Đổi mới phương pháp phân tích tác phẩm là sự đổi mới cách thức nghiên cứu đối với đối tượng. Trước đây, khi đi vào phân tích các bài thơ Đường, dưới ảnh hưởng của xu hướng xã hội học, nhà nghiên cứu thường
quan tâm đến những mối liên hệ giữa văn bản với hiện thực, với đời sống tâm lí xã hội hay hoàn cảnh của nhà văn. Ứng dụng phương pháp nghiên cứu mới, các nhà nghiên cứu đã bán sát văn bản, đi sâu vào cơ chế nghệ thuật với những mối liên hệ của nội tại văn bản. Đây là một sự bổ sung, điều chỉnh khuynh hướng thiên về lịch sử, xã hội học khá phổ biến trước đó. Chúng ta xét đơn cử một văn bản: bài Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng của Lí Bạch. Theo phương pháp nghiên cứu trước đây, khi phân tích bài thơ, người ta sẽ nói đến: Mạnh Hạo Nhiên là ai? Có mối quan hệ như thế nào với Lí Bạch? Dương Châu là một nơi như thế nào? Hoàng Hạc lâu ở đâu, là một ngôi lầu như thế nào?... Nhưng hiện nay, chúng ta sẽ chú ý đến những từ như: “cố nhân”, “Tây từ”, hướng dịch chuyển, các loại đối lập trong bài thơ, … Như vậy, rõ ràng đã có bước tiến mới trong sự phân tích so với trước.
Ở đây, chúng tôi không gọi tên hay đi sâu mô tả các phương pháp như trong các tài liệu phương pháp luận nghiên cứu văn học, cụ thể là phương pháp nghiên cứu tác phẩm. Điều chúng tôi muốn nhấn mạnh là cách thức nghiên cứu mới đã được vận dụng ra sao, đạt được hiệu quả như thế nào trong phân tích các bài thơ Đường trong nhà trường. Các nhà nghiên cứu đã vận dụng khá phong phú cách thức nghiên cứu mới trên các phương diện như: ngôn ngữ, cấu trúc, quan hệ liên văn bản,… đã đưa lại những khám phá mới về những bài thơ Đường đã từ lâu quen thuộc với chúng ta.
Trước đây khi phân tích thơ Đường, người ta không chú ý đến ngôn ngữ thơ mà nặng về những cảm nhận chủ quan, với những câu bình tán, chẳng hạn như câu thơ hay, hàm súc, cô đọng hay câu thơ sống động,…mà không có sự phân tích ngôn ngữ làm cơ sở cho lời bình. Hiện nay, với cách thức nghiên cứu ngôn ngữ, các nhà nghiên cứu thường chú ý đến đặc điểm ngôn ngữ thơ, tính chất miêu tả của ngôn ngữ như đối chiếu tính chất đơn âm hay đa âm, cách sử dùng từ,…
Bài Thu hứng được đưa vào giảng dạy trong nhà trường là bài đầu tiên trong chùm thơ gồm 8 bài của Đỗ Phủ. Trước đây, khi phân tích bài thơ này, phần lớn nhà phê bình chỉ chú ý cảnh mùa thu, xa hơn là thấy được ““Nỗi nhớ quê cảm thương xưa và nay, cuộc đời ông Đỗ thấy cả ở đây. Cái tài của ông thật là cao, sức viết của ông thật là giỏi” (Thẩm Đức Tiềm)” [59, 46]. Đó là những lời tán tụng khá chung chung. Với góc nhìn thi pháp học, có rất nhiều nhà nghiên cứu đã đi sâu khám phá văn bản này, tiêu biểu là Nguyễn Thị Bích Hải với Bình giảng thơ Đường và hai tác giả Cao Hữu Công, Mai Tổ Lân với bài viết “Thu hứng” của Đỗ Phủ. Các tác giả đều tập trung vào ngôn ngữ bài thơ với các “mã” nghệ thuật. Ngay trong câu mở đầu đã “điểm minh đầu đề” (làm rõ đầu đề): thu hứng. Nỗi buồn được thể hiện bằng khung cảnh rừng thông tàn tạ và đặc biệt tập trung ở hai chữ “điêu thương”.
Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm Vu sơn, Vu giáp khí tiêu sâm
Nguyễn Thị Bích Hải phân tích “Tính - động từ “điêu thương” do chính Đỗ Phủ sáng tạo ra để tả cảnh rừng phong, đồng thời thể hiện nỗi buồn thương của con người. Trong từ vựng Trung Quốc, thông thường người ta chỉ dùng “điêu tạ”, “điêu linh”, “điêu lạc”, “điêu tàn”, chỉ với Đỗ Phủ mới có “điêu thương” (chữ “thương” thường chỉ dùng cho con người)” [14, 80]. Hai câu thực tả cái “động” của sóng trên sông, mây trên ải; để từ đó, nhãn giới thu hẹp về cảnh trước mắt:
Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ Cô chu nhất hệ cố viên tâm
Có thể nói đây là hai câu thơ hay nhất của bài thơ và tiêu biểu cho cấu trúc câu đối đa nghĩa. Theo Cao Hữu Công, Mai Tổ Lân, hai câu thơ này “dù xem là hai câu độc lập được đặt đẳng lập hay là xem thành một câu liên tục, đều có thể đọc thông được, là một cấu trúc song hướng” [5, 25-26]. Mỗi dòng
thơ có hai cấu trúc ngữ pháp khác nhau. Câu thơ thứ 5 có hai cách giải thích: một là “tha nhật lệ” là tân ngữ của “lưỡng khai”, như thế khóm cúc với những giọt sương như giọt lệ đã hoà làm một với những giọt lệ của nhà thơ; hai là “tha nhật”, vừa chỉ quá khứ, cũng có thể chỉ tương lai, vì vậy câu thơ không chỉ thuyết minh nỗi bất hạnh của nhà thơ trong hai năm sống ở Quỳ Phủ mà còn biểu hiện mối bi quan của nhà thơ về tiền đồ của mình. Câu 6 cũng thể hiện sự đa nghĩa về ngữ pháp: một mặt cấu trúc ngữ pháp nhấn mạnh đến sự đối sánh giữa con thuyền cô đơn phải lưu lại với tình cảm nhớ quê mãnh liệt của nhà thơ; mặt khác nhấn mạnh đến mối liên hệ ngẫu nhiên giữa con thuyền bị buộc chặt với việc nhà thơ bị mắc kẹt ở trong thuyền. Đặc biệt, trong hai câu thơ này có nhãn tự là hai động từ “khai” (nở) và “hệ” (buộc) với hai số từ kết hợp dùng làm trạng từ gắn liền hai động từ trên: “lưỡng khai”, “nhất hệ”. Bài thơ kết thúc đột ngột với âm thanh sinh hoạt nhưng lại “mở ra nỗi lo âu buồn nhớ mênh mông” [14, 83], là nhịp bắc cầu sang Thu hứng bài sau:
Hàn y xứ xứ thôi đao xích
Bạch đế thành cao cấp mộ châm
Như vậy, các nhà nghiên cứu đã xuất pháp từ ngôn ngữ với các “mã” nghệ thuật để làm rõ nghệ thuật đặc sắc của bài thơ. Từ đó khám phá được thông điệp mà Đỗ Phủ gửi gắm qua thi phẩm.
Cách thức nghiên cứu về mối quan hệ giữa các yếu tố cấu trúc xem xét các yếu tố trong cấu trúc văn bản tương quan với nhau như thế nào, mối quan hệ giữa mô hình cấu trúc quen thuộc và sự phá cách trong bài thơ,… Như vậy, các nhà nghiên cứu chú ý đến cấu trúc của bài thơ. Chính nhờ vậy mà rất nhiều những phá cách hay sáng tạo trong các bài thơ Đường được phát hiện, phân tích - điều mà với những phương pháp nghiên cứu thiên về nội dung xã hội, bỏ qua cấu trúc văn bản không thể nhìn thấy được.
Đặt bài thơ Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu trong cấu trúc bài thơ Đường luật, các nhà nghiên cứu đã thấy được sự phá cách của bài thơ được xem là một kiệt tác thơ Đường, từng được Nghiêm Vũ, nhà phê bình văn học thời Tống nhận xét: “Thơ thất ngôn luật thi của người đời Đường, bài Hoàng hạc lâu của Thôi Hiệu là đệ nhất” [14, 57]. Các nhà phê bình, nghiên cứu bài thơ này trước đây hầu như chỉ thấy được đây là bài thơ vịnh ngôi lầu, thấy được nỗi sầu trước cuộc đời, thế thái nhân tình. Sau 1980, các nhà thi pháp học đã phanh phui cấu trúc của bài thơ. Theo luật thi, một bài thơ Đường bảy chữ (thất ngôn bát cú), nguyên tắc niêm luật phải chặt chẽ, phải tuân theo luật đối ngẫu, hai liên ở giữa phải đối nhau, hài hoà cả thanh lẫn ý. Nhưng Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu là một ngoại lệ. Đây là bài thơ tiêu biểu cho vấn đề phá cách niêm luật trong thơ Đường. Bốn câu đầu bài thơ không