Không gian gia đình thành thị

Một phần của tài liệu Vẫn đề đô thị trong tiểu thuyết việt nam sau 1986 (Trang 65 - 68)

2. Bối cảnh lịch sử và sự thay đổi tư duy, cảm hứng trong văn học

3.1.2.Không gian gia đình thành thị

Trong không gian sang trọng xuất hiện trong Cơ hội của Chúa, ta vẫn thấy thấp thoáng không gian của gia đình thành thị. Mâm cơm đầm ấm, sự sum họp của gia đình sau những ngày Tâm xa quê hương đi làm ăn, ai cũng xúc động rưng rưng nước mắt, ông bố xúc động cả bữa cơm đánh đổ chén rượu mấy lần. “mẹ và bé Phượng khỏi nói, Tâm cười rưng rưng, ngập trong nước mắt của mẹ và em gái” [20, 47]. Thế giới gia đình của Hoàng là sự tụ họp nhất, Hoàng được hưởng hạnh phúc của bố mẹ, của hai đứa em Tâm và Phượng. Còn Nhã, một người mạnh mẽ nhưng trong cuộc sống chỉ thấy lẻ loi, cô độc khi cuộc sống gia đình cô chỉ diễn ra hàng ngày với hai con người, đó là Nhã và đứa con của mình…Không gian gia đình thể hiện trong Cơ hội của Chúa là những con người bé nhỏ trong một xã hội rộng lớn đang phát triển, và thấp thoáng đâu đó những mảnh đời đang gồng mình gắng gượng bởi cuộc sống. Ở thành thị, bên cạnh những con người đang phải vật lộn với cuộc sống thì có những lớp người tượng trưng cho cuộc sống mới, với sự giàu sang, đầy đủ. Cuộc sống của Bình, con của quan chức, thừa hưởng cái sự sung sướng có sẵn, xung quanh cuộc sống của Bình không thiếu thốn điều gì: “ Phố vắng yên tĩnh với kiểu villa quen thuộc được xây từ thời Pháp. Trước cổng sắt sơn nâu im lìm… Qua một sân rộng có cây nhãn to, một bồn hoa đẹp, rất nhiều hồng bạch. Phòng riêng của bình toát vẻ thượng lưu trí thức. Trên tường treo vài ba phiên bản của Picasso và Henri Matisse. Tiện nghi trong phòng sang trọng. Nhạc Beatles ngập lãng đãng…Tủ rượu của Bình đẹp, đa phần là những chai đang uống giở. Nó chứng tỏ chủ nhân rất có gu chứ không đơn thuần chỉ để trang trí nội thất như nhiều nhà giàu mới nổi. Bình mở tủ lấy chai rượu nửa lít của Ba Lan, cổ chai thắt gợi cảm, sóng rượu dập dềnh lúc lắc một nhành cỏ. Bình rót đầy hai ly pha lê Tiệp chân cao…”. Cuộc sống của Bình trong nhung lụa, không gian cuộc sống gia đình Bình nói lên cuộc sống của giới thượng lưu, đầy đủ có phần thừa thải. Bình tự tin với cuộc sống đầy đủ ấy, với sự hãnh tiến của mình, Bình tượng trưng sự giàu có, nhung lụa trải thảm của cuộc sống mới.

Không gian gia đình xuất hiện trong Phố của Chu Lai một cách khiêm nhường: “Có một gia đình như thế nằm lọt thỏm giữa khu phố. Chỉ khác, căn hộ cấp

4 chưa đầy 16 mét vuông của họ nằm thụt hơi sâu vào bức tường ẩm mốc trong một khu gia binh bên số chẵn mà người ta thường gọi là khu tập thể quân đội”. Căn hộ nhỏ bé bình dị ấy với những vật dụng quen thuộc trở thành tổ ấm của hạnh phúc gia đình, để rồi khi Thảo – người vợ, người mẹ - đi xa, “căn phòng bỗng rộng ra tuênh toang đến thế? Nhìn đâu, sờ đâu cũng chạm phải những kỉ niệm” [26, 58].

