Đổi mới các hình thức tổ chức hoạt động dạy và học

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức cho học sinh trung học cơ sở trên địa bàn huyện củ chi, TP hồ chí minh trong giai đoạn hiện nay luận văn thạc sĩ khoa học giáo dục (Trang 70 - 75)

Kết luận chương

3.2.1. Đổi mới các hình thức tổ chức hoạt động dạy và học

Thứ nhất, đối với dạy và học môn lịch sử. Hiện nay, khi xã hội đang báo động về điểm số và thái độ học tập môn lịch sử trong trường học, thì chúng ta nên xây dựng những tiết học lịch sử ngoài trời với những hoạt cảnh do chính các em dàn dựng kịch bản, sắm vai rồi trình diễn. Mỗi tuần sẽ dành

ra 2 tiết hoạt động dưới sân trường, luân phiên theo khối 7,8,9. ( Riêng khối 6 tuổi còn nhỏ, nên để các em tham dự và học tập. Khối 6 có thể góp vui bằng những bài hát trong chương trình « Sử ca học đường »). Các khối sẽ căn cứ vào nội dung chương trình môn lịch sử mà dàn dựng hoạt cảnh dưới sự hướng dẫn của GVCN và GVBM. Sẽ có nhiều hoạt cảnh lịch sử dễ dàn dựng và nhiều ý nghĩa như « Quang Trung đại phá quân Thanh » (mục IV ; bài 25 ; SGK Lịch sử 7) hoặc « Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ » (mục II ; bài 27 ; SGK Lịch sử 9)

Với những tiết học như vậy các em sẽ rất hào hứng, tiết học sôi động, bài học được khắc sâu. Việc giáo viên giao việc, đặt niềm tin và khích lệ các em làm chủ hoạt động sẽ hình thành cho các em ý thức, sự tự tin và kỹ năng sống. Ngược lại, chính người GV cũng sẽ tìm thấy sự hứng khởi cho tiết dạy của mình, không còn đơn điệu, nhàm chán. Học sinh ngày càng yêu thích học môn lịch sử, càng chịu khó tìm tòi nghiên cứu, càng thấm nhuần tinh thần đấu tranh bất khuất của dân tộc, càng ghi nhớ công lao và sự hi sinh của những người đã ngã xuống.

Các trường nên thường xuyên tổ chức các chuyến tham quam thực tế bảo tàng chứng tích chiến tranh. Tận mắt chứng kiến những đòn tra tấn dã man của kẻ thù, học sinh sẽ thấm nhuần hơn tinh thần yêu nước, khâm phục ý chí đấu tranh bất khuất của ông cha và cảm nhận được những công lao hi sinh to lớn ấy. Điều thuận lợi là các bảo tàng đều tọa lạc ở trung tâm thành phố Hồ Chí Minh, không quá xa đối với huyện Củ Chi, trong điều kiện hiện nay các trường đều có xe đưa rước HS, thì chỉ cần một buổi, có thể tổ chức cho các em tham quan học tập 2 bảo tàng. Khi không có điều kiện đi bảo tàng thì nhà trường nên thường xuyên phối hợp với cán bộ quản lý nhà Truyền thống huyện Củ Chi để các em được nghe thuyết minh về quá trình

kháng chiến chống ngoại xâm của quân dân Củ Chi và tận mắt xem những tranh ảnh cũng như hiện vật kháng chiến

Trong những năm gần đây, Phòng GD – ĐT huyện Củ Chi yêu cầu tất cả các trường tiểu học, THCS trên địa bàn huyện phải tổ chức cho HS dâng hương tại Đền Bến Dược và tham quan thực tế khu Địa đạo ít nhất một lần trong một năm học. Đây vừa là tiết ngoại khóa của môn Lịch sử, vừa là tiết ngoại khóa của môn Ngữ văn và GDCD, việc thực địa hầm địa đạo, xem phim tư liệu về quá trình kháng chiến của quân dân Củ Chi, nghe thuyết minh về quá trình đào hầm, hệ thống hầm… sẽ củng cố hoặc gia tăng tình yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc, sẽ càng hun đúc hơn nữa tinh thần yêu nước, bản lĩnh giống nòi.

