Quan niệm của Bằng Việt về thơ

Một phần của tài liệu Sự thống nhất giữa phong cách cá nhân và phong cách thời đại trong thơ bằng việt (Trang 27 - 31)

6. Cấu trúc luận văn

1.3.1.Quan niệm của Bằng Việt về thơ

Mỗi nghệ sĩ trong hành trình sáng tác nghệ thuật đều có và tuân thủ một quan niệm. Bằng Việt không là ngoại lệ. Trong suốt đời thơ gần nửa thế kỉ sáng tác, lúc gián tiếp, lúc trực tiếp, ông đã thể hiện quan niệm của mình về thơ, thế nào là thơ hay, làm thơ như thế nào,…

Trong lời cùng bạn đọc ở đầu tập thơ Nheo mắt nhìn thế giới, tác giả đã trực tiếp nói lên quan niệm của mình về thơ, về việc sáng tạo thơ ca: “Thơ đối với tôi hôm nay không chỉ là thơ mà còn là một thái độ sống. Đã là một thái độ sống, thì bút pháp thể hiện cốt sao nói được hết điều mình cần nói, cần tỏ thái độ, hơn là chú tâm vào tu từ rắc rối, kỳ khu, chơi trò xiếc với ngữ pháp, đánh vật để làm xô lệch đi các quy tắc chính tả, leo dây với vần điệụ. Điều ấy, tuy hết sức quan trọng cho việc đổi mới cách nói và hình thức thể hiện trong thơ, tuy nhiên, nó không thể đóng vai trò gì quyết định. Điều quyết định là thái độ tiếp cận ra sao với chức năng của thơ, cách chọn góc nhìn ở tầm nào, thế đứng nào, và cách xử lý các chất liệu thơ ra sao, để truyền đạt được hết thông điệp của mình đến với người đọc. Cách tiếp cận, chọn góc nhìn, thế đứng, theo tôi, thể hiện ngay từ cách chọn đề tài, chọn khoảng lùi xa đủ để nhìn rõ tổng thể và chi tiết, đồng thời, cũng phải tính đến độ cao của chỗ đứng và góc nhìn.

Còn việc xử lý các chất liệu, theo tôi, sẽ làm rõ nhất phong cách của mỗi người sáng tác, tính độc đáo của từng tác giả. Giống như ta được cung cấp một số mô-đuyn nhất định, nhưng mỗi người sẽ có cách lắp ráp khác

nhau, tùy theo sở thích, tính cách, tầm văn hóa, vốn kiến thức, và cả các thiên hướng khác nhau trong cuộc sống riêng của từng người, trong một môi trường được giáo dục và hình thành nhân cách riêng của từng người. Tôi nghĩ, đổi mới cách viết đối với thơ hôm nay, có lẽ cũng phải khởi đầu từ những điểm mấu chốt đó, thậm chí đối với từng thi sĩ, chứ không dễ gì có được một “đơn thuốc” rập khuôn!”.

Bởi thế, nhận xét về tập thơ mới Nheo mắt nhìn thế giới của ông, nhiều người nghiên cứu có nhận xét: Nheo mắt nhìn thế giới có chất “hậu hiện đại”, vì có lối kể chuyện, như bài “Rượu của Nguyễn Cao Kỳ” chẳng hạn. Lại có người bảo thơ của Bằng Việt không mới về thi pháp, thậm chí nó vẫn như những gì ông viết từ thập niên 60 của thế kỷ trước. Rõ ràng, trong lời bộc bạch cùng bạn đọc, tác giả đã cho thấy rằng ông không xem làm thơ là “trò chơi chữ nghĩa”, ông không cố gắng “làm xiếc với ngôn từ”. Ông đã lựa chọn “thái độ tiếp cận ra sao với chức năng của thơ, cách chọn góc nhìn ở tầm nào, và cách xử lý các chất liệu thơ ra sao, để truyền đạt được hết thông điệp của mình đến với người đọc...”.

Trong một lần nói chuyện khác, nhà thơ cũng từng lên tiếng: “Thơ ca hiện nay cũng rất thẳng thắn, hình thức theo tôi là không quan trọng mấy. Nhà thơ có thể làm thơ leo thang, thơ không vần hay liền tù tì như bài văn xuôi cũng được. Vấn đề ở đây là cách nói, cách truyền tải tới người đọc sao cho dễ hiểu và được chấp nhận. Nói thế này cho dễ hiểu, một tác phẩm thơ hay giống như một chiếc bình, đẹp hay xấu mà chứa rượu ngon thì vẫn được người thưởng thức chấp nhận. Yếu tố nội dung bên trong là quan trọng nhất chứ không phải hình thức bên ngoài”.

Rõ ràng, thơ Bằng Việt xác lập một thái độ sống. Thái độ ấy là trách nhiệm của công dân thi sĩ về những vấn đề thời cuộc, có những tác động sâu sắc vào lối sống, vào văn hoá và tiềm ẩn khả năng giăng níu cõi người. Thơ

ông dù giai đoạn nào cũng luôn đề cập đến vấn đề thời đại quan tâm, nói những vấn đề thời đại hướng tới.

