Khái niệm người trần thuật

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tiểu thuyết của khái hưng (Trang 61 - 64)

7. Cấu trúc của luận văn

3.1.1. Khái niệm người trần thuật

Ngôn ngữ tiểu thuyết là đối tượng nghiên cứu đặc biệt của thi pháp học. Trong cuốn Lý luận và thi pháp tiểu thuyết M.Bakhtin đã trình bày quá trình nghiên cứu ngôn ngữ tiểu thuyết từ góc độ thi pháp học, khảo cứu thi pháp tiểu thuyết với tư cách một thể loại “chúa tể”. Theo ông, lịch sử nghiên cứu tiểu thuyết từ góc độ thi pháp học mới chỉ thực sự bắt đầu từ những năm 20 của thế kỷ XX.

Có thể khái quát năm kiểu tiếp cận ngôn từ tiểu thuyết theo thi pháp học. Thứ nhất, người ta chỉ phân tích “bè” tác giả trong tiểu thuyết, tức là lời trực tiếp của tác giả được phân định với độ chuẩn xác khác nhau dưới góc độ tính tạo hình và tính biểu cảm thi ca thông thường và trực tiếp (những ẩn dụ, so sánh, sự lựa chọn từ ngữ)… Thứ hai, sự phân tích thi pháp học về tiểu thuyết như một chỉnh thể nghệ thuật bị đánh tráo bằng việc mô tả ngôn ngữ của nhà tiểu thuyết theo tinh thần ngôn ngữ học trung tính. Thứ ba, trong ngôn ngữ của nhà tiểu thuyết người ta lấy những yếu tố đặc trưng cho trào lưu văn học - nghệ thuật nào mà người ta liệt nhà tiểu thuyết vào đó (chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa chủ nghĩa tự nhiên, chủ nghĩa ấn tượng…). Thứ tư, trong ngôn ngữ tiểu thuyết, người ta tìm kiếm những biểu hiện cá tính tác giả, tức là người ta phân tích ngôn ngữ ấy như phong cách cá nhân của nhà tiểu thuyết này hay nhà tiểu thuyết kia. Thứ năm, tiểu thuyết được xem như một thể văn hùng biện, và các tiểu thuyết của nó được phân tích dưới giác độ hiệu quả hùng biện.

Tất cả những kiểu phân tích ấy ít nhiều đều xa rời những đặc điểm của thể loại tiểu thuyết, xa rời những điều kiện tồn tại đặc thù của ngôn từ trong tiểu thuyết. Chúng thâu tóm ngôn ngữ và phong cách nhà tiểu thuyết không phải như ngôn ngữ, và phong cách tiểu thuyết, mà hoặc như những biểu hiện của một cá tính nghệ thuật nhất định, hoặc như phong cách của một trào lưu nhất định, hoặc cuối cùng như một hiện tượng của ngôn ngữ thi ca nói chung. Cá tính nghệ thuật của tác giả, của trào lưu văn học, những đặc điểm ngôn ngữ văn học trong từng thời kỳ nhất định đã che mắt ta khỏi bản thân thể loại với những đòi hỏi đặc thù của nó với ngôn ngữ và những khả năng đặc biệt mà nó mở ra cho ngôn ngữ. Hệ quả là trong đa số các công trình về tiểu thuyết, những biến tướng phong cách tương đối nhỏ nhặt của một cá nhân hay là đặc trưng cho một trào lưu văn học nào đó, đã che mắt ta khỏi những đường hướng phong cách lớn được ấn định bởi sự phát triển của tiểu thuyết như một thể loại đặc biệt. Nhưng trong điều kiện của tiểu thuyết, ngôn từ lại được sống một cuộc sống hoàn toàn đặc biệt mà ta không thể hiểu được từ góc độ phạm trù phong cách học đã được hình thành trên cơ sở những thể loại thi ca hiểu theo nghĩa hẹp.

