7. Cấu trúc của luận văn
1.2.2. Tổng quan về phần thơ trữ tình hiện đại trong chương trình Ngữ văn
Ngữ văn THPT
1.2.2.1. Khái niệm thơ trữ tình
Theo Từ điển thuật ngữ văn học, thơ trữ tình là “thuật ngữ chỉ chung các thể thơ thuộc loại trữ tình, trong đó, những cảm xúc và suy tư của nhà thơ hoặc của nhân vật trữ tình trước các hiện tượng đời sống được thể hiện một cách trực tiếp. Tính chất cá thể hóa của cảm nghĩ và tính chất chủ quan hóa của sự thể hiện là những dấu hiệu tiêu biểu của thơ trữ tình. Là tiếng hát của
tâm hồn, thơ trữ tình có khả năng thể hiện những biểu hiện phức tạp của thế giới nội tâm, từ các cung bậc tình cảm cho tới những chính kiến, những tư tưởng triết học” [11; 312].
1.2.2.2. Đặc trưng thơ trữ tình Tính chủ quan của thơ trữ tình
Có thể nói, tính chủ quan là đặc trưng nổi bật nhất của thơ trữ tình. Chính vì vậy, trong Tuỳ viên thi thoại, Viên Mai, (nhà phê bình Trung Quốc đời Thanh) cho rằng: “Làm thơ thì không thể không có cái tôi” (Tác thi, bất khả dĩ vô ngã), tức không thể không có cách cảm nhận, đánh giá riêng của chủ thể. Nhà triết học, mĩ học Đức G. Hegel cũng khẳng định: “Nội dung của thơ trữ tình là cái chủ thể cá nhân”. Tính chủ quan chi phối tới mọi phương diện nghệ thuật của thơ trữ tình, từ nội dung tới hình thức thể hiện và tạo nên mối quan hệ biện chứng, chặt chẽ giữa các yếu tố cấu thành tác phẩm. Nếu như trong truyện ngắn, tiểu thuyết, tác giả xây dựng bức tranh về cuộc sống, trong đó, các nhân vật có đường đi và số phận của chúng; trong kịch, tác giả thể hiện tính cách và hành động của con người qua các mâu thuẫn xung đột, các lời độc thoại và đối thoại, thì ở tác phẩm thơ trữ tình có khác. Ở loại tác phẩm này, thế giới chủ quan của con người, cảm xúc, tâm trạng, ý nghĩ được trình bày trực tiếp và làm thành nội dung chủ yếu. Từ câu ca dao xưa tới những bài thơ hiện đại, dấu hiệu chung của thơ trữ tình là sự biểu hiện trực tiếp thế giới chủ quan của con người: những cảm xúc, tâm trạng, suy nghĩ...Dĩ nhiên như vậy không có nghĩa là tác phẩm trữ tình không phản chiếu thế giới khách quan. Nhưng trong thơ, chức năng chủ yếu của hệ thống sự kiện là tái hiện cái đối tượng để chủ thể bộc lộ quá trình cảm xúc, suy tưởng của mình. Như vậy, biểu hiện trực tiếp những cảm xúc, suy tưởng của con người là cách phản ánh thế giới của tác phẩm trữ tình.
Tính chất cá thể hoá của cảm xúc và chủ quan hoá trong sự thể hiện của thơ trữ tình cho phép chúng ta nói tới khái niệm cái tôi trữ tình (rộng hơn là kiểu tác giả), hiểu theo nghĩa là thế giới tinh thần, ý thức chủ quan của tác giả được “vật chất hoá”, khách quan hoá qua các phương tiện trữ tình. Đấy là một yếu tố phổ quát của thơ trữ tình, thể hiện sự tự ý thức của chủ thể trước thế giới. Tuy nhiên, cái tôi không chỉ là sự thể hiện ý thức của một cá nhân mà còn là đại diện cho một ý thức lịch sử - xã hội nhất định, được nghệ thuật hoá, bởi vậy, nó luôn đem đến cho độc giả những “cảm hứng” phổ quát. Cái tôi trữ tình trong thơ thường được khách quan hóa và thể hiện một cách tập trung qua hình tượng nhân vật trữ tình. Đó là hình tượng người trực tiếp thổ lộ suy nghĩ, cảm xúc, tâm trạng trong tác phẩm. Nhân vật trữ tình không có diện mạo, hành động, lời nói, quan hệ cụ thể như nhân vật tự sự và kịch. Nhưng nhân vật trữ tình cụ thể trong giọng điệu, cảm xúc, trong cách cảm, cách nghĩ.
