Giải pháp 2: Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý của tổ

Một phần của tài liệu Một số giải pháp quản lí hoạt động dạy học ở trường trung học phổ thông sơn tây hà nội luận văn thạc sĩ khoa học giáo dục (Trang 114 - 118)

8. Cấu trúc luận văn

3.2.2. Giải pháp 2: Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý của tổ

tổ trưởng chuyên môn.

* Mục tiêu của giải pháp

Nhà trường là một bộ máy quản lý có tổ chức chặt chẽ. Trong đó, các tổ chuyên môn đóng vai trò đặc biệt quan trọng của hoạt động quản lý và trực tiếp tổ chức thực hiện các hoạt động chuyên môn của nhà trường. Đặc thù công tác chuyên môn ở trường THPT chuyên chính là “đào tạo mũi nhọn”. Vai trò của tổ chuyên môn nói chung, đội ngũ tổ trưởng nói riêng là rất lớn. Muốn quản lý chuyên môn được tốt và nâng cao năng lực chuyên môn cho giáo viên, Hiệu trưởng nhà trường phải có một lực lượng giúp việc đủ mạnh, những giáo viên cốt cán có phẩm chất và năng lực ở các bộ môn.

Theo Điều lệ trường trung học, mỗi tổ chuyên môn có một tổ trưởng do Hiệu trưởng chỉ định và giao nhiệm vụ. Tổ chuyên môn có nhiệm vụ:

- Xây dựng kế hoạch hoạt động chung của tổ, hướng dẫn xây dựng và quản lý kế hoạch cá nhân của tổ viên theo kế hoạch dạy học, phân phối chương trình và các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Tổ chức các hoạt động bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; kiểm tra, đánh giá chất lượng thực hiện nhiệm vụ của giáo viên theo kế hoạch của nhà trường.

- Đề xuất khen thưởng, kỷ luật đối với giáo viên.

Như vậy, để thực hiện chức trách, tổ trưởng chuyên môn là người giúp Hiệu trưởng thực hiện các hoạt động quản lý ở tổ do mình phụ trách. Do đặc điểm công việc, tổ trưởng chuyên môn nắm chắc trình độ, năng lực chuyên môn, tâm tư, nguyện vọng của giáo viên trong tổ, là “ cánh tay nối dài” của Hiệu trưởng trong việc triển khai các mặt công tác của nhà trường, và là người cung cấp thông tin chuẩn xác về tình hình đội ngũ giáo viên với Hiệu trưởng, là người tham mưu đắc lực cho Hiệu trưởng về công tác tổ chức - cán bộ, công tác thi đua - khen thưởng và thực hiện các chế độ, chính sách với giáo viên.

Mục tiêu của biện pháp này là xây dựng trong nhà trường một đội ngũ tổ trưởng chuyên môn “vừa hồng vừa chuyên”, đáp ứng tốt yêu cầu của công việc quản lý và điều hành các công việc của tổ chuyên môn, giúp việc một cách có hiệu quả trong công tác quản lý chuyên môn của nhà trường và tổ chức tốt công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn cho đội ngũ giáo viên của trường.

* Nội dung và cách tiến hành

- Bằng các biện pháp quản lý cụ thể, nâng cao thêm một bước về phẩm chất chính trị, tinh thần trách nhiệm trong công tác và sinh hoạt, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực tổ chức hoạt động tập thể cho các giáo viên được chỉ định và giao nhiệm vụ tổ làm trưởng chuyên môn, Hiệu trưởng giúp họ biết phát huy năng lực của từng cá nhân trong tổ, biết phối hợp hoạt động của các cá nhân để tạo thành sức mạnh tập thể của tổ. Từ đó nâng cao chất lượng chuyên môn chung của trường.

+ Việc chọn tổ trưởng phải thựchiện theo nguyên tắc chọn giáo viên tiêu biểu của bộ môn cả về năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức, có uy tín trong đội ngũ và uy tín đối với học sinh, cha mẹ học sinh, đồng thời phải là một người có khả năng thuyết phục, vận động quần chúng, có bản lĩnh, không ngại va chạm, dám đấu tranh phê bình, có năng lực quản lý thực sự.

+ Để việc chọn tổ trưởng chuyên môn được chính xác, đầu mỗi năm học Hiệu trưởng cần phải có sự tư vấn của các lực lượng trong trường, trên cơ sở kết quả công tác và uy tín của từng giáo viên trong các năm học gần đây. Hiệu trưởng thống nhất quan điểm chọn cử tổ trưởng với Chi bộ đảng, tham khảo ý kiến các đoàn thể quần chúng, khi cần thiết có thể lấy phiếu tín nhiệm trong đội ngũ giáo viên các bộ môn trước khi quyết định chính thức.

- Thống nhất quy trình xây dựng kế hoạch ở các tổ chuyên môn:

+ Hiệu trưởng nêu yêu cầu thực hiện nhiệm vụ năm học chung của nhà trường, nêu những quan điểm, biện pháp công tác chính của trường trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ năm học, đặt ra các yêu cầu mà các tổ chuyên môn phải thực hiện trong năm học trên cơ sở cụ thể hoá chương trình công tác chung của trường theo công việc và điều kiện cụ thể của tổ.

