Những nguyên nhân

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức cho học sinh trung học cơ sở trên địa bàn huyện củ chi, TP hồ chí minh trong giai đoạn hiện nay luận văn thạc sĩ khoa học giáo dục (Trang 57 - 62)

Kết luận chương

2.2.3.Những nguyên nhân

Thứ nhất, KTTT thổi một luồn gió mới vào nước ta, bên cạnh mặt tích cực mà KTTT mang lại thì mặt trái của nó cũng không ít. Do quá chú trọng đến lợi ích và lợi nhuận, coi đồng tiền là mục tiêu, khiến người ta thường xuyên tìm kiếm những biện pháp, thậm chí cả những thủ đoạn để tăng lợi nhuận, để thắng trong cạnh tranh, để làm giàu… dẫn tới tâm lý và lối sống chạy theo đồng tiền, tôn vinh đồng tiền lên vị trí tuyệt đối. Coi tiền và sự giàu có về vật chất là trên hết, dễ dẫn tới tâm lý biến việc kiếm tiền thành mục đích, thành cứu cánh, từ đó con người trở thành nô lệ của tiền bạc. Con người dễ dàng quên lãng những giá trị đạo đức truyền thống, sẵn sàng giẫm đạp lên nhau để đạt được mục đích của mình. Lối sống thực dụng trong nền KTTT dẫn đến chuyện mua chức, mua bằng, lựa chọn ngành nghề, trường học cho con… Chính những hiện tượng này, chính lối suy nghĩ thực dụng và sự áp đặt của người lớn cộng với những điều trái tai gai mắt hằng

ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng, đập vào trí óc trẻ thơ, hoàn toàn khác với những điều hay lẽ phải chúng được học ở trường đã tác động vào suy nghĩ và hành động của các em.

Thứ hai, từ gia đình : đại đa số các bậc cha mẹ trong các gia đình ở huyện Củ Chi đều là lao động phổ thông cho các công ty, xí nghiệp thuộc 2 khu công nghiệp lớn là Tây Bắc và Tân Phú Trung, họ đi làm từ sáng đến chiều tối, chưa kể thời gian tăng ca, do đó rất ít (và hầu như) không có thời gian quan tâm đến con cái để xem chúng học hành như thế nào, quan hệ với bạn bè ra sao, chúng tận dụng những thời gian rãnh vào việc gì, chúng có những gút mắc gì trong cuộc sống, trong học tập hay không. Trong khi đó, lứa tuổi HS THCS là lứa tuổi cần có sự quan tâm, gần gũi, lắng nghe, chia sẻ… để hướng cho các em sự phát triển đúng đắn cả về nhận thức lẫn hành động. Các bậc cha mẹ cứ nghĩ rằng, càng cố gắng lao động để kiếm tiền lo cho các con, để chúng không thua bạn bè. Lâu dần tạo thành thói quen cung ứng tiền bạc mà không quan tâm xem con mình sử dụng vào mục đích gì, từ đó, hình thành ở các em thói quen chỉ biết đòi hỏi tiền bạc chứ không muốn cha mẹ biết mình làm gì, quan hệ với ai. Từ sự thiếu quan tâm, chia sẻ của gia đình, lâu dần, tâm hồn của các em cũng lạnh lùng, lãnh cảm, từ đó, các em dễ dàng thờ ơ, hờ hững với mọi người.

Mặc khác, một số phụ huynh hiện nay lại hướng con em mình nghỉ học sớm để đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình. Thực tế ở một số trường như THCS Phú Hòa Đông, THCS Tân Thạnh Tây, THCS Tân Trung. Khi phụ huynh được mời để xử lý các trường hợp HS vi phạm nội quy và thường xuyên trốn tiết, bỏ học, thay vì cùng với nhà trường tìm hướng giải quyết, lại sẵn sàng cho con em mình nghỉ học để phụ giúp gia đình. Thậm chí một vài trường hợp, khi GV đến nhà thông báo tình hình học tập và vận động HS đi học trở lại, lại nhận được sự từ chối từ phía cha mẹ học sinh. Cũng không ít

gia đình, vì ít con nên tỏ ra nuông chiều con thái quá, hình thành trong các em tư tưởng tự cho mình là nhất, không biết yêu thương, chia sẻ và đồng cảm với mọi người.

Theo thống kê của Tòa án nhân dân huyện Củ Chi, số vụ li hôn trên địa bàn huyện trong năm 2011 là 168 vụ. Đây là con số khá lớn. Ít nhất cũng đã có 168 trẻ em rơi vào cảnh thiếu vắng tình yêu thương, chăm sóc của cha hoặc mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ. Điều này dễ dẫn đến những hành vi sai trái, lệch lạc do buồn chán, do bất cần hoặc chỉ để trả thù người lớn.

Thứ ba, từ nhà trường : Một số GV hiện nay vì áp lực của cuộc sống đã không còn nhiệt huyết trong dạy học, sẵn sàng dùng mọi cách lôi kéo HS về nhà riêng để dạy. Dù điều này đã bị cấm nhưng rải rác ở các trường THCS và tiểu học trên địa bàn huyện Củ Chi vẫn diễn ra hiện tượng này mà cơ quan chức năng và các cấp quản lý vẫn chưa triệt để ngăn chặn được.

Đội ngũ GV thiếu sự đồng bộ trong công tác giáo dục đạo đức cho HS THCS. Giáo viên bộ môn khi lên lớp chỉ cốt làm sao chuyển tải hết được nội dung bài học, không quan tâm tìm hiểu hay nhắc nhở uốn nắn những hành vi sai lệch, họ xem đó là nhiệm vụ của giám thị hay GVCN lớp. Từ những hành vi nhỏ như không mang khăn quàng, không bỏ áo vào quần, không mang giày, hoặc nói tục, chửi thề, mà không được nhắc nhở kịp thời sẽ tạo thói quen dẫn tới các em vi phạm ngày càng nhiều hơn.

