Phải kết hợp tổ chức nhóm với nhiều phương pháp, biện pháp dạy học

Một phần của tài liệu Tổ chức hoạt động nhóm cho học sinh trong giờ đọc hiểu văn bản ở trường trung học phổ thông (Trang 72 - 77)

7. Cấu trúc của luận văn

2.2.4. Phải kết hợp tổ chức nhóm với nhiều phương pháp, biện pháp dạy học

dạy học khác để nâng cao hiệu quả dạy Đọc – hiểu văn bản

Trong dạy học nói chung và dạy học Đọc – hiểu văn bản nói riêng, chúng ta không thể nói được phương pháp dạy học nào là tối ưu nhất. Nhưng để phát huy hiệu quả tối đa của các phương pháp dạy học đó là người dạy học cần kết hợp nhiều phương pháp, biện pháp dạy học khác nhau để nâng cao hiệu quả dạy và học môn học cụ thể.

Hoạt động nhóm được vận dụng phổ biến trong dạy học hiện đại, trong đó nó có vai trò quan trọng với cả dạy học Đọc – hiểu văn bản ở trường trung học phổ thông. Nhưng cũng cần thấy rằng khi một mình nó được sử dụng thì không thể kích thích thái độ học tập cũng như khả năng tư duy của người học một cách tối đa, do đó hiệu quả học tập cũng không đạt đến mức cao nhất có thể. Vì vậy cần có sự kết hợp nhuần nhuyễn nhiều phương pháp biện pháp dạy học trong một giờ Đọc – hiểu văn bản để học sinh nắm vững tri thức và thực hành thành thạo các kĩ năng cần thiết. Trong quá trình dạy học Đọc – hiểu người dạy có thể kết hợp hoạt động nhóm với các biện pháp như sử dụng phương tiện trực quan, bình giảng, gợi mở, đọc diễn cảm kết hợp với cử chỉ hành động của người dạy…Việc kết hợp các phương pháp, biện pháp dạy học trong giờ Đọc – hiểu văn bản phải linh hoạt và biến hóa để vừa thu hút, kích thích và giúp cho học sinh học tập một cách sáng tạo. Các tác giả Sử Khiết Doanh và Trâu Tú Mẫn trong cuốn Kĩ năng tổ chức lớp, kĩ năng biến hóa

trong giảng dạy có viết: “Trong dạy học cần không ngừng thay đổi tín hiệu kích thích, không chỉ có được sự chú ý của học sinh, dẫn đến và duy trì hứng thú học tập của học sinh, mà còn có thể tăng cường tính sinh động của việc dạy học, nâng cao chất lượng dạy học” [39;94].

Trong thực tế dạy học Đọc – hiểu, có thể thấy người dạy không sử dụng chỉ một phương pháp trong quá trình tổ chức dạy học mà vận dụng tổng hợp, linh hoạt nhiều phương pháp cùng nhau trong quá trình dạy học đó. Các biện pháp cũng được kết hợp linh hoạt chứ không có sự phân tách rời rạc trong quá trình dạy học Đọc – hiểu. Trong quá trình dạy học Đọc – hiểu, người dạy có thể vừa tổ chức hoạt động nhóm cho học sinh nhưng cũng có thể kết hợp với việc trình chiếu hình ảnh có liên quan đến vấn đề thảo luận của học sinh, có thể sử dụng các phương tiện trực quan khác như bảng phụ, tranh ảnh, phim tư liệu, sử dụng bản đồ tư duy …Trong số các văn bản đọc – hiểu có nhiều tác phẩm kinh điển đã được dựng thành tác phẩm sân khấu, điện ảnh…người dạy có thể cho học sinh xem để giúp các em thu nhận thông tin đa chiều. Cách đó cũng khiến cho các em hứng thú hơn với việc học Đọc – hiểu văn bản. Trong quá trình học sinh hoạt động nhóm người dạy cũng có thể bình giảng những chi tiết quan trọng, ấn tượng để khơi gợi tư duy, liên tưởng, tưởng tượng cho học sinh…Người dạy cũng có thể sử dụng những cách thể hiện phi ngôn ngữ, lập mục tiêu, đưa ra thông tin phản hồi, gợi ý, nêu và giải quyết vấn đề…để kết hợp cùng nhau tạo ra hiệu quả cao nhất cho hoạt động nhóm trong giờ Đọc – hiểu văn bản.

