Cái nhìn tin yêu con người mang tính chất thời đại trong thơ Bằng

Một phần của tài liệu Sự thống nhất giữa phong cách cá nhân và phong cách thời đại trong thơ bằng việt (Trang 49 - 59)

6. Cấu trúc luận văn

2.1.2. Cái nhìn tin yêu con người mang tính chất thời đại trong thơ Bằng

Bằng Việt

Nhà nghiên cứu văn học Thiếu Mai đã từng nhận định: “Dễ nhận thấy qua mấy tập thơ của Bằng Việt tấm lòng thủy chung, trung hậu của anh đối với con người, với đất nước…”. Có thể thấy rằng, cùng nằm trong dòng chảy của thơ cách mạng sau 1945, cũng như sáng tác của các tác giả khác giai đoạn này, thơ Bằng Việt lấp lánh ánh nhìn tin yêu ấm áp đối với con người. Như chính tác giả có lần bộc bạch trong thơ: Trăng vẫn sáng hương thơm và gió thổi - Nhưng ta chỉ thiết tha nhìn sắc mặt con người. Cái nhìn thiết tha ấy chứa đựng bao yêu thương, trân trọng đối với quyền sống, quyền hạnh phúc của con người.

Trên hành trình cuộc đời, cũng như hành trình thơ, Bằng Việt luôn cố gắng đi tìm “hạt ngọc ẩn giấu” trong những cái “bình dị”, “lặng lẽ”, “khiêm nhường” của cuộc sống. Cái nhìn tin yêu con người của ông vì thế, cũng hướng đến những con người bình dị, lặng lẽ, khiêm nhường:

Mỗi gương mặt bình thường, sau nghìn lần sống chết Rọi ánh sáng vào tôi, cùng những khoảng trời cao

(Những gương mặt, những khoảng trời)

Đó là những người lính những chiến sĩ không tên chung sức nhau làm nên lịch sử; là những người phụ nữ với vẻ đẹp dịu dàng, thuần khiết, vững bền qua mọi gian truân, và là những em bé mỗi gương mặt sinh ra để đón một vòm trời.

* Cái nhìn tin yêu đối với người lính

Trong 30 năm của nền thơ cách mạng sau 1945, chân dung người lính luôn là hình tượng trung tâm của thơ ca nói riêng, văn học nói chung. Trong hầu hết các sáng tác giai đoạn này, chúng ta thấy được người lính từ nhiều góc độ, nhiều cách nhìn, với nhiều “vẻ mặt”, tạc vào thế kỉ những “dáng đứng”

khác nhau. Đó là người lính thời kì kháng chiến chống Pháp lãng mạn, hào hoa mà kiêu dũng trong thơ Quang Dũng Mắt trừng gửi mộng qua biên giới - Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm; là anh nông dân khoác áo lính hiền lành, chất phác trong Đồng chí của Chính Hữu Quê hương anh nước mặn đồng chua - Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá; đầy hồn nhiên, hóm hỉnh Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha trong thơ Phạm Tiến Duật;… Tất cả tạo nên hình ảnh người lính với cái nhìn đầy đủ, toàn vẹn.

Kinh qua hai cuộc chiến tranh, là chứng nhân cho một thời tột cùng gian truân, tột cùng hạnh phúc, thơ Bằng Việt ghi lại hình ảnh đất nước trong khói lửa ác liệt, trong đạn bom, trong những tháng ngày mà con đường đẹp nhất là con đường trên trận tuyến với quân thù. Thời kì này, chân dung người lính cũng trở thành hình tượng trung tâm trong các sáng tác của ông. Hình tượng người lính hiện lên đẹp bình dị, hy sinh thầm lặng và khiêm nhường thể hiện cái nhìn tin yêu, trân trọng của một người lính từng đi qua chiến tranh và là người “đứng trong cuộc với thời đại mình”.

