7. Cấu trúc của luận văn
2.1.2. Cần bám sát đặc trưng thể loại và loại hình tác phẩm để phát huy tính tích
huy tính tích cực của học sinh THPT trong đọc – hiểu thơ trữ tình hiện đại
2.1.2.1. Về vấn đề bám sát đặc trưng thể loại thơ trữ tình
Tác phẩm văn chương, trong tính chỉnh thể của mình, bao giờ cũng tồn tại trong dạng thức một thể loại nhất định. Bởi vậy, đọc – hiểu theo đặc trưng thể loại là vô cùng quan trọng. Có thể nói, tri thức thể loại là tri thức đọc văn vô cùng quan trọng nhất, xuyên suốt chương trình Ngữ văn trung học, là trục tích hợp mang tính chất “xương sống” của chương trình. Do đó, một trong
những yêu cầu có tính chất nguyên lý dạy học Ngữ văn hiện nay là đọc – hiểu theo đặc trưng thể loại. Đối với thơ trữ tình, việc bám sát vào các đặc trưng thể loại để khai thác ý nghĩa và giá trị của văn bản là một điều hết sức cần thiết. Điều này vừa đảm bảo tính khoa học (tính thể loại là một đặc trưng bản thể của tác phẩm văn học), giúp nhận thức và lí giải được đúng đắn, khách quan và chính xác về tác phẩm. Hơn thế, nó còn dần hình thành ở HS phương pháp luận và phương pháp phân tích tác phẩm, một phương tiện, công cụ tối quan trọng giúp các em có thể tiếp cận các tác phẩm thơ nói riêng, tác phẩm văn học nói chung một cách chủ động, tích cực và hiệu quả.
Đảm bảo đặc trưng thể loại trong dạy đọc văn chính là một việc làm cần thiết. Điều này giúp người dạy và người học, trên bình diện lí thuyết khái quát và trên văn bản cụ thể, có thể phân biệt và nhận ra những đặc trưng cơ bản của mỗi thể loại tác phẩm, yếu tố tạo nên những đặc thù nội dung và hình thức của tác tác phẩm văn học, từ đó dần tạo lập những tri thức phương pháp luận để phân tích, đánh giá tác phẩm văn học khách quan, chính xác, hiệu quả hơn. Đây cũng là một cơ sở quan trọng để hình thành và phát huy năng lực văn chương của học sinh một cách lâu bền, hiệu quả, giúp các em có được một sự chủ động, tích cực thực sự khi tiếp nhận các tác phẩm văn chương nói chung, thơ trữ tình nói riêng.
Để đảm bảo đặc trưng thể loại, khi dạy đọc – hiểu thơ trữ tình hiện đại trong chương trình Ngữ văn THPT, cần chú ý những điểm sau đây:
a)Đặt bài thơ trong mối liên hệ với tác giả và hoàn cảnh ra đời của nó
Tác giả là người cha tinh thần của tác phẩm. Mỗi tác giả có một tạng chất tâm hồn riêng, một quan niệm, sở thích cũng như phong cách thể hiện riêng và điều đó in hằn vào tác phẩm văn chương của họ. Đặc biệt đối với thơ trữ tình, thể loại văn học mà ở đó tính chủ quan trở thành nguyên tắc sáng tạo chủ đạo thì mối quan hệ tác giả - tác phẩm càng cần đặc biệt chú ý. Những dấu vết cuộc đời, những “ám ảnh ấu thơ” thường hằn in dấu ấn rất rõ vào
sáng tác, nhiều khi đóng vai trò chi phối trong sáng tác. Chẳng hạn, từ xuất phát điểm cuộc đời và cá tính của Xuân Diệu, chúng ta sẽ có căn cứ để hiểu hơn về “con mắt non tơ, biếc rờn, ngơ ngác” trong cách nhìn cuộc đời cũng như nỗi khát khao giao cảm nồng nàn của thi sỹ này với cõi trần thế trong các văn bản như Vội vàng, Đây mùa thu tới... Những hiểu biết về tiểu sử, cá tính, tâm hồn cũng như cuộc đời riêng của nhà văn tạo điều kiện giúp ta hiểu rõ hơn về tác phẩm.
Bên cạnh đó, cũng cần hướng dẫn HS có ý thức đặt bài thơ vào bối cảnh lịch sử - cụ thể mà nó ra đời. Việc tạo dựng không khí lịch sử phải đảm bảo phục vụ cho mục đích hướng đến lí giải tác phẩm, giúp các em cảm nhận tác phẩm một cách khoa học, toàn diện hơn. Tái hiện lại không khí lịch sử không chỉ đảm bảo tính chân thật, chính xác, không được bóp méo, xuyên tạc lịch sử, mà trong một chừng mực nào đó còn phải có tính tác động đến cảm xúc của HS. Đảm bảo trong một lượng thời gian thời gian xác định và phải đủ để lý giải và hiểu được tác phẩm, tránh lan man, đi quá xa bài học. Việc tạo dựng không khí lịch sử phải đảm bảo tính tích hợp mà cụ thể ở đây là tích hợp giữa văn và sử, giữa văn học và văn hóa.