Khi dạy một loạt tác phẩm, đoạn trích văn học hiện đại như Hạnh phúc của một tang gia (trích Số đỏ của Vũ Trọng Phụng), Chí Phèo, Đời thừa của Nam Cao… người dạy có thể cho học sinh xem các bộ phim đã được dựng dựa vào các tác phẩm này. Hoặc khi dạy các vở chèo, tuồng, kịch…người dạy tổ chức chia nhóm cho học sinh phân vai và diễn các trích đoạn trong chương

trình như Xúy Vân giả dại, Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài, Hồn Trương Ba da hàng thịt, Rô-mê-ô và Giu-li-ét…Khi dạy học Đọc – hiểu văn bản cũng có thể chiếu các bộ phim tài liệu liên quan đến tác giả, tác phẩm, hoàn cảnh lịch sử thời đại…để giúp cho học sinh có được những cái nhìn toàn diện hơn về các văn bản và các vấn đề đã đặt ra để thảo luận. Và cũng có thể thấy rằng học sinh có thể thu nhận thông tin từ nhiều kênh khác nhau (nghe, nhìn), có cái nhìn nhiều chiều, độc lập, khách quan về các vấn đề văn học mà các em đang tìm hiểu.

Trong thực tế, không hạn chế các phương pháp dạy học kết hợp với hoạt động nhóm và cũng không có nhận định nào nêu ra đâu là sự kết hợp hoàn hảo. Mà yêu cầu căn bản đó là người dạy phải có phông kiến thức phong phú, kĩ năng kĩ xảo thành thạo để có thể tạo ra được sức hút đối với người học. Kĩ năng biến hóa, kết hợp của người dạy phải làm sao để người học không có thời gian rỗi để chú ý đến vấn đề khác nữa. Vậy thì người dạy học phải nắm được tâm lí người học, biết vận dụng một cách linh hoạt và tổng hợp các phương pháp, kĩ xảo dạy học để sắp xếp nội dung bài học, nội dung và chương trình hoạt động nhóm một cách hợp lí, thuận lợi. Để được như vậy thì giáo viên phải chuẩn bị bài giảng thật kĩ lưỡng, nghiên cứu các tài liệu liên quan đến các bài học đọc – hiểu văn bản kĩ càng, tìm ra những cái mới mà kích thích người học say mê theo dõi, vận dụng linh hoạt các biện pháp. Và người dạy cũng phải biết khơi mở để giúp người học đưa ra được những phản biện của chính bản thân họ, giải quyết những thắc mắc, vấn đề thảo luận phải làm nổi bật trọng tâm bài học, bứt phá những điểm khó trong quá trình dạy học đó. Người giáo viên cũng phải phản ứng nhanh với những tình huống xảy ra trong quá trình tiến hành dạy học Đọc – hiểu và giải quyết kịp thời những vấn đề của người học, khuyến khích, biểu lộ đồng tình hay không với người học, giáo dục người học một cách có chủ đích…đều thể hiện được ý nghĩa linh hoạt của người dạy trong việc vận dụng hợp lí các phương pháp, biện

