Biểu hiện màu sắc luận đề trong ngôn ngữ người trần thuật

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tiểu thuyết của khái hưng (Trang 87 - 94)

7. Cấu trúc của luận văn

3.3.2. Biểu hiện màu sắc luận đề trong ngôn ngữ người trần thuật

Ngôn ngữ người trần thuật đóng vai trò rất quan trọng trong việc thể hiện luận đề. Đó là cái la bàn có tác dụng định hướng trong suốt cả nội dung tiểu thuyết. Và ngôn ngữ trần thuật lại góp phần đưa đẩy, để luận đề của tiểu thuyết hiện ra một cách tự nhiên và ý nhị hơn.

Trong tiểu thuyết Nửa chừng xuân, để tăng hiệu quả miêu tả, khắc họa hình ảnh nhân vật ông Hàn Thanh, một kẻ háo sắc, hợm hĩnh, xen kẽ vào giữa đoạn đối thoại giữa Mai và ông Hàn Thanh, là những lời dẫn có tác dụng nhấn mạnh của người trần thuật.

“Thiết Thanh ghé tận tai, bảo sẽ Mai: - Có cô chẳng thương tôi thì có.

Mai vờ không nghe tiếng, chắp tay vái chào: - Lạy cụ ạ, chúng cháu xin về.

(…)

- Thì làm gì mà vội thế? Vậy cả nhà lẫn đất cô lấy bao nhiêu tiền, cô lấy tôi… bao nhiêu tiền?

Ông Hàn nghe chừng đắc chí vì đã nói được câu có ý vị, tình tứ, nhắc đi nhắc lại mãi câu “cô lấy tôi… bao nhiêu tiền”.

(…)

Ông Hàn gật gù đọc câu Kiều: - Thưa rằng đáng giá nghìn vàng.

Ông ta lấy làm tự đắc rằng có tài ứng đối, vui sướng bảo Mai. - Cô bằng lòng nhé?... Bằng lòng tôi nhé? Nghìn vàng đấy! (…)

Mai vẫn không trả lời. Cô đã toan cự tuyệt song nghĩ rằng thân gái yếu đuối lỡ bước, nếu không khôn khéo thì khó lòng thoát được tay phàm tục, liền dịu dàng đáp lại:

(…)

- Thưa ông, cháu tang tóc đâu dám nghĩ tới cuộc hôn nhân. (…)

Ông Hàn tìm được câu Kiều nữa, lại đắc chí cười ngặt ngẹo. Rồi nói luôn:

- Vậy mười lăm năm, à quên, mười lăm tháng nữa, chúng ta hãy làm lễ thành hôn, động phòng hoa chúc cũng được chứ gì” [80;68].

Lời kể của người trần thuật đã góp phần lột tả tính háo sắc, trịch thượng, hợm hĩnh của ông hàn Thanh. Ông tự cho mình là một kẻ văn vẻ, mượn Kiều lẩy Kiều, có tài ứng đối, mà đắc chí cười ngặt nghẹo. Khái Hưng đã khéo léo phê phán thói trí thức rởm, hợm đời của ông ta.

