Thành lập nhóm

Một phần của tài liệu Tổ chức hoạt động nhóm cho học sinh trong giờ đọc hiểu văn bản ở trường trung học phổ thông (Trang 77 - 84)

7. Cấu trúc của luận văn

2.3.1. Thành lập nhóm

Để thành lập nhóm trước tiên chúng ta xác định tiêu chí. Có nhiều tiêu chí để thành lập nhóm và mỗi loại tiêu chí sẽ tạo ra các loại kiểu nhóm khác nhau. Và mỗi kiểu loại nhóm khác nhau cũng sẽ có những ưu điểm và nhược điểm của chúng. Điều quan trọng là trong quá trình dạy học, người dạy biết lựa chọn tiêu chí nào và kiểu loại nhóm nào phù hợp với đặc trưng, mục tiêu, nội dung bài học, phù hợp với việc rèn luyện các kĩ năng cần thiết cho người học. Việc phân chia nhóm học tập phụ thuộc vào một số yếu tố đó là: mục tiêu bài học, yêu cầu cần đạt về tri thức và kĩ năng của bài học, điều kiện tiến hành giờ học, các kĩ năng làm việc nhóm của học sinh, mức độ quen thân giữa các học sinh trong lớp khi trở thành thành viên trong nhóm học tập…

Nhưng về cơ bản, dựa trên những tiêu chí nhất định thì người dạy có thể chia ra các kiểu nhóm như sau:

- Kiểu nhóm gồm những người tự nguyện, chung mối quan tâm, chung sở thích.

- Các nhóm ngẫu nhiên. Có thể tạo lập bằng cách đếm số, phát thẻ, gắp thăm, sắp xếp theo màu sắc, theo danh sách gọi tên, vị trí ngồi trong lớp, tổ học sinh đã phân chia trước…

- Các nhóm ghép hình, tạo lập bằng cách xé nhỏ một bức tranh hoặc tờ tài liệu cần xử lí, phát cho mỗi học sinh một mẩu nhỏ, những học sinh ghép thành bức tranh hoặc tờ tài liệu đó sẽ tạo thành nhóm.

- Các nhóm cố định trong một thời gian dài. Cách tạo lập thế này thì nhóm có thể duy trì trong một thời gian dài là một số tuần hoặc một số tháng.

- Nhóm có học sinh khá để hỗ trợ học sinh yếu. Nhóm như thế này học sinh khá sẽ đảm nhận vai trò hướng dẫn.

- Nhóm phân chia theo năng lực học tập khác nhau, tức là các học sinh khá được chia cùng nhóm, học sinh trung bình vào cùng nhóm, học sinh yếu cùng nhóm, các vấn đề giao cho học sinh giải quyết mức độ khó dễ cũng khác nhau.

- Nhóm được phân chia theo ưu điểm của người học. Kiểu nhóm này được áp dụng thường xuyên khi học tập theo tình huống.

- Cũng có thể phân chia học sinh thành nhóm theo giới tính nam, nữ. Vậy là cách chia nhóm được phân loại theo hai kiểu là nhóm đồng đều

hay hỗn hợp. Thường, người dạy tạo lập nhóm đồng đều trong dạy học Đọc – hiểu văn bản khi hầu hết học sinh có cùng trình độ, cùng năng lực, cùng sở thích, có nhiều đặc điểm chung có thể là hình thức hay tâm lí, kiểu nhận thức. Còn người dạy tạo lập nhóm hỗn hợp trong dạy học Đọc – hiểu văn bản khi có sự khác biệt rõ ràng về sở thích và năng lực của học sinh. Với kiểu nhóm hỗn hợp, người dạy sẽ giao nhiệm vụ cho từng học sinh cụ thể để đảm bảo rằng mỗi học sinh đều tham gia vào hoạt động phù hợp với khả năng của mình. Với kiểu làm việc nhóm này, chúng ta thấy học sinh phát huy được tính tích cực, chủ động sáng tạo của họ đồng thời người học học tập lẫn nhau một cách tốt nhất. Do đó, kiểu nhóm hỗn hợp là một minh chứng cho lí thuyết rằng học sinh có thể học tập lẫn nhau một cách hiệu quả nhất. Và trên thực tế, nhiều giáo viên dạy học khi tổ chức hoạt động nhóm cho học sinh thường lựa chọn tạo lập nhóm hỗn hợp vì nó phù hợp cho người học phát huy nội lực của bản thân, tác động tương hỗ lẫn nhau trong những người học, tạo sự liên kết, bình đẳng, kích thích hứng thú học tập…

Có một số người dạy học cũng sẽ thành lập nhóm theo số lượng học sinh trong nhóm. Tức là chia nhóm theo số lượng bằng nhau giữa các nhóm, có nghĩa là tiêu chí chia nhóm là số lượng thành viên. Nhưng dù là chia nhóm theo số lượng thì vẫn phải căn cứ vào các tiêu chí khác về đặc điểm giới tính,

sở thích, đặc diểm chung, mối quan tâm, khả năng học tập, nhiệm vụ học tập…của học sinh. Có như vậy thì mới có thể đảm bảo cho nhóm hoạt động tốt nhất, hiệu quả nhất.

