Phong cách thời đại của nền thơ cách mạng Việt Nam sau

Một phần của tài liệu Sự thống nhất giữa phong cách cá nhân và phong cách thời đại trong thơ bằng việt (Trang 45 - 49)

6. Cấu trúc luận văn

2.1.1.Phong cách thời đại của nền thơ cách mạng Việt Nam sau

Cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 mở ra trên đất nước ta một kỉ nguyên mới: kỉ nguyên độc lập, tự do, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Thời kì này trong văn học, dòng chủ đạo, chủ lưu, chính thống là dòng văn học cách mạng. Đây là dòng văn học kéo dài từ thời kì kháng chiến chống Pháp sang thời kì kháng chiến chống Mĩ. Với những đỉnh cao như Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Chế Lan Viên… dòng văn học này đã tạo được sự tin tưởng, có sức vẫy gọi đối với những người sáng tác. Nó chi phối đến cảm hứng, tư duy nghệ thuật, tư tưởng chủ đạo,… của nhiều tác giả thời kì này.

Gieo hạt, ươm mầm trên mảnh đất hiện thực xã hội chủ nghĩa, thơ Bằng Việt cũng chịu những ảnh hưởng, chi phối, những áp lực chung của phong cách thời đại này.

Thơ cách mạng sau 1945 là một nền thơ phục vụ chính trị, cổ vũ chiến đấu. Độc lập, tự do vừa giành được chưa bao lâu thì giặc Pháp trở lại, giặc Mĩ kéo vào. Nước ta lại gồng mình bước vào cuộc chiến tranh giữ nước. Mọi cách cảm, cách nghĩ của các cá nhân lúc này đều hướng về công cuộc vệ quốc. Thơ lúc này vì thế cũng hướng đến những vấn đề thời sự, trọng đại của dân tộc. Những cây bút chân chính lúc bấy giờ đều thấy đường lối văn nghệ của Đảng là đúng đắn, là phù hợp. Cho nên các tác giả khi cầm bút sáng tác đều

đứng trên lập trường kháng chiến, xác định cho mình một mục đích là viết để tuyên truyền chính trị, cổ vũ tinh thần chiến đấu.

Trong thơ ca giai đoạn này, tình cảm chủ yếu trong thơ là tình cảm công dân, tình cảm chính trị: tình đồng chí, tình đồng bào, tình quân dân,… Những tình cảm khác như tình yêu, tình bằng hữu, tình gia đình,… cũng có xuất hiện trong thơ, song đều được nâng lên thành tình cảm chính trị (Quê hương - Giang Nam, Nhớ - Hồng Nguyên, Núi đôi - Vũ Cao…) Thời kì này, giá trị con người hay tình cảm cũng phải được phán xét, đánh giá theo những tiêu chuẩn chính trị, quan điểm chính trị. Theo đó, tiêu chuẩn chính trị cũng trở thành tiêu chuẩn mĩ học cao nhất trong phê bình văn học.

Đứng trên quan điểm văn học phục vụ chính trị, thơ ca theo sát từng bước đi của cuộc cách mạng. Sự vận động của thơ ca song hành, theo sát từng nhiệm vụ chính trị của đất nước: ca ngợi cách mạng và cuộc sống mới, ca ngợi thành tựu khôi phục kinh tế, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc,…

Thứ hai, chúng ta dễ dàng thấy rằng, thơ ca sau 1945 là một giai đoạn văn học hướng về đại chúng, trước hết là công - nông - binh. Đây là đối tượng sáng tác, công chúng, lực lượng sáng tác của văn học. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Viết cho ai? - Viết cho đại đa số: công nông binh. Viết để làm gì? - Để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình. Để phục vụ quần chúng”. Quan điểm này của Người trở thành kim chỉ nam cho giới sáng tác. Vì thế, giai đoạn này thơ chủ yếu đi vào những chủ đề như: phê phán cách nhìn có định kiến sai lệch đối với quần chúng; trực tiếp ca ngợi quần chúng, hoặc xây dựng hình tượng đám đông sôi động của công nhân, nông dân, bộ đội, dân công,… đầy khí thế và sức mạnh (Đêm liên hoan - Hoàng Cầm; Ta đi tới, Hoan hô chiến sĩ Điện Biên - Tố Hữu), hoặc xây dựng những nhân vật anh hùng kết tinh phẩm chất cao đẹp của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc (Theo chân Bác, Sáng

tháng năm, Bác ơi!, Mẹ Tơm, Mẹ Suốt,… - Tố Hữu); khẳng định sự đổi mới của nhân dân nhờ cách mạng;…

