7. Cấu trúc của luận văn
2.2.2. Vấn đề thảo luận phải phù hợp đặc trưng của bài đọc – hiểu văn bản
vấn đề được giao cho. Trong quá trình hoạt động nhóm với các thành viên trong nhóm sẽ giúp cho người học rèn luyện vốn tiếng Việt, các kĩ năng nói – viết – đọc – trình bày. Bên cạnh đó, người dạy cũng phải đề ra mục tiêu khi đã tổ chức hoạt động nhóm cho học sinh trong giờ Đọc – hiểu văn bản thì hiệu quả đem lại phải cao hơn so với không tổ chức nhóm. Mỗi phương pháp, biện pháp sẽ có ưu thế riêng của nó, song hiệu quả đem lại sẽ không hoàn toàn giống nhau. Và cần thấy hoạt động nhóm trong Đọc – hiểu sẽ không thể phát huy hiệu quả một cách tức thì mà nó cần một quá trình để rèn luyện. Như vậy lại cũng yêu cầu hoạt động nhóm nên được tổ chức thường xuyên cho người học, dĩ nhiên không thể lạm dụng nó dẫn đến phản tác dụng. Việc dạy học là cả một quá trình, mỗi phương pháp, biện pháp dạy học cũng có quá trình của nó. Do vậy, cả người dạy và người học phải tôn trọng tính quá trình của việc tổ chức hoạt động nhóm cho học sinh trong giờ Đọc – hiểu văn bản ở trường trung học phổ thông, bởi trong quá trình của nó ta nhận ra được những ưu nhược điểm và khắc phục những hạn chế có thể.
2.2.2. Vấn đề thảo luận phải phù hợp đặc trưng của bài đọc – hiểu văn bản văn bản
Trong thực tế, không phải mọi bài học đều có thể sử dụng phương thức tổ chức hoạt động nhóm. Mà chỉ ở những bài học có những tình huống có tính vấn đề và yêu cầu cần thảo luận. Và vấn đề phải phù hợp nội dung bài học, phải phù hợp với yêu cầu cần đạt của bài học về tri thức và kĩ năng. Đồng thời nó là vấn đề kích thích được tư duy sáng tạo của người
học chứ không phải là một câu hỏi chỉ để kiểm tra trí nhớ hay khả năng học thuộc lòng của người học.
Văn bản đọc – hiểu là các tác phẩm văn chương do đó cần chú ý đến đặc trưng tính đa nghĩa và đặc trưng về thể loại của mỗi văn bản. Môn học Ngữ văn, nhất là phần Đọc – hiểu nó không như những môn học khác, câu trả lời là một đáp án chính xác được mặc định cho mỗi bài. Chính tính đa nghĩa giúp cho người dạy đặt ra được vấn đề cho người học thảo luận theo nhóm. Bởi rằng với văn học, mỗi người có cảm nhận riêng, cách đánh giá hình tượng, chi tiết theo cảm xúc và suy nghĩ của họ. Mỗi người khi đọc một tác phẩm sẽ liên hệ với những kinh nghiệm của họ, liên tưởng đến những nếm trải hoặc những cảm xúc, rung động từ tâm hồn, mà điều này ở mỗi người là không giống nhau. Do đó nó sẽ đem đến nhiều đáp án thú vị mà nhiều khi người dạy học không ngờ tới. Bài học đọc – hiểu là dạng bài vừa đem lại tri thức đọc – hiểu cho người đọc vừa củng cố, hỗ trợ cho các bài học Tiếng Việt và Làm văn. Phần học Đọc – hiểu còn có ý nghĩa khá đặc biệt, nó rèn luyện mĩ cảm cho người học, tức là phần dạy học bồi đắp cho xúc cảm, tinh thần nhân văn trong mỗi người học. Với các môn học khác, người dạy chỉ cần nắm chắc chắn kiến thức, có phương pháp phù hợp thì có thể dạy tốt môn học đó. Nhưng với dạy học Ngữ văn, nhất là dạy học Đọc – hiểu không đơn thuần ở chỗ kiến thức và phương pháp. Mà trong quá trình tổ chức dạy học, người dạy còn phải khơi dậy được cảm xúc của người học để người học cảm nhận được tính nghệ thuật từ mỗi hình tượng, chi tiết nghệ thuật của văn bản. Làm cho người học có được những rung động nhất định để dùng cảm xúc, những cảm nhận của họ về hình tượng, chi tiết nghệ thuật mà đánh giá chúng. Để khơi dậy cảm xúc của người học thì không có nghĩa là người dạy phải giảng, bình một cách say sưa, mê đắm... Mà dạy học hiện đại là quá trình người dạy học tổ chức, hướng dẫn cho người học đi tìm, tự
kiến tạo, tự học hỏi về những tri thức đọc – hiểu trong mỗi bài học. Chính trong quá trình đó họ sẽ học được tri thức, giải mã lớp ngôn từ để tìm ra ý nghĩa của các hình tượng và chi tiết nghệ thuật, đồng thời rèn luyện được các kĩ năng sống, kĩ năng xã hội cần thiết qua mỗi bài học. Bởi vậy mà khi dạy học Đọc – hiểu, hướng dẫn cho người học thảo luận, đưa ra vấn đề thảo luận phải chú ý đến đặc trưng của bài học Đọc – hiểu.