Vậy có thể thấy rằng có nhiều cách để thành lập nhóm theo các tiêu chí khác nhau, không nên áp dụng một tiêu chí duy nhất trong cả năm học. Và khi chia nhóm thì bản thân người dạy học cần phải căn cứ vào mục tiêu bài học đọc – hiểu để chia nhóm. Bởi mỗi bài học cần rèn luyện những kĩ năng nhất định nào đó, vì vậy cách chia nhóm phải phù hợp cho học sinh tiếp nhận tri thức và rèn luyện kĩ năng học, kĩ năng xã hội, kĩ năng tư duy đồng thời làm cho tâm lí người học được thoải mái, kích thích hứng thú học tập.

Khi chia nhóm, người dạy cần chú ý đến sự hội tụ các yếu tố để tạo lập nhóm. Dù căn cứ tiêu chí nào, cách phân chia như thế nào thì cũng cần phải có các yếu tố đó là: tập hợp một nhóm người bao gồm từ ba thành viên trở lên, tối đa là mười thành viên; các thành viên có cùng một nhiệm vụ và mục tiêu; có mối quan hệ hợp tác giữa các thành viên. Vậy thì khi chia nhóm người dạy cũng cần chú ý đến số lượng các thành viên trong nhóm. Số lượng quá ít, dưới ba người khiến cho hoạt động nhóm thiếu thành viên đảm nhận các vai trò cần thiết, số lượng đông thì lại khó quản lí. Thông thường, một nhóm khoảng 4 đến 6 thành viên là hợp lí nhất. Số lượng thành viên phụ thuộc vào vấn đề, bài tập mà giáo viên thiết kế và yêu cầu rèn luyện kĩ năng giao tiếp, kĩ năng xã hội. Số lượng các thành viên trong nhóm không nên vượt quá 10 người để đảm bảo việc đảm nhận các vai trò cũng như việc thực hiện nhiệm vụ giải quyết vấn đề và hoàn thành mục tiêu đặt ra cho mỗi nhóm. Các thành viên trong một nhóm sẽ có chung một nhiệm vụ tức là họ được giao cho giải quyết một vấn đề, không nên giao nhiều vấn đề cho nhóm cùng một lúc. Trong quá trình hoạt động nhóm, các thành viên sẽ có những mối liên hệ lẫn nhau, không chỉ là trong một nhóm mà cả giữa các nhóm với nhau nữa. Các thành

viên phải tương trợ, giúp đỡ và chia sẻ với nhau trong quá trình hoạt động nhóm đó.

Khi tạo lập nhóm, người dạy phải chú ý đến những sự khác biệt của các học sinh trong lớp và trong các nhóm. Bởi rằng một số sự khác biệt căn bản ban đầu đã làm nên sự phân hóa học sinh. Mà qúa trình dạy học, người dạy với mục đích cho người học giải quyết vấn đề để mỗi người học phát huy được tính độc lập, chủ động sáng tạo của mình đồng thời có thể phân hóa được trình độ, khả năng của người học. Việc phân hóa không nhằm để phân biệt hay tạo ra khoảng cách giữa các người học với nhau mà để người dạy tìm ra phương pháp dạy học tốt hơn, hiệu quả hơn những phương pháp mà họ đã áp dụng, nhằm nâng cao kết quả học tập cho người học, cũng như để giúp người học hoàn thiện bản thân hơn, nhất là về thế giới quan, tư tưởng thẩm mĩ, lí tưởng nhân văn – những mục tiêu mà dạy học Đọc – hiểu văn bản luôn hướng đến. Người dạy cũng cần chú ý đến những khác biệt về đặc trưng của phần học Đọc – hiểu văn bản nữa. Đối tượng khám phá của Đọc – hiểu văn bản là các tác phẩm văn học, nó khác xa với đối tượng của Tiếng Việt, Làm văn hay bất kì môn học nào khác. Với các môn học khác hoặc phần Tiếng Việt, Làm văn người dạy có thể chia nhóm 2 đến 3 thành viên, có thể giải quyết vấn đề trong thời gian ngắn, ít có tranh luận trái chiều như trong các môn khác. Phần Đọc hiểu có đặc trưng về tính đa nghĩa do đó một hình tượng hoặc chi tiết nghệ thuật có thể mang đến nhiều ý kiến khác nhau của người học. Hoặc có nhiều cách hiểu khác nhau cho một vấn đề văn học. Ví dụ, kết thúc của truyện Tấm Cám chẳng hạn, người dạy đặt ra vấn đề cho học sinh thảo luận Có ý kiến cho rằng Tấm trả thù Cám như vậy là độc ác. Anh, chị suy nghĩ như thế nào về hành động trả thù của Tấm đối với Cám? Với vấn đề đặt ra, sẽ có các ý kiến trái ngược nhau khi học sinh thảo luận. Nhưng khi kết luận, quan trọng là giáo viên phải chỉ ra được đặc trưng của truyện cổ tích và

