Đổi mới nhận thức về giáo dục đạo đức

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức cho học sinh trung học cơ sở trên địa bàn huyện củ chi, TP hồ chí minh trong giai đoạn hiện nay luận văn thạc sĩ khoa học giáo dục (Trang 62 - 68)

Kết luận chương

3.1.1.Đổi mới nhận thức về giáo dục đạo đức

Để thực hiện yêu cầu đổi mới nhận thức về giáo dục đạo đức trước hết cần phải khắc phục những quan niệm không đúng hoặc chưa đầy đủ về giáo dục đạo đức đang tồn tại khá phổ biến trong đời sống xã hội, ở không ít người, từ các bậc cha mẹ trong gia đình đến các thầy cô giáo trong nhà trường, các lực lượng giáo dục ngoài xã hội, kể cả các cấp ủy Đảng và chính quyền, các cơ quan làm công tác quản lý, chỉ đạo giáo dục. Những quan niệm không đúng hoặc chưa đầy đủ về giáo dục đạo đức cho học sinh có khá nhiều biểu hiện. Nổi bật và thường thấy là những biểu hiện dưới đây:

Thứ nhất, với các bậc cha mẹ: không ít người làm cha mẹ vẫn còn xem việc giáo dục và dạy dỗ con em mình là công việc của nhà trường, của thầy giáo, cô giáo. Cha mẹ và gia đình thì nuôi cho con ăn học, còn dạy bảo

cho con có chữ nghĩa, có nết na, đức hạnh là việc của trường, là trách nhiệm của thầy. Sự ủy thác theo kiểu "khoán trắng" là một quan niệm rất sai lầm. Nhà trường và thầy cô giáo dù có tận tâm, tận lực, làm tốt tới mức lý tưởng việc giáo dục học sinh đi nữa cũng không đủ, không quyết định được hoàn toàn diện mạo đạo đức và nhân cách của các em. Giáo dục đạo đức trong nhà trường sẽ bị hạn chế nếu nó không nhận được sự phối hợp, hỗ trợ về tinh thần và trách nhiệm từ phía gia đình.

Điều khó khăn lớn hiện nay là các bậc cha mẹ trong tiếp xúc hàng ngày với con em mình đã không ý thức được vai trò và trách nhiệm giáo dục của mình. Trong khi đó, chính các bậc cha mẹ là những người thầy, người cô đầu tiên trong cuộc đời con trẻ, trẻ em rất dễ tiếp thu, hay ảnh hưởng nếp sống đạo đức, trước tiên là từ phía gia đình. Do đó, bậc làm cha mẹ và những người lớn trong gia đình phải có nghĩa vụ, bổn phận trước các em trong việc giáo dục đạo đức. Các em sẽ tìm thấy những hành vi, lối sống đạo đức của chính cha mẹ, anh chị cùng những người thân trong gia đình và sau đó sẽ “thực hành” theo.

Trong thời đại hiện nay, gia đình thường rất ít con, do đó luôn tỏ ra nuông chiều con một cách vô điều kiện, sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của con. Chính điều đó vô tình đã gieo hạt mầm chủ nghĩa cá nhân vào trong lối suy nghĩ và hành động của con trẻ, làm cho chúng chỉ biết đòi hỏi ở người khác, muốn người khác thỏa mãn và phục tùng mình mà không bao giờ biết tự đòi hỏi mình phải làm gì để hòa hợp được với người khác. Cũng chính tâm lý coi con là “quý tử”, không ít ông bố bà mẹ đã sẵn sàng xúc phạm thô bạo tới nhà trường và thầy cô giáo mỗi khi con có lỗi hay học hành điểm số chẳng được cao … từ đó các em cũng tỏ ra coi thường và sẵn sàng thách thức giáo viên. Đây cũng là một trong những bằng chứng của sự suy đồi đạo đức xã hội.