Đồng thời cần chú ý đến đặc trưng thể loại của mỗi văn bản văn học. Đặc trưng về thể loại sẽ là con đường dẫn để cho người dạy cũng như người học có phương hướng khám phá văn bản. Đặc trưng của văn bản thơ khác với truyện, khác kịch. Dạy tác phẩm văn học dân gian khác với dạy học những tác phẩm văn học viết. Đặc điểm của những tác phẩm cổ đại khác với tác phẩm trung đại, hiện đại. Do vậy, người dạy và người học phải nắm vững đặc trưng thi pháp thể loại, tính lịch sử, xã hội, nghệ thuật về mỗi tác phẩm, mỗi hình tượng, mỗi chi tiết để khám phá ý nghĩa của những lớp ngôn từ nghệ thuật. Hiện nay, dạy học các văn bản đọc – hiểu theo đặc trưng thể loại được vận dụng phổ biến. Sách giáo khoa Ngữ văn biên soạn theo tinh thần tích hợp, tích cực trong đó lấy trục thể loại làm trục chính, do đó, dạy học các văn bản đọc – hiểu theo đặc trưng thể loại cũng là một điều tất yếu. Đồng thời với những lí thuyết về dạy học cũng như lí luận văn học ra đời sau này đã chứng minh dạy học tác phẩm văn học theo đặc trưng thể loại là đúng đắn. Mỗi thể loại mang trong nó đặc điểm riêng về ngôn ngữ, cách xây dựng hình tượng nghệ thuật, phong cách, cách biểu hiện…Vì vậy mà đặc trưng thể loại là đường dẫn để người dạy hướng dẫn người học khám phá văn bản. Đặc trưng về thể loại sẽ chỉ dạy cho người dạy và người học biết được đâu là điểm cần khám phá của văn bản. Ví dụ, tác phẩm thơ thì thường nổi lên với chất trữ tình và ngôn ngữ thơ, do đó người dạy và người học đi sâu phân tích chất trữ tình trong thơ, ngôn ngữ thơ - cái ngôn từ làm cho tâm hồn người ta rung động. Bài thơ Tây
tiến của Quang Dũng với yêu cầu cần đạt của bài học là giúp học sinh cảm nhận được vẻ đẹp hùng vĩ, trữ tình của thiên nhiên rừng núi miền Tây và hình ảnh người chiến binh Tây Tiến hào hoa, anh hùng trong bài thơ; nắm được một số đặc sắc về nghệ thuật của bài thơ: bút pháp lãng mạn, hình ảnh sáng tạo, ngôn ngữ biểu cảm. Căn cứ vào yêu cầu cần đạt của người dạy và người học đi khám phá bài thơ dựa trên đặc trưng về nội dung và nghệ thuật của bài thơ đó. Người dạy dựa vào từng câu chữ, nhất là những từ ngữ gợi hình, có sức liên tưởng cao, những từ ngữ mang tính sáng tạo của nhà thơ trong bài để hướng dẫn cho người học tìm hiểu về cảm hứng lãng mạn và chất bi tráng của bài thơ. Âm hưởng của bài thơ do thể thơ, ngôn từ, vần chữ, tạo nên như thế nào. Từng câu, chữ, hình ảnh của bài thơ đều tạo nên sự hấp dẫn cho người đọc, do vậy hướng cho người học đi sâu phân tích vào ngôn ngữ bài thơ để nhận ra vẻ đẹp của bài thơ toát ra từ chính ngôn từ và hình ảnh được xây dựng bằng những ngôn từ ấy.