kết luận cho học sinh hiểu hành động của Tấm là hợp lí, đúng với đặc trưng của truyện cổ tích, nó nằm trong quan niệm dân gian ác giả ác báo… Và qua đó cũng giúp học sinh khái quát được đặc trưng của thể loại truyện cổ tích.

Trong quá trình tổ chức cho học sinh hoạt động nhóm trong giờ dạy học Đọc – hiểu, người dạy học còn phải chú ý rằng thời gian cho một tiết học là chỉ có 45 phút, do đó người dạy phải thực hiện sao không lãng phí thời gian giờ học. Người dạy nên chia nhóm lâu dài, là nhóm hỗn hợp để đến giờ học nếu có thảo luận thì chỉ việc thông báo thảo luận, giao vấn đề, nhắc lại vị trí nhóm của mỗi người học và học sinh tự biết để thảo luận. Trong quá trình tạo lập nhóm và tổ chức hoạt động nhóm thì cũng có khá nhiều khó khăn về không gian lớp học cho hoạt động nhóm, người học thiếu chủ động, thời gian hạn chế. Do đó, người dạy cũng cần chú ý đến việc sắp xếp không gian lớp học, bàn ghế sao cho thích hợp với tổ chức hoạt động nhóm. Còn nữa, để cho việc tổ chức hoạt động nhóm cho học sinh trong giờ dạy học Đọc – hiểu văn bản thuận lợi thì người dạy học Ngữ văn cũng nên có sự hợp tác và thỏa thuận với các giáo viên bộ môn khác, thỏa thuận cách chia nhóm, sắp xếp chỗ ngồi sao cho hợp lí với hầu hết mọi giờ học và phù hợp với hoạt động nhóm khi cần thiết.

Mỗi người có cách chia nhóm theo tiêu chí khác nhau nhưng đều có căn cứ của họ. Dù lựa chọn hay tạo lập như thế nào thì người dạy vẫn phải đảm bảo quy trình sư phạm của hoạt động, phương pháp dạy học nhóm. Chúng tôi xin trình bày cách chia nhóm mà theo chúng tôi nó đảm bảo quy trình sư phạm, hiệu quả và đưa lại kết quả cao nhất cho người học, đồng thời cũng phù hợp với cơ sở vật chất đang còn nhiều hạn chế ở các trường trung học phổ thông hiện nay. Chúng tôi chia nhóm theo loại hình hỗn hợp, tức là học sinh trong nhóm có sự khác biệt rõ ràng về sở thích và năng lực của học sinh, học sinh được giao nhiệm vụ cụ thể để đảm bảo mọi học sinh đều tham