pháp dạy học Đọc – hiểu. Phải tâm niệm rằng, dạy học Đọc – hiểu không chỉ cần cung cấp cho người học hệ thống tri thức đọc – hiểu là đủ, mà còn cần thấy người học cần học nhiều hơn thế. Kĩ năng học tập, kĩ năng xã hội, kĩ năng sống, tư tưởng - tình cảm…họ cũng học tập từ phần học đó. Thực sự mà nói, trong thực tế dạy học, hầu hết mọi giáo viên đều vận dụng tổng hợp nhiều phương pháp, biện pháp kết hợp với hoạt động nhóm nhưng không phải bao giờ cũng phát huy sự linh hoạt đến mức hoàn thiện, hoàn mĩ. Khi tổ chức hoạt động nhóm trong giờ Đọc – hiểu trích đoạn Hồn Trương Ba da hàng thịt của Lưu Quang Vũ, người dạy khi nêu vấn đề cho học sinh thảo luận: Hồn Trương Ba quyết định giải thoát mình khỏi tình trạng bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo là nên hay không nên? Tại sao? thì trong quá trình học sinh thảo luận người dạy đi lại quan sát học sinh thảo luận, khuyến khích người học đưa ra suy nghĩ của cá nhân mình, nhận định về vấn đề đã được đặt ra… Trong quá trình đó người dạy cũng có thể gợi ý cho học sinh, hướng dẫn thậm chí tham dự cùng học sinh, nêu ra những ý kiến để học sinh bàn luận…Nhưng cần chú ý rằng sự xen ngang của người dạy phải đạt đến một mức độ vừa phải không đi quá xa mà tranh mất vai trò chủ động tích cực của người học trong quá trình học tập của họ.

Hay với bài thơ Tôi yêu em của A.X.Pu-skin, giáo viên có thể đặt ra vấn đề thảo luận cho người học là Tình yêu của nhân vật trữ tình dành cho nhân vật em có thật sự là tình yêu cao thượng không?Vì sao? Khi đó sẽ có sự trái chiều về đánh giá vấn đề đã đặt ra, nó sẽ kích thích tư duy của người học. Người dạy có thể kết hợp việc đi lại quản lí các nhóm thảo luận, có thể mở rộng liên hệ với những vần thơ tình nổi tiếng của các thi nhân trên thế giới như R.Tar-go, A-ra-gông…để cho học sinh liên tưởng, so sánh và cũng được mở rộng phông kiến thức văn học. Khi học sinh trình bày vấn đề có thể yêu

cầu các em trình bày bằng một sơ đồ tư duy để lí giải cho những nhận định của các em…

Dù người dạy tiến hành tổng hợp các biện pháp, cách thức dạy học ở hình thức nào thì cũng phải đảm bảo không làm gián đoạn, ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động nhóm của học sinh. Sự kết hợp phải có trình tự hợp lí và đảm bảo phát huy tích cực vai trò của người học và các phương pháp dạy học đã lựa chọn. Một khi sự kết hợp phi lí sẽ làm phản tác dụng hoạt động nhóm. Sự kết hợp phải linh hoạt, người giáo viên phải ứng biến trước các tình huống trong quá trình dạy học. Sự linh hoạt trong việc vận dụng các phương pháp dạy học khác với hoạt động nhóm phải làm thành kĩ xảo ở người dạy để tránh tình trạng gián đoạn giờ học hoặc không đạt được mục đích, nhiệm vụ dạy học các đơn vị bài học đọc – hiểu văn bản.

Ngoài ra, để kết hợp được hoạt động nhóm với các phương pháp dạy học khác thì người dạy học cần căn cứ vào mục tiêu, nội dung, yêu cầu cần đạt của bài học, căn cứ vào yêu cầu về kĩ năng cần rèn luyện…để lựa chọn phương pháp một cách hợp lí nhất. Sự tương thích giữa các phương pháp, biện pháp dạy học đã lựa chọn sẽ giúp người giáo viên vận dụng linh hoạt. Khi không có sự tương thích nhất định khiến cho việc phối hợp các phương pháp với hoạt động nhóm diễn ra rời rạc, thiếu hợp lí và đánh mất ý nghĩa của sự đa dạng các phương pháp dạy học.

Như vậy, sự vận dụng đơn lẻ phương pháp hoạt động nhóm trong giờ dạy học Đọc – hiểu văn bản chưa hẳn đã đem lại hiệu quả tối ưu cho người học và người dạy trong quá trình dạy học. Mà luôn cần có sự kết hợp linh hoạt, biến hóa, hợp lí giữa các phương pháp, biện pháp dạy học khác với hoạt động nhóm để phát huy tối đa hiệu quả của các phương pháp dạy học của giáo viên cũng như kết quả học tập của học sinh.

Một phần của tài liệu Tổ chức hoạt động nhóm cho học sinh trong giờ đọc hiểu văn bản ở trường trung học phổ thông (Trang 72 - 77)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(158 trang)
w