Tiếp cận tác phẩm từ những yếu tố “ngoài văn bản” nhưng lại đóng vai trò quan trọng này là hướng tiếp cận có tính truyền thống (xem xét tác phẩm trên phương diện lịch sử phát sinh), cũng là một hướng tiếp cận hiệu quả. Do đó, phần giới thiệu về tác giả phải đặt trong mối quan hệ với văn bản, nhằm mục đích đọc – hiểu văn bản. Đây là những tiền đề có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tiếp cận tác phẩm, (tất nhiên, điều đó không thể thay thế được việc tìm hiểu bản thân văn bản).
Cụ thể, trong dạy bài Tây Tiến, GV có thể gợi ý HS tìm hiểu về hoàn cảnh ra đời của bài thơ bằng một câu hỏi tái hiện tri thức: Những yếu tố lịch sử nào đã giúp em bước đầu có hiểu biết, ấn tượng và cảm xúc về hoàn cảnh ra đời của Tây Tiến?
Phần Tiểu dẫn và tư liệu được cung cấp thêm từ việc chuẩn bị bài ở nhà và từ GV sẽ cho các em những kiến thức cơ bản nhất: Tây Tiến là một đơn vị quân đội được thành lập năm 1947, có nhiệm vụ phối hợp với quân đội Lào chống quân đội của thực dân Pháp. Chiến sĩ trong đoàn quân này phần đông là thanh niên Hà Nội, trong đó có nhiều học sinh, sinh viên (như nhà thơ Quang Dũng). Chiến đấu khắp các địa bàn thuộc tỉnh Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình, miền Tây Thanh Hóa, Sầm Nứa (Lào), trong những hoàn cảnh rất gian khổ, vô cùng thiếu thốn, bệnh sốt rét hoành hành dữ dội, nhưng họ sống rất lạc quan và chiến đấu dũng cảm. Cuối năm 1948, Quang Dũng chuyển sang đơn vị khác. Rời xa binh đoàn Tây Tiến chưa bao lâu, tại Phù Lưu Chanh (một làng thuộc tỉnh Hà Đông, nay thuộc Hà Nội), ông viết bài thơ Nhớ Tây Tiến, mà sau này ông cho đổi tên là Tây Tiến. Có lẽ bởi bản thân hai chữ Tây Tiến đã bao hàm nỗi nhớ thương đoàn quân Tây Tiến với bao kỷ niệm.
Với bài thơ Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên, GV có thể đặt câu hỏi: Bài thơ Tiếng hát con tàu đã ra đời trong hoàn cảnh ra sao? Ý nghĩa cúa sự ra đời của bài thơ trong hoàn cảnh lịch sử ấy?
Từ câu hỏi gợi ý này, HS có thể chủ động tìm hiểu và nắm vững các thông tin cần thiết sau: Bài thơ được khơi gợi cảm hứng từ một sự kiện kinh tế xã hội năm 1958 – 1960. Đó là cuộc vận động nhân dân miền xuôi lên xây dựng Tây Bắc đã lôi cuốn đông đảo thanh niên ở nhiều địa phương. Nhiều văn nghệ sĩ đã đến với miền Tây Bắc. Khi đó, Chế Lan Viên chưa lên được với Tây Bắc, nhưng không khí háo hức ấy đã khơi gợi cảm hứng cho tác giả sáng tác bài thơ – một bài thơ với nhan đề mang tính biểu tượng rất cao. Bài thơ là khúc hát về lòng biết ơn, tình yêu và sự gắn bó với nhân dân, đất nước, thể hiện khát vọng của một hồn thơ đã tìm thấy ngọn nguồn nuôi dưỡng và chân trời nghệ thuật mới của mình.
