Không gian xã hội thành thị

Một phần của tài liệu Vẫn đề đô thị trong tiểu thuyết việt nam sau 1986 (Trang 60 - 65)

2. Bối cảnh lịch sử và sự thay đổi tư duy, cảm hứng trong văn học

3.1.1. Không gian xã hội thành thị

Trong Cơ hội của Chúa,không gian được trải dài theo từng địa điểm mà nhân vật đặt chân qua, từ Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn, Huế đến Berlin, Dresden, Ba Lan, Tiệp. Tính chất phong phú của những địa danh đô thị ấy phần nào cho ta thấy được sắc thái bộn bề, ngổn ngang của cuộc sống đô thị được miêu tả trong tác phẩm.

Không gian trong tác phẩm đưa ta đến những nơi bình dân đến những nơi sang trọng, xa hoa nhất: từ những quán cóc đến những nhà hàng sang trọng của những lớp quý tộc. Không gian đầy ắp những sân bay, cơ quan, công ty, bãi nghỉ mát, khách sạn, quán bar… - những địa điểm thể hiện rõ lối sống đô thị nhộn nhịp, tất bật, sang trọng: “nhà hàng Continnentan. Ở sân bay Tân Sơn Nhất đầy nắng.

Chiếc Boing của hãng AirFrance sắp cất cánh. Phi trường lớn nhất Việt Nam xuống cấp một cách tệ hại. Người đi người ở nhộn nhạo. Tiếng nút chai Champagne nổ”. “Các Company nhiều như nấm sau mưa, nơi liên doanh của quan chức cơ hội với bọn buôn lậu liều lĩnh. Cứ ra khỏi cửa là vấp phải Giám đốc. Tâm biết, hùng biện là một chuyện và làm ăn lại là chuyện khác. Nhã bỏ ra ba mươi cây vàng, Bình góp vốn mười ngàn USD. Nhã có căn nhà sáu mươi mét vuông bỏ không ở phố Gầm Cầu mua tư nám tám sáu sẽ là văn phòng giao dịch. Trang trí nội thất bắt buộc phải có bộ salon, telephone và computer. Comple để hù dọa khách hàng và trang phục đứng đắn chứng tỏ với các Ðoàn thanh tra. Các công ty (Company L. T. D.) đặc biệt là những công ty hay làm từ thiện lộ rõ bộ mặt bất thiện. Binnsco tức Bình Minh đã, đang và sẽ nằm trong cơn lốc đó.” Còn đây là cảnh bãi nghỉ mát và những địa điểm giải trí của dân sang: “ Mặt trời sắp lặn, bãi biển đông nghẹt người và sóng và hoàng hôn. Lộm nhộm đủ loại. Công chức nghỉ theo tiêu chuẩn cơ quan, phe phẩy thừa tiền, sinh viên trốn học và kha khá ông bà già dư dật của rửng mỡ. Ði nghỉ tại Sầm Sơn bắt đầu trở thành mốt thời thượng của người Hà Nội. Quán xá nhiều nhưng vẫn đậm chất tỉnh lẻ. Tối tối, phòng khiêu vũ (hội trường cơ quan nào đó) đông nghẹt thanh niên dậm dựt theo tiếng nhạc Boney M. Một vài đôi nhảy người bản xứ uốn éo điệu xìlô áo bỏ trong quần nhưng đi chân đất. Các cô cậu người Hà Nội nhìn biết ngay, ở nhà trót ăn mặc đứng đắn nên ra đây hở hang quá đỗi, cố chứng tỏ dân thành phố lớn phải đồi trụy.”

Không gian trong Cơ hội của Chúa theo bước chân của Hoàng xuống Hải Phòng: “trước cửa sơn nâu im ỉm khép, ngôi nhà ba tầng đồ sộ nuốt từng tiếng chuông dài…Hải Phòng thay da đổi thịt từng ngày. Hai bên vỉa hè ngập đầy những sạp gỗ thông đóng vội, bày bán đầy đủ thứ hàng nội ngoại, “các thiếu nữ mười sáu, mười tám bán hàng. Các bà già năm mươi, bẩy mươi bán hàng. Ngần ấy khuôn mặt lấp lánh hưng phấn về ước mơ bạc triệu”. Cuộc sống khắp nơi phố phương đang dần chuyển mình, thay đổi từng giờ, từng ngày, thích nghi với cuộc sống hiện đại mới, con người đang gồng mình hoà nhập với thế giới mới đầy hấp dẫn và lôi cuốn, cơ hội ấp ủ gấc mơ làm giàu, khát vọng về đồng tiền, về ước mơ bạc triệu đang

