Vài nét về đặc điểm kinh tế xã hội của tỉnh Hà Tĩnh

Một phần của tài liệu Một số giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên trường cao đẳng xây dựng số 2 bộ xây dựng (Trang 28 - 29)

Hà Tĩnh là tỉnh thuộc duyên hải Bắc Trung Bộ, phía bắc giáp tỉnh Nghệ An, phía nam giáp tỉnh Quảng Bình, phía đông là biển Đông, phía tây giáp nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào. Diện tích tự nhiên là 6.019 km2, dân số 1.289.058 người (năm 2005). Địa hình hẹp, dốc, bị chia cắt bởi nhiều sông suối. 80% diện tích là đồi núi. Khí hậu khắc nghiệt, từ tháng 4 đến tháng 10 thường nóng, hạn hán kéo dài với nhiều đợt gió Lào khô nóng; từ tháng 7 đến tháng 10 thường có bão lụt; từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau chịu ảnh hưởng của gió mùa đông bắc kéo theo gió lạnh và mưa phùn.

Tuy khí hậu khắc nghiệt như vậy, nhưng Hà Tĩnh cũng có những tiềm năng về khoáng sản (mỏ sắt Thạch Khê, titan ở Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kì Anh, thiếc ở Hương Khê…). Một số điểm du lịch có sức thu hút du khách như biển Thiên Cầm, Xuân Thành, bảo tàng Nguyễn Du, khu lưu niệm Nguyễn Công Trứ, khu du lịch sinh thái Kẻ Gỗ, khu bảo tồn thiên nhiên Vũ Quang, suối nước nóng Sơn Kim, khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, Tùng Ảnh - quê hương Tổng bí thư Trần Phú…

Hà Tĩnh cũng là vùng đất có bề dày văn hoá truyền thống với 328 di tích (trong đó có 58 di tích - thắng cảnh đã được xếp hạng quốc gia), với nhiều lễ hội như lễ hội đền Chiêu Trưng, lễ hội chùa Hương, đền Hoàng Mười…, với nhiều làng nghề truyền thống như mộc Thái Yên, rèn Trung Lương…, với nhiều làm điệu dân ca nổi tiếng… Một số sản vật của Hà Tĩnh được biết đến nhiều như bưởi Phúc Trạch, cam bù Hương Sơn, cam Khe Mây…

Hà Tĩnh có 127 km đường quốc lộ 1 A đi qua 7 huyện, thị xã và thành phố; có 87 km đường Hồ Chí Minh qua 3 huyện; có 70 km đường sắt Bắc - Nam qua 4 huyện; có quốc lộ 8 A chạy sang Lào qua cửa khẩu quốc tế Cầu Treo với chiều dài 85 km, có quốc lộ 12 dài 55 km từ cảng Vũng áng qua Quảng Bình

đến cửa khẩu Cha Lo sang Lào và đông bắc Thái Lan. Hà Tĩnh có 137 km bờ biển với nhiều cảng và cửa sông lớn cùng hệ thống đường giao thông thuận lợi cho việc giao lưu văn hoá và phát triển kinh tế - xã hội.

Về hành chính, Hà Tĩnh có 1 thành phố (thành phố Hà Tĩnh), 1 thị xã (Hồng Lĩnh) và 10 huyện (Nghi Xuân, Đức Thọ, Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Can Lộc, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kì Anh); có 241 xã, 8 phường và 12 thị trấn.

Cơ cấu kinh tế của Hà Tĩnh: 21% công nghiệp - xây dựng; 37% dịch vụ, 42% nông - lâm - ngư nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người đạt 4,7 triệu đồng/năm; sản lượng lương thực đạt 52 vạn tấn; tỉ lệ hộ nghèo là 10,5%.

Hiện nay, nhà nước đang triển khai đầu tư xây dựng khu công nghiệp Vũng áng, khu công nghiệp mỏ sắt Thạch Khê, khu kinh tế dịch vụ cửa khẩu Cầu Treo. Đây là thời cơ để Hà Tĩnh phát huy những tiềm năng và lợi thế của mình. Hà Tĩnh đang nỗ lực phấn đấu để trở thành trung tâm công nghiệp - dịch vụ của miền Trung và của cả nước, trong đó, các yếu tố được tập trung xây dựng là cơ sở vật chất hạ tầng, văn hoá, dân trí, chất lượng nguồn nhân lực cho hiện tại và tương lai. Điều này đang đặt ra cho giáo dục Hà Tĩnh những yêu cầu bức thiết về qui mô và chất lượng.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên trường cao đẳng xây dựng số 2 bộ xây dựng (Trang 28 - 29)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(107 trang)
w