Mặt khác, nhịp sống hối hả của thời buổi KTTT đã tác động mạnh mẽ vào nếp sống của từng gia đình. Nhiều phụ huynh chỉ lo đáp ứng nhu cầu vật chất cho con em mà quên đi ở lứa tuổi này các em rất cần sự lắng nghe, chia sẻ những tâm tư tình cảm, những biến đổi về tâm sinh lý hằng ngày. Những thiếu thốn về phương diện tình cảm ấy lâu dần sẽ chai sạn, biến các em thành những con người lầm lũi, ít nói, không chia sẻ và lạnh lùng, lãnh cảm. Yếu tố này giải thích tại sao trẻ phạm tội ở lứa tuổi vị thành niên ngày càng nhiều.

Ở một khía cạnh khác, do tâm lý lo lắng trẻ bị ảnh hưởng những thói hư tật xấu ngoài xã hội mà nhiều bậc cha mẹ và những người lớn trong gia đình lại quá khắt khe và không công bằng trong đối xử với trẻ em. Từ việc kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt giờ giấc học hành, sinh hoạt, các mối quan hệ bạn bè đến việc áp đặt cả sở thích, lối sống lên người con trẻ, làm cho trẻ không tự do phát triển được năng lực sáng tạo và khả năng độc lập tự chủ của mình.

Con em chúng ta sẽ là những trẻ em thiệt thòi, không phải chỉ vì những điều không may mắn trong cuộc sống của chúng mà chính là chúng không có những người cha, người mẹ có phương pháp giáo dục tốt.

Thứ hai, đối với nhà trường và các giáo viên:Một trong những trở ngại của công tác giáo dục đạo đức là sự không thống nhất trong quan niệm giáo dục, nhất là những nhận thức lệch lạc về giáo dục trong điều kiện nền KTTT hiện nay vẫn còn tồn tại ở một bộ phận giáo viên. Nó gây nên những ảnh hưởng tiêu cực trong giảng dạy, trong giáo dục học sinh. Đó là biểu hiện của lối dạy chữ đơn thuần, chỉ biết nhồi nhét kiến thức sách vở, tách rời tri thức sách vở với cuộc sống, lý luận với thực tiễn, vi phạm tính nhất quán giữa lời nói và việc làm. Một người thầy giáo nếu thực sự quan tâm đến việc rèn nhân cách, rèn đạo đức cho học sinh thì sẽ có rất nhiều việc phải làm,

không chỉ trong giờ giảng ở trên lớp mà còn những liên hệ thực tế bên ngoài bài học, ngoài cuộc sống. Trẻ em càng nhỏ tuổi bao nhiêu, việc quan tâm rèn luyện, uốn nắn của thầy cô đối với các em càng phải tỉ mỉ và cần thiết bấy nhiêu. Sẽ không có gì phản giáo dục hơn là có những người thầy hời hợt, cẩu thả, đến với công việc chăm sóc tinh thần con người mà lại thiếu tình yêu, chỉ thuần túy một thứ nghĩa vụ dạy chữ đơn thuần, xem lao động dạy học cũng giống như mọi phương tiện sinh tồn, kiếm sống khác. Học sinh tuy còn nhỏ nhưng các em đã rất nhạy cảm trước người lớn, bằng sự cảm nhận trực tiếp mà biết và hiểu được người thầy và những người lớn đối với nó như thế nào. Vì thế không bao giờ được phép tỏ ra thiếu lòng tin cậy và đánh giá thấp trẻ em, càng không bao giờ đối xử và đánh giá thiếu công bằng giữa em này với em khác. Để xảy ra tình trạng đó sẽ là một lỗi lầm tai hại đối với nhà giáo dục. Nó có thể đẩy công việc giáo dục tới chỗ thất bại, uy tín người thầy - mà trong con mắt trẻ thơ là rất đỗi thiêng liêng - có thể đổ vỡ.

