Đổi mới phương pháp giáo dục đạo đức

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức cho học sinh trung học cơ sở trên địa bàn huyện củ chi, TP hồ chí minh trong giai đoạn hiện nay luận văn thạc sĩ khoa học giáo dục (Trang 68 - 70)

Kết luận chương

3.1.2.Đổi mới phương pháp giáo dục đạo đức

Hêghen, nhà triết học vĩ đại của nền triết học Đức đã từng nói: Xét đến cùng, mọi thành tựu của tư duy và tư tưởng mà loài người đạt được trong lịch sử triết học ở mọi thời đại đều quy về vấn đề phương pháp.

Có những thầy giáo, những nhà sư phạm đã giảng dạy và giáo dục trẻ em chỉ bằng con chữ mà không bằng cái tâm. Do đó, bài giảng của họ thường nhợt nhạt, hời hợt, tâm hồn, tình cảm dường như ở bên ngoài lời nói. Học trò có thể hiểu mà không cảm, bài học trở nên đơn điệu và tẻ nhạt. Cùng một bài giảng, cũng một lớp học và trình độ học sinh như thế, lại có những người thầy biết làm cho bài giảng trở nên có hồn, sống động, truyền dẫn được tư tưởng và cảm xúc tới các em, đưa các em từ trang sách tới cuộc đời một cách sâu sắc, chân thật, giản dị mà tự nhiên. Nhờ thế, họ lôi cuốn và thuyết phục được học sinh. Tất cả là nhờ vào phương pháp sư phạm.

Năm học nào người giáo viên cũng được đi bồi dưỡng đổi mới phương pháp dạy học, và mỗi một năm thì có thêm một phương pháp mới được cải tiến, cập nhật. Nhưng cho dù là phương pháp nào đi chăng nữa, người giáo viên cần áp dụng với tất cả cái tâm và tình yêu đối với nghề, với trò thì phương pháp đó mới mang lại hiệu quả cao.

Nhà thơ Huy Cận đã có một lời khuyên với các nhà giáo: Dạy văn là dạy tâm hồn, học văn là học tâm hồn, nhào nặn nhân cách, hun đúc bản lĩnh, nhân cách riêng, bản lĩnh riêng nằm trong bản lĩnh chung của giống nòi. Bây giờ thế hệ trẻ phải học nhiều về khoa học tự nhiên, từ khoa học cơ bản đến khoa học ứng dụng, tin học, ngoại ngữ... Nhưng cứ phải dạy lịch sử cho tốt, dạy văn cho hay, cho thấm thía để đào tạo tâm hồn, hun đúc bản lĩnh.

Hiện nay văn học, lịch sử cũng như giáo dục công dân - vốn là những môn học hấp dẫn, phong phú, nhưng không ít học sinh lại chán học, lại chểnh mảng, lơ là, chiếu lệ. Lỗi thuộc về thầy nhiều hơn là lỗi của các em. Công bằng hơn, các em không có lỗi. Đó chẳng qua chỉ là phản ứng của

các em đối với những bài giảng tồi, những phương pháp hỏng và những thầy giáo không làm chủ được khoa học và đối tượng của mình.

Điều quan trọng ở môn học này là phải từ học hướng tới hành, thực hành trong môi trường giáo dục, trong đời sống. Không như vậy, chúng ta không thể giáo dục cho học sinh thói quen nói đi đôi với làm, nhận thức gắn liền với hành động. Tạo ra cho học sinh thói xấu lý thuyết suông, nói đạo đức mà không làm, không hành động theo đạo đức cũng tai hại, nguy hiểm như thói giả khoa học, giả đạo đức vậy. Rõ ràng là đổi mới phương pháp giảng dạy, giáo dục để giáo dục đạo đức là vô cùng quan trọng và cần thiết. Các thầy cô giáo giỏi đã có nhiều tìm tòi sáng tạo xung quanh việc đổi mới phương pháp này phù hợp với yêu cầu giáo dục và tâm sinh lý trẻ em. Ngoài phương pháp truyền thống là diễn giảng, họ rất chú trọng phương pháp trò chuyện, đàm thoại, giáo dục cá biệt, thuyết phục bằng nêu gương... Thực tiễn và kinh nghiệm sư phạm đã khẳng định giá trị, hiệu quả của những sự đổi mới phương pháp đó.

Cũng cần khẳng định rằng không có một phương pháp nào là tối ưu cả, tùy vào môn học, tùy vào đối tượng mà cần kết hợp khéo léo các phương pháp. Tuy nhiên, người giáo viên nên linh hoạt, sáng tạo, mạnh dạn thay đổi hoặc cải tiến phương pháp sao cho mang lại hiệu quả giáo dục cao.

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức cho học sinh trung học cơ sở trên địa bàn huyện củ chi, TP hồ chí minh trong giai đoạn hiện nay luận văn thạc sĩ khoa học giáo dục (Trang 68 - 70)