Các ngày lễ tết

Một phần của tài liệu Lịch sử văn hóa làng liên trì (xã liên thành huyện yên thành tỉnh nghệ an) từ thế kỷ XI đến năm 1945 luận văn thạc sĩ lịch sử (Trang 105)

6 Bố cục luận văn

3.7Các ngày lễ tết

3.7.1. Tết khai hạ.

Hàng năm vào ngày mồng 7 tháng giêng nhân dân làng Liên Trì thường làm tết khai hạ, ngày khai hạ gắn với tục hạ nêu và lễ xuống đồng để nhân dân bắt đầu trồng trọt làm ăn. Người xưa quan niệm: mọi vật đều sinh sinh hoá, có sinh ắt có hoá. Với vụ trụ cũng vậy, vũ trụ cũng phải có sự “mất đi” để rồi “tái sinh” có chu kỳ của

Xuân, Hạ Thu, Đông. Thời gian quan niệm về “tử” và “sinh” cái mới, như vậy mới tồn tại được mãi mãi.

Ngày trước những gia đình có điều kiện có mổ gà, mổ lợn, chọn những của ngon vật lạ đem dâng lên gia thần, gia tiên, cầu mong cho một năm mưa thuận gió hòa, gia đình khang trang thịnh vượng.

Theo tục của làng, những trai đinh đến tuổi 18 trong lễ khai hạ đều mang lễ tết đến cúng Thành hoàng làng. Dịp này làng cũng ghi tên các nam thanh niên vào sổ đinh, bắt đầu được hưởng quyền lợi và nghĩa vụ của làng với tư cách là một người trưởng thành.

3.7.2. Tết thượng nguyên (ngày 15 tháng giêng).

Sau tết Nguyên Đán là đến tết Thượng nguyên. Với người dân Liên Thành đây là ngày cúng “vọng” đầu tiên trong năm nên rất thiêng liêng, các gia đình dòng họ đều tổ chức cúng tế linh đình. Hầu hết các gia đình đều làm xôi, gà, và những thứ bánh ngon để cúng ông, bà tổ tiên.

Những người đi xa nếu không có dịp về ăn tết Nguyên Đán cùng gia đình thì dịp rằm tháng giêng nhất định sẽ về sum họp với gia đình, bà con họ tộc. Người dân Liên Trì xem ngày rằm tháng giêng là ngày trăng tròn, vị tinh tú mang tính “ âm” đầy đặn của tháng đầu tiên trong năm. Vì vậy nên ngày tết Thượng Nguyên dân làng đi chơi, đi lễ nơi đình làng, đến nhà thờ họ tộc thắp hương xin cầu may mắn.

3.7.3. Tết Đoan ngọ (ngày mồng 5 tháng 5).

Tết đoan Ngọ được tổ chức vào ngày 5/5 âm lịch. Tết này có nguồn gốc từ Trung Quốc. Các thư tịch cổ Trung Quốc ghi tết này với tám cái tên khác nhau: Đoan dương (Mặt trời đều chiếu thẳng, ánh nắng rực rỡ) ; Trùng ngụ; ngày và tháng đều trùng con số 5; Thiên trung; Bồ tiết: dùng cây Thạch dương bồ làm bình đựng rượu uốn để trừ độc; Dục lan lệnh; Ngọ tiết: Tháng năm cũng là tháng Ngọ. Cũng như người Nghệ, người dân Liên Trì thường gọi là tết mồng năm tháng năm hay Tết Đoan Ngọ với ý nghĩa tết bắt đầu vào buổi trưa.

Theo nhân dân Liên Trì các cụ đồ Nho trong làng kể lại: vào năm 278 trước công nguyên, là ngày nhà thơ yêu nước Khuất Nguyên bên Trung Quốc tuẫn tiết tại sông Mịch La để can gián Sở Hoài Vương. Nhà vua không nghe lời, ông đã nhảy xuống sông tự tử, lấy thân mình báo quốc. Nhân dân thương tiếc ông đã làm lễ cúng, thả bánh xuống sông để mong thuồng luồng ăn no bánh mà không rỉa đến xương thịt ông... Dân gian kính trọng nhớ đến ông nên lấy ngày mồng 5/5 để cúng.

