Chất lượng giảng dạy của giáo viên

Một phần của tài liệu Một số biện pháp quản lý nhăm nâng cao chất lượng dạy học môn toán ở các trường trung học cơ sở trên địa bàn huyện tân hồng, tỉnh đồng tháp luận văn thạc sĩ khoa học giáo dục (Trang 31 - 34)

8. Cấu trúc của luận văn

1.3.1.Chất lượng giảng dạy của giáo viên

Chất lượng giảng dạy thể hiện ở việc giáo viên lên kế hoạch giảng dạy, việc thực hiện chương trình, chất lượng bài soạn, chất lượng giờ lên lớp, chất lượng kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh.

+ Kế hoạch giảng dạy: Việc đầu tiên của mỗi năm học là giáo viên phải xây dựng kế hoạch giảng dạy trong năm học: Kế hoạch giảng dạy cho cả năm học, từng học kỳ, từng tháng, từng tuần và cho từng tiết học. Để xây dựng kế hoạch giảng dạy phù hợp cần xác định rõ mục tiêu công tác giảng dạy của giáo viên, chỉ tiêu đạt được của từng lớp mà họ được phân công giảng dạy. Việc đề ra chỉ tiêu phấn đấu cho từng lớp cần dựa vào chất lượng đầu năm học, đồng thời giáo viên cần tìm được các biện pháp để đạt được các chỉ tiêu đề ra.

+ Việc thực hiện chương trình dạy học: Thực hiện chương trình dạy học là thực hiện kế hoạch đào tạo theo mục tiêu đào tạo của trường phổ thông. Về nguyên tắc, chương trình là pháp lệnh của Nhà nước do Bộ Giáo dục - Đào tạo ban hành. Hiệu trưởng phải làm cho giáo viên nắm vững chương trình, không được tùy tiện thay đổi, thêm bớt hoặc làm sai lệch nội dung, chương trình dạy học.

Hiệu trưởng điều khiển hoạt động dạy và học phải dựa vào nội dung chương trình theo yêu cầu và hướng dẫn của chương trình. Do đó việc nắm vững chương trình dạy học là một tiền đề đảm bảo hiệu quả quản lý dạy và học. Hiệu trưởng cần nắm vững những vấn đề sau đây:

a/ Những nguyên tắc cấu tạo chương trình dạy học của cấp học.

b/ Những nguyên tắc cấu tạo chương trình dạy học năm học và nội dung, kiến thức của năm học.

c/ Phương pháp dạy học đặc trưng của môn học. d/ Kế hoạch dạy học môn học.

Quản lý việc thực hiện chương trình dạy học của giáo viên là quản lý việc dạy đúng và đủ chương trình quy định. Thực hiện yêu cầu này, Hiệu trưởng cần làm một số việc sau đây:

a/ Yêu cầu giáo viên lập kế hoạch dạy học môn học. Đây là kế hoạch chủ yếu của giáo viên và cần phải được trao đổi trong tổ chuyên môn.

b/ Bảo đảm thời gian quy định cho chương trình (trong chỉ thị của Bộ gọi là biên chế năm học). Nghiêm cấm việc cắt xén chương trình để dành thời gian cho những hoạt động khác.

c/ Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng phải theo dõi việc thực hiện chương trình hàng tuần, hàng tháng của giáo viên.

d/ Sử dụng các phương tiện hỗ trợ trong việc theo dõi: Biểu bảng, sổ sách, phiếu báo giảng, sổ dự giờ, lịch kiểm tra học tập, sổ ghi đầu bài...

Sau khi nắm được thông tin về việc thực hiện chương trình của từng giáo viên, Hiệu trưởng cần có những quyết định sát thực, kịp thời, đúng đắn để động viên những giáo viên thực hiện tốt chương trình và nhắc nhở những giáo viên thực hiện chương trình chưa tốt để mỗi giáo viên thực hiện chương trình giảng dạy một cách nghiêm túc và đầy đủ.