Đó trước hết là cái nhìn tin yêu đối với sức mạnh của người lính:

Cửa Tùng

Những con người da nâu sắt lại Một trai ba gái

Luân phiên thức cùng biển khơi Súng, xẻng và dao

Bi đông nước và băng đạn Tập thể chưa bao giờ li tán

Suốt cuộc chiến tranh căng thẳng từng ngày (Trước Cửa Tùng)

Sức mạnh của họ là sức mạnh của tình đoàn kết, sức mạnh tập thể, sức mạnh cộng đồng. Họ kề vai sát cánh bên nhau, đồng cam cộng khổ, chia sẻ

cùng nhau, chung sức trên trận chiến với quân thù. Nhà thơ đã thể hiện một niềm tin về nghị lực cách mạng phi thường của người lính trong chiến tranh dù trong hoàn cảnh nào cũng kiên tâm, bền gan chiến đấu. Âm thầm, lặng lẽ, chính họ làm nên cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc:

Những chiến sĩ không tên chung sức nhau làm nên lịch sử

Vạn chuyến xe đưa thoi, ước đã bon qua trái đất mấy mươi vòng?

Sức dân ta bỏ ra đã đủ xây xong hàng trăm kim tự tháp

Xong vạn lý trường thành, xong những kênh đào qua sa mạc Shahara

Xong những nhà chọc trời, hay đường xe điện ngầm suốt từ Nam ra Bắc

Nhưng lại phải đào hàng triệu hố cá nhân và lấp hàng triệu hố bom lở loét

Bạt núi, xẻ đường qua vách đá mây bay

Dựng những dàn ngụy trang cho xe dài trên ngàn cây số Chiến trường có gì vừa thô sơ, vừa thần thoại

Dấu tích những bàn tay khổng lồ với từng khuôn mặt dịu dàng kia.

(Trước cửa ngõ chiến trường)

Đó là còn là cái nhìn tin yêu của nhà thơ trước sự hy sinh thầm lặng, khiêm nhường của họ - biểu tượng vẻ đẹp tâm hồn Việt Nam trong chiến đấu :

Chỗ ai chưa qua là chỗ anh qua Cái chết nằm im cho anh tháo gỡ

Cái chết nằm im cho những chuyến xe thông Những thủy lôi chín mắt Hàm Rồng

Anh đã vớt không quả nào kịp nổ Hai tay trắng làm đui mù điện tử Chỗ ai chưa quen là chỗ có anh quen

(Người giữ tuyến đường xuân)

Qua nét vẽ tài hoa, qua ánh nhìn đôn hậu, yêu thương của nhà thơ, hình tượng người lính trong thơ Bằng Việt góp thêm một “dáng đứng” của người lính vào “dáng đứng Việt Nam”.

* Cái nhìn tin yêu đối với người phụ nữ

Người phụ nữ là biểu tượng của cái đẹp, là đề tài muôn thuở trong thơ ca. Trong thơ Bằng Việt, xuất hiện nhiều hình ảnh của người bà, người mẹ, của những cô thiếu nữ,… Với riêng ông, người phụ nữ không chỉ là biểu tượng của cái đẹp mà họ là những người làm hoàn thiện bức tranh tâm hồn của con người Việt Nam.

Có thể thấy những dòng thơ hay nhất của Bằng Việt là những dòng viết về người bà. Người bà hiện lên với cuộc đời khó nhọc, lận đận nắng mưa, nhưng tấm lòng bao dung rộng mở, chan chứa yêu thương:

Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm,

Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi Nhóm nồi xôi gạo mới, sẻ chung vui

Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ… (Bếp lửa)

Trong hoàn cảnh những năm tháng giặc đốt làng “cháy tàn, cháy rụi”, bà vẫn vững lòng vượt lên hoàn cảnh. Trong lời dặn cháu của bà chứa đựng đức hy sinh cao cả, và một tấm lòng yêu thương đôn hậu:

Bố ở chiến khu còn việc bố Mày có viết thư chớ kể này kể nọ Cứ bảo nhà vẫn được bình yên

(Bếp lửa)

Trên cái nền khốc liệt của chiến tranh, Bằng Việt đã khắc tạc hình tượng người bà như một bức tượng đài sừng sững trường tồn trong không gian, thời gian và trong trái tim hàng triệu độc giả:

Bãi cỏ lau già bà đứng dáng xiêu xiêu Cành xoan mảnh trên tay làm gậy chống Gió xa tắp, đồng tháng năm lồng lộng Tóc phơ phơ, hắt đỏ cả ráng chiều

(Đôi dòng tiễn đưa bà nội)

Cảm xúc về người bà, nói rộng ra là cảm xúc về tấm lòng đôn hậu, đức hy sinh của người phụ nữ Việt Nam đã làm nên bài thơ Bếp lửa, làm nên ngọn nguồn xúc cảm của trang thơ ông.

Cùng với người bà, hình tượng người mẹ trở lại nhiều lần trong trang thơ ông. Đó là những bà mẹ Trường Sơn, thăm thẳm trước rừng đêm - Nấu bát canh dong Tây nhường con ăn khỏi đói; là bà má Cửu long Giang tiễn con đi bảo vệ cả điệu vũ cổ sơ bên đống lửa rừng già Châu Úc; là người mẹ già với những nếp hầm ven động cát;… Những lời thơ viết về người mẹ là những lời thơ chứa đầy tin yêu đối với cuộc đời lam lũ, vất vả:

Quen bùn trát trên kẽ tay Xót cát sạn tròng con mắt Một đời vất vả vun trồng Mẹ hiểu nỗi lòng của đất…

(Nghe đất)

Mẹ nghe tiếng dội vang trầm Lặng lẽ hiểu lời của đất Một lời thủy chung duy nhất Vượt qua hết thảy quân thù

(Nghe đất)

Người mẹ trong chiến tranh hiện lên với sức chịu đựng thật phi thường. Kẻ thù chia cắt đất nước, chia cắt tình chồng vợ, cha con, mẹ vẫn kiên định bền gan nuôi con một mình cả cuộc đời chèo chống bấy nhiêu năm - mẹ không nhớ mẹ già đi - chỉ nhớ lưng còng gập mãi.

Cái nhìn của nhà thơ càng ấm áp tin yêu khi viết về tấm lòng của mẹ:

Con bị thương, nằm lại một mùa mưa Nhớ dáng mẹ ân cần mà lặng lẽ Nhà yên ắng, tiếng chân đi rất nhẹ Gió từng hồi trên mái lá ùa qua

Con xót lòng mẹ hái trái bưởi đào Con nhạt miệng có canh tôm nấu khế Khoai nướng, ngô bung, ngọt lòng đến thế Mỗi ban mai tỏa khói ấm trong nhà

(Mẹ)

Hình ảnh người mẹ qua sự thấm thía yêu thương, biết ơn của nhà thơ đẹp giản dị, đẹp ở sự ân cần chăm sóc, ở tấm lòng yêu dân như con, ở cả đức hy sinh:

Con ra ngõ núi chập chùng xanh ngắt Lại tần ngần nói với mẹ ngày đi Mẹ cười xòa nước mắt ứa trên mi - “Đi đánh Mỹ, khi nào tau có giữ! Súng đạn đó, ba lô còn treo đó

Bộ mi chừ đeo đã vững hay chăng?” (Mẹ)

Có thể nói vẻ đẹp tâm hồn của con người Việt Nam đã hóa thân nơi mẹ. Hay, mẹ chính là biểu tượng cho vẻ đẹp tâm hồn con người Việt Nam.

