6 Bố cục luận văn
3.5 Văn học dân gian
3.5.1 Văn xuôi dân gian.
a) Giai thoại về đình Thần Cháy.
Nhân dân làng Liên Trì thường lưu truyền về một giai thoại xảy ra cách đây hàng mấy trăm năm.
Thời đó đồng ruộng làng Liên Trì nằm về phía Bắc làng giáp giới đồng ruộng làng Tiên Hồ ở phía Tây Bắc (nay thuộc xã Nam Thành). Trước đó làng Tiên Hồ đã dựng một ngôi đình nhỏ giáp với đồng Liên Trì. Vì làng Tiên Hồ ở xa, lại cách trở một lạch sông, nên việc canh tác ở cánh đồng này họ không chú trọng lắm. Những nhà ít ruộng ở Liên Trì đã lên phở hoang cấy lúa lấn sang đồng Tiên Hồ từ năm này sang năm khác. Nhiều cuộc tranh cãi xảy ra nhưng cùng không giải quyết được gì.
Biết thế nào dân Tiên Hồ cũng phát đơn lên huyện kiện. Các vị nho học trong làng này đã bày mưu đốt nhiều đống rơm rạ ở đây và nhân thế đốt luôn đình làng Tiên Hồ (lúc đó còn lợp bằng tranh săng) và dỡ một ngôi đình cũ nơi khác chuyển đến dựng lên biên giới giữa hai đồng. Để chứng tỏ là đình làng mình đã có từ trước, các cụ đã yêu cầu một số nhà trồng sẵn mấy cây bầu, cây mướp… xung quanh nền đình mới và khi dựng xong đình thì bắt cho cây bầu, cây mướp leo lên đình. Công việc được tiến hành bí mật và cắt cử người theo dõi. Ít lâu sau quan huyện cử người lên hiện trường kiểm tra thì thấy đình là của làng Liên Trì và hình như đã có từ lâu, bầu mướp đã leo lên trên mái đình. Cùng với chứng cứ và lập luận của các vị hương lý làng Liên Trì là những người có học, người Liên Trì đã dành phần thắng. Từ đây ngôi đình được đặt tên là đình Thần Cháy.
b.Giai thoại về Mạnh tướng quân Nguyễn Tài Nghệ.
Ông Nguyễn Bá Tính tự là Tài Nghệ tướng công là người có sức khoẻ nhưng tiếng tăm ông thật sự nổi lên khi ông thay anh là Nguyễn Bá Cấp làm nhiệm vụ người lính ở một quân doanh đóng ở Thăng Long. Nhân việc đơn vị tổ chức cuộc thi “Người lính khỏe” ông đã ghi tên xin đi dự cả hai môn: Vật tự do và khiêng vật nặng đi xa. Ngày đầu thi môn vật tự do, viên tướng chỉ huy đội quân đã xếp cho ông đấu với những người khỏe nhất. Ông đã lần lượt vượt qua các đối thủ và cuộc đấu với ông đến người thứ mười mới kết thúc, khi không có ai dám vào đấu tiếp.
Ngày thứ hai với môn khiêng vật nặng đi xa. Trong quân doanh lúc ấy chỉ có chiếc cối đá to là nặng nhất, người dự thi phải nhấc cối lên và khiêng đi một đoạn đường tuỳ theo sức của mình. Vì cối đá khá nặng (ước độ trăm cân) nên nhiều người nhấc không nổi hoặc chỉ nhấc được cối lên mà không đi được bước nào. Có người nhấc lên đi được mấy bước phải thả xuống, đến lượt Bá Tính, ông đã nhấc cối đá và khiêng đi một mạch từ đầu sân đến cuối sân trước sự vỗ tay thán phục của mọi người.