Hay khi miêu sở trường miêu tả tâm lý của người thanh niên khi bước vào tình yêu, thì người trần thuật đã hòa vào tâm trạng của nhân vật. Khi được Lộc ngỏ lời cầu hôn, “Mai mỉm cười. Người thế tục chắc cho cái nụ cười ấy là nụ cười sung sướng. Không phải. Đối với Mai, thì sự sung sướng đến cực điểm ngay từ ngày Mai được quen biết Lộc. Cái nụ cười của Mai ở đây có ý nghĩa khác: Mai nghe như trong tâm Mai thì thầm Thì ông không biết rằng tấm lòng này, linh hồn này đã là của ông rồi hay sao? Hà tất ông phải van. Ý tưởng ấy ở trong trí não chạy qua xuống trái tim, khi ra đến cặp môi thì nở thành một nụ cười. Vậy thì cái nụ cười ấy chỉ có ý nghĩa chất phác, chân thật, chứ nó không ngụ một tư tưởng dục tình” [80;129]. Những cảm xúc của người con gái khi yêu chân thật đến không ngờ, và sự thấu hiểu tâm lý nhân vật đã giúp Khái Hưng đạt được thành công ấy. Khi Mai biết Lộc lừa dối mình, mượn một cụ già đóng làm mẹ đến nhận Mai làm dâu, và thấy phản ứng không tự nhiên của Lộc khi Mai thú thực đã có thai, Mai đã cười chống chế, cười mà chua xót đắng cay. “Ái tình của Lộc… còn phải thuộc quyền người thứ ba, một người thứ tư nữa thì dẫu sao cũng không nên tưởng tới, chỉ nên coi nó như đã chết hẳn rồi, chết hẳn rồi trong trái tim đau đớn… giữa lúc đầu xanh, nửa chừng xuân”. Những suy nghĩ của Mai đã hé mở một tâm hồn non trẻ đau khổ vì ái tình khiến trái tim người đọc phải rung động. Tựa đề cuốn tiểu thuyết Nửa chừng xuân thể hiện luận đề đấu tranh vì hạnh phúc lứa đôi, vượt lên định kiến trói buộc của xã hội cũ vốn cho hôn nhân là do cha mẹ sắp đặt. Tuy Mai và Lộc không đến được với nhau, nhưng nhân vật Mai - con người của thế hệ mới, mang những tư tưởng tiến bộ, và giàu lòng tự trọng, hi sinh thật đáng trân trọng. Đó là chiến thắng của ngòi bút tiểu thuyết luận đề Khái Hưng.

Mỗi tác phẩm văn học muốn in đậm dấu ấn trong lòng bạn đọc phải tạo được giá trị riêng độc đáo, tạo được giọng điệu riêng của mình. Ngôn ngữ trần

thuật cũng góp phần tạo nên một giọng điệu riêng cho tác phẩm. Ngôn ngữ trần thuật thể hiện thái độ, tình cảm, lập trường tư tưởng, đạo đức của nhà văn đối với hiện tượng được miêu tả, phản ánh lập trường xã hội, thái độ tình cảm và thị hiếu thẩm mĩ của tác giả.

Qua lời nhân vật Nam trong tác phẩm Đẹp, Khái Hưng đã phát biểu những suy nghĩ của mình về sự Âu hóa của thời đại, và cũng là sự vận động của thế giới nhân vật tiểu thuyết của ông: “Tôi cũng bắt đầu từ thế hệ trước, cái thế hệ Nho tàn. Các anh có thấy đẹp không? Cả một thế giới đổ sụp, bị nhổ bật gốc rễ lên... Thế giới ấy sụp đổ, tiêu tán đi để nhường chỗ cho một thế giới mới, bỡ ngỡ non nớt bấp bênh, lung lay trước gió…” [80;878].

Các luận đề trong tiểu thuyết của Khái Hưng hướng tới có các nội dung lớn, đó là đấu tranh chống lễ giáo và gia đình phong kiến. Bảo vệ quyền sống cá nhân, khẳng định cái tôi cá nhân, nếp sống Âu hóa và ca ngợi cải cách xã hội. Tuy nhiên đằng sau đó chứa đựng những nỗi băn khoăn về cái tôi cá nhân và nếp sống Âu hóa, sự sa đọa phẩm chất của một số thanh niên trước những đổi thay của xã hội.

Đứng trên lập trường đấu tranh chống lại lễ giáo phong kiến, Khái Hưng đã xây dựng một hình ảnh bà Án tàn nhẫn, vô lương tâm, giáo điều và máy móc. Ngôn ngữ trần thuật được nhà văn vận dụng linh hoạt khi là ngôi thứ nhất, khi là ngôi thứ ba, hay thông qua điểm nhìn của một nhân vật. Như khi nhà văn mượn lời của nhân vật Huy để đánh giá: “Cụ tức là biểu hiện, tức là một người đại diện cho nền luân lý cũ. Mà tâm trí chúng cháu đã trót nhiễm những tư tưởng mới. Hiểu nhau khó lắm, thưa cụ. Cụ với bọn hậu sinh chúng cháu như hai con sông cùng một nguồn, cùng chảy ra một bể, nhưng mỗi đằng chảy theo một dốc phía bên kia sườn núi, gặp nhau sao được” [80;216].