+ Chất lượng bài soạn: Ngay từ đầu năm học, mỗi giáo viên cần xây dựng cho mình kế hoạch giảng dạy bộ môn. Kế hoạch cần có cho từng tuần, từng tháng, từng học kỳ và cả năm học, ngoài ra cần có kế hoạch cho từng bài, từng tiết cụ thể. Để mỗi tiết học có chất lượng và hiệu quả cao thì việc chuẩn bị bài soạn cho mỗi tiết học một cách chu đáo là một trong những yếu tố rất quan trọng. Hiệu trưởng cần hướng dẫn giáo viên lập kế hoạch soạn bài, chỉ đạo tổ chuyên môn tổ chức trao đổi phương hướng dạy từng bài, những bài khó, những tư liệu mới cần bổ sung vào bài giảng, những điều kiện vật chất kỹ thuật cần cho bài giảng. Mỗi giáo viên cần căn cứ vào chương trình dạy học bộ môn, sách giáo khoa, tài liệu tham khảo, căn cứ vào năng lực,

trình độ học sinh từng lớp và nội dung từng bài, từng tiết cụ thể để lựa chọn phương pháp giảng dạy, cách thức tổ chức quản lý giờ học phù hợp để tiết dạy đạt chất lượng tốt. Với mỗi bài soạn cho từng tiết dạy cần thể hiện rõ các bước lên lớp, nội dung trọng tâm của tiết học, hoạt động của thầy, hoạt động của trò, việc sử dụng thiết bị, đồ dùng dạy học, củng cố và hướng dẫn học sinh học ở nhà. Việc chuẩn bị bài soạn một cách cẩn thận, chu đáo trong đó có tính đến đặc thù nội dung từng tiết học cụ thể cũng như khả năng tiếp thu của học sinh từng lớp, từng em học sinh sẽ tạo điều kiện cho giáo viên thể hiện bài giảng một cách tốt nhất.

+ Chất lượng giờ lên lớp của giáo viên: Chất lượng giờ lên lớp có vai trò quan trọng đối với chất lượng giảng dạy của giáo viên. Khi giáo viên đã thực hiện tốt khâu soạn bài thì họ sẽ có tâm thế tốt để thực hiện bài dạy của mình khi lên lớp. Ngoài chuẩn bị bài chu đáo, để tiết học thành công người giáo viên cần sử dụng phương pháp giảng dạy phù hợp, khéo léo hướng dẫn để học sinh tích cực tham gia phát biểu xây dựng bài, giúp các em tích cực, chủ động trong việc xây dựng bài và lĩnh hội kiến thức của bài học đồng thời giáo viên cần sử dụng thiết bị, đồ dùng dạy học phù hợp từng tiết học, bài học cụ thể.

Hiệu trưởng cần xây dựng tiêu chuẩn đánh giá giờ lên lớp cho từng loại bài học đối với từng môn học. Đây là công trình chung của tập thể sư phạm nhà trường, nhất là tổ chuyên môn. Có tiêu chuẩn cụ thể vừa giúp cho việc đánh giá giờ học, vừa giúp cho việc nâng cao tay nghề của giáo viên. Đương nhiên tiêu chuẩn giờ lên lớp chỉ là những quy định tối thiểu, cơ bản nhưng rất cần thiết. Trong thực tế, tùy tình hình cụ thể, cần vận dụng linh hoạt tiêu chuẩn đánh giá giờ lên lớp.

Để góp phần nâng cao trình độ chuyên môn của giáo viên, Hiệu trưởng cần chỉ đạo việc tổ chức các chuyên đề về giờ lên lớp. Thực tiễn cho thấy, đây là cách tự bồi dưỡng có hiệu quả, thiết thực nhất đối với giáo viên.

Chất lượng kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh: Việc kiểm tra đánh giá chất lượng học tập của học sinh là một việc có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình giảng dạy của giáo viên. Việc kiểm tra đánh giá cần tiến hành công bằng, chính xác, khách quan và điều quan trọng là cần căn cứ vào chuẩn kiến thức do Bộ Giáo dục - Đào tạo ban hành để tiến hành kiểm tra, đánh giá. Dạng đề kiểm tra và mức độ yêu cầu đạt được cho đề kiểm tra từ 1 tiết trở lên cần được trao đổi, bàn bạc thống nhất trong tổ nhóm chuyên môn.

Giáo viên cần tiến hành cho học sinh làm các bài kiểm tra đúng theo quy định của phân phối chương trình môn học, chấm bài công bằng, chính xác, trả bài đúng thời gian quy định.

Hiệu trưởng cần nắm được việc giáo viên kiểm tra, chấm và trả bài cho học sinh qua theo dõi sổ đầu bài cũng như lịch báo giảng của giáo viên.

Cuối mỗi học kỳ và mỗi năm học có thể phát phiếu thăm dò học sinh về việc giáo viên chấm trả bài có công bằng, chính xác, kịp thời không để qua đó có biện pháp quản lý phù hợp cho học kỳ tới, năm học tới.

Một phần của tài liệu Một số biện pháp quản lý nhăm nâng cao chất lượng dạy học môn toán ở các trường trung học cơ sở trên địa bàn huyện tân hồng, tỉnh đồng tháp luận văn thạc sĩ khoa học giáo dục (Trang 31 - 34)