Nhân dân Liên Trì xem ngày mồng năm tháng năm là ngày diệt sâu bọ. Hầu hết nhà nào trong làng cũng chuẩn bị một nồi rượu men (trải cơm nếp gạo nứt ra mẹt, để nguội rồi rắc men rượu lên, sau đó ủ để ăn chứ không nấu thành rượu). Để sáng ngày mồng năm mỗi người trong gia đình dùng diệt giun sán.

Vào trưa mồng năm phụ nữ trong làng thường lên Rú Gám hái các loại lá cây như ích mậu, mã đề, bồ công anh, chành dâu, rau má, chè vằng... Những thứ lá này trộn lận để làm chè sắc uống, giải nhiệt vào mùa hè.

3.7.4. Tết Trung Nguyên (ngày 15 tháng 7 âm lịch).

Tết Trung Nguyên vào rằm tháng 7 âm lịch hàng năm. Người Trung Quốc gọi là “tết ma” trong các chùa miếu có Hội Vu Lan báo hiếu cha mẹ, nơi nơi làm lễ siêu đỗ vong linh cho người quá cố. Theo quan niệm nhà Phật: những người mang trọng tội trên trần gian hay sống thiếu đức hạnh, khi chết thành “cô hồn tội phạm” bị giam cầm nơi địa ngục, ngày ngày bị ma vương quý sứ hành tội. Trong một năm chỉ có ngày rằm tháng bảy cửa ngục địa phủ mới mở cửa để “cô hồn tội phạm” được lên trần gian tìm lộc. Tội nhân được xóa tội một ngày để “kiếm ăn”, chiều đến lại phải về lại ngục thất tiếp rục chịu phạt.

Vào ngày này thường cúng tại bàn thờ gia tiên sau đó cúng ở họ tộc, cuối cùng mới cúng đến cô hồn bên ngoài. Dân làng Liên trì đón tết Trung Nguyên rất sôi động và cũng diễn ra nhiều hình thức phong phú. Từ trưa ngày 14 đến trưa ngày 15 tại nhà thờ tiểu chi, đại tôn, phục vụ hành lễ tế tự. Việc cúng tế Trung nguyên thường diễn ra tại ba nơi: trong các gia đình, các nhà thờ họ tộc và nơi đình Liên Trì.

Vào trưa hoặc chiều ngày 14/7 âm lịch tại các tiểu chi (họ nhỏ) cúng tổ tiên vào trưa chiều ngày mười bốn tháng 7. Đêm mười bốn và ngày 15 tổ chức lễ cáo yết, tế cỗ chay, còn trưa ngày rằm tại các họ đại tôn thường tế tự một cách bài bản cho vong linh tổ tiên và những vị tiền thân trong dòng họ. Việc tế vong linh tổ tiên ở gia đình chỉ quy định con cháu cúng đến năm đời, tính từ bản thân mình, đó là Cao (can), Tằng (cố) Tổ (ông) Khảo (cha), Cao Tằng tổ Tỷ (can bà, cố bà, bà mẹ) còn các vị tiền thân trước đó đến ngày rằm tháng Giêng hay rằm tháng bảy mới được cúng tế.

3.7.5. Tết ông Táo (ngày 23 tháng chạp).

Vào ngày 23 tháng chạp hàng năm cùng với người dân Xứ Nghệ, nhân dân làng Liên Trì tổ chức cúng tiễn ông táo lên Thiên đình. Ông Táo được dân gian quan niệm là thần bếp, vua bếp, táo quân…Vị thần chứng kiến những vui buồn của gia đình trong cả năm. Mỗi gia đình đều sắm cho ông Táo một bộ quần áo gồm hai mũ ông, một mũ bà, hai áo, một quần, và một con cá chép sống, khi cúng xong thả xuống ao hồ. Theo quan niệm dân gian, từ ngày 23 tháng Chạp Táo quân lên trời trình báo với Ngọc Hoàng thượng đế về những điều mắt thấy tai nghe nơi hạ giới, đến năm mới Táo quân lại quay về làm thần chủ, vì trong nhà còn có nhiều vị thần ủng hộ gia đình như Thần Tài, Tiền chủ, Tiền sư…

Sau ngày 23 tháng chạp, người ta thường dọn bếp cho sạch sẽ. Sau khi cúng tiễn thần bếp, ống hương trên bàn thờ có nhiều chân hương cũng được hóa đi, thay cát mới trong bình. Cúng tiễn ông Táo lên chầu trời, chủ nhà còn mong muốn Táo quân xin với Ngọc hoàng cho gia đình năm mới được an khang, an thái.