+ Tổ trưởng chuyên môn lập kế hoạch công tác của tổ, bố trí lực lượng tham gia các công việc chung của tổ và của nhà trường, hướng dẫn giáo viên lập kế hoạch công tác cá nhân và quản lý thực hiện kế hoạch của tổ.

Ở trường THPT chuyên, yêu cầu về chuyên môn đối với giáo viên cao hơn hẳn so với các trường THPT khác; yêu cầu đổi mới hoạt động tổ chuyên môn là một yêu cầu thiết thực. Tổ trưởng chuyên môn trong trường THPT chuyên ngoài nhiệm vụ như đã nêu trên còn phải tham gia quản lý hoạt động bồi dưỡng học sinh giỏi (một việc mà không thể không làm trong trường THPT chuyên) và mỗi tổ trưởng chuyên môn trong trường THPT chuyên còn phải tham gia các cuộc hội thảo, các sinh hoạt chuyên đề do Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học và

Sở Giáo dục - Đào tạo tổ chức, tham gia các hoạt động thanh tra giáo viên, giám định tay nghề cho ngành. Cụ thể:

+ Trong kế hoạch công tác chuyên môn ở các tổ, ngoài kế hoạch chung của tổ, kế hoạch riêng của mỗi tổ viên, còn có kế hoạch giảng dạy hệ thống các chuyên đề cho từng lớp chuyên. Điều này đòi hỏi tổ trưởng chuyên môn trong các trường chuyên phải tạo trong tổ những ê kíp dạy theo từng khối lớp, tổ chức các buổi sinh hoạt để cùng nhau lập kế hoạch dạy chuyên đề kiến thức nâng cao, những công việc cụ thể trong hoạt động bồi dưỡng học sinh giỏi và kế hoạch phối hợp với nhau thực hiện.

+ Trong công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, ngoài việc tổ chức thăm lớp, dự giờ, phân tích sư phạm giờ dạy để giúp nhau khắc phục những hạn chế về phương pháp và kỹ thuật lên lớp; giáo viên trường THPT chuyên còn phải không ngừng tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao tiềm năng, phải biết tự biên soạn những chuyên đề kiến thức nâng cao để dạy, kể cả những chuyên đề mà nội dung của nó trước đây giáo viên chưa được học. Do đó, trong kế hoạch chuyên môn của tổ, phải có thêm kế hoạch bồi dưỡng giáo viên với các hình thức khác nhau: Tổ chức hội nghị chuyên đề để trao đổi ý kiến về những đúc kết của từng cá nhân sau quá trình tự học, tự tham khảo các nguồn tài liệu; tổ chức thỉnh giảng, mời chuyên gia của các bộ môn về để bồi dưỡng nâng cao tiềm năng cho giáo viên; phân công giáo viên biên soạn nội dung các chuyên đề để tham gia các sinh hoạt chuyên môn do Sở Giáo dục - Đào tạo tổ chức..

+ Trong công tác quản lý, Hiệu trưởng phải mạnh dạn trao quyền tự chủ và tạo điều kiện thuận lợi nhất, cao nhất (kể cả vật chất lẫn tinh thần, cả về thời gian lẫn các phương tiện, điều kiện) để tổ trưởng chuyên môn chủ động trong việc thực hiện chức trách, nhất là các hoạt động chuyên môn của đơn vi.

+ Cần chỉ đạo đổi mới mạnh mẽ chất lượng sinh hoạt tổ chuyên môn. Bên cạnh các nội dung sinh hoạt mang tính hành chính, như phổ biến các nghị quyết, quy định của cấp trên; những yêu cầu công tác của Hiệu trưởng, bình xét

thi đua, bàn kế hoạch tuần, tháng... thì cần chú trọng các nội dung nâng cao chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên giảng dạy, giáo viên chủ nhiệm, như: trao đổi, rút kinh nghiệm sư phạm, trao đổi về những chuyên đề, những nội dung kiến thức liên quan đến việc ra đề kiểm tra, chọn lựa và bồi dưỡng học sinh giỏi..

+ Một khía cạnh rất quan trọng là Hiệu trưởng cần tạo điều kiện để các thành viên trong tổ nhóm chuyên môn gắn kết chặt chẽ, cùng có ý thức cộng đồng trách nhiệm. Không để có sự phân hoá, có khoảng cách của hai bộ phận chuyên môn trong mỗi tổ: Bộ phận dạy lớp chuyên và bộ phận dạy lớp không chuyên. Cần chấn chỉnh nghiêm khắc hơn đối với những giáo viên tự cho mình là “Number one” có “đẳng cấp” cao khi dạy các lớp chuyên, có thái độ thiếu khiêm tốn, ít hoà nhập, chưa tích cực tham gia các hoạt động khác của tổ; tự cho mình “cái quyền” thích dạy lớp nào được lớp ấy (kích giáo viên chủ nhiệm hoặc phụ huynh học sinh), gây nên những khó khăn nhất định trong công tác quản lý chuyên môn của tổ, trường. Mặt khác, không để tình trạng ỷ lại, “an phận thủ thường” kéo dài ở những giáo viên không dạy lớp chuyên.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp quản lí hoạt động dạy học ở trường trung học phổ thông sơn tây hà nội luận văn thạc sĩ khoa học giáo dục (Trang 114 - 118)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(158 trang)
w