Hoặc khi dạy học một tác phẩm là truyện thì cả người dạy và người học thường chú ý phân tích cốt truyện, kết cấu, tình huống truyện, nhân vật và nghệ thuật tự sự. Những hình tượng nghệ thuật được xây dựng từ những lời kể chuyện hấp dẫn của nhà văn. Nhà văn xây dựng hình tượng thông qua việc miêu tả tính cách, hành động, ngôn ngữ của nhận vật. Do đó khi dạy một tác phẩm là truyện thì người dạy hướng dẫn cho người học hướng đến những điểm cơ bản đó để khai thác ý nghĩa của tác phẩm. Khi dạy học tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao chẳng hạn. Người dạy hay người học đều chú ý đến cách xây dựng nhân vật của nhà văn khi vẽ chân dung Chí Phèo bằng lời văn rất chân thực. Một con người được vẽ ra như một con quái vật mà cả làng Vũ Đại ai cũng khiếp sợ. Từ ngoại hình, tính cách, hành động, hoàn cảnh ra đời, cuộc sống…được miêu tả cụ thể, chân thực và nó điển hình cho số phận khốn cùng của người nông dân trước Cách mạng. Với nội dung, yêu cầu về tri
thức và kĩ năng của mỗi bài học đọc – hiểu, người dạy sẽ đề ra những vấn đề cần thảo luận cho các nhóm học sinh. Điều căn bản là vấn đề đó xứng đáng để cho người học thảo luận, nó kích thích được học sinh tìm hiểu vấn đề, trao đổi một cách sôi nổi chứ không phải là thao tác một cách chiếu lệ.
Để đưa ra được vấn đề thảo luận phù hợp với đặc trưng bài học thì dĩ nhiên người dạy học luôn luôn phải căn cứ vào yêu cầu về nội dung bài học, mục tiêu của việc tổ chức hoạt động nhóm cho người học. Do đặc điểm về tính tích hợp trong dạy học Ngữ văn mà người dạy còn phải căn cứ nội dung bài học Tiếng Việt và Làm văn kế cận để giúp người học rèn luyện những kĩ năng cần thiết. Vì kiến thức cũng như kĩ năng của cả ba phần trong môn Ngữ văn đều có liên quan và bổ trợ cho nhau. Do vậy, phần rèn luyện kĩ năng trong quá trình hoạt động nhóm phải tạo được sự liên quan để người học rèn luyện các kĩ năng trau dồi tiếng Việt của mình đồng thời có thể luyện tập được kĩ năng viết văn, sử dụng tiếng Việt nhuần nhuyễn, thành thạo. Việc dạy học Đọc – hiểu sẽ đem đến cho người học kĩ năng viết mẫu mực của nhà văn, đó chính là những mẫu văn bản để người học quan sát và học tập phong cách viết, vốn từ, ngữ pháp…Dĩ nhiên, mẫu mực của các văn bản đó nghiêng về tính nghệ thuật nhiều hơn là nguyên tắc ngữ pháp nhưng nó lại tạo ra những cấu trúc đặc biệt về câu, ngữ pháp giúp cho người học học tập một cách sáng tạo khi sử dụng tiếng Việt của mình. Dù với người học tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ thì vẫn phải học cách sử dụng và sử dụng hợp lí thì mới đem lại hiệu quả nhất định.
Mỗi văn bản đọc – hiểu đều có những yêu cầu cần đạt nhất định trong quá trình dạy học. Vấn đề người dạy đưa ra cho người học phải phù hợp với nội dung bài học đó và giúp cho người học đạt được yêu cầu, mục tiêu của bài học. Khi dạy học bài Người trong bao của Sê–khốp chẳng hạn, yêu cầu cần đạt của bài học là giúp học sinh nắm được đặc điểm tính cách và ý nghĩa của
hình tượng nhân vật Người trong bao; thấy được một số nét đặc sắc trong nghệ thuật xây dựng nhân vật điển hình của nhà văn. Với yêu cầu về nội dung tri thức như vậy, thì người dạy học phải hướng cho người học khai thác đặc điểm về tính cách và ý nghĩa hình tượng, đồng thời tìm hiểu một số nét đặc sắc trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của văn bản. Câu hỏi thảo luận giáo viên đưa ra cho học sinh thảo luận sau khi đã cho học sinh tìm hiểu qua về tác phẩm, đến phần Đọc – hiểu văn bản có thể cho học sinh thảo luận một số vấn đề như:
- Vì sao Bê-li-cốp chết? Thái độ và tình cảm của mọi người đối với y khi còn sống và khi đã qua đời như thế nào?Tình cảm và thái độ ấy nói lên điều gì?
