…

Như vậy, hoạt động ngoại khóa là một hình thức tổ chức học tập đặc thù, cần phân biệt với các hình thức dạy học khác. Tổ chức hoạt động ngoại khóa không giống với việc bồi dưỡng HS yếu kém và HS năng khiếu. Bởi lẽ, việc bồi dưỡng hai đối tượng HS này tùy theo tính chất và nhiệm vụ của từng trường mà có tính bắt buộc nhiều hay ít. Và chính vì không bắt buộc như thế nên hoạt động ngoại khóa có thực sự phát huy được tác dụng hay không trước hết phụ thuộc vào hứng thú, sự say mê, lòng yêu nghề của GV, vào sự nhận thức đầy đủ, chuẩn bị chu đáo và năng lực tổ chức sáng tạo của người thầy. Động viên, khuyến khích các em tích cực tham gia hoạt động ngoại khó không có nghĩa là GV giao phó hoàn toàn hoạt động này cho HS. Chỉ dưới sự điều khiển, hướng dẫn của người thầy, tất cả HS mới được cuốn hút vào cuộc chơi “Vui mà học, học mà vui”, và HS phải được vui chơi thực sự thì hoạt động ngoại khóa mới có kết quả, mới phát huy được hết tác dụng.

Để tổ chức thành công các buổi sinh hoạt ngoại khóa cần có nhiều yếu tố, trong đó ý tưởng sáng tạo của thầy và trò, sự nhiệt tình và tự nguyện tham gia của mọi thành viên, sự tổ chức, điều khiển, hướng dẫn linh hoạt của người thầy … đặc biệt ở phần này, tố chất nghệ sĩ trong cả GV và HS là rất cần thiết. Những tố chất này sẽ không còn ở dạng tiềm năng nữa mà phải thật

sự được khai thức, được phát huy, phát lộ thành những năng lực, năng khiếu thật sự.

Với thơ trữ tình hiện đại, tính chất phong phú về số lượng, do sự gần gũi với người học về mặt thời gian, cảm nhận và cuộc sống, ta có thể có rất nhiều hình thức ngoại khóa hấp dẫn và có hiệu quả.

GV có thể tổ chức nhóm sáng tác học đường thường xuyên có sinh hoạt và ra mắt sản phẩm đầu tay của HS như báo tường, nội san. Hay GV có thể tổ chức cho các em những câu lạc bộ Thơ Mới, câu lạc bộ Thơ kháng chiến, câu lạc bộ Thơ trẻ đương đại…Trong những buổi này, có thể kết hợp với tất cả các nghệ thuật đọc thơ, ngâm thơ, bình thơ, sáng tác thơ, thi thả thơ…GV cũng có thể kết hợp các câu lạc bộ thơ ca với câu lạc bộ âm nhạc, như tổ chức những đêm câu lạc bộ hát những bài thơ trữ tình hiện đại đang được học trong nhà trường được phổ nhạc và yêu thích như: Đồng chí (Chính Hữu), Từ ấy (Tố Hữu), Viếng lăng Bác (Viễn Phương), Đây thôn Vĩ Dạ (Hàn Mặc Tử), Mùa xuân nho nhỏ ( Thanh Hải)… hoặc câu lạc bộ theo chủ đề như Đêm thơ – Nhạc Thơ Mới vừa đọc, vừa ngâm, bình vừa hát những bài thơ Mới nổi tiếng đã được các nhạc sĩ tài hoa phổ nhạc như: Tiếng sáo Thiên Thai, Đây thôn Vĩ Dạ, Chiều, Chân quê… GV cũng có thể có liên hệ với các Hội văn học nghệ thuật địa phương để tổ chức những buổi giao lưu giữa các đơn vị, để HS và GV được tiếp xúc, tọa đàm, giao lưu, học hỏi với các văn nghệ sĩ. GV cũng có thể đề nghị các tạp chí văn học nghệ thuật, nhất là các tạp chí địa phương giúp đỡ các em viết bài viết nhỏ thuyết minh, giới thiệu, về các tác giả tác phẩm trong nhà trường, hoặc các tác giả, tác phẩm mới… Ngoài ra, GV còn có thể tổ chức các buổi chơi dã ngoại, ngoại khóa văn học về thăm quê hương, gia đình, nơi yên nghỉ của các nhà thơ học trong chương trình, ngoài chương trình là người địa phương. Ví dụ như ở Ba Vì thì có thể đi thăm quê Tản Đà, ở Quy Nhơn đi thăm mộ Hàn Mặc Tử, gặp gỡ nhà thơ Thanh Thảo, ở Huế đi thăm mộ nhà thơ Thanh Hải, đi thăm quê Tố Hữu,

