giáo viên nhằm nâng cao chất lượng
Trong một số thời điểm, do số lượng học sinh THPT giảm một cách đáng kể, đội ngũ giáo viên ở nhiều trường THPT có hiện tượng dôi dư. Đây là vấn đề rất nhạy cảm, tạo ra một áp lực đáng kể đối với giáo viên ở các tổ, các trường. Việc một số giáo viên phải chuyển xuống dạy cấp dưới hoặc chuyển công tác khác là một thực tế không thể tránh khỏi. Số lượng ít hay nhiều là tùy thuộc vào tình hình biên chế, số lượng giáo viên thừa ở mỗi trường. Các trường THPT ở thành phố, thị xã, thị trấn… trước đó vốn đã thừa giáo viên so với yêu cầu biên chế, trong tình hình mới trở nên càng căng thẳng.
Đã có nhiều phương án được áp dụng để giải quyết tình trạng này. Có nơi, dùng lá phiếu may rủi để xác định kẻ ở, người đi. Cách làm này rõ ràng không ổn, vì rất có thể người có năng lực, có cống hiến cho tổ, cho trường sẽ phải xuống dạy THCS, trong khi những người có trình độ non yếu, không có quá trình phấn đấu về chuyên môn cũng như không có thành tích gì vẫn yên vị. Đây
là một hướng giải quyết tiêu cực, được chấp nhận bởi những Hiệu trưởng thiếu bản lĩnh, không dám chịu trách nhiệm. Có nơi, Hiệu trưởng giao trách nhiệm cho tổ chuyên môn họp để bỏ phiếu xác định người thuộc diện giảm biên. Những lá phiếu rất cảm tính kia đã gây nên những sứt mẻ về tình cảm giữa những giáo viên từng đồng cam cộng khổ với nhau. Không ít tổ chuyên môn đã phản ứng quyết liệt với phương án này. Họ lập luận rằng, việc tổ chức, nhân sự của trường là việc của Hiệu trưởng. Cớ gì khi nhận một người nào đó về trường, giáo viên hoàn toàn đứng ngoài cuộc, chỉ Hiệu trưởng là người có liên quan, vậy mà khi đẩy một ai đó ra khỏi trường, giáo viên phải làm công việc "thất đức" ấy. Không thể đẩy quả bóng "oán thù" vào tay giáo viên - những người không hề chịu trách nhiệm về biên chế. Không ít Hiệu trưởng đã hoàn toàn bị khuất phục trước lí lẽ ấy của các tổ.
Tích cực hơn cả có lẽ là phương án Ban giám hiệu họp để ra quyết định về những ai phải đi, những ai ở lại. Cách làm này sẽ không quá phức tạp, không gây nhiều thắc mắc nếu người quản lí nắm rất chắc mọi "thông số" của từng giáo viên trong các tổ, không phải một năm mà phải là một quá trình. Dĩ nhiên, các trường phải dựa vào các danh hiệu thi đua cá nhân. Nhưng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, giáo viên không xem trọng vấn đề danh hiệu, thì căn cứ này xem ra vẫn rất hình thức. Có những giáo viên thực sự có năng lực thì thờ ơ với danh hiệu, trong khi những người có danh hiệu hẳn hoi lại không phải là thành phần nòng cốt về chuyên môn.
Chính vì tình trạng thừa giáo viên bậc THPT diễn ra liên tục một số năm, cho nên, không ít Hiệu trưởng ở Hà Tĩnh xem đây là cơ hội để thực thi giải pháp
dùng biên chế như một áp lực để năng cao chất lượng. Bản chất của giải pháp này là tạo ra một cuộc cạnh tranh không kém phần khốc liệt giữa các thành viên trong tổ. Nó buộc mọi người phải nỗ lực cố gắng trong việc tuân thủ các qui định của nhà trường, qui chế chuyên môn, soạn bài, lên lớp, kết quả thi tốt nghiệp, thi học sinh giỏi, thi đại học và cao đẳng, sáng kiến kinh nghiệm… Cuối mỗi năm học, tổng hợp kết quả các mặt sẽ là câu trả lời về vấn đề đi hay ở.
Xét về khách quan, cách làm này có ưu điểm nhất định của nó. Thực tế, ở một số nền giáo dục tiên tiến trên thế giới hiện nay, những người tìm được việc và có thể trụ lại một cách vững vàng với nghề dạy học phải là người đáp ứng được yêu cầu cao của công việc. Người ta đã quen với việc hợp đồng lao động, nghĩa là làm việc có thời hạn ở một trường nào đó. Thấy hợp lí, trả lương xứng đáng với năng lực của mình thì làm, nếu không thì đi trường khác thử việc, tìm việc. "Biên chế" dường như là khái niệm xa lạ đối với họ. Việc tuyển dụng và sa thải diễn ra hết sức bình thường. Làm tốt công việc thì được sử dụng, không hoàn thành thì phải đi tìm việc nơi khác. Một giáo viên cũng không khác gì một huấn luyện viên bóng đá, có làm việc lâu dài hay ngắn hạn ở một câu lạc bộ, tùy thuộc vào một trong ba điều: hoặc là vào sự "được việc" của anh, cụ thể là thành tích của đội bóng; hoặc là vào mức lương mà anh thấy có xứng đáng với khả năng của mình hay không; hoặc là muốn gắn bó với đội bóng mà mình yêu quí hay muốn thử thách năng lực của mình ở một môi trường làm việc mới.
Tuy nhiên, trong điều kiện giáo dục ở nước ta, mọi sự chưa thể nói là bài bản, rành mạch, sòng phẳng. Nhiều lúc, danh hiệu thi đua còn rơi vào tình trạng "hữu danh vô thực", cho nên, dựa vào đó để quyết định những chuyện hệ trọng như giảm biên chế sẽ không khỏi rơi vào tình trạng để sổng "con cá lớn", chỉ giữ lại được những "con cá bé". Có những Hiệu trưởng làm việc theo kiểu "thẳng mực tàu", "án tại hồ sơ" ngỡ là rất minh bạch, công bằng, nhưng hóa ra, cuối cùng đã phải trả giá cho một kiểu tư duy giản đơn.