Đối với môn GDCD, môn học có tác dụng trực tiếp để hình thành ý thức đạo đức, ý thức pháp luật cho các em, nếu kiểm tra lý thuyết, các em có thể nói rất hay, viết rất đúng. Nhưng đo lường trong hành động sẽ không ít em làm khác, không như những gì các em đã thuộc bài và trả bài cho thầy. Nhiều em có thể đọc làu làu thế nào là lễ độ, biểu hiện của lễ độ, nhưng khi tình cờ gặp người GV, các em chẳng chào hỏi, xem như người xa lạ. Vì thế môn GDCD không thể chỉ đo bằng điểm số, kiểm tra bài cũ bằng cách cho các em đọc thuộc lòng, dạy các em bằng những khái niệm suông, mà cần phải cho các em xem và xử lý tình huống. Tình huống ở đây không phải là những tình huống giả định trong sách giáo khoa, mà là những tình huống thực trong cuộc sống. Muốn vậy, người GV cần thường xuyên theo dõi tin tức hằng ngày, đồng thời sưu tầm, lưu lại những hình ảnh, những clip thực tế. Ví dụ như khi dạy bài « Biết ơn » (GDCD 6), GV có thể đưa ra 2 tình huống thực tế cho HS phân tích hành vi đúng và sai. Một, là trường hợp một HS nam học lớp 11 ở Bình Định đã đánh GV dạy toán của mình chỉ vì không được chấp nhận việc xin nâng điểm (báo SGGP đưa tin ; tháng

5/2011); hai, là những hình ảnh của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết về thăm thầy giáo cũ Lâm Bá Nhạc vào dịp 20/11, ngay sau khi nhận chức Chủ tịch nước.

Để giáo dục tình yêu thiên nhiên, sống hòa hợp và gần gũi với thiên nhiên, nhà trường phối hợp với tổ khoa học tự nhiên, tổ chức cho học sinh tham quan thực tế các khu du lịch sinh thái, hay về miền Tây sông nước… để chính các em khám phá tìm hiểu thiên nhiên, hoặc có thể các em sẽ bắt gặp những trường hợp ô nhiễm, rác thải, đang hủy hoại thiên nhiên, từ đó các em sẽ ý thức hơn trong việc chung tay bảo vệ môi trường sống của chúng ta.

Với bộ môn Mĩ thuật, nên tổ chức cho HS đi vẽ cảnh vật thực tế 2lần/học kỳ. Là một huyện chuyên về phát triển nông nghiệp, ở Củ Chi rất dễ dàng bắt gặp những đồng lúa vàng trĩu hạt, hay những ruộng sen ngào ngạt hương thơm, những con trâu chăn thả trên đồng, những người nông dân đang thu hoạch dưa, cà… đó là những hình ảnh tuyệt đẹp về quê hương, khi các em ngồi thả hồn vào bức vẽ cũng là lúc tình yêu quê hương dạt dào và được khắc sâu.

Cần tổ chức thường xuyên các buổi gặp gỡ, nói chuyện riêng với học sinh cá biệt, hoặc cán sự lớp, để thực sự lắng nghe những tâm tư nguyện vọng của các em về những vấn đề học tập, vui chơi giải trí, về những vướng mắc trong cuộc sống gia đình hay tình bạn mà các em không tự giải quyết được. Từ đó hướng dẫn uốn nắn và đồng hành cùng các em, để các em khỏi bơ vơ và hành động sai lệch.