Kết cấu thơ trữ tình
Kết cấu là cách tổ chức các yếu tố, bộ phận thành một một đơn vị chỉnh thể thống nhất. Kết cấu là một phương diện nghệ thuật hết sức quan trọng của thơ trữ tình. Thơ có nhiều dạng kết cấu. Về mặt kết cấu hình tượng, có lối kết cấu mang tính chất không gian khi bài thơ nghiêng về phía tả cảnh, tả người, tả vật; có lối kết cấu mang tính chất thời gian khi bài thơ nghiêng về phía thuật sự hay miêu tả dòng cảm xúc một cách trực tiếp. Cũng có kiểu tổ chức hình tượng theo lối tương phản, đối chiếu, theo mối quan hệ nhân quả, theo hình thức đối đáp. Kiểu “kết cấu không gian” chủ yếu gắn liền với những hình tượng không gian, những phong cảnh và chân dung. Kiểu “kết cấu thời gian” gắn liền với những hình tượng có sự phát triển trong thời gian (và dĩ nhiên trong cả không gian nữa) như một câu chuyện, một dòng cảm xúc nào đó. Hình tượng thơ trữ tình còn được xây dựng nhờ lối kết cấu tương phản, đối chiếu. Chẳng hạn trong bài Thề non nước của Tản Đà. Chính lối kết cấu
tương phản đã làm cho dòng suy tư trữ tình của tác giả về cuộc đời trong thế đối lập còn – mất, sum họp – phân li, thủy chung – bội bạc... càng trở nên có sức ám ảnh v.v. Nhìn chung kết cấu hình tượng thơ trữ tình có nhiều dạng khác nhau. Các kiểu kết cấu hình tượng này có khi tồn tại ở dạng pha trộn vào nhau, tương ứng với tính chất tổng hợp phong phú của hình tượng. Tất cả những kiểu dạng kết cấu hình tượng này sẽ được nhận biết thông qua những lối tổ chức văn bản ngôn từ phù hợp. Về mặt kết cấu văn bản, văn bản thơ thường ngắn, được tạo thành từ các yếu tố như tên bài thơ, câu thơ, đoạn thơ, khổ thơ... Kết cấu văn bản cũng có nhiều kiểu khác nhau.
Ngôn ngữ thơ trữ tình
Ngôn ngữ thơ trữ tình là một thứ ngôn ngữ đầy biểu cảm. Lời thơ trữ tình là sự đánh dấu sự tồn tại của chủ thể. Chính vì vậy, sự lựa chọn, tổ chức từ ngữ, hình ảnh, cách sử dụng các biện pháp tu từ... bao giờ cũng nhằm làm cho nội dung, cảm xúc, thái độ, sự đồng cảm hoặc phê phán của chủ thể trở nên nổi bật. Do đó, trong thơ ta thường gặp lời phán xét trực tiếp trước các hiện tượng đời sống, chẳng hạn: Ghế chéo lọng xanh ngồi bảnh chọe/ Nghĩ rằng đồ thật hóa đồ chơi! (Nguyễn Khuyến); Ngay khi mô tả, lời thơ cũng là đồng thời là lời đánh giá: Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc/ Lá trúc che ngang mặt chữ điền (Hàn Mặc Tử)... Ngôn ngữ thơ không có tính liên tục và tính phân tích như ngôn từ văn xuôi, ngược lại, nó có tính nhảy vọt, gián đoạn, tạo thành những khoảng lặng đa nghĩa. Chính vì vậy mà thơ sử dụng nhiều phép tu từ ẩn dụ, nhiều tỉnh lược, nhiều định ngữ.