Trong câu chuyện, mâu thuẫn chủ yếu là giữa Mai và bà Án. Mai đại diện cho những con người mới tiến bộ. Cô kiên quyết lên án và chống lại chế

độ đa thê. Cô dứt khoát khước từ hai lần lời đề nghị của bà Án muốn cô làm vợ lẽ. Cô nói: Nhà con không có mả đi lấy lẽ, và thà “làm chị xã, chị bếp, chị bồi mà được một vợ một chồng yêu mến nhau… khi vui có nhau, khi buồn có nhau, khi hoạn nạn có nhau”. Qua nhân vật Mai, Khái Hưng đã tỏ thái độ chống chế độ đa thê hết sức quyết liệt.

Trong tiểu thuyết Gia đình, để giải thích sự tha hóa của Viết, tác giả đã để cho nhân vật tự thú nhận: “Tàn ác lâu ngày đã thành thói quen. Buổi đầu khi nghe bọn thơ lại xúi giục chàng làm việc bất nhân thì chàng áy náy, đắn đo rụt rè, có lần hối hận suốt đêm không ngủ được. Nhưng dần chàng đã trở nên “can đảm” và giữ được “trơ như đá vững như đồng” khi đứng trước những cảnh thương tâm, khi có những hành vi dã man tàn ngược. Đến mức thấy bạn đồng nghiệp nào hơi giữ gìn, hơi có lòng liêm sỉ thì chàng liệt luôn vào hạng giả đạo đức” [81;540].

Ngôn ngữ trần thuật được sử dụng ở ngôi thứ ba với cái nhìn theo tiêu cự bên trong của nhân vật và phương pháp trần thuật theo ý thức, trong trường hợp này đã thu được hiệu quả cao. Biểu hiện màu sắc luận đề trong ngôn ngữ trần thuật của tiểu thuyết Khái Hưng vì thế mà trở nên sâu sắc, linh hoạt và rõ nét. Tính cách, tâm lý, tư tưởng của các nhân vật dù thuôc phái mới hay cũ, thủ cựu hay tiến bộ đều được hiện lên một cách sinh động. Để khắc họa tâm tư của An, một người Tây học, muốn sống một cuộc đời tự do phóng khoáng nhưng bị gia đình ép buộc theo con đường hoạn lộ, Khái Hưng đã xoáy sâu vào dòng tư tưởng của chàng: “Nhưng cảm giác sung sướng không trở lại nữa (…) sự trống rỗng ngày một tăng. Nó như vết ung thư, ngày một loét rộng thêm. Thậm chí chàng còn nghĩ đời chàng như một “quả héo chỉ còn đợi rụng” [80;498].

Chống lại sự lạc hậu, trói buộc của lễ giáo, Khái Hưng khẳng định cái tôi cá nhân, ca ngợi tình yêu đôi lứa, và cầu mong cho họ hạnh phúc. An

trong Gia đình tin là Bảo và Hạc sẽ sống hạnh phúc, vì: “Chàng biết chắc rằng đôi vợ chồng ấy sau này sẽ sống hạnh phúc vì thuở nhỏ hai người đã quen biết nhau, đã yêu nhau và ngày nay hai người cùng ưng thuận lấy nhau”. Đó là một cuộc hôn nhân lý tưởng, đầy tính tự nguyện, hai vợ chồng biết yêu thương và kính trọng nhau. “Nhà văn khẳng định cái tôi cá nhân, nếp sống Âu hóa một cách không giấu diếm thiện cảm và những rung động đắm say. Với ông tự do yêu đương, tự do kết hôn, đời sống mới vừa là lẽ phải ở đời, vừa đẹp, thơ mộng, tân tiến, và luôn luôn đồng nghĩa với văn minh, tiến bộ. Còn trái với những điều đó thì ông giễu cợt [80;112].