được thực hiện hoá. Một Hải Phòng đang rộn ràng đổi mới theo bước chân Hoàng đưa ta đến xứ Huế mộng mơ, không quá náo nhiệt như ở Hà Nội, Hải Phòng. Huế thơ mộng với sông Hương hiền hoà, con gái Huế dịu dàng, Huế buồn hiu hắt, ảm đảm, triền miên trong những cơn mưa dài dai dẳng…Ở mỗi địa điểm đưa lại cho lòng người những cảm xúc, suy nghĩ mông lung, nhưng ở đâu người ta cũng tìm thấy hơi thở của cuộc sống, của sự khe khẽ chuyển mình để hoà nhịp trong cuộc sống.

Nếu như bước vào Cơ hội của Chúa, người đọc lạc vào những đô thị hiện đại, ồn ã, bộn bề thì Phố đưa ta về một không gian yên bình, trầm buồn và pha chút hoài niệm quá khứ. Đó là một “căn phố dài ước chừng một ngàn hai trăm thước này có tên đàng hoàng, tên họ một ông vua chói sáng thuở đầu dựng nước hẳn hoi nhưng lâu này thiên hạ quen miệng chỉ gọi là Phố Lính, Phố Nhà Binh cho khỏi lẫn với những khu phố dân sự khác. Phố chạy thẳng thớm, không có ngã tư ngã năm, số nhà bên trái nhiều gấp đôi số nhà bên phải, vỉa hè lát gạch rộng rãi, mùa đông kín gió, mùa hạ lá cành giao tán trên cao tạo thành một hành lang rượi mát, rất mê hoặc những bước chân, những vành xe đạp, xe máy làm bụi từ mọi vùng nắng nóng lảng vào. Mặt đường hẹp, ít ổ gà, chỉ khi nào chợt nghe một vành xích lô bật nảy lên, người ta mới khẽ phàn nàn: "Chán mớ đời! Đường sá cũ rích, sao lại lắm nắp cống trôi lên đến thế?" [26, 8].

Không gian phố trong tiểu thuyết cùng tên của Chu Lai tạo nên cho tác phẩm một âm hưởng và dư vị thật đặc biệt. Trong suốt 35 chương của tiểu thuyết, cứ thi thoảng nhà văn lại mở đầu chương bằng những dòng văn đẫm chất trữ tình miêu tả phố, đặc biệt là phố trong đêm đông: “Phố vắng. Gió lạnh. Trận mưa hồi chiều đã dứt từ lâu nhưng những giọt nước còn vương trên tán lá vẫn không nguôi tí tách rơi xuống mặt đường. Ngọn đèn dầu cháy thắc thỏm trên bàn bán nước. Các cánh cửa chính, cửa sổ của mọi nhà đã dần dần được khép kín, xa lắm mới có một giọng rao bán bánh mỳ đêm nghe tắc nghẹn. Bánh mỳ đơi… Bánh mỳ đũa cả đơ…ơ…i… Có lẽ chỉ về đêm cái phố nhà binh đang biến tướng này mới yếu ớt phục hồi lại được cái vẻ thâm trầm xưa cũ của mình.Vẫn lại tiếng cành sấu rơi, tiếng giày đinh quân

cảnh, tiếng quét rác, tiếng mèo động tình trên mái ngói…”. Phố mang “nét buồn kín đáo dìu dịu” rất riêng của Hà thành: “Mùa đông Hà Nội sao buồn thế? Ở cái căn phố đang từng ngày thoát xác này lại càng buồn. Cứ như lịch sử thăm thẳm hàng ngàn năm cũng theo cái sắc trời u ám trên cao kia mà thổi tới” [26, 182] Chính vị trí mở đầu chương của những đoạn văn này có tác dụng tạo nhịp điệu trầm buồn cho cuốn tiểu thuyết.

