Ngôn ngữ thể hiện bản chất giai cấp của nhân vật

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tiểu thuyết của khái hưng (Trang 73 - 77)

7. Cấu trúc của luận văn

3.2.1. Ngôn ngữ thể hiện bản chất giai cấp của nhân vật

Khái Hưng được các nhà nghiên cứu đánh giá là khá thành công trong nghệ thuật xây dựng nhân vật, tiểu thuyết của ông để lại nhiều hình tượng hấp dẫn và có sức sống. Cách xây dựng nhân vật của ông có những sáng tạo mới

mẻ, độc đáo, thể hiện một lối tư duy mới, khác biệt rõ rệt với các nhân vật trong văn học thời Trung đại. Nhân vật trong tiểu thuyết Khái Hưng không theo một khuôn sáo có sẵn, mà được xây dựng theo một kiểu tư duy nghệ thuật mới, thể hiện cách cảm nhận mới và lối diễn đạt mới. Nhà nghiên cứu Phạm Thế Ngũ đã nhận xét: “Đến đây tiểu thuyết ta mới đạt được những tính cách phân biệt với một tiểu thuyết tân thức”. “Các nhà văn trong Tự lực văn đoàn đã thành công trong kỹ thuật xây dựng nhân vật và có ý thức xem nhân

vật là trung tâm tác phẩm” [59;447].

Tiểu thuyết Khái Hưng phê phán những con người cũ, những con người mang nặng đầu óc thủ cựu trong chế độ cũ. Họ đại diện cho lễ giáo và đại gia đình phong kiến, như bà Án trong Nửa chừng xuân, bà Ba trong Thừa tự, bà Phán trong Thoát ly… Với lập trường duy tân cấp tiến, với sự trải nghiệm cuộc sống trưởng giả, nhà văn đã khám phá, miêu tả được nhiều hình tượng khá tiêu biểu và linh động về con người cũ. Và để đạt được thành công đó, Khái Hưng đã sử dụng một hệ thống ngôn ngữ thể hiện bản chất giai cấp khi xây dựng hình tượng nhân vật. Trong Nửa chừng xuân, người đọc không thể quên một bà Án rất khéo đánh đòn tâm lý, mở miệng ra là nói đến lễ giáo tiết nghĩa, nhưng thực sự lại rất bất nhân. Bà thường nói: “tôi đây hủ lậu, vẫn tưởng sự quý nhất của ta là lễ nghi, là ngũ luân ngũ thường, là cái đức tam tòng của người đàn bà”. Hay: “Tôi chỉ thú thực với cô rằng tôi hủ lậu nghĩa là tôi chỉ có trọng: Lễ, nghĩa trí, tín”. Trong lần trò chuyện đầu tiên với Mai, bà đã tỏ rõ định kiến, và thái độ kẻ cả của kẻ bề trên: “Bẩm cha con đậu tú tài và đã mất rồi. Mẹ con cũng đã qua đời” Bà Án cười: “Thảo nào!”. Hai tiếng “thảo nào” đi liền sau một tiếng cười khinh bỉ làm cho Mai ứa nước mắt. Nhưng bà Án sợ Mai không hiểu, lại nói tiếp luôn: “Con có cha như nhà có nóc. Cô là gái mà lại mồ côi cha mẹ thì tránh sao được sự lầm lỡ.” [81;148]. Để giành được đứa con của Mai làm người thừa tự, đầu tiên bà chịu xuống

nước xin lỗi Mai, nhưng khi Mai một lần nữa không chấp nhận về làm vợ lẽ, thì bà đã bộc lộ bản chất của một con người không có đạo đức, ngã giá mua bán ngay cả đứa con với một người mẹ là Mai: “… Cô dám dạy cháu thôi những điều trái luân thường đạo lý như thế ư? (…) Cô không được hỗn, cô không được phép khinh tôi. (…) Nếu tôi đền ơn cô một nghìn bạc thì cô nghĩ sao? (…) Vậy hai nghìn nhé?” [80;217].

Ngòi bút của Khái Hưng còn hướng đến sự phê phán bọn cường hào, địa chủ, quan lại. Hàn Thanh là hình tượng một tên cường hào xuất hiện rất sớm trong tiểu thuyết Khái Hưng và cũng tương đối sớm trong văn học. Để mua chuộc được Mai, thì ông ta dùng lối nói ỡm ờ, “mèo vờn chuột”, nói xa nói gần để mong lấy được cô:

Ông hàn tìm được câu Kiều nữa, lại đắc chí cười ngặt nghẹo. Rồi nói luôn: “Vậy mười lăm năm, à quên, mười lăm tháng nữa, chúng ta hãy làm lễ thành hôn, động phòng hoa chúc cũng được chứ gì” [80;110].

Nhưng khi thấy Mai không ưng thuận thì ông ta vừa ngọt nhạt, vừa đe dọa: “Nhà cô mà tôi đã không mua thì tôi đố đứa nào ở vùng này dám mua nổi. Không những thế còn khốn khổ cực nhục với tôi nữa [80;111].

Hàn Thanh đã bộc lộ bản chất tráo trở, hay hà hiếp người dân của nhưng tên quan trong xã hội cũ.