Dễ dàng nhận thấy, tác giả cũng đã giành khá nhiều lời thơ trìu mến cho những người con gái Việt Nam. Có khi đó là “em” - Em tươi tắn như mùa xuân thứ nhất - Nhưng thủy chung như một sắc mai già - Đôi mắt mở to dịu dàng thấm mát - Sau rất nhiều gian khổ đi qua; có khi là cô gái Huế dịu dàng, đằm thắm trong miền kí ức Em nhớ cơn mưa mùa hạ hiền lành - Sau cơn mưa là những đêm sao sa - Con sông nước rất trong, cỏ may và cánh phượng - Một sắc gì xa như sắc bướm - Tuổi thơ em; có khi là cô thanh niên xung phong

phất cờ bên vực hẻm, những cô gái hiền hậu mảnh mai mà khiến hạm đội bảy sừng sững trước Thái Bình Dương như một tòa núi lửa phải lùi xa; có khi là cô giao liên Người dẫn đường bao giờ cũng là cô gái - Áo bà ba thấm đẫm hơi sương. Nhưng, dù là ai, “em” cũng đẹp bởi sự trẻ trung, tươi mới, bởi sự hiền hòa, dịu dàng, bởi đức chịu thương chịu khó, và hơn hết là bởi sự hy sinh tuổi thanh xuân Sau những cơn sốt rét rung người - Em chải tóc, tóc rụng dần thưa thớt, bởi sự kiên cường vượt qua thử thách lửa chiến tranh:

Ôi ngọn đèn phòng không trên bãi trống không nhà Giọng con gái giữa vùng bom tọa độ

Em chốt đó, suốt những mùa giông gió Giành đất sinh sôi giữa biển trời

(Đất nước)

Những năm gay go em chịu quen rồi Đã bơi qua sông, đã bò lên bốt giặc

Đã tuốt lúa bằng tay; đã nuốt đau bằng mắt

(Huế, tấm lòng em)

Có thể thấy, dù là người bà, người mẹ, hay người “em”, thơ Bằng Việt luôn thể hiện cái nhìn tin yêu trước vẻ đẹp thuần khiết, dịu dàng, vẻ đẹp vững bền qua gian truân như vàng thau qua thử lửa của người phụ nữ. Chúng ta trân trọng cái nghiêng mình của tác giả trước sự dũng cảm, bền bỉ thầm lặng của họ - cái nghiêng mình đầy tin yêu, cảm phục.

* Cái nhìn tin yêu đối với những em bé

Với trái tim nhạy cảm, đôn hậu của một hồn thơ tinh tế, Bằng Việt dường như trăn trở nhiều trước cuộc sống, số phận của trẻ thơ - những gương mặt sinh ra để đón một vòm trời.

Chiến tranh như một cơn sóng thần, tàn phá, cuốn phăng đi mọi thứ. Sức tàn phá khiến cho những con người sống trong lòng nó phải gồng mình lên để chống đỡ. Chiến tranh không chỉ làm cho cuộc sống của người lớn vất vả, khó khăn chồng chất mà khiến cho cuộc sống trẻ thơ cũng trở nên khác thường. Trước những Phù Đổng của thời chiến, nhà thơ thể hiện một cái nhìn tin yêu đối với những mầm sống đang nảy nở trên tro tàn:

Em bé lần đầu tiên mở mắt

Trước những giọt lân tinh và màu xăng đặc Em bé lần mở mắt đầu tiên

Trước kẻ thù cuồng dại như điên

Trước những hình thù hoang sơ quái gở (…)

Lạ lùng, bằng giọng rất trong

Cất tiếng khóc đầu tiên, chào thế giới! (Phút sinh ra những thần Phù Đổng)

Sự sống nảy mầm ngay trong lòng cái chết. Có một nguồn sống dường như bất diệt vẫn rần rật chảy. Sự ra đời của “những thần Phù Đổng” dường như là

lời thách thức chiến tranh. Bất chấp những loạt đạn, những trận bom, tiếng khóc đầu tiên chào thế giới chứng tỏ sự bất diệt của nguồn sống, sự trường tồn của dân tộc. Giây phút chào đời của “em”, cả dân tộc kiêu hãnh thách thức trước quân thù.