Một quan niệm phổ biến hiện nay do tác động từ mặt trái của KTTT là chạy theo kiến thức đơn thuần, chạy theo bằng cấp, xem nhẹ và thậm chí coi thường đạo đức, coi nhẹ văn hóa dân tộc, tưởng rằng chỉ cần giỏi để cạnh tranh tìm kiếm việc làm có thu nhập cao, có cuộc sống vật chất giàu sang, coi đó mới là điều quan trọng, còn đạo đức tốt, hạnh kiểm tốt cũng chẳng để làm gì. Do đó, thầy lên lớp là để dạy chữ, trò đến lớp cũng chỉ để kiếm chữ, mọi rèn luyện, uốn nắn đạo đức bị xem nhẹ cả trong trường, lớp và ngoài xã hội.

Lãnh đạo nhà trường nên rà soát và xem xét các trường hợp GV lôi kéo HS về nhà học thêm để có hình thức xử lý nghiêm, trả lại hình ảnh thanh cao của người GV trong mắt HS, đừng để HS nghĩ người GV đang dạy mình là người chỉ biết vì đồng tiền chứng không có tình yêu sư phạm.

Mặt khác, để người GV yên tâm đứng lớp thì lãnh đạo nhà trường cần phải có chế độ đãi ngộ tương xứng hoặc tham mưu với các cấp quản lý để cùng chăm lo cho cuộc sống của GV.

Học sinh của chúng ta sẽ là những học sinh thiệt thòi, nếu trong những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường, chúng không được học những người thầy giỏi, những người thầy tâm huyết với nghề dạy học, giàu lòng vị tha, nhân ái, bao dung, những người thầy có trí tuệ của thầy, có tâm hồn và trái tim của mẹ, những người thầy dạy cho các em không chỉ chữ nghĩa trên trang sách mà còn dẫn dắt em vào đời với tất cả sự tinh tế của văn hóa làm người nữa. Sự phối hợp và liên kết của chúng ta trong giáo dục là làm sao cho các em không rơi vào tình cảnh của những thiệt thòi, những sự không may mắn đó.

Thứ ba, đối với các cơ quan quản lý giáo dục, các cấp ủy đảng và chính quyền: Đấy là sự quan tâm không thường xuyên và thiếu đồng bộ, quan tâm theo hình thức hoặc “vụ mùa” như vào những dịp lễ khai giảng, bế giảng, ngày 20/11 …

Các nhà làm công tác quản lý chỉ vạch ra những kế hoạch hoàn hảo mà quên đi tính thực tiễn, cần phải đặt mình vào vị trí của người giáo viên, vào điều kiện thực tế của địa phương nơi trường trú đóng để có những biện pháp hỗ trợ giáo dục phù hợp và thiết thực hơn.

Để thực hiện tốt xã hội hóa giáo dục, ủy ban nhân dân xã cần có cơ chế phối hợp đồng bộ với nhà trường, nhất là kiểm soát việc nghỉ bỏ học của HS. Khi nhà trường báo cáo những trường hợp HS nghỉ học nhiều, lãnh đạo xã cần có chỉ đạo những ban ngành vào cuộc vận động các em đi học lại, hoặc với những trường hợp đã nghỉ bỏ học thì cần vận động các em ra học các lớp phổ cập ban đêm.

Cạnh đó, cần xây dựng ở mỗi xã một khu vui chơi, giải trí phù hợp với các em, nhằm thu hút các em đến vui chơi sinh hoạt, có như thế mới hướng các em tránh xa được các tụ điểm internet…

Xã hội hiện nay đang loạn lên với các cuộc thi người mẫu, hoa hậu, ca hát, khiêu vũ … với độ tuổi ngày càng được hạ thấp xuống, cộng với những game show giải trí không mang tính giáo dục cao đã phần nào làm hư giới trẻ. Từ nhận thức, suy nghĩ đến hành động của các em không mang tính sâu sắc. Do đó, cùng với gia đình và nhà trường, xã hội nên chung tay trong vấn đề giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ hiện nay; nhà đài nên chọn lọc phim thật kỹ trước khi phát sóng, “hạn chế bớt các cuộc thi hoa hậu, người mẫu, tổ chức các hội thi tìm hiểu các kiến thức lịch sử, văn hóa dưới nhiều hình thức phong phú và đa dạng” [6 ; 7].