Huyện Viết trong tiểu thuyết Gia đình lại đại diện cho những quan lại dưới thời Pháp thuộc. Hắn là một kẻ xấu xa, tàn bạo, không từ mọi thủ đoạn: tham nhũng, hống hách, chạy chọt, cầu cạnh, nịnh nọt quan trên, xa hoa trụy lạc. Khái Hưng đã để cho hắn tự bộc lộ qua lời tự thú của mình: “Tàn ác lâu ngày đã thành thói quen. Buổi đầu khi nghe bọn thơ lại xúi giục chàng làm việc bất nhân thì chàng áy náy, đắn đo rụt rè, có lần hối hận suốt đêm không ngủ được. Nhưng dần chàng đã trở nên “can đảm” và giữ được “trơ như đá vững như đồng” khi đứng trước những cảnh thương tâm, khi có những hành

vi dã man tàn ngược. Đến mức thấy bạn đồng nghiệp nào hơi giữ gìn, hơi có lòng liêm sỉ thì chàng liệt luôn vào hạng giả đạo đức” [80;540].

Căm ghét những con người độc ác trong chế độ cũ bao nhiêu, Khái Hưng lại dành sự ưu ái, trân trọng những con người hấp thu những tinh hoa của sự tiến bộ, của cái mới bấy nhiêu. Trong Nửa chừng xuân, nhân vật Mai

không chỉ hấp dẫn bởi vẻ đẹp ngoại hình, ở quan niệm mới về hôn nhân, mà còn vì cô có một tâm hồn phong phú. Mai chẳng những là một người con hiếu thảo, một người vợ chung thủy, một người chị đáng kính, mà còn là một cá nhân với biết bao suy tư, cảm xúc mới mẻ. Khi miêu tả vẻ đẹp của cô, Khái Hưng đặc biệt ưu ái, trân trọng: “Nước da cô trắng xanh, quầng mắt đen sâu hoắm càng làm tăng vẻ rực rỡ long lanh của hai con ngươi sáng dịu, trong cái mặt trái xoan, má hơi hóp, môi khô khan, chỉ có hai con mắt là có vẻ hoạt động khác nào như hai ngôi sao lấp lánh sau làn mây mỏng” [80;75]. Đứng trước những khó khăn thử thách, Mai càng chứng tỏ được mình là một người hiểu biết, và giàu lòng tự trọng. Hôn nhân đối với Mai và Lộc là ái tình, chứ không phải vì môn đăng hộ đối, là cái cầu tiến thân, là để nối dõi tông đường. Mai yêu Lộc và muốn lấy Lộc là vì tình yêu, chứ không phải là vì ngũ luân, ngũ thường. Cô đã phân trần với bà Án: “Không phải con sợ mất, sợ thiệt một sự gì cho con, nhưng xa anh Lộc con không thể sống được. Mà con chắc anh con cũng yêu con như con yêu anh con. Vả lại bà lớn đã biết đâu người vợ chưa cưới của anh con yêu anh con, nhất là anh con thì thực không yêu người ta một chút nào, ví nếu anh con yêu người ta thì đã chả yêu con [80;152].

Cho dù bà Án có mua chuộc thế nào, Mai cũng kiên quyết không chấp nhận làm lẽ: “Bẩm bà, nhà con không có mả đi làm lẽ”. Cô mong muốn đời sống một vợ một chồng, cho dù nghèo khó mà biết yêu thương lẫn nhau, thế mới gọi là hạnh phúc.

Hiền trong Trống mái cũng rất xinh đẹp, vẻ đẹp khiến cho người Tây cũng phải thèm thuồng, ghen tỵ, và đến cô cũng phải “mỉm cười, nụ cười tự phụ của cô thiếu nữ đã làm cho nhiều anh choáng váng, tê mê vì trí thức và nhan sắc của mình” [80;137]. Suy nghĩ và tư tưởng của cô ấy thật lãng mạn và táo bạo: “Ta yêu ai thì ta quyết lấy người ấy, ta quyết xin mẹ ta cho phép lấy bằng được người ấy, dù người ấy là một anh chàng đánh cá chất phác, thơ ngây” [80;71]. Cô không muốn sống cái đời bình thường, nhỏ nhen hoặc trưởng giả: “chồng già đời mài đũng quần trên ghế các công sở, nào bị người trên quở mắng, nào phải tự hạ, nịnh nọt kẻ nọ, kẻ kia. Trong khi ấy thì vợ vênh vang xe nhà, ô tô, ra phết bà lớn, bà bé, với những bộ cánh sặc sỡ, lòe loẹt”. Tuy nhiên sự Âu hóa của Hiền lại thái quá, đến mức sống buông thả, đáng bị lên án: “không tình, không cảm, gặp nhau một hôm, kẻ cần sống, người cần thỏa lòng dục. Rồi mỗi người một ngả, nào ai còn tưởng đến ai” [80;579]. Đó cũng là nỗi lo lắng băn khoăn trăn trở của nhà văn trước lối sống sa đọa trụy lạc của những thanh niên trong xã hội bấy giờ.

Ngôn ngữ nhân vật dù dưới hình thức đối thoại, hay độc thoại nội tâm đã đóng vai trò hữu hiệu trong việc thể hiện bản chất giai cấp. Những ông, những bà đại diện cho lề lối cổ hủ phong kiến, thì mặc dù lời nói thường đề cập đến giáo huấn, lễ nghĩa nhưng tâm địa lại xấu xa gian ác. Thậm chí ngôn ngữ còn có phần nanh nọc, điêu ngoa, như bà Án, bà Ba. Còn những thanh niên trí thức mới thì lời nói khiêm nhường, hiểu biết nhưng đấu tranh không kém phần quyết liệt. Mỗi ngôn ngữ nhân vật biểu trưng cho tầng lớp, giai cấp khác nhau trong xã hội, và dưới sự biến hóa của ngòi bút Khải Hưng đã tạo nên sức cuốn hút cho từng hình tượng tác phẩm.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tiểu thuyết của khái hưng (Trang 73 - 77)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(114 trang)
w