Là nhà thơ thành danh trong thơ chống Mĩ, từ hôm nay nhìn lại chặng đường sáng tác đã qua, nhà thơ đã khái quát và đúc kết lại các đặc điểm về phương pháp và thế giới quan chung cho các nhà thơ trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Qua đó phác họa nên những đặc trưng của các sáng tác trong thời kỳ này. Thực ra, đây là câu chuyện của cả một đời người cầm bút với gần năm mươi năm trăn trở, suy ngẫm, chiêm nghiệm và sáng tạo. Nhà thơ Bằng Việt viết: “Có một điểm có lẽ là điểm mấu chốt nhất của thế hệ văn học trưởng thành trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, đó là phạm trù cái tôi biết tự nguyện điều tiết thế nào trong cái ta, bản thể cá nhân mình hoà nhập đến đâu với cả thế hệ mình và biết đặt mình vào mối quan hệ tương hỗ như thế nào, để sẵn sàng đóng góp trên ý thức xây dựng chung, cho tất cả cộng đồng”.

Theo tác giả, một trong những đặc tính cơ bản cấu tạo nên giá trị nền tảng của cảm xúc thi ca là cái chất trữ tình, thi vị, mơ mộng, lãng mạn, là cảm xúc thuần tuý, cảm xúc gốc luôn mang chứa sự bí ẩn của cái đẹp và giá trị vĩnh hằng trong nó. Đây là điều mà nhà thơ Bằng Việt trong bài viết thay lời tựa của mình, cũng đã bày tỏ và dành nhiều tâm huyết trong những suy tư trăn trở về “tính cá biệt và tính đặc thù của cảm xúc thơ cũng như tính độc đáo trong mỗi khám phá nội tâm - là chủ thể trong thơ”. Xúc cảm thơ ca khác biệt của nhà thơ Bằng Việt đã mang đến cho thơ thời chống Mĩ một cái nhìn tươi tắn trước hiện thực chiến tranh khốc liệt, bạo tàn; một cái nhìn lãng mạn, ấm áp tin yêu về sức sống thật phi thường của một dân tộc yêu chân lý, độc lập tự do, yêu và nâng niu cái thiện, cái đẹp. Cái chất thi sĩ cứ chờn vờn sương sớm

ấy, đã lan tỏa ở chỗ này chỗ kia trong các sáng tác của nhà thơ Bằng Việt suốt thời kỳ này:

Có gì bâng khuâng mãi

Những cánh hoa bìm gợi nhớ rất xa…

Ôi những xe trâu thủng thẳng vào cơn mơ Bắt tuổi thơ nóng lòng theo bước một Ôi những nương cao màu trăng lục nhạt...

(Từ giã tuổi thơ)

Và còn phảng phất mãi trong cả hơi thơ thời sau này:

Nếu làm mây, cứ như mây

Một mai tan xuống đất này, được không? Nếu em là kiếp bềnh bồng

Thì tôi vĩnh viễn phải lòng phù du Nếu em khoát mở sa mù

Thì tôi vĩnh viễn hóa bờ bến xa, Cầu may tới cõi giao hòa

Cầu may có được ngôi nhà biết yêu! (Lục bát cầu may)

Làm thơ, Bằng Việt luôn day dứt, trăn trở, kết tinh những suy ngẫm của mình về nhân tình thế thái. Cái chất triết lý trong thơ ông từ thời chống Mĩ với những suy ngẫm về số phận con người trong chiến tranh, về hy sinh, mất mát, về lẽ tồn vong của dân tộc, về vẻ mặt con người thời chiến; cho đến những suy ngẫm về số phận con người thời hậu chiến, về những đổi thay muôn mặt đời thường khi đất nước bước sang thế kỉ mới,… luôn trở đi trở lại như một mối quan tâm thường trực, một nỗi ám ảnh.

Nếu như ở thời kì kháng chiến, thơ ông là sự khái quát về vẻ mặt con người Việt Nam, về cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại; thời kì hậu chiến là sự khái quát về cuộc sống sau chiến tranh, về số phận con người với những mất

mát, với những mặt khuất của chiến tranh mà ở giai đoạn trước chúng ta tránh nói tới; thì thơ ông khi bước vào thế kỉ mới có nhiều triết luận, lập ý nhưng khác trước ở chỗ, Bằng Việt “gọi” chúng từ những hiện tượng và sự vật cụ thể, gần gũi trong đời sống quanh ta. Điều đó làm cho những triết luận của ông không gán ghép, gượng gạo. Để những triết lý đạt đến độ tự nhiên, nhuần nhuyễn là cả một quá trình lao động công phu, “có thể ví như quá trình thiền, quá trình tu đến cõi của đại tu sĩ”.

Bày tỏ quan niệm về thơ hay, về chức năng của thơ, Bằng Việt cho rằng: “Tôi thì không khẳng định rằng thơ hay sẽ cứ phải bất tử, trong một thế giới luôn luôn có nhiều biến đổi như thế giới chúng ta đang sống. (Ngay trong tập thơ này, tôi cũng có một bài thơ nhan đề “Thơ hay - có cần phải chết?!”). Thơ hay, tôi nghĩ, cũng vẫn có thể chết như thường, miễn là lúc đang sống, nó đem lại một giá trị gì đó phổ quát và cập nhật cho con người. Thế đấy, nhưng thế cũng đã đủ làm nên vinh dự cho thơ và người làm thơ lắm rồi chứ !”. Cả đời thơ của ông là sự minh chứng cho những nhọc nhằn, nỗ lực sáng tạo của người nghệ sĩ lao động nghệ thuật chân chính để thơ “đem lại một giá trị gì đó phổ quát và cập nhật cho con người”

Một phần của tài liệu Sự thống nhất giữa phong cách cá nhân và phong cách thời đại trong thơ bằng việt (Trang 27 - 31)