B. Cơ sở thực tiễn
2.1.1.2. Khái niệm văn nghị luận
Nghị luận là một dạng thức giao tiếp cơ bản của con người. Đó là quá trình
con người dùng ngôn ngữ, lí lẽ, dẫn chứng để thể hiện những hiểu biết của mình về thế giới khách quan. Văn nghị luận là loại văn chương nghị sự, dùng luận cứ, luận chứng để phân tích rõ vấn đề. Nói một cách khác, đó là tên gọi chung cho một thể loại văn vận dụng các hình thức tư duy lôgic như khái niệm, phán đoán, suy lí để nêu sự việc, trình bày lí lẽ, phân biệt đúng sai và tiến hành phân tích luận chứng khoa học đối với hiện thực khách quan và quy luật bản chất của sự vật, qua đó nhằm biểu đạt tư tưởng, chủ trương, ý kiến, quan điểm của người nói (người viết) đối với vấn đề cần nghị luận.
Như vậy, nghị luận là một kiểu văn bản trong đó người viết, người nói đưa ra những lí lẽ, dẫn chứng về một vấn đề nào đó và thông qua cách thức bàn luận làm cho người đọc, người nghe hiểu, tin, tán đồng với những ý kiến của mình và hành động theo những điều mà mình đề xuất.
2.1.2. Thao tác lập luận bình luận trong văn nghị luận
Để trình bày các ý kiến bàn luận về một vấn đề, một nội dung nào đó người viết phải lựa chọn các dẫn chứng cụ thể, lựa chọn các đơn vị ngôn ngữ để trình bày vấn đề. Quá trình dùng ngôn ngữ để diễn đạt ấy được gọi là lập luận. Khi tổ chức lập luận người nói, người viết phải căn cứ vào mục đích lập luận, để từ đó chọn cách thức trình bày. Việc chọn cách thức trình bày vấn đề phải tuân theo các động tác kĩ thuật hay còn gọi là các thao tác. Thuật ngữ các “thao tác lập luận” là cách gọi theo đặc điểm hoạt động tâm lí của con người. Nghị luận là một hoạt động của con người vì thế nên việc triển khai lập luận cho văn bản nghị luận chịu sự chi phối của hoạt động tâm lí con người. Trong văn nghị luận, ngoài việc giải thích, chứng minh, phân tích ý kiến, vấn đề cần được bàn luận, người viết còn phải sử dụng
ngôn ngữ để nêu nhận xét, đánh giá, bày tỏ thái độ quan điểm. Quá trình như vậy được gọi là lập luận bình luận.
Bình luận là một thao tác lập luận quan trọng, không thể thiếu trong văn nghị luận. Đó là cách người viết dùng ngôn ngữ, lí lẽ, lập luận để bàn bạc, đánh giá và phê bình, nhận xét, tỏ thái độ của bản thân về một sự kiện, một vấn đề nào đó và qua đó đi đến những nhận định, những kết luận đúng đắn, sâu sắc và hoàn thiện ý kiến về vấn đề nào đó. Đồng thời thông qua việc bình luận con người thể hiện rõ tư tưởng tình cảm của mình đối với bản thân sự việc. Như vậy, bình luận đòi hỏi chúng ta vận dụng tối đa năng lực tư duy, chống lại thái độ xem xét một chiều dễ dàng thoải mái với một vài lập luận giản đơn.
Khi thực hiện bình luận, nội dung được bàn luận phải được trình bày khách quan, thái độ đánh giá phải công bằng, tránh tùy tiện. Có như thế bình luận mới có sức thuyết phục. Trong quá trình tạo lập văn bản nghị luận, bình luận là thao tác được sử dụng mọi lúc mọi nơi. Chúng ta có thể bình luận sau khi đã phân tích, tổng hợp nội dung của vấn đề, người ta cũng có thể dùng bình luận để chốt lại các vấn đề đã được giải thích hay chứng minh. Khi thực hiện thao tác bình luận chúng ta phải tuân thủ theo các bước sau:
- Xác định nội dung cần bình luận (luận điểm).
- Làm sáng tỏ ý nghĩa vấn đề cần bình luận thông qua phân tích, chứng minh hoặc giải thích.
- Dùng lí lẽ và dẫn chứng để chỉ ra tính đúng sai, tính chân lí của vấn đề tạo ra cơ sở cho việc đánh giá, nhận xét vấn đề.
- Dùng lí lẽ, lập luận ngôn ngữ để bàn, để bình và đánh giá nội dung của vấn đề.
Khi đánh giá vấn đề người viết thường chú ý tới ba khả năng thường xảy ra. Thứ nhất, khi thấy nội dung vấn đề chính xác, hợp lí, người viết phải trình bày theo hướng nhất trí hoàn toàn với nội dung vấn đề. Thứ hai, trong quá trình nghị luận,
nếu vấn đề mới chỉ đúng một phần hay hợp lí một phần, thì người viết phải bày tỏ sự đồng tình với phần nội dung chính xác ấy và có thái độ đối với khía cạnh còn lại. Thứ ba, nếu vấn đề chưa đúng một phần hoặc không chính xác người viết phải thể hiện rõ thái độ không đồng ý của bản thân đối với vấn đề. Việc lựa chọn một trong ba khả năng trên xuất phát từ vốn tri thức, trình độ hiểu biết, quan điểm, suy nghĩ, thái độ của người viết. Khi đã xác định nội dung và sự đồng ý hay không đồng ý đối với vấn đề, người viết phải lựa chọn lí lẽ, dẫn chứng, ngôn từ để trình bày vấn đề sao cho thuyết phục.
Muốn bình luận thành công, người viết phải thực sự am hiểu tường tận vấn đề, phải nắm vững cách tổ chức luận cứ, luận điểm để đạt được mục đích mà mình đặt ra. Trong quá trình bình luận cần phải kết hợp với phân tích, bởi đó là quá trình lôgic, giúp người viết có cơ sở khoa học dẫn dắt để đi đến một nhận định, một kết luận nào đó, giúp cho nội dung trình bày có sức thuyết phục và mang tính khách quan. Một bài bình luận không có ý kiến rõ ràng, không chỉ rõ ý đúng, ý sai thì sẽ không có giá trị. Vì vậy muốn thực hiện thao tác bình luận thành công người bình luận cần phải trình bày trung thực, rõ ràng vấn đề mà mình sẽ mang ra bàn luận cùng mọi người. Người bình luận cần phải nêu và bảo vệ quan điểm của mình, tìm cách thuyết phục người đọc, người nghe đặt niềm tin vào sự đánh giá của mình. Tuy nhiên khi bình luận chúng ta cần tránh thái độ cực đoan, nghĩa là nói quá mức độ, không phù hợp với sự thật.
Trong thao tác bình luận, “luận” được xem là một phần việc rất quan trọng. Sau khi đánh giá xong vấn đề chúng ta phải mở rộng lời bàn để làm cho vấn đề được giải quyết triệt để hơn. Thao tác bình luận không phải dùng để cho mọi người dễ hiểu vấn đề, hay có nhiều dẫn chứng phong phú đáng tin cậy mà bình luận cần sự trôi chảy, hấp dẫn, giàu tính phục, giàu tính chiến đấu cho quan điểm, ý kiến đúng đắn để làm nên sự thành công cho bài bình luận.