Về điều kiện tự nhiên – xã hội huyện Củ Ch

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức cho học sinh trung học cơ sở trên địa bàn huyện củ chi, TP hồ chí minh trong giai đoạn hiện nay luận văn thạc sĩ khoa học giáo dục (Trang 35 - 38)

Kết luận chương

2.1.1. Về điều kiện tự nhiên – xã hội huyện Củ Ch

Củ Chi là huyện chuyên về phát triển nông nghiệp, nằm về phía Tây – Bắc của thành phố Hồ Chí Minh. Thị trấn Củ Chi cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh 35km theo quốc lộ 22. Củ Chi nằm trong vành đai xanh của thành phố, với tổng diện tích tự nhiên là 434,50 km2 [2 ; 13].

Củ Chi là vùng đất tiếp giáp với ba tỉnh miền Đông Nam Bộ. Phía Bắc – Tây Bắc giáp huyện Trảng Bàng tỉnh Tây Ninh. Phía Đông – Đông Bắc giáp huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương, ngăn cách bởi con sông Sài Gòn. Phía Tây – Tây Nam giáp huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, ranh giới tự nhiên là kênh đào Thầy Cai.

Với vị trí như vậy, Củ Chi là cửa ngõ Tây Bắc của thành phố Hồ Chí Minh. Trong chiến tranh, đối với địch, Củ Chi là vành đai then chốt bảo vệ cơ quan đầu não và bộ máy chiến tranh của chúng ở Sài Gòn. Đối với lực lượng cách mạng của ta, đây là bàn đạp tấn công vào đầu não của kẻ thù. Vì vậy, Củ Chi là một địa bàn chiến lược quan trọng cho cả ta và địch.

Do là vùng đất tiếp nối giữa đồng bằng và cao nguyên Đông Nam Bộ, nên địa hình Củ Chi cơ bản là đồng bằng, rải rác có một ít đồi. Độ cao địa hình Củ Chi từ 0 đến 20m so với mặt nước biển, nghiêng dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam.

Thổ nhưỡng Củ Chi phân ra 3 loại chủ yếu :

Vùng bưng trũng : chiếm ½ diện tích toàn huyện, tập trung ở các xã phía Nam ven sông Sài Gòn, thường ngập úng vào cuối mùa mưa, là vùng đất nông nghiệp, chủ yếu sản xuất lúa và rau màu.

Vùng đất triền : là vùng tiếp giáp giữa đất gò và bưng trũng, chiếm ¼ tổng diện tích, phân bố ở hầu hết các xã trong huyện.

Vùng đất gò : có độ cao từ 10 đến trên 20m so với mặt nước biển, thích hợp với việc sinh trưởng cây rừng và trồng cây công nghiệp như cao su, tre, trúc, tầm vông…

Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, giá trị đất Củ chi còn lớn hơn nữa vì chất đất khô ráo, cứng chặt, là điều kiện quan trọng để lực lượng cách mạng có thể xây dựng những đường hầm dài hàng trăm km trong lòng đất, tạo nên căn cứ địa đạo Củ Chi nổi tiếng.

Củ Chi có hệ thống sông ngòi chằng chịt khá thuận lợi cho giao thông. Sông Sài Gòn là con sông lớn nhất chảy qua huyện, ôm lấy toàn bộ phía Đông với chiều dài 54 km, là ranh giới giữa Củ Chi và Bến Cát (tỉnh Bình Dương).

Ở phía Tây huyện có một nhánh nhỏ sông Vàm Cỏ Đông chảy vào, nối với huyện Đức Hòa (tỉnh Long An). Ngoài ra, Củ Chi còn có nhiều suối và các kênh rạch lớn nhỏ.

Củ Chi có mạng lưới đường bộ phong phú, đặc biệt do nằm trên tuyến đường giao thông quốc tế nối Phnôm Pênh với thành phố Hồ Chí Minh (Quốc lộ 22) nên Củ Chi có nhiều thuận lợi trong việc trao đổi thương mại với các thành phần kinh tế trong và ngoài nước.