Thứ tư, đổi mới nhận thức về giáo dục không thể không nhắc đến vai trò của học sinh trong trường:

Cần làm cho học sinh hiểu được vai trò, vị trí của các em trong trường học hiện nay và lớn lao hơn là trách nhiệm của các em đối với tương lai vận mệnh của đất nước.

Trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám 1945, Bác Hồ nhắn nhủ "Non sông Việt Nam có được vẻ vang hay không. Dân tộc Việt Nam có được sánh vai với các cường quốc năm châu hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu" Bác Hồ xác định việc học tập của học sinh ngoài quyền lợi của các cháu đây còn là nhiệm vụ của học sinh nữa " người nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình". Học sinh đến trường là để được tiếp thu kiến thức mà nhà trường trang bị cho các em từ mẫu giáo lên tiểu học, THCS, THPT, Đại học …

Trước yêu cầu đổi mới sự nghiệp giáo dục để phục vụ cho công cuộc công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. Nhất là trong điều kiện đất nước ta

đang có cơ hội mới, vận hội mới, xu hướng hòa nhập khu vực và thế giới thì vấn đề tinh thần và thái độ học tập của học sinh cần phải nhận thực cho đúng mức hơn. Việc học sinh tiếp thu kiến thức thầy truyền đạt rồi trả lại cho thầy bằng các kiến thức y như trong sách giáo khoa thì đúng nhưng chưa đủ. Quá trình học tập của học sinh phải là quá trình lao động thật sự. Kiến thức thầy truyền thụ cho học sinh, học sinh phải nắm chắc, và qua quá trình khổ luyện biến những kiến thức ấy trở thành kiến thức của chính mình; phải làm sao như con ong hút mật hoa đem về tổ, cộng với sự lao động của mình mà ong đã biến mật hoa thành mật ong; chứ không phải như loài kiến, dù chăm chỉ tha gạo về xếp đầy tổ mà hạt gạo vẫn mãi mãi là hạt gạo.

Phải làm cho học sinh thấy được rằng học là phải đi đôi với hành và trong bối cảnh hội nhập, phát triển nền kinh tế thế giới như hiện nay thì ngoại ngữ và tin học là kỹ năng không thể thiếu được. Bên cạnh việc học hỏi kiến thức thì việc tiếp nhận giáo dục đạo đức trong nhà trường là một nhiệm vụ quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách trong học sinh mà học sinh cần ý thức, rèn luyện. Nói cụ thể hơn là ý thức tổ chức kỷ luật phải tốt, động cơ, thái độ học tập phải đúng, phải trung thực, đoàn kết, tu dưỡng phấn đấu theo lý tưởng của người thanh thiếu niên tiến bộ. Người học sinh trong nhà trường ngày sau phải trở thành những người lao động Việt Nam có tài, có đức, giỏi chuyên môn nghiệp vụ, có tác phong lao động chuyên nghiệp, lao động vì dân, vì nước, là những con người trưởng thành từ nền giáo dục Việt Nam tiên tiến, hiện đại, khoa học. Để làm được điều đó, học sinh phải học tập tốt, không được ỷ lại, không được dễ dãi với chính mình, không được để các hiện tượng tiêu cực trong thi cử xảy ra.

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức cho học sinh trung học cơ sở trên địa bàn huyện củ chi, TP hồ chí minh trong giai đoạn hiện nay luận văn thạc sĩ khoa học giáo dục (Trang 62 - 68)