Sau đó viên đội trưởng đi đến bên ông nói thách: Anh có tung cối đá lên cao khỏi đầu được không? Ông vẫn khiêm tốn đáp lại: Xin cho tôi thử sức. Ra sân
ông ôm cối đá tung lên, đặt xuống hai ba lần và khi nâng lên đang thuận đà, ông dùng hết sức lao cối đá qua cả nóc trại lính trước sự kinh ngạc của mọi người Quân sĩ reo ầm cả một vùng. Một lát sau viên tướng chỉ huy sung sướng tập trung quân lại và dõng dạc tuyên bố: Ông Nguyễn Bá Tính là người khỏe nhất và quyết định bổ sung ông vào quân số của đơn vị, đồng thời đề nghị lên trên phong cấp cho ông.
Thời gian sau đó, ông đã cùng đội quân tham gia nhiều trận đánh và lập được công lớn được phong là: Tráng sĩ mạnh tướng quân – như đã ghi trên bia. Ông không có vợ con và mất ở Thăng Long trong một trận chiến bảo vệ kinh thành.
c.Giai thoại về Quản Hiệp
Ông Phan Hùng Tuấn thường gọi là Quản Hiệp sinh ra trong một gia đình nông dân nhưng được cho đi học chữ Hán và học võ khá sớm. Đến tuổi thanh niên, ông đã nổi tiếng là người có sức khỏe, tướng mạo khác thường: người cao vạm vỡ, râu quai nón, tay dài quá đầu gối và rất giỏi võ nghệ. Ông được tuyển vào đạo quân lực của triều đình từ khi còn trẻ và đã tham gia nhiều trận đánh trong Nam ngoài Bắc.
Về sau khi đã thành danh, với tấm lòng luôn hướng về quê hương nên khi có dịp ông thường về thăm quê. Những buổi sáng mai thức dậy người dân Liên Trì thường xem ông cưỡi ngựa múa gươm, chém hai hàng cây bên đường. Các cụ cao niên trong làng kêu gọi con cháu trồng hai hàng chuối từ Cổng Đông xuống đến đồng Cồn Nấm để mỗi lần ông về làng mọi người lại được xem ông ngồi trên mình ngựa vung gươm chém vào các cây chuối như chém vào kẻ thù. Lần cuối cùng ông tham gia trận đánh lớn thuộc vùng Diễn Châu ngày nay. Khi trận đánh gần kết thúc quân đối phương được tăng cường thêm lực lượng, quân của ông rơi vào thế bị động. Đội quân do ông chỉ huy nằm trong đạo quân phải đi sau chặn hậu cho các cánh quân khác rút lui. Nhưng rồi quân giặc kéo đến quá đông, quân của ông không đủ sức chống đỡ, rơi vào thế bị bao vây. Trước tình hình đó ông chỉ huy quân chiến đấu mở đường thoát khỏi vòng vây. Nhưng vì phải vừa đánh, vừa phải rút lui, lại không có quân tiếp viện nên khi gần đến nơi số quân hao hụt dần và khi lên đến đất
Yên Thành thì chỉ còn lại một số người. Đang bị truy đuổi từ phía sau, phía trước quân địch kéo đến không còn đường ông buộc phải chạy tắt ra đồng hướng về quê nhà. Đi được một đoạn quân lính của ông bị tiêu diệt hoàn toàn, ngựa bị sa lầy, ông cắp gươm chạy bộ. Giặc đuổi theo sau lưng, đến vệ Cồn Nấm (cách làng Liên Trì khoảng 300 - 400 m về phía Đông), biết không thể thoát ông chạy lên một mô đất cao. Quân địch kéo đến bao vây vòng trong, vòng ngoài, chĩa gươm giáo về phía ông. Tướng chỉ huy quân địch kêu gọi ông đầu hàng và yêu cầu quân sĩ phải bắt sống cho kì được. Biết ông là người giỏi võ nghệ, sức khỏe địch được nhiều người, lúc đầu kẻ địch không kẻ nào giám vào. Về sau thấy ông vẫn không hề nao núng, tướng giặc mới ra lệnh cho bắn và thúc quân từ bốn phía xông lên, ông vung gươm giáo chống cự đến cùng, chém chết mấy chục tên giặc trước khi trút hơi thở cuối cùng.