- Phân tích ý nghĩa tư tưởng – nghệ thuật của biểu tượng cái bao trong tác phẩm. Nhà văn Sê–khốp xây dựng hình tượng Người trong bao với ý nghĩa gì?
Đồng thời, trong quá trình học sinh thảo luận các vấn đề đã nêu trên, người dạy hướng cho học sinh cách lập luận về những kết quả trả lời của họ. Vừa rèn luyện kĩ năng lập luận, vừa rèn luyện cách nói, viết và phát huy kĩ năng hợp tác, khả năng độc lập, phát huy tính tích cực chủ động của người học, nhằm giúp học sinh được thực hành thao tác lập luận, hình thành cách nói năng thuyết phục, lập luận, tranh luận trong bài học Tiếng Việt kế tiếp với bài Đọc – hiểu Người trong bao.
Vấn đề thảo luận trong mỗi bài học được đưa ra phải phù hợp với dạng nội dung bài học đó là đương nhiên, không thể học bài này lại đi thảo luận nhóm về vấn đề bài khác, trừ trường hợp cần có liên hệ so sánh đối chiếu. Trong quá trình dạy học, thường khi đến tình huống có vấn đề thì người dạy sẽ tổ chức cho người học hoạt động nhóm. Mục đích là thu thập cách hiểu của người học xem họ đã hiểu đến đâu về vấn đề đang tìm hiểu, khả năng giải
quyết vấn đề và còn giúp người học có cơ hội tranh luận, đưa ra những hiểu biết của mình, rèn luyện những kĩ năng học tập cần thiết. Khi dạy bài Vội vàng của nhà thơ Xuân Diệu, yêu cầu cần đạt của bài thơ là “giúp học sinh cảm nhận được niềm khao khát sống mãnh liệt, sống hết mình và quan niệm mới về thời gian, tuổi trẻ và hạnh phúc của Xuân Diệu; thấy được sự kết hợp nhuần nhị giữa mạch cảm xúc dồi dào và mạch triết luận sâu sắc trong bài thơ cùng những sáng tạo mới lạ trong hình thức thể hiện” [6;21]. Sau khi cho học sinh tìm hiểu về tác giả và tác phẩm một cách khái quát. Đến phần phân tích về quan niệm sống của nhà thơ thể hiện trong bài thơ người dạy có thể đặt ra vấn đề này cho học sinh thảo luận. Vấn đề thảo luận có thể đặt dưới dạng câu hỏi là:
Về quan niệm sống trong bài thơ Vội vàng có nhiều ý kiến khác nhau trong đó có hai ý kiến nổi bật như sau:
- Bài thơ thể hiện một quan niệm sống tích cực đồng thời khẳng định cái Tôi khao khát sống, khao khát dâng hiến.
- Bài thơ chỉ là sự cổ động cho lối sống gấp tiêu cực, hưởng lạc và vị kỉ. Anh, chị đồng ý với ý kiến nào? Hãy phát biểu để bảo vệ quan điểm của mình.
Với vấn đề thảo luận như trên thì người học vừa tìm hiểu được quan niệm sống được đặt ra trong bài thơ vừa rèn luyện được kĩ năng lập luận của mình. Không chỉ vậy, trong quá trình hoạt động nhóm người học sẽ học tập từ các thành viên khác cách lập luận thuyết phục. Giúp cho người học cách suy luận, tư duy logic, cách biện luận và cách bảo vệ ý kiến của bản thân. Điều này rèn luyện cho người học cách lập luận khi bảo vệ ý tưởng mình đưa ra đồng thời giúp người học huy động tri thức một cách tổng hợp và nhiều kĩ năng trong quá trình lập luận như phân tích, so sánh đối chiếu, đánh giá, thuyết phục bằng ngôn ngữ lời nói, cử chỉ, hành động, tri thức…
Như vậy, khi tổ chức cho học sinh hoạt động nhóm trong giờ dạy học Đọc – hiểu văn bản, người dạy cần phải lựa chọn được vấn đề phù hợp với đặc trưng bài học nhằm giúp học sinh thu được kết quả học tập cao nhất, rèn luyện được tri thức và những kĩ năng sống, kĩ năng xã hội cần thiết.
Tóm lại, khi đặt ra vấn đề cho học sinh thảo luận người dạy phải chú ý đến tính phù hợp với đặc trưng của mỗi bài học đọc – hiểu. Tức là phù hợp với nội dung mục tiêu cần đạt và thể loại văn bản đọc – hiểu. Các vấn đề đặt