Nguyễn Khoa Điềm, thăm thôn Vĩ Dạ bên bờ sông Hương… Nhìn chung, hoạt động ngoại khóa văn học gắn với thơ trữ tình hiện đại cũng phong phú không kém gì các chủ đề khác như văn học dân gian, văn học nước ngoài. Đó vừa là hoạt động khoa học nghiêm túc, nhưng lại mang màu sắc sáng tạo nghệ thuật rất cao, giúp chúng ta đạt được nhiều mục đích giáo dục, nhất là phát huy được tính tích cực sáng tạo và yêu thích văn chương nghệ thuật, đánh thức, khêu gợi được những tiềm năng trong người HS.

2.2.2.3. Kết hợp việc dạy đọc – hiểu thơ trữ tình với các hình thức kiểm tra đánh giá

Đánh giá, kiểm tra được xem là khâu quan trọng của quá trình dạy học. Sở dĩ như vậy là vì đánh giá, kiểm tra là hệ quả tất yếu của việc đổi mới dạy học. Đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy học bộ môn thì tất yêú phải đổi mới kiểm tra – đánh giá. Với môn Ngữ Văn, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra những định hướng đổi mới kiểm tra – đánh giá tương đối rõ ràng: Đổi mới kiểm tra theo hướng hạn chế lối ra đề tái hiện đơn thuần, ghi nhớ máy móc. Trong quá trình dạy học, cần đổi mới kiểm tra – đánh giá bằng cách nêu vấn đề mở, đòi hỏi HS phải vận dụng tổng hợp kiến thức - kỹ năng, và trình bày chính kiến của bản thân. Kiểm tra – đánh giá kết quả học tập của HS cần kết hợp một cách hợp lý hình thức tự luận với hình thức trắc nghiệm kết quả. Trong đó, nhấn mạnh định hướng: đa dạng hóa các hình thức trắc nghiệm kết quả, tìm kiếm các hình thức ra đề phù hợp với đặc trưng môn học và thực tiễn dạy học ở địa phương. Chính vì vậy, khi tiến hành dạy học thơ trữ tình hiện đại, khâu kiểm tra – đánh giá cũng cần đổi mới theo chiều hướng nói trên. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Lâu nay, việc Kiểm tra – đánh giá trong dạy học Ngữ Văn nói chung còn nhiều bất cập. Nguyên nhân là do một bộ phận GV còn chủ quan trong ra đề, hoặc hình thức ra đề chưa phong phú… dẫn đến HS chỉ học vẹt những phần kiểm tra hoặc học tủ. Điều đó làm cho vốn tri thức tiếp nhận thu hẹp và

yếu về kỹ năng. Trước những hạn chế đó, GV cần xác định việc kiểm tra – đánh giá cho phù hợp với tinh thần đổi mới phương pháp dạy học, tức là đề kiểm tra cần căn cứ vào yêu cầu của việc kiểm tra, căn cứ vào chuẩn kiến thức – kỹ năng và thực tế học tập của HS.

Một phần của tài liệu Dạy đọc hiểu thơ trữ tình hiện đại trong chương trình ngữ văn trung học phổ thông theo hướng tích cực hóa hoạt động của học sinh luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 80 - 92)