Cảm phục công lao của ông, nhân dân trong làng Liên Trì và những làng quanh vùng đã đưa quan tài xuống Cồn Nấm khâm lượm và chôn cất ông chu đáo ngay tại nơi ông mất.
Nhân dân trong làng còn truyền lại điều kì lạ là sau khi ông mất, cson ngựa ông cưỡi sau khi thoát khỏi vùng lầy đã chạy đi mất không ai bắt được. Nhưng cứ đêm đến khi vắng người, nó lại tìm về nằm bên mộ ông, cứ thế cho đến lúc chết. Dân làng thương cảm đã chôn nó bên cạnh mộ ông. Điều kì lạ nữa là ông mất cách đây trên dưới hai thế kỷ rưỡi nhưng đến năm 1967 dòng họ Phan Văn khi chuyển mộ của ông từ Cồn Nấm lên nghĩa trang Động Eo thì hài cốt của ông vẫn còn nhiều và còn đầy tiểu. Bia Võ giai đã ghi về ông là : Chánh đội trưởng gia tăng Đô ty võ thần.
d.Giai thoại về thầy biết trước mệnh trò.
Cụ Nguyễn Tâm Địch (1828 - 1895), đỗ cử nhân khoa Tân Dậu 1861 quê làng Liên Trì được bổ làm Đốc học tỉnh Hà Tĩnh, sau đó làm tri huyện Tứ Kỳ tỉnh Hải Dương. Ông là người yêu nước thương dân, làm quan trong giai đoạn thực dân Pháp đang tiến hành xâm lược nước ta. Chứng kiến thái độ chủ hoà và sự bất lực
của triều đình nhà Nguyễn cùng nỗi thống khổ của người dân, cụ đã cáo quan về nhà mở trường dạy học. Học trò xa gần đến học rất đông và có nhiều người thành đạt. Trong số học trò cụ đào tạo có hai người rất nổi tiếng và được cụ yêu mến là Phan Văn Bạt và Tô Viết Trác (về sau đổi là Tô Bá Ngọc). Có lần thầy trò ngồi trò chuyện, thầy đã phán: hai trò này nếu không khéo về sau sẽ bị chết chém: anh thì chết vì chữ, anh thì chết vì láo. Nghe thầy nói mọi người không ai tin nhưng vì là lời thầy nên họ ghi nhớ và truyền miệng.
Quả nhiên sau này lời thầy linh nghiệm.
Về ông Tô Bá Ngọc (thôn Đông Yên, xã Đồng Minh nay thuộc xã Minh Thành, Yên Thành), là người khoan dung, độ lượng, gia đình ăn ở nhân đức giàu có và rất có uy tín với nhân dân trong vùng, các quan cai trị địa phương cũng có phần kính nể .
Khi phong trào Cần Vương bùng nổ, nhà ông là nơi qua lại và cung cấp hậu cần cho nghĩa quân Lê Doãn Nhã và Nguyễn Xuân Ôn. Nhà ông cũng là nơi tiếp đón cụ Phan Đình Phùng khi cụ trên đường ra Bắc năm 1887. Đồng thời qua môi giới của ông cụ Phan Đình Phùng có dịp tiếp xúc đàm đạo với nhiều nhân vật trong bộ chỉ huy nghĩa quân Nguyễn Xuân Ôn - Lê Doãn Nhã. Trong thời gian ở nhà ông cụ Phan đình Phùng đã dành nhiều thời gian nghiên cứu tình hình, khảo sát cơ sở, xây dựng lực lượng, chuẩn bị kế hoạch tiếp theo. Hoạt động công khai của Tô Bá Ngọc đã bị bọn tay sai và thực dân Pháp để ý, khi phong trào Cần Vương bị đàn áp ông bị kết tội “ Tích trữ quan trên, hung trung bạo nghịch” và bị xử chém.
