Cơ sở giáo dục học

Một phần của tài liệu Tổ chức hoạt động nhóm cho học sinh trong giờ đọc hiểu văn bản ở trường trung học phổ thông (Trang 33 - 35)

7. Cấu trúc của luận văn

1.2.1.Cơ sở giáo dục học

Cơ sở giáo dục học của việc tổ chức hoạt động nhóm cho học sinh trong giờ Đọc – hiểu văn bản ở trường trung học phổ thông là một số nguyên tắc của quá trình dạy học. Khi dạy học thì người dạy và người học hướng tới các nguyên tắc này để đạt mục tiêu giáo dục. Trong đó quá trình dạy học là một quá trình dưới sự lãnh đạo, tổ chức, điều khiển của người giáo viên, người học tự giác, tích cực, chủ động tự tổ chức, tự điều khiển hoạt động nhận thức, học tập của mình nhằm thực hiện những nhiệm vụ dạy học. Và bản chất của quá trình dạy học là quá trình nhận thức của học sinh. Đồng thời nhiệm vụ dạy học được xác định là: điều khiển, tổ chức học sinh nắm vững hệ thống tri thức phổ thông cơ bản hiện đại, phù hợp với thực tiễn của đất nước về tự nhiên, xã hội - nhân văn, đồng thời rèn luyện cho hệ thống kĩ năng, kĩ xảo

tương ứng; tổ chức, điều khiển học sinh hình thành, phát triển năng lực và phẩm chất trí tuệ, đặc biệt là năng lực tư duy độc lập, sáng tạo; tổ chức, điều khiển học sinh hình thành cơ sở thế giới quan khoa học, những phẩm chất đạo đức nói riêng và phát triển nhân cách nói chung…

Mà quá trình dạy học tồn tại như một hệ thống toàn vẹn, nó tuân theo nguyên lí phát triển và nó luôn phát triển đạt đến chất lượng mới. Nguyên nhân để quá trình dạy học đạt đến chất mới là bởi trong lòng nó luôn chứa đựng các mâu thuẫn và các mâu thuẫn đó luôn được giải quyết. Từ đó, trong quá trình dạy học, học sinh phải là chủ thể tích cực tự giác của hoạt động học, có nhu cầu tự bản thân. Điều này đòi hỏi ở người học phải biết tự học. Tuy nhiên thực tế cho thấy, năng lực tự học sẽ khó phát huy nếu thiếu sự hướng dẫn tổ chức của giáo viên và sự hợp tác của các bạn cùng học. Học tập cần kết hợp nội lực với ngoại lực, cá nhân hóa với xã hội hóa nhằm tiến tới trình độ cao nhất của sự phát triển là cộng hưởng ngoại lực – dạy, hợp tác với nội lực – học. Quá trình tự nghiên cứu, cá nhân hóa việc học phải biết kết hợp với hợp tác với các bạn cùng nhóm, lớp và quá trình dạy của giáo viên tức là quá trình xã hội hóa việc học. Do đó, học sinh cần có những kĩ năng học tập nhất định phù hợp với yêu cầu hoạt động nhóm trong giờ học.

Đồng thời khi xem xét các nguyên tắc của quá trình dạy học, trong số đó có một số nguyên tắc được đề ra như sau:

- Đảm bảo sự thống nhất giữa tính tự giác, tính tích cực, tính độc lập, sáng tạo của học sinh và vai trò chủ đạo của giáo viên trong quá trình dạy học. - Đảm bảo tính vững chắc của tri thức và sự phát triển năng lực nhận thức của học sinh.

- Đảm bảo tính vừa sức và chú ý tới những đặc điểm lứa tuổi, đặc điểm cá biệt và tính tập thể của việc dạy học.

- Giáo dục học sinh trong tập thể và bằng tập thể. - Giáo dục gắn với đời sống xã hội.

Căn cứ vào nhiệm vụ của quá trình dạy học và một số nguyên tắc của quá trình dạy học chúng ta thấy việc tổ chức hoạt động nhóm trong dạy học Đọc – hiểu văn bản là thỏa đáng. Bởi trong quá trình dạy học, để đảm bảo nhiệm vụ, mục tiêu của việc dạy học thì người dạy và người học phải áp dụng một số cách thức, phương pháp phù hợp để hoàn thiện kĩ năng kĩ xảo của mình, tri nhận kiến thức, phát triển năng lực, phẩm chất, cá tính của mình… Đồng thời trong quá trình đó cũng phải thấy rằng các nguyên tắc trên đây là hợp lí với quá trình dạy học theo hình thức tổ chức hoạt động nhóm. Để hình thành cho học sinh các kĩ năng sống cần thiết, biết thích nghi nhanh chóng với đời sống xã hội, phát huy tinh thần tự học, khả năng hợp tác và tính tự lập… thì trong quá trình dạy học Đọc – hiểu văn bản người dạy học tổ chức cho học sinh hoạt động nhóm là chính đáng. Bên cạnh đó, môn Ngữ văn ngoài việc giúp học sinh hoàn thiện các kĩ năng ngôn ngữ nó còn là môn học giáo dục, nuôi dưỡng đời sống tinh thần của người học. Qua việc học các văn bản văn học, khám phá các thông điệp mà tác giả gửi đến cho người đọc học sinh biết hình thành lối sống đẹp, hình thành khả năng thẩm mĩ. Hoạt động nhóm sẽ giúp học sinh vừa được giáo dục trong môi trường tập thể và cũng dùng chính môi trường đó để mà giáo dục họ.

Như vậy việc tổ chức hoạt động nhóm trong dạy học Đọc – hiểu văn bản có cơ sở giáo dục học như những phương pháp, phương thức, cách thức…dạy học khác đã từng được vận dụng có hiệu quả trong quá trình dạy học nói chung và trong dạy học Ngữ văn nói riêng.

Một phần của tài liệu Tổ chức hoạt động nhóm cho học sinh trong giờ đọc hiểu văn bản ở trường trung học phổ thông (Trang 33 - 35)