Thơ Bằng Việt còn thể hiện sự xa xót, niềm xúc động rưng rưng khi chứng kiến sự lớn lên trong tầm bom rơi, đạn lạc của các em. Cái nhìn của ông là sự nâng niu, như muốn ốm trọn, che chở những “giấc say” trong một ngày có đến mấy mươi lần “ cơn báo động”:

Nhà dưới đồi mây giăng quá ngây thơ Một giọng ru nghe mềm và ấm.

Có gì cảm động và đơn sơ lắm Cái ngủ thời nào vẫn ngủ trưa nay!

Nôi sát nôi giờ nối mặt đường dây Tiếng ru đung đưa bóng mát tràn đầy Buông dây thả nôi vào hầm trú ẩn Như cánh thuyền bay trong giấc say…

(Nhà giữ trẻ)

Đối mặt với chiến tranh, sống từng ngày trong sự giáp ranh sự sống – cái chết, không cách nào hơn là phải bình tâm đón nhận. Cả dân tộc vẫn âm thầm song quyết liệt bước qua gian lao thử thách. Các “thần Phù Đổng” dường như có một sự tiếp sức kì lạ, lặng lẽ lớn lên, trưởng thành như truyền thuyết Thánh Gióng xưa. Mỏng manh, non nớt, nhưng trong các em tiềm tàng một sức mạnh, một nguồn sống, vượt lên làm chủ hoàn cảnh:

Con đan lá ngụy trang Con che đèn đánh lửa Con đưa em xuống hầm

Biết xoay lưng chắn cửa

Nhưng con vẫn học đều Mỗi năm lên một lớp Cha vẫn đọc thư con Chữ dần dà cứng cáp

(Về Nghệ An thăm con)

Chữ dần dà cứng cáp hay đó chính là sự cứng cáp của bản lĩnh, của khát vọng sống, khát vọng giành độc lập - tự do?

Cái nhìn tin yêu của Bằng Việt còn xen lẫn sự xa xót nhưng cũng thật tự hào của ông khi chứng kiến các em bé với đôi mắt tươi như hát, ngạc nhiên nhìn biển rộng, ngạc nhiên nhìn trời trong, với tâm hồn đầy ngây thơ, trong trẻo nhưng sớm phải trưởng thành, sớm ý thức sứ mệnh lớn lao của mình trong tương lai. Ý thức sứ mệnh của mình, bên bãi tha ma, dưới ánh sáng của những ngọn đèn dầu rực cháy, các em lặng lẽ trau dồi kiến thức, vững vàng làm chủ nhân đất nước:

Côpecnic và Niutơn đã cùng các em xuống đấy Ơcơlit và Pitago đã cùng các em xuống đấy Bên bãi tha ma, ngọn đèn dầu rực cháy Bên bãi tha ma, đang bắt đầu tương lai Các em là ai

Cả thế giới chưa từng biết… (Học trò Hà Tĩnh)

Với khao khát là chứng nhân của một thời kì lịch sử, Bằng Việt dường như muốn ghi lại từng mảnh ghép của cái hiện thực “điêu tàn” ấy nhằm tố cáo chiến tranh, lên án tội ác của quân giặc. Trong hiện thực đó, cái nhìn của Bằng Việt hướng nhiều hơn đến những người lính, những người phụ nữ, những em

bé. Họ - những tượng đài biểu tượng vẻ đẹp tâm hồn dân tộc Việt vẫn sừng sững hiên ngang qua bão táp chiến tranh, khắc tạc vào lòng độc giả những tình cảm vừa yêu mến, trân trọng, vừa cảm phục, tự hào.

Một phần của tài liệu Sự thống nhất giữa phong cách cá nhân và phong cách thời đại trong thơ bằng việt (Trang 49 - 59)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(142 trang)
w