3.7.6. Tết Nguyên Đán.

Ngày lễ tiết quan trọng nhất trong năm là ngày lễ tết Nguyên đán – ngày mở đầu một năm mới. Tết là biến âm từ chữ “ Tiết” gốc Hán nghĩa là một đoạn thời gian được chia ra theo sự vận động chu kì của khí trời đất trong một năm. “Tết là nói tắt của hai chữ lễ tiết”. Tết thường tập trung chủ yếu từ ngày 30/ 12 đến 3/1 âm lịch.

Sau lễ Ông Táo (ngày 23 tháng chạp) không khí tết bắt đầu nhà nhà sắm sửa đón tết, nhà nào cũng chuẩn bị một cành đào để trang trí trong nhà. Nhiều gia đình có

đào trồng sẵn trong vườn thường cắm một cành trên bàn thờ tổ tiên, người dân Liên Trì xưa quan niệm rằng hoa đào trừ được ma quỷ vì vậy cành đào cắm trên bàn thờ không chỉ tăng được vẻ huy hoàng, tươi vui cho ngày Tết, mà còn là bảo vệ cho Tổ tiên về hưởng Tết, vì ma quỷ thấy cành đào sẽ không bén mảng tới, và như vậy tổ tiên không bị quấy nhiễu trong những ngày tết. Ngày nay người dân Liên Trì chơi đào cho đẹp, cho xuân.

Vào sáng hoặc chiều 30 tết nhà nào cũng ra nghĩa trang thắp hương Tổ tiên và họ hàng thân thích đã qua đời, mời ông bà tổ tiên về ăn tết. Chiều 30 tết làm cỗ cúng Ông bà, ông Vải (gọi là rước ông Vải). Nhà nào cũng sắm hai cây mía cao thẳng để hai bên bàn thờ (làm gậy ông Vải).

Trước kia vào đêm giao thừa, làng làm lễ Trừ Tịch tại đình làng, tiễn và đón các vị Hành khiển phán quan của năm cũ, năm mới, đồng thời cầu cúng cả bản cảnh Thành Hoàng và Thổ Địa Thần Kỳ. Lễ vật gồm hương, vàng trầu cau, hoa quả, xôi gà, lễ được làm rất trọng thể và chu đáo.

Sau khi lễ tiễn quan đương niên cũ sẽ tiến hành lễ đón quan đương niên mới (tống cựu nghinh tân). Lễ vật cũng được chuẩn bị trước (gà lễ thường để cả con, giữ nguyên bộ lòng đặt trên miếng tiết, cài cánh tạo thế gà chầu, khiến nghi lễ thêm phần trang trọng), đến giờ phút giao thừa sẽ thắp đèn nhang, làm thủ tục đọc văn khấn.

3.8 Lễ hội đình Liên Trì.

Ngày trước lễ hội đình Liên Trì được tổ chức 3 năm một lần (tam niên đáo khóa), vào dịp tháng Chạp, cụ thể là ngày 17 tháng chạp. Mỗi lần tổ chức mâm cỗ do hội Văn và hội Võ trong làng chịu trách nhiệm. Mâm được dọn với đủ loại cỗ chén gồm cả thịt lợn, thịt dê, thịt bò, được nấu tại đình. Số lượng tuỳ năm từ 20 đến 30 mâm. Những vị chức sắc có tên tuổi trong làng, các vị khoa bảng, người cao tuổi mới được ăn uống tại đình. Khi ngồi ăn cỗ được xếp theo tuổi, những người cao tuổi nhất được ngồi mâm trên.