Với sắc điệu thâm trầm, u hoài như vậy, dường như không gian phố trở thành một chứng nhân lặng lẽ cho những mảnh đời nơi đây. Từ một quán nước nhỏ trên con phố không quá ồn ào, không quá thênh thang, Nam và Bình có thể ngồi trầm ngâm, lặng ngắm cuộc sống trôi qua: “buổi tối lạnh lẽo… Ánh sáng đèn đường soi lòa nhòa một khuôn mặt còn trẻ nhưng khắc khổ, phảng phất vẻ vô hồn của gã trai và nét mặt cũng còn rất trẻ nhưng đã sớm tiều tụy của cô gái”, hay có khi “người trong phố lính lại thấy một ông già mặc áo ba đờ suy chống ba toong đi lững thững dưới lòng đường”. Phố u buồn, trầm mặc như hòa cùng tâm trạng của con người.

Đáng chú ý là, dường như tồn tại hai không gian phố khác biệt nhau trong tiểu thuyết. Bên cạnh một phố về đêm tĩnh lặng dường như đến độ bất biến còn tồn tại một phố của cuộc sống ban ngày đang “vặn mình” biến chuyển. Điều này được thể hiện qua những đoạn văn phác thảo ý tưởng dựng phim của nhà đạo diễn Bình: “Phố nhà binh đang vặn mình răng rắc để manh nha hóa thân thành một khu phố như mọi khu phố đời thường. Người nhà binh cũng tự phá vỡ mọi mặc cảm, cao kiến và định kiến, vị thế cố hữu của mảnh giáp trụ quân phục, quân hàm, gia phong gia phả để gắng gỏi hòa nhập được vào dòng đời đang cuồn cuộn chảy ngoài kia, ngõ hầu mong tìm được cuộc sống khả dĩ còn gọi được là... cuộc sống..." [26, 9] “Thế rồi hôm nay, bỗng lại như tuân theo nhất loạt một khẩu lệnh của đấng toàn năng, các căn hộ rùng rùng chuyển động trổ tường, nới mái, hối hả quay mặt lại với cuộc đời...” [26, 330].

Hai dạng thái khác biệt ấy của phố dường như là sự đối ứng với hai mặt của cuộc sống. Một mặt, nhà văn nhìn thấy và chấp nhận sự biến đổi tất yếu của cuộc sống văn minh đô thị: “Sự phá hoại kiến trúc của một dãy phố hôm nay là phản ánh

cái trở dạ đau đớn của lề thói suy nghĩ cũ, đồng thời sẽ dẫn đến phá vỡ sự ổn định trong từng gia đình, từng số phận, có thể tốt lên nhưng cũng có thể sẽ xấu đi… Nhưng không thể không phá vỡ…” [26, 330] Nhưng ở đằng sau nó, nhà văn vẫn tinh tế cảm thấy một sự lắng đọng. Linh hồn của phố vẫn là cái đẹp lặng lẽ vĩnh hằng: “Cái nồng nã ban ngày dường như càng làm tôn thêm cái u hoài ban đêm. (…) Phải chăng cái ồn ào ban ngày chỉ là điều không có thật, chỉ là sự gồng sức chuyển mình cho thích hợp với dòng chảy cuộc đời về đêm”. Những con người trên con phố ấy, Nam, Thảo, Hùng, Bình,… sau bao nhiêu thăng trầm đổi thay, vẫn giữ lại trong mình một điều quý giá nhất là tình yêu. Nhân vật của Phố đáng thương, đáng quý bởi dù có đổi thay thì họ vẫn luôn cố giữ lại trong mình tình yêu. Họ hạnh phúc vì yêu và đau khổ vì yêu. Bởi vậy mà cho đến khi kết thúc câu chuyện, nhân vật rơi xuống tận đáy sâu bi kịch, thì người đọc vẫn cảm thấy được an ủi phần nào khi hình ảnh phố lại xuất hiện với dáng vẻ yên bình vĩnh hằng: “Vào giờ đó, cả khu phố đang im ngủ. Chỉ có mùi hương hoa mỹ phẩm là còn ngan ngát khắp hàng cây”. Không gian phố tạo nên một phông nền êm dịu, như một niềm an ủi, thanh thản, làm dịu đi những quạnh quẽ, khốc liệt, trái khoáy của cuộc đời.