Không gian gia đình trong Phố thay đổi cùng với những biến chuyển trong hạnh phúc gia đình: sự mất đi của mảnh dù kỉ niệm – kỉ vật tình yêu của hai vợ chồng, sự xuất hiện của những vali vật dụng mới mà Thảo lao động ở nước ngoài gửi về, và sự kiện lớn nhất là khi khánh thành ngôi nhà ba tầng của đôi vợ chồng Nam - Thảo. Thảo háo hức nói lên ý tưởng về một ngôi nhà khang trang, tiện nghi đầy đủ: “Em tính mỗi tầng, thậm chí mỗi phòng chính đều có thiết kế hệ thống toa lét hiện đại nhất. Riêng phòng của anh và em sẽ có thiết kế riêng, làm sao khi bước vào phải có cảm giác như bước vào một khách sạn loại sang có đầy đủ các tiện nghi tối thiểu. Sau đó là phòng của con. Em muốn con có một căn phòng học tập hiện đại, có video để học ngoại ngữ và có những dụng cụ thể dục thể thao thẩm mỹ tân tiến.” [26, 225]. Song song với sự thay đổi đến lạ lẫm của không gian gia đình, tình cảm giữa các thành viên trong gia đình, đặc biệt là của Thảo dành cho chồng cũng thay đổi. Một cảm giác xa lạ và khoảng cách với chồng dần dần len lỏi và hủy hoại tình yêu trong Thảo. Nam, tuy vẫn yêu thương Thảo, nhưng không thể tránh khỏi những cảm giác từ ngạc nhiên, đến không hiểu, rồi bất lực trước sự thay đổi của vợ. Nghe vợ say sưa bàn về ngôi nhà mới, Nam “thuận miệng nói theo mà rõ ràng trong đầu anh chẳng nghĩ gì cả”, ngơ ngác hỏi “hình dung cái gì cơ?”, “nghe em nói mà anh phát chóng mặt”, rồi mơ hồ nhận ra: “Thảo… Dạo này anh thấy em nói năng nghe… khác quá! Cái gì mà phản nhau, lôi nhau ra tòa?”. Đến nỗi, cuối cùng Nam phải đau khổ thốt lên rằng: “Anh cho rằng chính cái tòa nhà thênh thang kia đã làm hỏng hạnh phúc của chúng mình” [26, 311]. Phải chăng, sự thay đổi của không gian gia đình như một phản chiếu của sự thay đổi của hạnh phúc gia đình. Từ nghèo khổ đến giàu có là cả sự nỗ lực không ngừng của mỗi cá nhân, nhưng ngay cả khi nỗ lực

đó là vì hạnh phúc gia đình thì nó cũng tiềm ẩn những đổi thay ngấm ngầm ăn sâu vào tổ ấm gia đình.

Bên cạnh những căn nhà hiện đại của thành thị, ta thấy len lỏi những căn nhà lụp xụp, lam lũ của những con người nghèo khổ. Trong tiểu thuyết Ngõ lỗ thủng, những mảnh đời ấy hiện ra ngay trước mắt: “Ngày ngõ chúng tôi chưa được gọi là ngõ lỗ thủng như bây giờ, ông Hượu đạp cái xích lô, chở bà vợ ông cùng anh cả Gù, đổ xuống đống rác dưới gốc cây bàng, lấy chiếu manh, càng bàng dựng nên túp lều. Ấy thế mà cũng thành ra một gia đình…ngày qua ngày, cho tới đận Nhà nước hô hào lấp hố, san bãi rác làm công viên, những gia đình kiểu như gia đình ông Hượu được gom lại, lấy cây bàng làm tâm, xây cho mỗi gia đình một gian…cái nhà từ thiện chéo tường công viên hình thành. Nhà ông Hượu hoá ra đẹp nhất ngõ” [15, 169]. Cuộc sống cứ thế tiếp diễn, với gian nhà nhỏ nhưng những thế hệ, những con người ấy vẫn sống, kiếm tiền và nuôi bản thân để tồn tại trong xã hội. Có lần giỗ bố Gù, Gù bảo mẹ sắm một mâm cỗ thịnh soạn đặt lên bàn thờ, rồi mời bà Còng, cô Hạnh sang dự. Cô Hạnh và bà Còng vốn rất ghét nhau, nhưng hôm nay cả hai đều tỏ ra đại lượng, quên những chuyện vặt vãnh đời thường. “Hạnh mời bà Còng rất lẽ phép. Cô gọi bà, xưng con, như thể bấy nay hai bà con không có chuyện gì. Bà Còng cũng không gọi Hạnh là “đồng chí” nữa. Giữa không gian gia đình như thế này dường như tình người gần nhau hơn, người ta xích lại gần nhau hơn, để hiểu nhau và trân trọng nhau hơn.

Một phần của tài liệu Vẫn đề đô thị trong tiểu thuyết việt nam sau 1986 (Trang 65 - 68)