Kết luận chương
3.2.4. Tăng cường phối hợp với tổ chức Đoàn – Đội trong nhà trường để giáo dục đạo đức cho học sinh
trường để giáo dục đạo đức cho học sinh
Thời gian qua, bằng các phong trào, chương trình hành động như nâng cao chất lượng công tác giáo dục, đẩy mạnh giáo dục đạo đức - lối sống, Đoàn TNCS huyện Củ Chi đã tham gia giáo dục các em về truyền thống "tôn sư trọng đạo", phát động thực hiện "Hai không: không làm mất vệ sinh nơi công cộng, không vi phạm Luật giao thông đường bộ"; đồng thời
giáo dục 8 phẩm chất của người đoàn viên "Yêu nước, hiếu thảo, kính thầy, thương người, hiếu học, trung thực, kỷ luật, tiết kiệm"; tuyên truyền, vận động các em chấp hành pháp luật.
Trong nhà trường THCS, Đội TNTP Hồ Chí Minh, thông qua các phong trào như cuộc vận động "Nói lời hay, làm việc tốt", "Hành trình đến với địa chỉ đỏ", "Tuổi nhỏ làm việc nhỏ", phong trào "Trần Quốc Toản", "Vòng tay bè bạn", các chiến dịch "Nụ cười hồng", giáo dục các em về truyền thống lịch sử dân tộc, "uống nước nhớ nguồn", ý thức tiết kiệm, giúp đỡ bạn khó khăn đã góp phần to lớn vào việc giáo dục đạo đức, giáo dục hình thành nhân cách cho HS các trường THCS trên địa bàn huyện Củ Chi trong suốt thời gian qua.
Tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, tổ chức Đoàn – Đội cần đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện các giải pháp, để phối hợp với các tổ chức trong nhà trường cùng nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức cho HS các trường THCS trên địa bàn huyện Củ Chi trong giai đoạn hiện nay.
Đầu tiên có thể kể đến là đẩy mạnh công tác tuyên dương, nhân rộng gương điển hình tiêu biểu trong Đội viên, HS. Gương tiêu biểu về học tập, về tham gia các hoạt động ngoại khóa, các hoạt động phong trào, gương Đội viên hiếu thảo, vượt khó vươn lên. Trên địa bàn huyện Củ Chi hiện nay còn rất nhiều hoàn cảnh khó khăn, và những đứa con trong các gia đình đó đã một buổi đi học, một buổi đi làm thêm (đi hái hoa lài, hái ớt thuê, cắt chỉ quần áo cho các cơ sở may gia công…) để tự trang trải học phí , nhưng vẫn đảm bảo kết quả học tập và tham gia tốt các hoạt động phong trào. Đó đều là những gương đáng tuyên dương, nhân rộng để các em học tập, noi theo.
Tập trung giáo dục lịch sử thông qua cuộc vận động "Dân ta phải biết sử ta" bằng nhiều hình thức phong phú như « thi hái hoa dân chủ », thi
« nhà sử học nhỏ tuổi »… Qua đó, vừa giúp HS yêu thích môn học lịch sử, vừa củng cố lòng yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc cho các em.
Phối hợp với Đoàn TNCS tại xã tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật cho Đội viên, HS, tổ chức các hội thi « An toàn giao thông » cho HS tham gia, nhằm giáo dục ý thức chấp hành luật lệ khi tham gia giao thông trong HS
Tiếp tục phát huy hiệu quả giáo dục đạo đức HS thông qua 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng, bằng các giải pháp sau :
Thường xuyên tổ chức cho HS tham quan các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ như Đền Bến Dược – Địa đạo Củ Chi ; thắp nến tri ân tại nghĩa trang liệt sĩ An Nhơn Tây ở huyện Củ Chi, hoặc về huyện lân cận – huyện Hóc Môn thăm di tích 18 thôn vườn trầu bất diệt…
Thăm viếng hoặc nhận phụng dưỡng Mẹ Anh Hùng trên địa bàn trường trú đóng. Đây là một hoạt động đền ơn đáp nghĩa thực tế, mang lại hiệu quả giáo dục cao. Qua các đợt vận động ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt, giáo dục cho các em tinh thần « lá lành đùm lá rách », yêu thương giúp đỡ đồng bào, giúp đỡ những người đang gặp khó khăn hoạn nạn.
