Nhà thánh văn và nền văn chỉ

Một phần của tài liệu Lịch sử văn hóa làng liên trì (xã liên thành huyện yên thành tỉnh nghệ an) từ thế kỷ XI đến năm 1945 luận văn thạc sĩ lịch sử (Trang 53 - 54)

6 Bố cục luận văn

2.2.5Nhà thánh văn và nền văn chỉ

Một đặc điểm về truyền thống hiếu học và nhân văn của làng Liên Trì là đã có nhà Thánh văn và nền Văn chỉ từ khá sớm. Di tích nhà Thánh nằm ở vùng phía bắc xóm Liên Giang ngày nay bao gồm nhà Thánh là nơi đặt bia Văn khoa, là địa điểm sinh hoạt của Hội văn ngày trước và phía sau là ngôi đền, nơi thờ Khổng Tử, ông tổ của đạo Nho và các vị khoa bảng của làng. Bao quanh khu nhà Thánh có cây cối rậm rạp. Cả nhà Thánh và đền đều có hướng chính nam. Ở đây hàng năm cứ đến ngày giỗ của đức Khổng Tử các nhà nho và học trò lại tập trung về nhà Thánh để làm giỗ Người. Lễ cúng giỗ được tổ chức vào ban đêm .

Giữa nhà Thánh và đền có một sân gạch, hai bên có hai lối đi từ nhà Thánh vào đền. Trong đền phía ngoài có một bàn thờ to được coi là nền Văn chỉ của làng. Nơi đây cứ mỗi lần các sĩ tử trong làng đi thi người ta lại qua cúng và gọi là lễ Kỳ khoa . Mục đích của lễ cúng là để cầu mong ông tổ đạo nho và các vị khoa bảng của làng đã quá cố phù hộ cho các sĩ tử lên đường gặp nhiều may mắn, thi cử đỗ đạt. Trong bài cúng đầu tiên là cúng đức Khổng Tử, tiếp đến cúng hai vị Hương cống, Cử nhân của làng rồi mới đến các vị Hiệu sinh, Tú tài. Sau khi thi về những người đỗ đạt từ Hiệu sinh, Tú tài trở lên lại phải sắm lễ vật qua cúng ( với ý nghĩa tạ ơn và báo công) tại nền Văn chỉ rồi sau đó mới được khắc tên vào bia Văn khoa. Như vậy các sinh hoạt tại nhà Thánh văn và nền Văn chỉ cũng là một phần trong truyền thông hiếu học và nhân văn của làng.

Khoảng năm 1947 - 1948 do việc “bài trừ mê tín dị đoan”, đền bị phá dỡ và nhà Thánh được “đấu giá” bán cho người dân làm nhà thờ. Bia Văn khoa trước đặt trong nhà Thánh hướng về phía Đông, khi nhà Thánh bị dỡ bia được chuyển về đình Liên Trì. Nhà Thánh là một ngôi nhà tứ trụ với hai hồi văn đủ tất cả các cột với văng, xà, cột khá to và hầu hết bằng gỗ lim hiện còn đang gần nguyên vẹn kể cả cửa. Nhà gồm ba gian: gian giữa dài 3m, các gian bên dài 2,9m và hai hồi văn . Cho đến những năm 1960, nền nhà Thánh vẫn còn với diện tích gần bảy chục mét vuông, về sau nền cũng bị phá dỡ không còn dấu vết nữa.

Một phần của tài liệu Lịch sử văn hóa làng liên trì (xã liên thành huyện yên thành tỉnh nghệ an) từ thế kỷ XI đến năm 1945 luận văn thạc sĩ lịch sử (Trang 53 - 54)