theo đúng quy luật bằng trắc, làm ta tưởng chừng như đó là một bài thơ cổ phong. Về vấn đề này, trong Phân tích bình giảng tác phẩm Văn học 10 (nâng cao), Nguyễn Khắc Phi phân tích: “Việc phá cách không gieo vần ở cầu thứ nhất, việc dùng liền ba thanh trắc ở cuối câu thứ 3, việc dùng lối “tam bình điệu” ở câu thứ 4, việc dùng liền ba từ “Hoàng hạc”, hai chữ “không”, hai chữ “khứ”, việc sử dụng cả hình thức đối ngẫu ở cặp đôi đầu và ở cả cặp đôi đầu lẫn cặp câu 2, đối ngẫu đều có chỗ không chỉnh (khứ - lâu, bất phục phản - không du du), hiện tượng câu thứ 1 và câu thứ 3 đều không theo luật “nhị tứ lục phân minh”, … tất cả đều phục vụ đắc lực cho việc thể hiện nội dung, làm nổi bật được những sắc thái tình cảm phong phú, tế nhị của tác giả…” [48, 109]. Sự phá cách của Thôi Hiệu không chỉ thể hiện trong bốn câu đầu mà đặc biệt là ở hai câu thực (sử dụng 6 vần trắc ở câu 3, đối không chỉnh với câu 4,…). Niêm luật của thơ Đường rất chặt chẽ, nhưng một bài thơ phá vỡ niêm luật chặt chẽ ấy như Hoàng Hạc Lâu mà vẫn được đánh giá là “Đệ nhất luật Đường” phải chăng là điều vô lí? Thật ra điều vô lí ấy lại không vô lí chút nào, không phải
Thôi Hiệu không biết niêm luật thơ Đường, nhưng nói như Nguyễn Khắc Phi là “biết mà vờ như không biết”, “ông đã tuân thủ nguyên tắc “thơ lấy ý làm chính”, “không để từ làm hại ý”, từ đó mạnh dạn phá vỡ một số trói buộc của thể thơ Đường” [48, 109] bởi vì: “Những tác phẩm luật thi được đưa ra phân tích thường là những tác phẩm xuất sắc, do đó, đều là những công trình sáng tạo. Mà đã sáng tạo thì nhất thiết không bao giờ chịu gò vào những khuôn khổ quá chặt chẽ”[45, 61]. Những chỗ phá cách trong bài thơ đã hé lộ sự không gò bó, sự khoáng đạt trong phong cách thơ của Thôi Hiệu. Đó cũng là một nguyên nhân khiến cho Hoàng Hạc Lâu có ảnh hưởng sâu rộng đến thơ ca đương thời và đời sau.
Cũng nghiên cứu về cấu trúc bài thơ Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu, trong Tác phẩm văn học trong nhà trường phổ thông, một góc nhìn, một cách đọc, Phan Huy Dũng chỉ ra rằng, bài thơ Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu được triển khai theo cấu trúc triết lí: “thoạt đầu là ghi nhận về một hiện thực; bước tiếp theo: triết lí về hiện thực đó, rút ra những vấn đề có ý nghĩa qui luật; cuối cùng là việc đề nghị với nhân quần một thái độ ứng xử thích hợp” [6, 34]. Hai câu đầu mở ra với những nét ghi nhận về tiêu vong:
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu
Điều đáng chú ý trong hai câu thơ trên không phải là những hình ảnh cụ thể, cảm tính mà ở chỗ tác giả đã đối sánh hai thì ở thời gian lịch sử (thì hiện tại và thì quá khứ) giữa cái còn và cái mất. Thì ra lầu Hoàng Hạc chỉ là một vế của phương trình đã được cân bằng thuở trước, vì thế nữa còn lại chơi vơi này gợi đến một nữa đã chìm khuất trong dòng thời gian chảy xiết vô định. Hai câu thơ tiếp bắt đầu đi vào triết lí trực tiếp qua một sự đối lập mới:
Hoàng Hạc nhất khứ bất phục phản Bạch vân thiên tải không du du
(Hạc vàng đi mất từ xưa,
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay)
Đó là sự đối lập giữa một bên là cái tiêu trầm không thể vãn hồi với một bên là cái trường tồn của thiên nhiên, cái mạnh mẻ và vô tình của quy luật cuộc sống. Theo Phan Huy Dũng, sự chuyển điệu của bài thơ ở đây cũng ngụ tính triết lí, “Từ chỗ vật vã với những sự kiện thực tế, cõi lòng bỗng chốc đã tìm được sự thanh thản trong việc nhận thức ra quy luật, trong việc xác lập một chỗ đứng mới để thẩm định các giá trị ở đời” [6, 35]. Hai câu tiếp theo nhà thơ triết lí bằng ngôn ngữ thiên nhiên. Điều này làm tăng sức thuyết phục cho vấn đề có giá trị như sự khám phá quy luật đã được nói rõ ở các câu trước.