Thơ ca, xét đến cùng bản chất của nó, là tiếng nói trữ tình. Bởi vậy, khi dạy thơ trữ tình, cần đặc biệt quan tâm đến cái nội dung trữ tình của tác phẩm thể hiện qua cảm hứng chủ đạo. Có thể hình dung cảm hứng chủ đạo này như một “dòng chảy” cảm xúc, suy tư xuyên suốt bài thơ, tạo nên nội dung cơ bản của tác phẩm trữ tình. Tuy nhiên, nó không phải bao giờ cũng liền mạch, đôi khi có những quãng ngừng, khúc lặng – nó thể hiện tiếng nói nội tâm phức tạp của con người trong những hình thức ngôn ngữ thi ca khác nhau. Nói đến một bài thơ trữ tình trước hết cần phải chú ý đến cái nội dung cảm xúc trữ tình của nó. Tuy nhiên, mạch cảm xúc trữ tình ấy không phải là một “dòng chảy” thuần nhất và dễ nhận thấy. Thực chất, đó là một mạch ngầm nhiều khi không dễ nắm bắt, cũng như tiếng nói nội tâm con người, nó rất phức tạp, luôn thay đổi và được thể hiện khác biệt trong những đoạn, khổ khác nhau của bài thơ. Đặc biệt trong thơ trữ tình hiện đại, cảm xúc ấy luôn gắn liền với sự tự biểu hiện của một cái tôi cá nhân, cá thể. Chẳng hạn, trong Đây thôn Vĩ Dạ, dù có dung lượng rất ngắn, nhưng mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình thay đổi rất phức tạp ngay trong từng khổ thơ một. Đấy là cảm xúc của một cái tôi đầy bi kịch, vừa khao khát hướng tới cuộc sống và tình yêu, đồng thời đầy lo âu, sợ hãi, thất vọng. Nếu trong khổ thứ nhất, cảm xúc của nhân vật trữ tình là hết sức bâng khuâng, xao xuyến, đầy những hy vọng tươi sáng thì sang khổ thứ hai, cảm xúc ấy đã chuyển sang sắc thái buồn bã, đầy những dự cảm bất an, xao xác, và ở khổ cuối, cảm xúc ấy đã kết đọng thành câu hỏi đầy lo âu, khắc khoải:
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh Ai biết tình ai có đậm đà?
Mỗi bài thơ trữ tình đều được tố chức dựa trên quá trình tự biểu hiện và bộc lộ cảm xúc của cái tôi trữ tình. Cảm xúc của cái tôi trữ tình sẽ quy định việc nhà thơ sử dụng chất liệu hiện thực trong cuộc sống và chất liệu ngôn từ. Tiếp cận thơ trữ tình từ cái tôi trữ tình là điều kiện để giải mã nội
dung và phương thức xây dựng thế giới nghệ thuật của bài thơ. Hãy lấy bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu làm ví dụ. Nhan đề Vội vàng thể hiện rất rõ nội dung cảm xúc và triết lí của tác phẩm: cuộc đời quá đẹp, trong khi thời gian trôi chảy không ngừng, do đó, con người phải biết cách chạy đua với thời gian để sống có ý nghĩa. Như vậy, “vội vàng” là kết tinh của một tâm thế và quan niệm sống mới mẻ, tích cực của nhà thơ. Tâm thế được giãi bày thành hình tượng cái tôi, thành giọng thơ, hơi thơ, thành mạch cảm xúc và hình ảnh thiên nhiên, đời sống hấp dẫn, kì thú. Quan niệm được triển khai thành mạch triết luận với một hệ thống logic nội tại khá rành mạch, chặt chẽ. Dựa theo nội dung cảm xúc, hình tượng và sự chuyển đổi cách xưng hô, có thể chia bài thơ Vội vàng làm 2 phần:
Phần 1 (từ “Tôi muốn tắt nắng đi” cho đến “Mùa chưa ngả chiều hôm”). Trong phần này có thể chia tiếp thành ba đoạn nhỏ, tương ứng với từng nội dung cảm xúc cụ thể của cái tôi trữ tình về quy luật tự nhiên (4 câu đầu) cuộc đời (9 câu tiếp theo), thời gian (17 câu tiếp theo). Nhìn chung, đây là phần phân tích, lí giải của tác giả về nguyên nhân dẫn đến quan niệm sống “vội vàng” của ông.
Phần 2 (phần còn lại), là phần tác giả trực tiếp trình bày về quan niệm sống vội vàng của Xuân Diệu. Có thể nói đây chính là phần Xuân Diệu biến những quan niệm lí thuyết của ông thành những hành động cụ thể: ôm, riết, thâu, say, cắn, no nê, chuếnh choáng, đã đầy... Vội vàng, theo quan niệm của Xuân Diệu, là một cách sống mãnh liệt, hết mình, nhằm khẳng định giá trị riêng biệt của cá nhân, cá thể.
Hai phần này chuyển tiếp rất tự nhiên về cảm xúc và chặt chẽ về mặt luận lí. Chính vì vậy, bài thơ liền mạch và hoàn chỉnh như một dòng chảy cảm xúc mạnh mẽ và hồn nhiên của tâm trạng, chứ tác giả không cần nhiều dụng công để tổ chức, sắp xếp. Đây là thành công đáng kể của tác phẩm.
