31
Lễ hội là một hình thức sinh hoạt văn hóa đặc sắc phản ánh đời sống tâm linh của mỗi dân tộc. Các hoạt động lễ hội thường thu hút nhiều khách hành hương và khách du lịch. Bất cứ lễ hội nào cũng đều có hai phần chính là phần lễ và phần hội. Tùy thuộc vào tính chất của lễ hội mà nội dung phần lễ sẽ mang ý nghĩa riêng. Tại Đồng Nai Có thể chia các lễ hội thành mấy loại sau [15, trang 20] :
+ Lễ hội mang tính quốc gia : Tết Nguyên Đán, Tết Trung thu, Giỗ tổ Hùng Vương, giỗ Đức thánh Trần Hưng Đạo,...
+ Lễ hội làng xã truyền thống : cúng đình, cúng vía trời đất, cúng bà, tả tài phán,... + Lễ hội của các dân tộc ít người : cúng lúa mới, cầu được mùa, đâm trâu, cầu an... + Lễ hội tôn giáo : Phật Đản, Vu Lan, Giáng Sinh, Phục Sinh, Ramadan...
+ Lễ hội kỷ niệm những sự kiện lịch sử của Việt Nam : Quốc khánh, ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng...
+ Lễ hội kỷ niệm những sự kiện lịch sử Đồng Nai : lễ hội truyền thống cách mạng tại Chiến Khu Đ, Chiến thắng La Ngà, chiến thắng sân bay Biên Hòa...
Các lễ hội truyền thống làng xã vẫn còn khá phổ biến ở Đồng Nai. Lễ hội cúng đình mà một trong những hình thức của nó là lễ Kỳ Yên thường diễn ra tại các đình làng trên địa bàn thành phố Biên Hòa và huyện Long Thành, nơi có số lượng tập trung đình chùa rất lớn. Lễ Kỳ Yên là lễ chính của đình gọi là vía thần nhưng thực chất là lễ hội nông nghiệp, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Lễ hội thường diễn ra ba ngày, mỗi đình mỗi khác, gồm 3 lễ chính Túc Yết, Đàn Cả, Tiền hiền - Hậu hiền và các nghi lễ khác như rước sắc thần, xây chầu, đại bội... Song song với lễ hội, cũng diễn ra các hoạt động ca hát, vũ điệu mang ý nghĩa nghi lễ, tạo thêm sự trang nghiêm và tính long trọng của lễ hội.
Điểm đặc sắc của các hoạt động lễ hội còn được thể hiện qua các loại hình lễ hội của các dân tộc ít người. Trong số đó phải kể đến một số lễ hội hiện vẫn còn tồn tại như lễ hội đâm trâu (dân tộc Châu Mạ - Tân Phú), lễ hội cầu an (dân tộc Hoa – xã Phú Vinh, huyện Vĩnh Cửu)..., và một số lễ hội đã thất truyền nhưng có khả năng khôi phục như lễ hội cúng lúa mới (dân tộc Châu Ro – Xuân Lộc), lễ hội Ramadan (dân tộc Chăm – Xuân lộc). Đây là những nét sinh hoạt văn hóa, là tinh hoa của các
32
dân tộc anh em sống trên địa bàn Đồng Nai, mang tính đặc thù rất cao, rất thích hợp cho việc tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc vì đối với các tài nguyên văn hóa phi vật thể này, giá trị của nó được thể hiện qua các điệu múa, trường ca, nhạc cụ, món ăn..., vốn rất đặc trưng của các dân tộc. Vì vậy, cần thiết phải có sự điều tra, thu thập đầy đủ lễ hội của các dân tộc ít người, để qua đó có sự chọn lọc, khôi phục các lễ hội để đưa vào kết hợp phát triển du lịch của Tỉnh.
Các làng nghề truyền thống
Các làng nghề truyền thống cũng là các tài nguyên du lịch nhân văn quan trọng chứa đựng những thông tin hấp dẫn, mới lạ với du khách. Khi tham quan các làng nghề, du khách có thể biết được một số nét đặc trưng về văn hóa, tín ngưỡng, lịch sử và cuộc sống của người dân bản cư.
Trên địa bàn Tỉnh Đồng Nai hiện nay, một số làng nghề nổi tiếng có thể phát triển thành các sản phẩm du lịch là: làng bưởi (huyện Vĩnh Cửu), trồng chôm chôm, sầu riêng (huyện Long Thành), làng cá bè (huyện Định Quán), gốm mỹ nghệ (xã Tân Hạnh, xã Hóa An, thành phố Biên Hòa), dệt thổ cẩm (huyện Tân Phú), chế tác đá (phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa).
Các giá trị văn hóa phi vật thể
Do đặc điểm hợp cư của nhiều dân tộc nên văn hóa Đồng Nai rất đa dạng phong phú. Xu hướng của du khách hiện nay, nhất là khách nước ngoài, rất quan tâm đến nét văn hóa của các dân tộc tại nước mà họ đến. Đối với Đồng Nai, trước mắt có thể đưa vào khai thác du lịch kết hợp với một số giá trị văn hóa đặc trưng hiện còn: trường ca, điệu hát, điệu múa, cồng chiêng của dân tộc Châu Mạ (huyện Tân Phú), đờn ca tài tử (huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Thành phố Biên Hòa), ca nhạc dân tộc, ca nhạc hiện đại…Về lâu dài, cần có kế hoạch khôi phục những giá trị văn hóa đã mai một, phát huy và giữ gìn, bảo vệ những nét văn hóa hiện tại tạo cơ hội nhiều hơn cho việc khai thác du lịch văn hóa.