Trước phần cúng là lễ rước thần với gồm 3 kiệu: Một kiệu thành hoàng làng, một kiệu thần Bạch Mã và kiệu thứ ba là kiệu thần Cao Sơn. Đường đi xuất phát từ đình theo đường trong làng qua các xóm ra đền Bạch Mã rồi trở về đình. Thời gian rước thường phải đủ cho bộ phận hậu cần kịp chuẩn bị mâm cỗ. Bộ phận làm lễ cúng có 18 người với vị trí phân công như sau: Chủ tế (người quỳ ở chiếu giữa), bồi tế (hai người quỳ ở hai chiếu hai bên); Thông xướng (người điều hành buổi lễ), 6 người hành tế ( chia làm ba đôi đứng hai bên chủ tế), 5 người đội nhạc (gồm 1 người đánh trống to, hai người đánh 2 trống con, một người đánh nao, một người đánh chiêng), 2 người Khai cổ (gồm hai người làm nhiệm vụ đánh trống cấy và khai chiêng đầu tiên), tiêu chuẩn chọn người khai cổ phải là những người tuổi cao, thanh cát, nhà không có tang và là người tốt có uy tín trong làng.

Với làng Liên Trì việc chọn người vào vị trí chủ tế và bồi tế rất nguyên tắc. Ngoài các tiêu chuẩn thanh cát, có uy tín còn phải là người “trong tre”, tức là những người thuộc dòng họ đã có nhiều đời định cư tại đất Liên Trì. Trước đây làng quan niệm rằng những người mới đến làng Liên Trì còn ít đời thì gọi là người “ngoài tre”, và không được chọn vào các vị trí đó. Còn bài văn cúng do Hội Văn viết. Cũng như khi cúng ở chùa Kim Liên, ngày tết ở đình làng thì gần như mọi công việc đều dừng lại. Tất cả đinh trong làng đều phải có mặt tại đình làng, phụ nữ có đến chỉ được đứng ngoài xem không được vào. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Sau phần lễ là đến phần hội. Dân làng Liên Trì thường tổ chức vui chơi giải trí từ hai đến ba ngày tuỳ theo mùa màng được hay mất, công việc bận hay rảnh, thời tiết thuận hay không. Các trò chơi diễn ra là đánh cờ thẻ, đánh đu, chọi gà, đi cầu chiền chiện, thi bơi, thi vật cổ truyền, thi đấu vật…Có những năm làng còn thi bơi, thi lặn, đua thuyền trên sông Liên Thùy. Nhiều năm đội tuồng làng dựng rạp hát hai ba đêm liền, tạo cho không khí lễ hội thêm sôi động,

Tiểu kết chương 3.

Liên Trì là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, đây là một bộ phận không thể thiếu trong quá trình hình thành và phát triển của làng. Ngoài

những thành tựu về văn hóa vật chất, làng Liên Trì còn xây dựng nên giá trị văn hóa tinh thần khá phong phú, đậm chất nhân văn. Được thể hiện thông qua các biểu trưng văn hóa mang giá trị truyền thống: từ mái đình, giếng nước đến các bản gia phả, hương ước, phong tục tập quán, lễ hội, tín ngưỡng, nghề thủ công truyền thống, những làn điệu dân ca, tục ngữ, ca dao... mang đậm sắc thái quê hương.

Có thể khẳng định văn hóa làng Liên Trì được đúc kết từ triết lý sống, kinh nghiệm ứng xử với thiên nhiên và xã hội của cư dân nơi đây tạo nên những giá trị tinh thần đặc sắc, góp phần làm nên những sắc thái văn hóa riêng của làng quê cách mạng kiên cường.

KẾT LUẬN.