gia vào hoạt động nhóm phù hợp với khả năng của mình. Mỗi nhóm, số lượng khoảng từ 4 đến 8 thành viên. Nhóm được tạo lập kết hợp nhiều tiêu chí: chia nhóm một cách ngẫu nhiên nhưng theo ý muốn của người dạy học, trong nhóm có học sinh khá để hỗ trợ học sinh yếu, nhóm hoạt động lâu dài trong một số tuần hoặc một số tháng sau đó người dạy thay đổi nhóm mới. Việc chia nhóm như thế nhằm giúp học sinh có tâm thế làm việc, học tập thoải mái, học được nhiều nội dung chứ không chỉ riêng nội dung mình thích. Trong nhóm có học sinh khá thì khả năng giải quyết những vấn đề khó khăn sẽ dễ dàng hơn. Số lượng thành viên trong nhóm như vậy sẽ phù hợp với việc rèn luyện các kĩ năng ngôn ngữ và kĩ năng xã hội. Nhóm được chia trong một số tuần thì người dạy học bớt thời gian chia nhóm trong mỗi giờ dạy học. Về số lượng nhóm thì người dạy căn cứ mục tiêu bài học, các kĩ năng cần rèn luyện để chia và đảm bảo làm sao mọi học sinh đều hoạt động nhóm, đều tham gia giải quyết vấn đề được giao, đều được rèn luyện các kĩ năng cần thiết mà chia cho hợp lí. Số lượng thành viên trong nhóm không nên quá nhiều sẽ khó quản lí. Một lớp học nên chia từ bốn đến sáu nhóm là hợp lí nhất. Sau khi đã tạo lập được nhóm rồi thì cắt cử trưởng nhóm, vị trí này giáo viên có thể chỉ định hoặc để cho học sinh bầu trưởng nhóm và vị trí trưởng nhóm cũng nên thay đổi thường xuyên để mọi người đều có thể được học khả năng lãnh đạo. Vị trí thư kí cũng như vậy, giáo viên có thể cắt cử hoặc để các thành viên trong nhóm bầu ra và cũng thay đổi nhiệm vụ để học sinh rèn luyện kĩ năng học tập cuả mình. Học sinh cần được luân phiên đại diện trình bày kết quả thảo luận của nhóm.

Với dạy học Đọc – hiểu văn bản người dạy cần thấy rằng phương pháp tổ chức dạy học và đặc trưng bài học không như những phần học khác hay môn học khác. Nên việc chia nhóm ảnh hưởng đến dạy học Đọc – hiểu văn bản. Ví dụ khi dạy bài Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, nếu

cho cả lớp cùng giải quyết một vấn đề là Hành động của người đàn bà đúng hay sai, nên hay không nên? Tại sao người đàn bà ấy không nghe theo lời khuyên của vị chánh án tốt bụng? thì người dạy có thể chia 8 đến 10 người vào một nhóm sau đó cho các em thảo luận. Nhưng cũng ở bài học này, đến phần sau khi cho học sinh giải quyết nhiều vấn đề cùng một lúc thì lại phải tổ chức cách khác. Nếu cho học sinh thảo luận các câu hỏi sau:

- Đọc lại đoạn kết (Không những…hòa lẫn trong đám đông) và cho biết vì sao tác giả có cái kết luận đầy ám ảnh như vậy? Qua cách nhìn lại tấm ảnh của nghệ sĩ Phùng, tác giả muốn gửi gắm điều gì cho người đọc?

- Mối quan hệ giữa nghệ thuật và đời sống được nhà văn đặt ra trong tác phẩm như thế nào?

- Những đổi mới trong cách nhìn cuộc sống của Nguyễn Minh Châu trong Chiếc thuyền ngoài xa?

Với ba vấn đề cho học sinh thảo luận, người dạy chia 6 đến 8 học sinh vào một nhóm, và cứ 2 nhóm thảo luận một vấn đề. Người học có thể đưa ra nhiều ý kiến khác nhau cho mỗi câu hỏi. Giáo viên cho học sinh trình bày rồi cuối cùng thống nhất và chốt lại ý các vấn đề trên.

Với việc tạo lập nhóm để hoạt động nhóm trong giờ dạy học Đọc – hiểu văn bản, người dạy không chỉ nên dựa trên một tiêu chí nào đó mà có thể kết hợp nhiều tiêu chí để phân chia nhóm một cách hợp lí sao cho hoạt động nhóm có hiệu quả cao nhất. Đồng thời chú ý đến số lượng thành viên trong nhóm và số lượng nhóm sao cho vừa phải để dễ dàng quản lí trong quá trình hoạt động nhóm. Bên cạnh đó, người dạy căn cứ vào mục tiêu bài học, yêu cầu cần đạt về tri thức và kĩ năng để tạo lập nhóm một cách hiệu quả nhất và có thể ứng biến linh hoạt trong việc chia nhóm. Điều quan trọng là hiệu quả hoạt động nhóm và kết quả học tập. Và việc tạo lập nhóm đảm bảo được quy

trình sư phạm cần thiết thì chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả trong quá trình dạy học Đọc - hiểu văn bản.

Một phần của tài liệu Tổ chức hoạt động nhóm cho học sinh trong giờ đọc hiểu văn bản ở trường trung học phổ thông (Trang 77 - 84)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(158 trang)
w