7. Cấu trúc của luận văn
1.2.3. Cơ sở lí luận dạy học
Trước tiên, ta có thể thấy rằng các công trình khoa học giáo dục nghiên cứu về tổ chức hoạt động nhóm trong giờ học ở trong và ngoài nước có số
lượng khá lớn. Điều đó cho thấy rằng sự tồn tại của phương pháp dạy học này ắt hẳn có lí do và đem lại những hiệu quả thiết thực.
Về cả mặt lí luận và thực tiễn, giáo dục đóng vai trò chủ đạo trong quá trình học tập và sự phát triển, hoàn thiện nhân cách, trí tuệ của người học. Nhưng chính những hoạt động của cá nhân mới là yếu tố trực tiếp quyết định sự phát triển nhân cách và trí tuệ người học. Những hoạt động của cá nhân thể hiện rõ nhất trong quá trình tranh luận, thảo luận. Trong quá trình này, người học phải tự giác, tự nguyện, tự động, tích cực hoàn thành các kế hoạch, mục tiêu học tập; phải tập tinh thần chịu khó, cố gắng không lùi bước trước khó khăn hay chướng ngại nào trong học tập.
Bên cạnh đó, dạy học theo lí thuyết kiến tạo đi theo hướng đổi mới phương pháp dạy học trong tất cả loại hình trường học hiện nay. Các phương pháp dạy học theo lí thuyết kiến tạo nhằm tích cực hóa tư duy của người học, giúp người học tự tìm kiếm, phát hiện, khám phá ra vấn đề và giải quyết các vấn đề đó trong quá trình dạy học. Khi đó, người học tự chiếm lĩnh tri thức thông qua các hoạt động và người dạy đóng vai trò tổ chức và định hướng. Việc học tập chính là một quá trình mà mỗi chủ thể phải thích ứng với những khuôn mẫu đã có để hòa hợp với những kinh nghiệm mới. Học tập kiến tạo dựa trên sự tham gia của người học vào quá trình giải quyết vấn đề và những suy nghĩ có tính phê phán độc lập trong hoạt động mà người học thấy phù hợp và hứng thú. Thuyết kiến tạo cho phép người học xây dựng nên kiến thức cho chính mình bằng cách thử nghiệm các ý tưởng từ những kinh nghiệm và hiểu biết đã có, từ đó áp dụng những hiểu biết này vào tình huống khác đã biến đổi, có liên quan đến kiến thức mới. Nó giúp hình thành, rèn luyện cho người học cách tư duy logic, một kiểu tư duy quan trọng và đem lại hiệu quả cao nhất trong quá trình học tập.
Trong dạy học Ngữ văn nói chung và dạy học Đọc – hiểu nói riêng thì lí thuyết kiến tạo cũng rất quan trọng. “Dạy và học không thể thiếu sự tự biểu hiện của giáo viên và của học sinh. Chúng ta đang nỗ lực tìm cách giúp quá trình tự biểu hiện của học sinh trong hoạt động học văn được diễn ra tốt đẹp, mà một trong những cách cơ bản là giáo viên phải biết nhường lời, nhường đất diễn, nhường sự kết luận cuối cùng cho học sinh (không phải kết luận bằng lời trong một bối cảnh cụ thể, hạn hẹp, mà “kết luận” trong suốt quá trình sống và nghiệm sinh các giá trị ở đời)” [96;103]. Như vậy chúng ta thấy rằng vai trò tự biểu hiện, tự giải quyết vấn đề là rất quan trọng đối với người học và người dạy phải hướng dẫn được cho người học thực hiện những kĩ năng đó. Vì thế mà hoạt động nhóm trong dạy học Ngữ văn bắt buộc người học phải tham gia các hoạt động, tranh luận tập thể, phải đưa ra được chính kiến của mình và bảo vệ nó, biết nhận xét ý kiến của các thành viên trong nhóm và những người khác.
Trong dạy học Đọc – hiểu văn bản, các văn bản hầu hết là những tác phẩm hay được lựa chọn kĩ càng. Trong những văn bản này có nhiều tình huống gần gũi, bắt nguồn từ đời sống, nó sẽ góp phần giáo dục rất lớn. Nó giúp đưa người học đến gần thực tiễn hơn, hình thành những kĩ năng cần thiết cho các tình huống trong cuộc sống.
Ngoài ra, những công trình nghiên cứu về khoa học giáo dục ngày nay đều cho thấy rằng việc dạy học theo nhóm sẽ giúp học sinh tự biểu hiện tốt nhất. Trong quá trình hoạt động nhóm các em vừa được rèn luyện các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết, trình bày, phân tích, tổng hợp, quan sát, chọn lọc…vừa được thể hiện tính độc lập, chủ động tích cực trong quá trình học. Theo phương châm và mục tiêu của giáo dục hiện đại thì hoạt động nhóm giúp người học hình thành nhiều kĩ năng trong thực tế cuộc
sống nhất. Nó hướng đến các kĩ năng sống, giao lưu, tự học hỏi và khả năng chung sống của người học.
Tóm lại, trên đây là những cơ sở về mặt lí luận của việc tổ chức hoạt động nhóm cho học sinh trong giờ dạy học Đọc – hiểu văn bản ở trường trung học phổ thông. Việc thông qua các vấn đề lí thuyết như trên cho thấy việc Tổ chức hoạt động nhóm cho học sinh trong giờ dạy học Đọc - hiểu văn bản ở trường trung học phổ thông là có cơ sở khoa học. Như vậy, phương pháp này thực sự có ích cho quá trình dạy học bất kì môn học nào.