Ngõ lỗ thủng lại tìm đến một mảng màu riêng trong bức tranh xã hội thành thị: một góc khuất tối tăm và lam lũ của những con người sống trong ngõ Lỗ Thủng. Không gian ngõ lỗ thủng trở đi trở lại trong tác phẩm, bện xoắn lấy cuộc sống thường nhật của con người nơi đây, bện xoắn lấy suy tư của nhân vật “tôi” như một ám ảnh. Sau ngày giải phóng thủ đô, mọi người “tứ chiếng giang hồ dạt về đây, tụ lại đây trên một khu rác rưởi và lần mò cùng kiếm sống” [15, 162]. Ngõ được tạo nên bởi phần lồi lõm chéo theo đường viền công viên, khiến nó vừa nhếch nhác, tù túng, vừa “nham nhở, hôi hám vì cái rãnh nước chạy dọc theo tường công viên đen ngòm bốn mùa, uế tạp bốn mùa”. Cái ngõ lỗ thủng ở thành thị dường như lại có chút dáng dấp của những xóm ngụ cư của nông thôn Việt Nam xưa, đều là không gian nương náu của những mảnh đời éo le tứ xứ trôi dạt về, nơi cuộc sống hiện hình với những sắc màu thô mộc, lấm lem, với cái dư vị buồn buồn tủi tủi.

Tài năng của Trung Trung Đỉnh trong nghệ thuật xây dựng không gian là ở chỗ: ông tạo nên một yếu tố không gian mang tính trung gian cho cái ngõ hẹp tù túng ấy – cái lỗ thủng nơi tường công viên. Chính sự xuất hiện của yếu tố trung gian này đã mang đến linh hồn cho không gian nghệ thuật trong tác phẩm.

Lỗ thủng trước hết là lối thoát mưu sinh cho những con người lam lũ nơi đây. “Chiều chiều đám dân trong ngõ hết thảy đều ra đây, qua cái lỗ thủng để tiến hành những phi vụ của mình. Người câu trộm cá, hái trộm hoa, bứng trộm cây cảnh, hái trộm củi, cắt cỏ. Người bê mẹt ô mai, thuốc lá, kẹo cao su, bán cho các đôi nam nữ ngồi ghế đá. Lại cũng có người chờ cho nhá nhem tối, vào đó hành nghề son phấn.”[15, 183]. Cái lỗ thủng “chấp chới xềnh xoàng” ấy lại chính là “cửa ngõ mở ra với thế giới bên ngoài” cho đám dân nghèo thành thị. Nó trở nên linh thiêng, “linh thiêng tới mức, giờ đây nó được tồn tại như một vật thiêng của cộng đồng, tựa như cây duối, cây đa cùng với những huyền thoại về con rắn hai đầu, con ma đói lập lòe trong đống rác của làng xã.” [15, 183].

Lỗ thủng vừa là lối thoát, nhưng lại cũng là sự bế tắc. Tại sao không phải là một cửa ngõ, một cánh cổng đường hoàng, mà lại là một lỗ thủng nhỏ bé khuất lấp chui lủi đến tội nghiệp, bị che bởi bao nhiêu rác rưởi, đất đá? Cái lối thoát ấy hóa ra lại chỉ càng tô đậm thêm sự không thể vượt thoát, tô đậm thêm cảnh sống tù túng, lầm lũi của những con người nơi đây. Quả như suy nghĩ của nhân vật “tôi” khi thấy “mấy cái bóng đen đang tựa vào tường, ngay cạnh đống rác ôm ấp nhau”: “Có lẽ cũng là những bóng ma không hơn, và cái lỗ thủng nham nhở kia đang nuốt vào trong bụng nó biết bao số phận không hồn hôi hám và bệnh hoạn” [15,258].

Nhưng rồi sau tất cả, cái ngõ lỗ thủng, với bao nhiêu lồi lõm dị dạng, với bao nhiêu tù đọng hôi hám, lại là không gian của tình người thô mộc. Nó là không gian hội tụ của những mảnh đời bất hạnh, nơi con người ta nương tựa vào nhau mà sống. “Bất giác tôi hình dung ra cái lỗ thủng ngoài kia. Cái lỗ thủng đã tạo nên cuộc sống lam lũ nhưng thật ấm áp này. Nếu không có nó, liệu tôi có nhận ra những gương mặt, những ánh mắt ưu ái của bà con?” [15,286].

Một phần của tài liệu Vẫn đề đô thị trong tiểu thuyết việt nam sau 1986 (Trang 60 - 65)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(87 trang)
w