Một việc làm khác có ý nghĩa đối với việc giáo dục đạo đức và tư tưởng chính trị cho các em đó là chúng ta tổ chức công phu và cảm động các buổi lễ kết nạp Đội, kết nạp Đoàn ở những địa điểm như: dưới tượng đài anh

hùng liệt sĩ của xã, hay nhà truyền thống của huyện hoặc có điều kiện thì đến Đền Bến Dược – Địa đạo Củ Chi...

Tăng cường tổ chức và tổ chức ấn tượng những buổi lễ như lễ Khai giảng, Bế giảng, lễ Nhà giáo, lễ Tri ân, và những ngày hội như Trung thu, Giỗ tổ Hùng Vương … đây đều là những sân chơi với các hoạt động bổ ích thu hút và rèn luyện đạo đức, nhân cách cho HS.

Đối với các hình thức sinh hoạt tập thể trong trường, các thầy cô giáo và các cán bộ phụ trách Đoàn, Đội cùng với ban giám hiệu nhà trường phải hết sức chịu khó, tìm tòi những sáng kiến giáo dục để tránh cảm giác đơn điệu, khô khan, dễ làm cho học sinh nhàm chán, phân tán chú ý, mất trật tự và lộn xộn. Muốn vậy, việc tổ chức những hoạt động này ngoài công phu chuẩn bị với sự tham gia của nhiều giáo viên còn phải có sức lôi cuốn các em bằng hình thức đẹp, nội dung nhẹ nhàng, vui tươi, gần gũi với suy nghĩ, tình cảm của các em, tránh những lý thuyết dài dòng, nặng nề mà ngay người lớn cũng không chịu nổi.

Ở đây, nổi bật một yêu cầu, đó là sự tế nhị trong những lời khen, chê, nhận xét đánh giá phê bình, sao cho cá nhân và tập thể học sinh được khen tự thấy là đúng mức, đáng tự hào về thành tích của mình, ngược lại những học sinh, những lớp bị phê bình cũng không cảm thấy quá nặng nề, hết hy vọng.

Cần lưu ý là trong những hình thức sinh hoạt tập thể trong trường hay ngoài trường, sự chủ động tham gia của học sinh là yếu tố rất cần thiết và quan trọng, nó tránh cho học sinh rơi vào tình trạng thụ động. Muốn vậy, giáo viên chủ nhiệm các lớp phải chú trọng bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lớp, cán bộ Đội Thiếu niên Tiền phong.

Cần tổ chức cho các em nghe nói chuyện thời sự, nghe các báo cáo khoa học nhưng hết sức nhẹ nhàng và phải làm sao cho thật cảm động để các

em tin và yêu vào những việc tốt đẹp, vào những người tốt đẹp, những tấm gương điển hình, người thật việc thật.

Làm tốt những hình thức ngoại khóa này sẽ làm cho các em yêu thích hơn việc học, yêu thích những bộ môn mà các em có sự đồng cảm, đặc biệt là Văn học, Lịch sử và GDCD.

Hình thức tổ chức hoạt động giáo dục nói chung và giáo dục đạo đức nói riêng, rất đa dạng, có thể diễn ra trong lớp, trong trường gắn liền với giáo dục nội khóa mà cũng có thể mở rộng không gian giáo dục ra khỏi lớp học và nhà trường, bằng nhiều hình thức khác nhau.

Ngày nay, khi xã hội phát triển, trẻ em dễ dàng có điều kiện tiếp xúc với nhiều nguồn thông tin, dễ dàng tìm kiếm tư liệu học tập, thì sự đơn điệu tẻ nhạt trong từng buổi học sẽ dần dập tắt hứng thú và khả năng sáng tạo của các em. Do đó, các hình thức tổ chức giáo dục rất cần thay đổi để khơi gợi lòng ham học, thích tìm tòi khám phá, bồi dưỡng tri thức và đạo đức cho các em.

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức cho học sinh trung học cơ sở trên địa bàn huyện củ chi, TP hồ chí minh trong giai đoạn hiện nay luận văn thạc sĩ khoa học giáo dục (Trang 70 - 75)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(98 trang)
w