Ngôn ngữ thể hiện tính cách nhân vật

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tiểu thuyết của khái hưng (Trang 77 - 81)

7. Cấu trúc của luận văn

3.2.2. Ngôn ngữ thể hiện tính cách nhân vật

Để đặc tả tính cách mỗi nhân vật trong tác phẩm, không thể không miêu tả ngôn ngữ của chính nhân vật. Ngôn ngữ trở thành công cụ đắc lực,

tạo ra một mảnh đất màu mỡ cho các nhà văn thỏa sức sáng tạo. Khái Hưng cũng đã rất dụng tâm trên địa hạt này. Dù là khắc họa tính cách nhân vật chính diện hay phản diện (sự phân chia chỉ mang tính chất tương đối), thì Khái Hưng đều gặt hái được thành công.

Người đọc không thể quên một bà Ba trong Thừa tự tính toán, bủn xỉn, và lắm mưu mẹo như thế nào, qua đoạn đối thoại giữa bà Ba và bà Hai: “Và bà cho rằng công việc của bà mối đến đây đã ổn lắm rồi, bây giờ bà nên kíp nghĩ đến quyền lợi của bà. Bà đứng dậy cáo từ ra về. Để được tự nhiên, bà định bụng tới phút cuối cùng mới nói câu chuyện riêng. Quả thực, tới cổng bà chợt nhớ ra, bảo bà Ba:

- Cụ ạ, có món tơ của một chỗ quen thuộc họ đem cầm, nhưng họ giấu tiếng… Tơ tốt, giá cầm lại hời, lãi phân rưỡi mà họ chỉ cầm nửa, độ một tháng trở lại. Tôi thu xếp nhặt nhạnh chỉ được hai nghìn, thiếu mất có năm trăm, giá cụ có cho giựt tạm thì hay quá.

Bà Ba giọng xuýt xoa:

- Thưa cụ, thế thì hời thật đấy. Rõ tiếc quá. Giá cụ hỏi hôm qua thì tôi sẵn. Năm trăm chứ một nghìn cũng đủ… vì món tiền bán thóc mới sáng nay tôi cho một chỗ quen thuộc vay mất rồi.

Bà Hai tươi cười đáp lại:

- Vâng, tôi cũng biết các cụ thì tiền nong xuất nhập luôn luôn mấy khi để nằm không. Thôi, tôi lên hỏi cụ Bố hàng Đào vậy… À, cụ có biết cụ Bố hàng Đào không nhỉ?

- Thưa cụ, cụ Bố hàng Đào thì ai không biết? Bà Hai mỉm cười nháy mắt, hạ giọng, bảo bà Ba:

- Ấy, cô Huyền con gái cụ Bố cũng đã ngấp nghé cậu Cử mãi đấy. Cô ả thì được cả nhan sắc lẫn học vấn, nhưng phải cái…

Bà Ba vội hỏi. Bà Hai chậm rãi đáp:

- Phải cái hơi tự phụ… Mà bà mẹ thì chắt bóp quá. Bà chép miệng nói tiếp:

- Nhưng cứ thử hỏi xem. Thôi lạy cụ.

Đã tưởng bà Hai đi hẳn, nhưng không bà còn quay lại hỏi nữa: (…)

- Hỏi điều gì ạ?

- Hỏi xem có sẵn tiền, tôi giựt tạm dùm cụ.

Cố nhiên bà Ba giựt tạm được, vì món tiền giựt tạm ấy chỉ là tiền của bà.(…) Bà ngỏ ý cho bà Hai thấu hiểu rằng hai trăm bạc ấy bà biếu hẳn. …

Trước khi từ biệt, hai người còn vái chào nhau, hai, ba lần nữa. Bà Ba tiếc của, buồn rầu bước lên gác, miệng lẩm bẩm nguyền rủa bà Hai. [38;149 -150].

Đúng là “mạt cưa gặp mướp đắng”. Nếu không tạo dựng được tình huống cho những người biết gõ vào điểm yếu của người khác để vòi tiền như bà Hai, thì tác giả khó khắc họa được tính cách nhân vật bà Ba.

Trong Nửa chừng xuân, sự đối lập giữa hai hệ tư tưởng cũ và mới, thể hiện tập trung qua hai nhân vật bà Án và Mai. Bà Án thì quá lo cho con, mà chỉ biết ép buộc Lộc tuân theo sự sắp đặt hôn nhân môn đăng hộ đối của mình. Bà là một người phụ nữ sắc sảo, có thể vì con, vì gia đình mà làm những việc nhẫn tâm. Trong suy nghĩ ích kỷ của bà, như thế là có lợi cho con. Nhưng đến khi không thể có đứa cháu nỗi dõi, thì bà lại tìm đến Mai với hy vọng Mai chịu về làm lẽ Lộc, và bà sẽ có cháu trai.

Ngồi một mình trong phòng khách tìm sẵn hết các ý tưởng để chốc nữa đối phó với Mai, bà nghĩ thầm: “Ta lên đây là để bắt thằng cháu về … Trời ơi! Thằng bé mới kháu khỉnh làm sao!.. Nhưng muốn bắt được cháu về thì chỉ có hai cách… Phải, cần phải khéo lắm mới được!” (…) Mai chưa kịp trả lời thì bà Án nói luôn:

- Hôm nay tôi thân hành lên đây là vì bổn phận cũng có, nhưng điều thứ nhất là vì… là vì…thôi có mình mợ với tôi đây, can gì phải úp mở… Tôi lên đây là vì sự hối hận bắt buộc phải xin lỗi mợ” [80;212 -213].

Sự xuống nước của bà Án nằm trong sự tính toán chặt chẽ của bà, để đạt được mục đích bà sẵn sàng “hạ mình” xin lỗi Mai, người mà trước đây bà đã ghẻ lạnh, xem thường. Nhân vật Mai dưới ngòi bút của Khái Hưng hiện lên thật giàu nghị lực, và đáng trân trọng. Đối mặt với một người quỷ quyệt như bà án, cô không hề hạ mình:

“Bà Án nghiêm sắc mặt dõng dạc nói:

- Thế thì cô lầm. Tôi chỉ đi vào con đường bổn phận. Tôi có lỗi, tôi cam chịu lỗi, nhưng tôi phải ăn năn sửa lỗi. Bởi vậy tôi không muốn vì tôi mà cô mang tiếng… mang tiếng là một người không chồng…không chồng… mà… mà có con…

Mai cũng dõng dạc đáp lại rằng:

Xin cảm ơn cụ. Nhưng nếu chỉ vì tôi mà cụ muốn sửa lỗi thì tôi sẵn lòng - xin cụ miễn chấp - tôi sẵn lòng tha thứ cho cụ, tha thứ cho cụ đã đày đọa tôi, đã… trong bao lâu…

Mai cố làm ra can đảm đến thế…” [80;215].

Nghe những lời Mai nói, mới thấy cô phải lấy hết can đảm để đối đầu với những lời nói như mũi nhọn của bà Án. Mai thật đáng thương và đáng nể phục!

Khái Hưng đã sử dụng ngôn ngữ nhân vật một cách linh hoạt để khắc họa tính cách nhân vật, đã tạo nên những Mai, Lộc, Loan, bà án, bà phán Lợi đầy sống động và chân thực. Những con người ấy với những cá tính khác nhau hình thành lên một bức tranh muôn màu về xã hội. Đó là một trong những thành công đáng kể của nhà văn.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tiểu thuyết của khái hưng (Trang 77 - 81)