Tư tưởng ấy được Khái Hưng gửi gắm vào trong nhiều tác phẩm - của mình. Ngọc trong Hồn bướm mơ tiên tuyên bố: “Gia đình! Tôi không có gia đình nữa. Đại gia đình của tôi nay là nhân loại, là vũ trụ, mà tiểu gia đình của tôi là… hai linh hồn của đôi ta, ẩn núp dưới bóng từ bi của Phật tổ” [80;59]. Còn Lộc trong Nửa chừng xuân cũng hùng hồn: “Sao anh lại không nghĩ tới xã hội, đem hết nghị lực, tài trí ra làm việc cho đời (…). Trời ơi! Anh sung sướng quá, anh trông thấy rõ rệt con đường tương lai sáng sủa của anh rồi. Đời anh từ nay sẽ không của riêng anh nữa. Anh sẽ vì người khác mà sống, vì người khác, anh sẽ bỏ cái đời an nhàn phú quí mà dấn thân vào một cuộc đời gió bụi. Anh đã trông thấy hiện ra trước mắt những sự cay cực lầm than đương đợi anh. Nhưng anh không ngại vì có em…” [80;240].

Đó là những khát vọng, hoài bão của những thanh niên như Lộc và Ngọc trong thời đại của Khái Hưng. Tâm sự đó tuy có đôi chút mơ hồ, nhưng đầy nhiệt huyết và đáng trân trọng. Nhưng đứng trước những đổi thay của thời cuộc, Khái Hưng không khỏi băn khoăn lo lắng. Ông lo lắng và phê phán lối sống trụy lạc, lố lăng, thái quá của tầng lớp thanh niên lao vào ăn chơi, sống gấp, sống cuộc sống xa hoa, phóng đãng. Nhà văn không ngại ngần phê phán Hiền: “Những người quen thuộc, những chỗ họ hàng, bà con thấy Hiền

quá tự nhiên từ ngôn ngữ cho tới cử chỉ, thì đều tức cười cho bà Hậu không biết uốn nắn dạy con”. Mặc dù Hiền là một cô gái quá lãng mạn, có nhiều khát vọng, mộng tưởng về quyền sống cá nhân, nhưng sự đổi mới thái quá, Tây hóa của Hiền vẫn đáng lên án. “Chung quanh, kẻ cười mát, người bĩu môi. Những bà đứng tuổi cho là Hiền Tây quá, quay lảng đi thì thầm nói chuyện với nhau để tỏ ý khinh bỉ”. Ngôn ngữ trần thuật ở ngôi thứ ba đã thể hiện cái nhìn của tác giả cũng như mọi người về sự thái quá đến lố lăng của Hiền.

Trong tiểu thuyết Đẹp, nhà văn đã để cho nhân vật Nguyên nói lên ý đồ viết tiểu thuyết của mình: “Tôi sẽ làm hoạt động tới một trăm nhân vật, toàn là những nhân vật thực trong xã hội hiện thời, trong đám thanh niên vô lý tưởng của ta. Trong đó sẽ có những nhà văn không có lòng tự tin, những họa sĩ không lòng tự tin, những nhà chính trị không lòng tự tin. Một bọn hoạt động, hành động không có mục đích hay chỉ có một mục đích thiển cận: quên” [80;879]; “Tuy đó là một truyện về thanh niên, nhưng tôi cũng bắt đầu từ thế hệ trước, cái thế hệ nho tàn. Các anh có thấy đẹp không? Cả một thế giới đổ sụp, bị nhổ bật rễ lên (…) Thế giới ấy sụp đổ, tiêu tán đi để nhường chỗ cho một thế giới mới, bỡ ngỡ, non nớt, bấp bênh, lung lay trước gió” [80;879].

Như vậy màu sắc luận đề biểu hiện trong ngôn ngữ trần thuật của tiểu thuyết Khái Hưng thật phong phú và rõ nét. Với những dạng thức trần thuật khác nhau, nhà văn đã bộc lộ những điều mà tiểu thuyết luận đề hướng tới. Đó là sự đấu tranh xóa bỏ lễ giáo phong kiến lạc hậu, khát khao giải phóng cái tôi cá nhân và hạnh phúc lứa đôi. Khẳng định nếp sống Âu hóa, và cải cách xã hội nhưng cũng không che giấu sự băn khoăn lo lắng cho lối sống phóng túng trụy lạc của một bộ phận thanh niên.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tiểu thuyết của khái hưng (Trang 87 - 94)