Hướng tới đại chúng, phục vụ đại chúng, thơ sau 1945 hướng tới lối viết giản dị, dễ hiểu. Các tác giả giai đoạn này vì thế thường tìm về cội nguồn văn học dân gian. Nếu Tố Hữu phát huy các thể điệu dân ca và những thủ pháp nghệ thuật của ca dao truyền thống thì Lưu Trọng Lư, Trần Hữu Thung tìm đến thể hát giặm Nghệ Tĩnh, Thanh Tịnh lại soạn những bài độc tấu phát huy điệu nói, lối vui nhộn của hề chèo,… Những cố gắng này của các tác giả đều nhằm đưa đến những tác phẩm nghệ thuật giản dị, dễ hiểu, dễ nhận được sự đồng điệu nơi tâm hồn đại chúng.

Tiếp sức bởi không khí thời đại, lửa thời đại, sẵn trong tâm một sự nung nấu, sáng tác của các tác giả giai đoạn này dù thiên về ngợi ca, dù hướng tới nhiệm vụ phục vụ chính trị, cổ vũ cách mạng vẫn không phải là kết quả của sự gắng sức bằng lí trí mà là kết quả của tình cảm, cảm xúc được thăng hoa. Hiện thực cuộc sống, hiện thực tình cảm trong thơ vẫn khiến người đọc có sự rung cảm chân thành.

Thứ ba, sau 1945 là giai đoạn thơ ca chủ yếu sáng tác theo khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn.

Với công cuộc vệ quốc vĩ đại, mỗi một con người Việt Nam ở vào tình huống không thể không trở thành anh hùng: Họ đã sống và chết - Giản dị và bình tâm - Không ai nhớ mặt đặt tên - Nhưng họ làm ra đất nước. Mỗi người, theo một cách tự nhiên, đều cảm nhận được mối quan hệ máu thịt giữa cá nhân mình và dân tộc. Từ ý thức nhân danh cộng đồng, họ suy nghĩ, hành động đều vì cái chung, dẹp bỏ cái riêng tư, quyền riêng tư, thậm chí chấp nhận cả sự hy sinh:

Ôi Tổ quốc, ta yêu như máu thịt Như mẹ cha ta, như vợ như chồng

Ôi Tổ quốc, nếu cần, ta chết

Cho mỗi căn nhà, ngọn núi, con sông…

(Chế Lan Viên)

Ra đời, phát triển trong bối cảnh đó, thơ cách mạng sau 1945 là nền thơ của những sự kiện lịch sử, của vận mệnh dân tộc, của số phận toàn dân, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Mấy mươi năm đấu tranh giữ nước, có thể nói, chúng ta đã sống chủ yếu với tâm lý lãng mạn - một chủ nghĩa lãng mạn thấm nhuần tinh thần chiến thắng và chủ nghĩa anh hùng. Cả nước mang một niềm tin, sự lạc quan Buổi đất nước Hùng Vương có Đảng - Mỗi người dân đều được thấy Bác Hồ - Thịt xương ta giặc phơi ngoài bãi bắn - Lại tái sinh từ Pắc - bó, Ba - tơ lúc bấy giờ là sức mạnh giúp Mỗi gié lúa đều muốn thêm nhiều hạt - Gỗ trăm cây đều muốn hóa nên trầm - Mỗi chú bé đều nằm mơ ngựa sắt - Mỗi con sông đều muốn hóa Bạch Đằng để vượt qua những gian lao, thử thách, hướng tới một viễn cảnh tươi đẹp của một đất nước độc lập, tự do.

Đây là những năm tháng tuy đứng trong tột cùng gian truân, song con người sống trong tột cùng hạnh phúc với sự ấm áp của tình đồng chí, đồng bào, tình quân dân. Những tình cảm ấy tạo nên sức mạnh đoàn kết không gì phá vỡ được, lay chuyển được. Sức mạnh ấy khiến cho dân tộc nhỏ bé chúng ta có thể tự hào khi ghi tên Việt Nam lên dải đất hình chữ S trên bản đồ thế giới.

Thơ ca sau 1945 hình thành và phát triển trong những điều kiện đặc biệt ấy đã ghi lại được không khí thời đại với khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn, làm nên một thời đại thơ ca trong lịch sử văn học dân tộc.

Một phần của tài liệu Sự thống nhất giữa phong cách cá nhân và phong cách thời đại trong thơ bằng việt (Trang 45 - 49)