Thơ trung đại không hiện rõ được cái tôi cá thể. Cái tôi cá thể chỉ bàng bạc ẩn mình trong cái ta. Nó hòa ẩn trong thiên nhiên, vũ trụ hoặc chìm khuất giữa cộng đồng. Nói cách khác, chủ thể trữ tình trong thơ trung đại không hiển hiện trực tiếp với thế giới tâm tình mà thường giấu mình trong một cái nhìn vũ trụ siêu cá thể hoặc xuất hiện trong cái tôi vô ngã, cái tôi vũ trụ. Thơ hiện đại được các tác giả xây dựng bằng những cảm xúc mang đậm dấu ấn của cái tôi chủ thể. Cái tôi ấy xét về mặt tích cực là tính độc đáo nổi bật của đời sống tinh thần con người cá nhân, có khả năng thể hiện tính chủ động để khẳng định số phận cá thể trong cộng đồng. Trong văn học thời kì này, thơ cũng như văn xuôi, cá nhân tự khẳng định, tự biểu hiện ra niềm vui, mơ ước, khát vọng. Cảm hứng sáng tác gắn liền với ý thức cá nhân, cá thể. Cần phải đặc biệt chú ý điều này khi dạy các tác phẩm Thơ mới.
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, thơ Việt Nam phát triển mạnh mẽ theo khuynh hướng cái tôi sử thi. Cái tôi sử thi khiến các nhà thơ nhìn con người và cuộc đời không chỉ bằng con mắt của cá nhân mình mà trước hết là bằng con mắt có tầm bao quát của lịch sử, dân tộc, thời đại. Tiếng hát con tàu
được xem như một bản sử thi thời hiện đại, một thiên hùng ca chỉ trong mười lăm khổ thật gọn gàng về cấu tứ cảm xúc. Tác phẩm không chỉ nói lên được không chỉ niềm tin yêu hăm hở đi về một chân trời mới, một bản hùng ca lao động xây dựng đất nước hùng vĩ, đẹp giàu, mà còn thể hiện một cái nhìn sâu sắc về vai trò của nhân dân, một sự giác ngộ đầy triết lý về ngọn nguồn cảm hứng của nghệ thuật. Khi phân tích đoạn thơ thứ hai gồm 9 khổ thơ từ khổ 3 đến khổ 11, GV có thể đưa ra câu hỏi xoáy sâu vào điểm sáng thẩm mỹ của bài thơ là: Kỷ niệm về nhân dân trong kháng chiến được Chế Lan Viên tái hiện trong những khổ thơ nào? Với Chế Lan Viên, nhân dân là ai? Và có những phẩm chất cao quý nào? Đó là người du kích nghèo khó, giản dị, giàu đức hy sinh:
Đêm cuối cùng anh cởi lại cho con”
Đó là người em liên lạc nhỏ bé, nhanh nhẹn, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: “Mười tám năm chưa mất một phong thư”. Đó còn là người mế
“lửa hồng soi tóc bạc”, hết lòng chăm sóc cho người cán bộ kháng chiến: “Năm con đau mế thức một mùa dài”… Với những phẩm chất tốt đẹp bình dị, sự hy sinh thầm lặng, lớn lao cho kháng chiến, chính nhân dân là người anh hùng của thời đại, người viết lên trang sử vẻ vang của dân tộc.
Còn cái tôi sau 1975 dù vẫn còn tiếp nối âm hưởng sử thi nhưng đã nghiêng sang phía kiểm nghiệm cái được cái mất của cả dân tộc và từng con người. Vấn đề đời tư gắn liền với số phận cá nhân, với hạnh phúc và giá trị mới được đặt ra. Do cách nhìn rộng mở, do đất nước đổi mới, cái tôi trong thơ trữ tình hiện đại khao khát nhận thức, đáng giá lại cuộc sống và lẽ sống trong những khía cạnh nhỏ nhất của đời sống. Có thể nói, so với thơ trước 1975, thơ trữ tình Việt Nam sau 1975 dung nạp cái tôi trữ tình có ý thức dứt khoát, mạnh mẽ hơn trong việc khai phá lại, đánh giá lại chuẩn mực và giá trị làm người trong bối cảnh văn hóa xã hội rộng mở, trong cơ hội và thách thức mới với con người.
Như vậy, có thể nhìn nhận và đánh giá quá trình phát triển với các đặc trưng riêng của từng giai đoạn thơ trữ tình hiện đại Việt Nam thông qua sự vận động của kiểu nhà thơ – cái tôi trữ tình trong phong trào Thơ mới, đến