Đối với học sinh, do sức ép của gia đình và xã hội, do áp lực của KTTT, khuynh hướng học lấy điểm, lấy bằng, cốt nắm được kiến thức và vượt qua các cửa ải thi cử vẫn còn khá phổ biến. Việc rèn luyện tác phong đạo đức, ứng xử cũng như các kỹ năng sống, các hoạt động xã hội đối với các em hầu như không cần thiết.

Và hiện nay, vẫn còn không ít trường trên địa bàn huyện Củ Chi chỉ lo nâng cao chất lượng học vấn đơn thuần hoặc chạy theo thành tích, cố gắng đảm bảo sỉ số lớp học, chạy theo chỉ tiêu số lượng học sinh khá, giỏi mà không quan tâm đến các hoạt động giáo dục đạo đức, uốn nắn hành vi cho các em, hoặc các hoạt động đó được thực hiện một cách hình thức, không có sự chỉ đạo sát sao, phương pháp tiến hành đơn điệu, không lôi cuốn được tập thể giáo viên và học sinh tham gia nên rất ít hiệu quả.

Thứ tư, chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng giáo dục trong nhà trường và ngoài xã hội. Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn chưa có những biện pháp cụ thể hỗ trợ nhà trường trong công tác chăm lo giáo dục đạo đức cho HS, như làm cách nào để hạn chế, kiểm soát thời gian của các tụ điểm internet, triệt phá các nhóm tụ tập gần khu vực trường học để lôi kéo, trấn lột HS…

Cạnh đó, các phương tiện thông tin đại chúng gần đây liên tục phản ánh những hình ảnh, những đoạn phim khá nhạy cảm của các diễn viên trên các chương trình tivi, hoặc những chương trình ca nhạc với các kiểu tóc, kiểu ăn mặc quái dị của các ca sĩ, người mẫu. Chính sự đăng tải không kiểm soát và thiếu chọn lọc đã làm ảnh hưởng đến suy nghĩ, nhận thức và hành động của các em.

Thứ năm, do hai khu công nghiệp lớn thu hút lao động từ nhiều nơi đến làm việc và sinh sống ; những dãy nhà trọ mọc lên nhiều hơn trước, dân lao động ở nhiều nơi đến mang theo nhiều phong tục tập quán, nhiều nét văn hóa khác nhau, nhưng đa phần là sự hỗn tạp, mất trật tự… điều này ít nhiều tác động vào lối sống, lối suy nghĩ hàng ngày của người dân và học sinh trên địa bàn huyện Củ Chi.

Đó là nguyên nhân sâu xa và trực tiếp dẫn đến những yếu kém về đạo đức của HS các trường THCS trên địa bàn huyện Củ Chi thời gian gần đây.

Kết luận chương 2

Củ Chi – Đất thép thành đồng, anh hùng trong kháng chiến chống ngoại xâm và anh hùng trong công cuộc đổi mới, một huyện ngoại thành giàu sức sống và tiềm năng sáng tạo. Truyền thống anh hùng, bất khuất của nhân dân Củ Chi trong quá trình đấu tranh giải phóng vì lý tưởng độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội đã và đang được kế thừa và phát huy cao độ.

Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới, nhân dân Củ Chi vẫn tiếp tục phát huy những giá trị quý báu của mình cũng như truyền thống của dân tộc để tiến lên phía trước, vươn tới trình độ phát triển văn minh, hiện đại, góp phần xứng đáng vào thắng lợi của sự nghiệp xây dựng CNH, HĐH, đi lên Chủ nghĩa xã hội của cả nước.

Cùng với những thành công bước đầu trong đổi mới kinh tế, giữ vững ổn định chính trị và bảo vệ thành quả của cách mạng, 37 năm qua kể từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng và đặc biệt, sau 26 năm đổi mới, TP. HCM nói chung và Củ Chi nói riêng cũng đã đạt được những thành tựu đáng tự hào trong lĩnh vực giáo dục. Trong số những thành tựu đó có thành tựu giáo dục đạo đức cho học sinh ngành học phổ thông, từ tiểu học đến THCS và trung học phổ thông. Nền giáo dục sau khi kết thúc chiến tranh tuy còn non trẻ nhưng đã sớm đặt vấn đề coi trọng giáo dục đạo đức theo tư tưởng và đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh, lấy đạo đức làm gốc, làm nền tảng của giáo dục con người, nhằm đào tạo thế hệ trẻ thành những người lao động có học vấn, có năng lực, có khả năng quản lý, năng động, sáng tạo, đưa đất nước vững bước tiến lên Chủ nghĩa xã hội.

Ngày nay, trên lộ trình CNH, HĐH, biết bao vấn đề mới nảy sinh, trong đó có không ít những tình huống phức tạp cần phải giải quyết, đặc biệt là vấn đề đạo đức của giới trẻ. Cùng với ngành giáo dục thành phố, giáo dục Củ Chi đang nỗ lực không ngừng và chủ động giải quyết những vấn đề đó, khắc phục những thiếu sót, hạn chế trong giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ, phát huy những thành tích đã đạt được nhằm tạo ra chất lượng giáo dục mới đáp ứng yêu cầu của thành phố trong thế kỷ XXI.

Chương 3

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức cho học sinh trung học cơ sở trên địa bàn huyện củ chi, TP hồ chí minh trong giai đoạn hiện nay luận văn thạc sĩ khoa học giáo dục (Trang 57 - 62)