Từ những đánh giá về sự thiếu sót trong các công trình nghiên cứu về ngôn ngữ tiểu thuyết của các nhà nghiên cứu đi trước, M.Bakhtin đã đưa ra những suy nghĩ mới trong công trình nghiên cứu của mình. Ông cho rằng, “bất kỳ một tiểu thuyết nào ít hoặc nhiều đều là một hệ thống hình tượng của các “ngôn ngữ”, các phong cách, các ý thức cụ thể gắn chặt với ngôn ngữ, hệ thống này đã được đối thoại hóa. Ngôn ngữ trong tiểu thuyết không chỉ miêu tả bản thân còn là đối tượng miêu tả. Lời tiểu thuyết bao giờ cũng mang tính tự phê phán. Điều này làm cho tiểu thuyết khác biệt về nguyên tắc với tất cả các thể loại trực diện: trường ca sử thi, thơ trữ tình, kịch nghiêm trang. Tất cả các phương tiện tạo hình và biểu cảm ở những thể loại ấy và bản thân những

thể loại ấy khi gia nhập tiểu thuyết thì đều trở thành đối tượng miêu tả. Trong điều kiện tiểu thuyết, mọi lời nói trực diện - lời sử thi. Trữ tình, kịch nghiêm trang - đều ít nhiều được khách thể hóa, đều tự trở thành những hiện tượng hạn hẹp và do tính hạn hẹp ấy mà rất nhiều khi trở nên nực cười. Những hình tượng đặc thù về các ngôn ngữ và các phong cách, sự tổ chức hình tượng ấy, loại hình của chúng, sự kết hợp hình tượng các ngôn ngữ vào một chỉnh thể tiểu thuyết, những sự chuyển dịch và chuyển hóa các ngôn ngữ và bè giọng, quan hệ đối thoại giữa chúng - đó là những vấn đề cơ bản của phong cách học tiểu thuyết” [3;90].

Để hiểu rõ hơn về ngôn ngữ tiểu thuyết, M.Bakhtin đã so sánh đối chiếu từ ngữ trong thi ca và từ ngữ trong tiểu thuyết. Con đường của người viết tiểu thuyết đi khác hoàn toàn với con đường người làm thơ. Anh ta tiếp thụ vào trong tác phẩm của mình những tiếng nói và ngôn ngữ khác nhau trong ngôn ngữ văn học và phi văn học, nhưng không làm chúng suy yếu đi, mà còn làm khơi động thêm chúng (bởi vì nhà tiểu thuyết góp phần giúp chúng tự ý thức và tự phân lập mình). Anh ta xây dựng phong cách của mình trên sự phân hóa ngôn ngữ ấy, trên nền những tiếng nói và thậm chí những ngôn ngữ khác nhau ấy mà vẫn giữ được tính thống nhất của cái tôi sáng tạo của mình và tính thống nhất, tuy nhiên ở cấp khác, của phong cách mình.

Nhà văn viết tiểu thuyết không tẩy sạch những ý chỉ của người khác khỏi cái ngôn ngữ đầy những tiếng nói khác biệt nhau của tác phẩm mình, không phá vỡ những nhãn quan xã hội - tư tưởng (những thế giới vĩ mô và vi mô) hiện ra ở đằng sau những ngôn ngữ khác biệt ấy, mà đưa chúng vào trong tác phẩm. Người viết văn xuôi sử dụng những từ ngữ đã chứa đựng những ý tứ xã hội khác và bắt chúng phục vụ những ý chỉ mới của mình, phục vụ ông chủ thứ hai. Do đó những ý chỉ của người viết văn xuôi được khúc xạ, mà được khúc xạ dưới những góc độ khác nhau, tùy thuộc mức độ xa lạ về mặt

xã hội - tư tưởng, mức độ vật thể hóa, khách thể hóa của các ngôn ngữ khác nhau bị khúc xạ. Sự định hướng ngôn từ giữa những lời phát ngôn của người khác và những ngôn ngữ khác, tất cả những hiện tượng khả năng đặc thù gắn với định hướng ấy có tác dụng nghệ thuật hệ trọng đối với văn phong tiểu thuyết. Những tiếng nói và ngôn ngữ khác nhau được đưa vào tiểu thuyết và ở đó chúng được tổ chức thành một hệ thống nghệ thuật hoàn chỉnh. Đó là một điểm đặc trưng của thể loại tiểu thuyết. Sự phát triển của tiểu thuyết là quá trình khơi sâu tính đối thoại, mở rộng nó, và làm cho nó ngày càng trở nên tinh tế. Càng ngày càng còn lại ít hơn những thành tố trung tính, rắn chắc (“chân lý sắt đá”), không bị cuốn hút vào cuộc đối thoại. Tính đối thoại thấm vào chiều sâu ở mức phân tử và, cuối cùng, vào tận chiều sâu bên trong nguyên tử.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật tiểu thuyết của khái hưng (Trang 61 - 64)