Bên cạnh tính biểu cảm, ngôn ngữ thơ rất giàu tính nhạc. Bởi vậy thơ ca nhiều nước đã quy định khuôn nhịp – tức số chữ trong một dòng , nhịp điệu – là nói về cách phối hợp âm thanh và cách ngắt nhịp và vần – tức là sự hiệp âm cuối dòng hay giữa dòng. Nhìn chung nhạc tính trong thơ thể hiện rõ trên ba mặt sau đây: sự cân đối, sự trầm bổng, sự trùng điệp. Cân đối là sự tương xứng, hài hòa giữa các dòng thơ. Thơ cổ điển, thơ đường luật hết sức
chú ý sự tương xứng, hài hòa này, chẳng hạn: Gác mái ngư ông về viễn phố/ Gõ sừng mục tử lại cô thôn (Cảnh chiều hôm, Bà huyện Thanh Quan). Thơ hiện đại phóng khoáng hơn, không theo một quy định chặt chẽ nào. Trầm bổng là sự thay đổi những âm thanh cao thấp khác nhau giữa thanh bằng và thanh trắc. Nó cũng được tạo thành bởi sự phối hợp giữa các đơn vị ngữ âm tùy theo nhịp cắt để tạo nên nhịp. Bài thơ Tỳ bà của Bích Khê được viết toàn thanh bằng, để gợi tả điệu nhạc du dương đưa tâm hồn phiêu diêu bay bổng:
Ô, hay buồn vương cây ngô đồng/ Vàng rơi, vàng rơi thu mênh mông...;
Quang Dũng dùng nhiều thanh trắc để diễn tả cái gập ghềnh, khúc khuỷu của núi đồi miền Tây bắc: Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm... Sự trùng điệp trong thơ được tạo nên bởi sự lặp lại cố ý của nhiều yếu tố như từ ngữ, hình ảnh nhằm tạo nên nhạc tính. Vần thơ có vai trò quan trọng trong việc tạo nên sự trùng điệp, luyến láy ấy. Nó kết nối các dòng thơ lại với nhau thành một đơn vị thống nhất, có âm hưởng riêng, thuận lợi cho trí nhớ.
Trên đây, chúng tôi đã phác qua một số đặc điểm của thơ trữ tình. Dĩ nhiên, đấy mới chỉ là những mô tả hết sức sơ lược và theo một quan niệm có tính truyền thống.
1.2.2.3. Phân loại thơ trữ tình
Tùy theo truyền thống văn học cụ thể, người ta có thể phân loại thơ trữ tình theo nhiều cách khác nhau. Trước đây, trong văn học Châu Âu, người ta thường dựa vào cảm hứng chủ đạo mà chia thơ trữ tình thành bi ca, tụng ca, thơ trào phúng. Ngày nay, người ta dựa vào đối tượng đã tạo nên xúc cảm của nhà thơ hoặc nhân vật trữ tình để phân chia thành thơ trữ tình tâm tình, thơ trữ tình phong cảnh, thơ trữ tình thế sự, thơ trữ tình công dân. Căn cứ vào phương thức phản ánh cuộc sống ta có thể chia ra thơ tự sự và thơ trữ tình. Nếu như căn cứ vào hình thức ngôn ngữ, có thể chia ra thơ cách luật (ngũ ngôn, lục bát...)., thơ tự do, thơ văn xuôi, thơ có vần và thơ không vần. Căn cứ vào đề tài, chủ đề có thể chia ra thơ tình yêu, thơ triết lý, thơ yêu nước và
thơ cách mạng. Nhiều khi người ta chia thơ trữ tình theo thời đại: thơ Lí Trần, thơ Đường, thơ Tống... Các cách phân loại trên đều có tính tương đối.
