Giáo dục đạo đức cho học sinh thông qua môn giáo dục công dân

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức cho học sinh trung học cơ sở trên địa bàn huyện củ chi, TP hồ chí minh trong giai đoạn hiện nay luận văn thạc sĩ khoa học giáo dục (Trang 86 - 89)

Kết luận chương

3.2.5.Giáo dục đạo đức cho học sinh thông qua môn giáo dục công dân

dân

Trong hệ thống các môn học ở trường phổ thông, mỗi môn học đều có vai trò nhất định trong việc giáo dục đạo đức cho học sinh. Tuy nhiên, môn GDCD có vị trí hết sức quan trọng, có vai trò trực tiếp, hàng đầu trong việc giáo dục đạo đức và định hướng phát triển nhân cách của học sinh trong giai đoạn hiện nay. Vị trí của môn GDCD ở trường phổ thông đã được xác định trong Chỉ thị số 30/1998/CT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 20 tháng 5 năm 1998 “Môn Giáo dục công dân ở trường Trung học phổ thông có vị trí hàng đầu trong việc định hướng phát triển nhân cách của học sinh thông qua việc cung cấp hệ thống tri thức cơ bản về giá trị đạo đức - nhân văn, đường lối chính sách lớn của Đảng, Nhà nước và pháp luật, kế thừa các truyền thống đạo đức, bản sắc dân tộc Việt Nam; trung thành với

lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; tiếp thu những giá trị tốt đẹp của nhân loại và thời đại”.

Chính vì thế, môn GDCD có vai trò trực tiếp trong việc giáo dục đạo đức, lối sống, hình thành nhân cách cho học sinh thông qua việc cung cấp hệ thống tri thức cơ bản có giá trị về thế giới quan và nhân sinh quan. Quá trình dạy học nói chung và dạy học môn GDCD nói riêng là sự kết hợp giữa “dạy chữ” và “dạy nhân cách” để hình thành đạo đức của mỗi người.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh THCS thông qua dạy học môn GDCD thì người giáo viên cần có phương pháp phù hợp với đặc trưng của môn học. Dạy học môn GDCD, đặc biệt là phần phần “công dân với đạo đức”, giáo viên không chỉ “ diễn thuyết”, “giáo huấn” học sinh, mà phải liên hệ nội dung bài học vào thực tiễn cuộc sống, nêu vấn đề cho học sinh giải quyết để từ đó các em tự rút ra nội dung, ý nghĩa bài học và biết vậng dụng nó vào thực tế cuộc sống.

Để kiến thức đạo đức trong bài học được chuyển hóa thành hành vi đạo đức trong cuộc sống thì GV cần tìm tòi những câu chuyện thực tế gắn với nội dung bài học. Ví dụ như khi dạy bài Biết ơn (GDCD 6), GV nên kể cho HS nghe những câu chuyện mà gần đây báo chí hay đưa tin như cô gái phụ mẹ bán khoai đỗ hai trường Đại học hoặc câu chuyện về người cha đạp xích lô nuôi ba cô con gái lần lượt vào đại học, để các em hiểu thế nào là sự biết ơn và đền đáp công ơn; hoặc GV có thể trích đọc một vài đoạn trong “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” để các em có sự tiếp cận chân thực hơn về chiến tranh cũng như những hi sinh, mất mát, từ đó, khơi gợi nguồn cảm xúc mạnh mẽ, tác động vào suy nghĩ làm thay đổi những hành vi đạo đức theo hướng tích cực hơn.

GV cũng có thể yêu cầu học sinh tự liên hệ và tìm các tình huống có liên quan đến nội dung bài học để giải quyết. Đồng thời yêu cầu học sinh tự nhận xét hoặc tự kiểm điểm lại bản thân.