Khi thực hiện đề tài lịch sử văn hóa làng Liên Trì, dựa vào những công trình nghiên cứu, cứ liệu liên quan, cùng với những tư liệu điền dã thu thập được đã cho phép chúng tôi có một cái nhìn tổng quan, nhận định mang tính khoa học và rút ra một số nhận xét sau:

1. Liên trì là một làng quê giàu truyền thống văn hóa.

Theo truyền thuyết tên cổ của làng là làng Chèn, làng được ôm bọc bởi Bàu Chèn uốn khúc quanh co. Làng Chèn được hình thành nên từ cư dân của hai làng: Làng người Kinh – làng Lô Cộ và làng của người Mường – làng Cừa, vì vậy văn hóa làng Liên Trì còn mang nét đặc trưng riêng của văn hóa người Kinh và người Mường. Bên cạnh những vùng đầm lầy Cồn Trửa, Cồn Me người kinh trồng lúa nước, người Mường khai khẩn vùng cao nương Dong, Nương Mát, Bò Rò, trỉa lúa nương, trồng ngô, người Mường lấy vùng Choi biểu hiện tín ngưỡng của mình; nơi mà người mất được chia phần tài sản là ngôi nhà mồ đẹp với những tài sản quý được chôn theo trong chiếc quan tài bằng thân cây gỗ to đục rỗng. Bằng chứng là nhân dân làng Liên Trì đã khai quật được mộ của người Mường ở vùng Choi này. Vào những năm đầu thế kỷ XX ở Liên Trì còn lưu giữ nhiều tổ chức phường hội mang sắc thái của hai dân tộc như: phường Hội đi râm của người Mường, lên rừng lượm hái củ nâu, trái cây, lấy hạt dẻ về bán tại các chợ. Phường gỗ, đốt than, bẫy bắt cá của người Kinh.

Trải qua thời gian người Kinh và người Mường trong làng đã đoàn kết cùng nhau để tồn tại và phát triển, từ đó văn hóa làng được hình thành và bổ sung cho nhau vừa mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc lại vừa chứa đựng những yếu tố mang tính đặc trưng riêng của làng Liên Trì mà ít làng quê có được. Đó là sự hội tụ kết tinh những giá trị văn hóa tinh thần, phong tục tập quán, truyền thống học hành khoa bảng và một nền văn hóa dân gian phong phú; đó là quần thể văn hóa vật chất: Đình Liên Trì, nhà thờ họ Nguyễn Bá, Bia hội văn, bia Võ giai, giếng làng …

2. Liên Trì là mảnh đất của những con người giàu lòng yêu nước và cách mạng. Tấm bia Võ giai mà nhân dân thường gọi là bia Hội võ ở Đình Liên Trì đã ghi tên 82 vị Võ Giai trong đó nhiều người có công lớn trong công cuộc đánh giặc giữ nước của dân tộc qua các triều đại là một minh chứng sống động.

Trong giai đoạn chống ách đô hộ của thực dân Pháp, đình Liên Trì đã diễn ra nhiều cuộc họp lớn của các sỹ phu yêu nước thuộc các tổng phía Nam huyện Yên Thành biểu thị quyết tâm ủng hộ cuộc khởi nghĩa Trần Tấn ở Thanh Chương, Đặng Như Mai ở Nam Đàn.

Trong phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh, Liên Trì là một trong những địa phương có phong trào sôi nổi và diễn ra từ đầu đến cuối. Những cán bộ lão thành cách mạng thời kì vận động dân tộc (1930 -1945) như Nguyễn Xuân Hiên, Phan Đức Vinh, Nguyễn Tâm Đệ, Nguyễn Bá Hàn cùng nhiều đồng chí khác dưới sự lãnh đạo của Đảng đã anh dũng đấu tranh không sợ gian khổ, hiểm nguy cống hiến xuất sắc trong phong trào giải phóng dân tộc, cùng nhân dân cả nước nói chung nhân dân làng Liên Trì nói riêng làm nên cách mạng tháng Tám 1945.

3. Cùng với dòng chảy của thời gian, với những thăng trầm và biến cố của lịch sử Làng Liên Trì đã có nhiều thay đổi phù hợp với xu thế phát triển. Để tiếp tục bảo lưu những giá trị văn hóa truyền thống và phát huy nó trong thời đại hội nhập phù

Một phần của tài liệu Lịch sử văn hóa làng liên trì (xã liên thành huyện yên thành tỉnh nghệ an) từ thế kỷ XI đến năm 1945 luận văn thạc sĩ lịch sử (Trang 105)