Về mặt hành chính, trước năm 1954, Củ Chi bao gồm toàn bộ phần đất của tổng Long Tuy Hạ, tổng Long Tuy Trung và một phần của tổng Long Tuy Thượng thuộc quận Hóc Môn tỉnh Gia Định. Đến năm 1957 chính quyền Sài Gòn lập quận Củ Chi, trực thuộc tỉnh Bình Dương. Sau đó, để dễ cai trị, chính quyền sài Gòn đã chia quận Củ Chi làm 2 quận : quận Củ Chi (thuộc tỉnh Hậu Nghĩa, Long An) và quận Phú Hòa (thuộc tỉnh Bình Dương).

Về phía cách mạng, sau năm 1954, Củ Chi vẫn là phần đất thuộc quận Hóc Môn, tỉnh Gia Định. Cuối năm 1959, Tỉnh ủy Gia Định đã tách Hóc Môn thành 2 quận : Hóc Môn và Củ Chi. Năm 1968, do tình hình ác liệt, Củ Chi được chia thành 2 quận : Nam Chi và Bắc Chi. Đến tháng 9 năm 1972, tình hình thuận lợi, ta thống nhất lại thành huyện Củ Chi đến ngày nay.

Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, Củ Chi bị chiến tranh tàn phá nặng nề, do đó trong quá trình xây dựng và phát triển, nhân dân Củ Chi gặp nhiều khó khăn, gian khổ. Nhưng với truyền thống kiên cường bất khuất, cần cù và sáng tạo, nhân dân Củ Chi đã vượt qua được những khó khăn do chiến tranh để lại, phát huy những thuận lợi sẵn có, quyết tâm xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp.

Hiện nay, Củ Chi gồm 20 xã và 1 thị trấn, dân số tính đến năm 2010 là 355.822 người, phân bố trên diện tích 434,50 km2.

Toàn huyện Củ Chi có 13 dân tộc sinh sống, trong đó người Kinh chiếm đa số : 353.544 người, chiếm 99.36% tổng số dân trong toàn huyện. Kế đến là người Hoa : 2.063 người, chiếm 0.58% ; người Khơme có 142 người chiếm 0.04%. Các dân tộc khác : Tày, Thái, Mường, Nùng, H’Mong, Dao, Chàm, người có quốc tịch nước ngoài chiếm một tỷ lệ không đáng kể [2 ; 43]. Tất cả các dân tộc đều sống bình đẳng, tự do, hòa hợp nhau theo đường lối chính sách chung về các dân tộc của Đảng và Nhà nước. Các tín đồ theo Phật giáo, Thiên Chúa giáo, đạo Cao Đài…. cũng không có nhiều. Đa số nhân dân chỉ thờ cúng ông bà, tổ tiên, do vậy, nhà thờ, chùa, thánh thất cũng chỉ rải rác một vài nơi.

Là một huyện ngoại thành, lại nằm trên tuyến lộ cửa ngõ Tây Bắc đi Tây Ninh – Campuchia nên Củ Chi không tránh khỏi những tác động lây lan của tệ nạn xã hội. Tuy nhiên, với các đợt vận động, các phong trào thực hiện nếp sống mới, xây dựng gia đình văn hóa, ấp, khu phố văn hóa và gần đây nhất là việc thực hiện thí điểm mô hình xây dựng xã Nông thôn mới, các tệ nạn dần được ngăn chặn, đẩy lùi, góp phần tạo dựng nếp sống văn minh cho toàn huyện.

Hiện nay cùng với hai khu công nghiệp lớn là khu công nghiệp Tây Bắc và khu công nghiệp Tân Phú Trung, toàn huyện Củ Chi có hơn 1.200 xí nghiệp lớn, nhỏ và vừa, thu hút hàng chục ngàn lao động trong và ngoài huyện, tạo công ăn việc làm ổn định và phát triển kinh tế cho toàn huyện.

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức cho học sinh trung học cơ sở trên địa bàn huyện củ chi, TP hồ chí minh trong giai đoạn hiện nay luận văn thạc sĩ khoa học giáo dục (Trang 35 - 38)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(98 trang)
w