Hay như dạy bài “Tiết kiệm” (GDCD 6), không nên chỉ dạy lý thuyết suông “thế nào là tiết kiệm”, mà cần dẫn chứng cụ thể như: em sử dụng hộp đựng bút, chưa hỏng, chỉ cũ thôi, em đã vứt bỏ để mua hộp đựng bút khác như thế là chưa tiết kiệm, trong khi kinh tế gia đình mình không mấy khá giả... Sau đó GV có thể dẫn chứng cho HS thấy trong cuộc sống hiện nay còn rất nhiều mảnh đời cơ cực, mà nếu mình chi tiêu hợp lý, không xa hoa lãng phí thì có thể giúp đỡ được cho họ….

Khi học sinh biết vận dụng những nội dung bài học vào thực tiễn cuộc sống, tức là các em đã hình thành được những hành vi đạo đức một cách tự giác, tiến bộ.

Học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 được học rất nhiều về những đức tính tốt, về các điều luật của pháp luật… nhưng vẫn còn nhiều hiện tượng học sinh vi phạm kỷ luật, điều này cho thấy sự vận dụng vào thực tế của các em chưa cao. Xuất phát từ đó có thể khẳng định sự cần thiết của yếu tố giáo dục của giáo viên và rèn luyện kỹ năng sống của học sinh qua bộ môn GDCD.

Để vệc giáo dục đạo đức cho học sinh cũng như rèn luyện kỹ năng sống cho các em thông qua môn học GDCD đòi hỏi người giáo viên phải có sự chuẩn bị chu đáo, từ kiến thức cơ bản của bài học đến kiến thức cuộc sống, đặc biệt là bài soạn.

Trước khi lên lớp, giáo viên cần tìm hiểu kỹ các khái niệm trong bài học, tìm thông tin, hình ảnh trong thực tế có liên quan đến nội dung bài học.

Sau khi hình thành khái niệm, GV yêu cầu HS vận dụng để giải quyết các tình huống trong phần đặt vấn đề của sách giáo khoa ở mỗi bài học. Sau đó, GV rèn kỹ năng tư duy, phê phán, lên án những hành vi sai trái.

Chương trình GDCD thường chia ra làm 2 phần, đạo đức và pháp luật. Với những bài học về phần pháp luật, GV nên dẫn chứng những sai phạm trong thực tế đã bị pháp luật xét xử. Cụ thể, như khi dạy bài « Quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, thân thể, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm » (GDCD 6) GV có thể nêu một số trường hợp như vụ án bảo mẫu Quản Thị Kim Hoa hành hạ trẻ nhỏ ở Đồng Nai (năm 2008) ; vụ án bé Hào Anh bị vợ chồng chủ trại tôm hành hạ (năm 2010), hay hàng loạt những vụ giăng dây điện bẫy chuột lại làm chết người… Đó đều là những tình huống thực tế, sống động, đã bị pháp luật xử phạt nghiêm minh. Qua đó, HS sẽ nhìn thấy, sẽ tin tưởng vào sự công bằng của luật pháp, và mức độ cảm nhận hành vi vi phạm sẽ chân thực hơn là những tình huống giả định trên sách giáo khoa.

Có thể nói, môn GDCD đã khát quát hầu hết các chuẩn mực đạo đức cơ bản của con người, do đó, khi dạy môn GDCD người GV cần triệt để khai thác tất cả các nội dung bài học, liên hệ với thực tiễn cuộc sống để giáo dục đạo đức cho HS.

Môn GDCD phối hợp với các bộ môn khác như Văn, Sử, để tổ chức cho HS những chuyến tham quan học tập thực tế, nhằm khắc sâu hơn nữa giá trị đạo đức trong từng bài học.

Giáo dục kỹ năng sống khi học bộ môn GDCD cho đối tượng HS THCS trong giai đoạn hiện nay là điều rất cần thiết. Nó trang bị cho các em những kỹ năng khi nghiên cứu bài mới, vận dụng bài học vào thực tiễn, soi rọi để điều chỉnh hành vi của bản thân, làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn, từ đó, ý thức chủ động hơn trong học tập để kết quả ngày càng cao.

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức cho học sinh trung học cơ sở trên địa bàn huyện củ chi, TP hồ chí minh trong giai đoạn hiện nay luận văn thạc sĩ khoa học giáo dục (Trang 86 - 89)