Nếu phân chia theo tiêu chí loại hình lịch sử, ta có thể chia thơ trữ tình làm ba loại lớn, gồm: thơ trữ tình dân gian, thơ trữ tình trung đại và thơ trữ tình hiện đại.
Thơ dân gian, còn gọi là ca dao, là một bộ phận nằm trong văn học dân gian, kết quả sáng tạo của tập thể nhân dân lao động, xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử văn học. Có lẽ ban đầu, bộ phận thơ này cũng kết hợp với nhiều loại hình nghệ thuật khác như nhạc, vũ và các hoạt động diễn xướng.
Thơ cổ điển phương Đông nói chung, thơ Việt Nam nói riêng là loại hình thơ được hình thành trong thời kì trung đại (cụ thể ở Việt Nam nó được hình thành từ thế kỉ X đến hết XIX). Nhìn chung, thơ cổ điển Việt Nam bị chi phối đậm nét bởi hệ ý thức phong kiến, học thuyết Nho giáo và các tôn giáo.
Thơ hiện đại là sự tiếp nối loại hình thơ trữ tình cổ điển. Về mặt thời gian, ở phương Tây, thơ hiện đại được tính từ mốc thế kỉ XIX về sau còn ở phương Đông, trong đó có Việt Nam, được tính bắt đầu từ đầu thế kỉ XX. Riêng trong thơ Việt Nam, thơ hiện đại được tính chính thức từ sự ra đời của phong trào Thơ mới với những cách tân, đổi mới táo bạo trên phương diện thi pháp theo hướng phương Tây hóa. Về mặt lịch sử - xã hội, thơ trữ tình hiện đại xuất hiện trong bối cảnh chủ nghĩa tư bản phát triển, xu hướng toàn cầu hóa về mặt kinh tế, thương mại, văn hóa..., thúc đẩy sự hình thành và phát triển mạnh mẽ của các lại hình văn học nghệ thuật.
So với thơ trữ tình trung đại, nội dung cảm xúc cũng như thi pháp của thơ trữ tình hiện đại rất khác biệt. Thời trung đại, cá tính bị kiềm chế, trong tác phẩm nói chung, nhà thơ thường xuất hiện trong ý thức hệ Nho giáo. Thời hiện đại, do những biến đổi trong bối cảnh lịch sử, xã hội, quan niệm thẩm mĩ, cá tính được giải phóng, thơ ca được phát triển với những hồn thơ đa dạng, phong phú. Thơ trữ tình hiện đại mang một quan niệm mĩ học hiện đại,
gắn liền với một hệ thống phương tiện, biện pháp thể hiện nghệ thuật mới. Thơ trữ tình hiện đại cũng bao gồm nhiều loại hình như thơ lãng mạn, thơ tượng trưng, thơ siêu thực, thơ cách mạng…. Các loại hình này, một mặt vừa phát triển bổ sung cho nhau, mặt khác, vừa không ngừng phủ định lẫn nhau, chúng thể hiện những cách chiếm lĩnh đời sống từ những góc độ, tương quan hết sức khác biệt. Thơ trữ tình hiện đại tồn tại và phát triển trên cơ sở dung nạp trong nó những tiếng nói nghịch chiều, đa dạng, phong phú.