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
(Hán Dương sông tạnh cây bày Bãi xa Anh Vũ xanh dày cỏ non)
Hai câu cuối là lời đề nghị về một thái độ sống. Càng nhận thức được cái nghiệt ngã của quy luật, cái khoảnh khắc phù du của kiếp người, con người càng có cảm giác cô đơn. Đây chính là lúc hình ảnh quê hương hiện lên da diết như một điểm tựa của cõi lòng là nơi trú ẩn cuối cùng của những tâm hồn không tìm được sự bình an khi hướng ngoại và là đối cực của những cái vạn biến trong cuộc đời.
Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu còn chú ý đến quan hệ liên văn bản. Họ sử dụng cách thức đối chiếu văn bản, đặt văn bản trong một chuỗi văn bản kế tiếp nhau trong lịch sử. Mục đích của nhà nghiên cứu là tìm ra nét riêng, độc đáo của bài thơ trong mối quan hệ liên văn bản đó; đồng thời thấy được dấu ấn của các bậc tiền bối trong thơ Đường hoặc dấu ấn của thơ Đường trong sáng tác của thi nhân thời sau.
Để thấy được hiệu quả của việc đối chiếu văn bản này, chúng ta trở lại với bài thơ Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu dưới một góc độ nghiên cứu khác. Đó là mối liên hệ với các bài thơ khác. Trong bài viết Chất liệu nghệ thuật trong bài thơ Hoàng Hạc lâu của Thôi Hạo, khi nhận xét về hai câu: “Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ /Xuân thảo thê thê Anh Vũ châu” (ở đây chúng tôi ghi theo đúng phiên âm của tác giả bài viết), Phạm Ánh Sao cho rằng: “từ góc nhìn “liên văn bản”, chúng tôi nhận ra những ký tự vẫn lờ mờ ẩn hiện trên “tấm da dê” còn chưa cạo sạch. Liên thơ này chính là hậu duệ của bốn dòng thơ trong bài Ẩm tửu của Đào Uyên Minh, trong quá trình tiến hóa đã “đứt đuôi nòng nọc” (biến mất 2 dòng cuối) và trưởng thành (từ ngũ ngôn thành thất ngôn); là anh em với Vọng Lư Sơn bộc bố của Lý Bạch, Tuyệt cú của Đỗ Phủ; là bạn bè với liên thứ hai bài Phong Kiều dạ bạc và Trừ Châu Tây Giản. Nó thuộc phạm trù Thịnh Đường, cả về tư duy thơ lẫn nghệ thuật thơ” [57]. Phan Huy Dũng cũng khẳng định: Bài thơ “là sự kết tinh trong suốt vẻ cao diệu của loại thơ trong đó có những bài như Đằng Vương các của Vương Bột,
Đăng Tổng Tì các của Sầm Tham, Đăng Kim Lăng Phượng Hoàng Đài của Lý Bạch, vì vậy, nó xứng đáng được người xưa đánh giá là một trong những bài luật thi hay nhất của đời Đường” [6, 37].
Nhiều nhà phê bình đặt vấn đề so sánh Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu với Đăng Kim Lăng Phượng Hoàng Đài của Lý Bạch:
Phụng hoàng đài thượng phụng hoàng du Phụng khứ đài không giang tự lưu
Ngô cung hoa thảo mai u kính Tấn đại y quan thành cổ khâu Tam sơn bán lạc thanh thiên ngoại Nhị thủy trung phân Bạch lộ châu Tổng vị phù vân năng tế nhật
Trường An bất kiến sử nhân sầu
(Đăng Kim Lăng Phượng Hoàng Đài) Có thể thấy câu 3, “Phụng khứ đài không giang tự lưu”, bao hàm ý của hai câu 3 và 4 trong bài Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu, “Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản/Bạch vân thiên tải không du du”. Tuy hai bài thơ dù có chung ba chữ cuối cùng “sử nhân sầu”, nhưng ý nghĩa không giống nhau. Tạ Quốc Tuấn phân tích: “Trong khi “sử nhân sầu” của Thôi Hạo biểu đạt ý buồn sầu vì tưởng nhớ đến “hương quan” (quê nhà), nghĩa là mang ý niệm cá nhân, thì “sử nhân sầu” của Lý Bạch vượt xa hơn, nó mang ý niệm ái quân ưu quốc, như diễn tả trong từ “Trường An”, một từ vừa theo nghĩa đen chỉ nơi nhà Đường đóng đô, vừa theo nghĩa bóng tiêu biểu cho quốc gia dân tộc” [77]. Có nhiều ý kiến so sánh hơn kém giữa hai bài thơ này như: bài thơ của Lý Bạch hay hơn bài thơ của Thôi Hiệu vì đã đề cập đến một vấn đề có ý nghĩa xã hội thiết thực hơn hoặc đánh giá nội dung thơ Thôi Hiệu có tầm khái quát cao sâu hơn, nghệ thuật cũng siêu việt hơn, tình điệu thơ bay bổng, phóng túng hơn. Tuy nhiên, đó không phải là điều trọng tâm, cái chính là chúng ta thấy được