Trước giờ hành huyết ông vẫn hiên ngang không sợ hãi trước kẻ thù. Ông tuyên bố “ Việc làm của ta là việc làm chính đáng của một người mất nước, muốn đất nước được độc lập” . Ông bị chém tại đồng Chợ Rỏi ngày 28/5/1887.
Về ông Phan Văn Bạt tên thường gọi là ông Chánh Sính, quê làng Liên Trì, xuất thân trong một gia đình nho giáo. Tuy chỉ đỗ đến Tam trường nhưng ông nổi tiếng là người hay chữ. Năm 1885, ông được nhân dân Vân Tụ cử làm Chánh tổng. Khi phong trào Cần Vương bùng nổ các làng thuộc tổng Vân Tụ vẫn tiếp tế lương
thực vũ khí cho nghĩa quân Nguyễn Xuân Ôn - Lê Doãn Nhã. Chính quyền thôn xã tổng Vân Tụ bề ngoài làm việc cho phong kiến thực dân nhưng bên trong là che dấu tạo điều kiện cho nhân dân làm “hậu phương” cho nghĩa quân. Nhân dân tổng Vân Tụ vẫn tiếp tế lương thực và vũ khí cho nghĩa quân (lịch sử chống Pháp Nghệ An.)
Qua sự phản ảnh của bọn tay chân mật thám thì chính quyền tổng Vân Tụ bề ngoài làm việc cho phong kiến thực dân, nhưng bên trong là che dấu tạo điều kiện cho nhân dân làm “ hậu phương” cho nghĩa quân. Qua sự phản ánh của bọn tay chân mật thám thì chính quyền cấp tỉnh Nghệ An lúc bấy giờ cũng nắm được tình hình này.
Nhân dịp Thượng Đoàn được bổ nhiệm làm Tri phủ Diễn Châu, ông Chánh Sính cũng làm một câu đối tặng:
-“ Xuất thân ư, văn võ lưỡng đồ chi ngoại, tùng phong quế nguyệt kỳ nhân, - Lập công ư Nam Bắc giao hội chi thu, Hồng Lĩnh, Lam Giang thứ địa”. Tạm dịch là: - Xuất thân từ văn võ ngoại đồ, nên người của tùng phong quế nguyệt, - Lập công thuở Nam Bắc giao hội, từ đất này Hồng Lĩnh, Lam giang .
Câu đối của ông được giới nho học đánh giá là hay nhất nên được chọn treo ở giữa nhà. Sau này có một ông Tri phủ Hà Tĩnh ra chơi chỉ rõ sự châm biếm sâu cay của câu đối: Làm quan mà không phải dòng văn, không phải dòng võ còn giá trị gì nữa. Đất Hồng Lĩnh Lam Giang cũng khá buồn thay. Làm Thượng Đoàn rất tức giận Mặt khác ông Chánh Sính vẫn coi thường, châm chọc quan phủ, khinh quan phủ là kẻ cơ hội, là kẻ bồi Tây, ít học. Những chuyện như vậy được tích tụ lâu ngày cộng với “tội” dung túng cho nghĩa quân Cần Vương hoạt động trên địa bàn mình, nên quan phủ muốn tìm cách hãm hại ông. Khi phong trào Cần Vương bị đàn áp Thượng Đoàn và chính quyền cấp tỉnh đề nghị lên Triều đình xử trảm một sô người yêu nước trong đó có ông Chánh Sính. Chúng kết tội ông là: là “ thông phỉ, quán phỉ”(nghĩa là thông đồng với phỉ- tức nghĩa quân) . Ngày 24/12/1895 ông bị chém đầu tại Bến Sải cách làng Liên Trì về phía Tây khoảng 400m .