1.2.2.4.Đặc điểm phần thơ trữ tình hiện đại trong chương trình Ngữ văn THPT hiện nay
Trong chương trình lớp 11 và 12, thể loại thơ trữ tình hiện đại chiếm ưu thế so với các thể loại khác. Hơn nữa, thơ trữ tình hiện đại Việt Nam (chủ yếu từ Thơ mới cho đến nay) không chỉ là trọng tâm thi học kỳ mà còn là trọng tâm thi Tốt nghiệp và thi Tuyển sinh Đại học khối C và D. Dưới đây là bản thống kê các văn bản thơ trữ tình hiện đại có trong SGK hiện hành theo chương trình THCS, THPT gồm Nâng cao và Cơ bản:
Bảng 1.1
Thống kê các văn bản thơ trữ tình hiện đại trong SGK Ngữ Văn THCS
STT Bài học Lớp Tập Tác giả Học chính
thức
Đọc thêm
1 Đêm nay Bác không ngủ 6 2 Minh Huệ X
2 Lượm 6 2 Tố Hữu X
3 Mưa 6 2 Trần Đăng Khoa X
4 Cảnh khuya 7 1 Hồ Chí Minh X
5 Rằm tháng giêng 7 1 Hồ Chí Minh X
6 Tiếng gà trưa 7 1 Xuân Quỳnh X
7 Xuân về 7 1 Nguyễn Bính X
8 Đồng chí 9 1 Chính Hữu X
9 Tiểu đội xe không kính 9 1 Phạm Tiến Duật X
10 Đoàn thuyền đánh cá 9 1 Huy Cận X
11 Bếp lửa 9 1 Bằng Việt X 12 Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ 9 1 Nguyễn Khoa Điềm X
13 Ánh trăng 9 1 Nguyễn Duy X
14 Con cò 9 2 Chế Lan Viên X
16 Mùa xuân nho nhỏ 9 2 Thanh Hải X
17 Viếng lăng Bác 9 2 Viễn Phương X
18 Sang thu 9 2 Hữu Thỉnh X
19 Nói với con 9 2 Y Phương X
20 Mây và sóng 9 2 R. Tagore X
Tổng cộng: 20 bài 16 4
Bảng 1.2
Thống kê các văn bản thơ trữ tình hiện đại trong SGK Ngữ Văn THPT (Bộ sách cơ bản)
STT Bài học Lớp Tập Tác giả Học chính
thức
Đọc thêm
1 Vội vàng 11 2 Xuân Diệu X
2 Tràng giang 11 2 Huy Cận X
3 Đây thôn Vĩ Dạ 11 2 Hàn Mặc Tử X
4 Chiều tối (Mộ) 11 2 Hồ Chí Minh X
5 Từ ấy 11 2 Tố Hữu X
6 Tôi yêu em 11 2 Puskin X
7 Lai Tân 11 2 Hồ Chí Minh X
8 Nhớ đồng 11 2 Tố Hữu X
9 Tương tư 11 2 Nguyễn Bính X
10 Chiều xuân 11 2 Anh Thơ X
11 Bài thơ tình số 28 11 2 Tagore X
12 Tây Tiến 12 1 Quang Dũng X
13 Việt Bắc (trích) 12 1 Tố Hữu X
14 Đất Nước 12 1 Nguyễn Khoa Điềm X
15 Đất nước 12 1 Nguyễn Đình Thi X
16 Dọn về làng 12 1 Nông Quốc Chấn X
17 Tiếng hát con tàu 12 1 Chế Lan Viên X
18 Đò Lèn 12 1 Nguyễn Duy X
19 Sóng 12 1 Xuân Quỳnh X
20 Đàn ghita của Lorca 12 1 Thanh Thảo X
21 Bác ơi 12 1 Tố Hữu X
22 Tự do 12 1 P. Eluya X
Tổng cộng : 22 bài 11 11
Bảng 1.3
Thống kê các văn bản TTT trong chương trình SGK Ngữ Văn THPT (Bộ sách nâng cao) ST T Bài học Lớp Tập Tác giả Học chính thức Đọc thêm
1 Vội vàng 11 2 Xuân Diệu X
2 Đây mùa thu tới 11 2 Xuân Diệu X
4 Đây thôn Vĩ Dạ 11 2 Hàn Mặc Tử X
5 Tràng giang 11 2 Huy Cận X
6 Tương tư 11 2 Nguyễn Bính X
7 Tống biệt hành 11 2 Thâm Tâm X
8 Chiều xuân 11 2 Anh Thơ X
9 Chiều tối (Mộ) 11 2 Hồ Chí Minh X
10 Lai Tân 11 2 Hồ Chí Minh X
11 Giải đi sớm 11 2 Hồ Chí Minh X
12 Từ ấy 11 2 Tố Hữu X
13 Nhớ đồng 11 2 Tố Hữu X