Phát huy hiệu quả từ những phong trào « Hoa điểm 10 », « Tiết học tốt ». Đổi mới hình thức tổ chức để thu hút HS, ví dụ như khi đạt 3 điểm 10 sẽ tương đương 2 điểm thưởng, càng tích lũy được nhiều điểm thưởng thì sẽ được quy đổi ra dụng cụ học tập…
Tổ chức các ngày ra quân « Chủ nhật xanh » , « Chủ nhật hồng », làm đẹp cảnh quan trường lớp, đường phố, qua đó giáo dục ý thức tự giác tham gia lao động và ý thức bảo vệ môi trường.
Vào đầu năm học, GV phụ trách công tác Đội cho các em đăng ký danh hiệu Cháu ngoan Bác Hồ (khuyến khích tất cả các em đều đăng ký) với những tiêu chí thật cụ thể để xét công nhận vào cuối năm. Những em nào đã
đăng ký sẽ cố gắng nổ lực để đạt được danh hiệu. Tổ chức nghiêm trang và cảm động buổi lễ trao giấy chứng nhận danh hiệu Cháu ngoan Bác Hồ. Lồng ghép vào đó là hoạt cảnh về những anh hùng tuổi thiếu niên như Kim Đồng, Lê Văn Tám, đặc biệt là anh hùng Trần Văn Chẩm ở xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi.
Giáo dục đức tính khiêm tốn, thật thà qua những câu chuyện giáo dục đạo đức được kể dưới cờ hàng tuần.
Nên tăng cường tổ chức các hoạt động tập thể trong nhà trường, như tổ chức trò chơi dân gian, trò chơi chia theo nhóm, đội. Qua đó, giúp các em gắn bó, đoàn kết, hiểu được cách sống trong tập thể, vì tập thể, biết vì lợi ích chung. Không khí của tập thể là môi trường phát sinh, là điều kiện tồn tại và củng cố những hành vi đạo đức.
Hiện nay, ở trường THCS chỉ được công nhận Đội viên trưởng thành, chọn lọc những Đội viên xuất sắc tham gia học lớp cảm tình Đoàn, sau đó chuyển danh sách cho trường trung học phổ thông tiếp tục xem xét, bồi dưỡng và kết nạp Đoàn. Do đó, Chi Đoàn trong trường THCS là Chi Đoàn GV. Củ Chi nói riêng cũng như thành phố nói chung, chủ trương trẻ hóa đội ngũ GV để phục vụ cho công tác giáo dục làm gia tăng số lượng GV ở độ tuổi Đoàn, đây là điều rất thuận lợi, Chi Đoàn GV sẽ phân công mỗi Đoàn viên hỗ trợ một lớp. Cùng với GVCN, Đoàn viên sẽ theo dõi tình hình học tập của lớp, nắm bắt những thông tin kịp thời về thái độ học tập, về những hành vi đạo đức của các em, để cùng với nhà trường xử lý kịp thời những hành vi sai phạm.
Từ GVCN và Đoàn viên GV hỗ trợ lớp chủ nhiệm, chọn lọc ra mỗi lớp từ 3 đến 5 em Đội viên ưu tú, nhanh nhẹn, hoạt bát, có khả năng tự quản, khả năng thu hút các bạn cùng tham gia hoạt động, vào sinh hoạt trong Đội Nòng Cốt. Bồi dưỡng và phát huy năng lực của Đội Nòng Cốt trong các hoạt
động Đoàn – Đội. Đây là hệ thống giao liên giữa Đội viên, HS với GVCN, Đoàn viên GV và nhà trường.
Đoàn – Đội sẽ là cánh tay đặc lực cho công tác giáo dục đạo đức cho HS THCS trong giai đoạn hiện nay nếu được lưu tâm, đầu tư và thực hiện tốt các giải pháp đã đề ra.
Tóm lại, con đường cơ bản đề giáo dục đạo đức cho học sinh lứa tuổi thiếu niên chính là hoạt động, bao gồm hoạt động học tập và các hoạt động phong trào, sinh hoạt đoàn thể. Chúng ta cần giáo dục học sinh trong tập thể, bằng tập thể và vì tập thể. Từ đó, biến quá trình giáo dục thành quá trình tự giáo dục, tự tìm tòi khám phá để lĩnh hội kiến thức, kỹ năng, biến cái chung thành cái riêng của mình, đó vừa hình thành đạo đức, nhân cách, vừa hình thành kỹ năng sống cho HS THCS trong giai đoạn hiện nay.