Sau khi ông bị chém hơn một giờ, bọn chúng mới đưa lệnh của Hình bộ Thượng thư về xóa án cho ông. Ở Huế lúc này là triều vua Thành Thái, một ông vua
yêu nước không hợp với Pháp nên có thể sau khi xem xét đã yêu cầu ban lệnh này. Có người cho rằng có thể lệnh xóa án đã về từ trước nhưng vì hiểm thù, tức tối bọn chúng đã giữ lại khi thi hành án xong mới đưa ra. Và lại đổ cho là số ông đã hết, ông đã đến ngày tận số nên lệnh ân xá mới về chậm. Bọn chúng còn phao lên rằng ông hay dùng chữ nghĩa để thóa mạ cấp trên và “ông chết là vì chữ”.
Ông Phan Văn Bạt qua đời đã gần 120 năm, nhưng những kí ức về ông, lòng thương tiếc, mến mộ ông, một ông quan chánh tổng hay chữ có lòng yêu nước thương dân vẫn còn lưu truyền mãi trong nhân dân làng Liên Trì và các làng trong tổng Vân Tụ.
e, Giai thoại về ông Cú Đẹn
Ở làng Liên Trì, xã Liên Thành những người thuộc lớp tuổi bảy tám mươi trở lên còn nhớ nhiều chuyện về ông Cú Đẹn bởi vì nơi đây hiện còn nhiều di vật có liên quan đến ông, một thầy địa lý tài giỏi, sống lười, hay thử lòng người và sẵn sàng phản lại khi không vừa ý hoặc có những việc làm chạm đến lòng ông .
Theo sách Kho tàng truyện kể dân gian Xứ Nghệ thì Phạm Viên người làng An Bài nay thuộc xã Diễn Hùng huyện Diễn Châu là con quan Thượng thư Phạm Chất đỗ Hoàng Giáp khoa Nhâm Thìn (1652) đời Lê Thần Tông cùng một người bạn người làng Trung Phường nay thuộc xã Diễn Minh huyện Diễn Châu đỗ cử nhân cùng khoa vào Hà Tĩnh, trèo lên núi Hồng Lĩnh tìm tiên để tu hành học đạo. Hai người đi mãi lên đến ngọn núi Đụn thì gặp một ông già ngồi đan sọt,họ nói rõ ý định là muốn xa lánh trần tục. Thời gian ở đây, ông già hai lần thử cho ăn cơm có nhiều dòi bọ và uống nước đỏ như máu thì chỉ có Phạm Viên thực hiện được và được giữ lại còn người bạn phải trở về. Sau khi nhận được một cuốn sách , người ban từ giã Phạm Viên và ông già xuống núi . Đi mấy ngày về đến làng thì hình thù đã thay đổi xấu xí khác hẳn đi, bà con gọi là Cú Đẻn hay Cú Đẹn.
Một tài liệu nữa thì nói hai người lên núi Mồng Gà (Kê Quan Sơn) ở miền tây huyện Yên Thành. Còn theo dân gian truyền miệng và việc ông lấy đất đặt mộ bà tổ họ Nguyễn Đình ở Liên Trì thì thời gian có lùi lại và chuyện kể cũng có khác: sau mấy
năm tu hành ,đến kỳ sát hạch thầy dẫn hai người ra đường xuống núi. Tới một quán hàng nghỉ, thầy đưa cho bà chủ quán một đùm gạo và bảo nấu nồi cháo xương. Khi nhắc nồi cháo ra ăn thì có mấy cái đầu lâu nổi lên, ông Viên nghĩ là thầy thử, vẫn ăn bình thường, còn ông Cú Đẹn là người kỵ tính hay chấp thì sợ lắm không thể ăn được và bị loại. Phạm Viên được theo thầy tiếp tục tu luyện còn ông Cú Đẹn chỉ đậu cú, phải trở về nhà. Nhưng nghĩ đến công ông mấy năm trời theo học, thầy gọi lại căn dặn đôi điều và trao cho một cuốn sách cùng một chiếc gậy, bảo ông chuyên tâm nghiên cứu thì có thể trở thành thầy địa lý giỏi. Sau đó ông Cú Đẹn đã hành nghề và chẳng bao lâu trở thành nổi tiếng khắp vùng .